Hàng nghìn người khắp thế giới ký kiến nghị ‘đòi công lý’ cho Hồ Duy Hải
19/05/2020
Tính đến tối 19/5, giờ Việt Nam, 5.000 người ở Việt Nam và nhiều nước khác đã ký “Kiến nghị đòi công lý cho tử tù Hồ Duy Hải”, được gửi tới các lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, các đại diện của Liên Hiệp Quốc, Liên hiệp châu Âu, Mỹ, các tổ chức quốc tế khác và nhiều đại sứ quán ở Hà Nội.
Bản kiến nghị, cũng được đăng từ hôm 17/5 trên trang avaaz.org chuyên dành cho các cuộc vận động online, đề nghị chủ tịch nước Việt Nam “tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải” vì quá trình điều tra và xét xử vụ án đã “đặt ra nhiều nghi vấn và gây quan ngại sâu sắc” trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.
Như tin đã đưa, Hồ Duy Hải, năm nay 35 tuổi, bị buộc tội giết chết 2 cô gái hồi tháng 1/2008 ở tỉnh Long An. Hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm cách đây nhiều năm tuyên phạt bị cáo này mức án tử hình, song ông Hải và gia đình kêu oan.
Tháng 11/2019, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao xử giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy cả hai bản án trước đây. Nhưng hôm 8/5 vừa qua, Hội đồng Giám đốc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao bác kháng nghị, đồng nghĩa là bản án tử hình của Hồ Duy Hải có hiệu lực ngay.
Bản kiến nghị “đòi công lý” cho Hồ Duy Hải chỉ ra rằng “có rất nhiều điểm sai phạm, thiếu minh bạch” trong quá trình điều tra và xét xử, cho thấy những quyền con người cơ bản của Hồ Duy Hải “đã không được tôn trọng”.Nếu những sai phạm trong việc điều tra và xét xử của các cơ quan tư pháp trong vụ án này không được sửa chữa, thì bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể là một Hồ Duy Hải kế tiếp.Tiến sỹ Ly Phạm, ở Mỹ, viết trên Facebook cá nhân
Những người tham gia ký văn bản này “khẩn thiết đề nghị” chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, hãy ra quyết định “tạm dừng” thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Đề nghị quan trọng tiếp theo được những người ký kiến nghị đưa ra là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải “thành lập Ủy ban giám sát vụ án” để đánh giá lại tính khách quan và chính xác của phiên giám đốc thẩm.
Theo bản kiến nghị, nếu phiên xét xử đó có “sai sót nghiêm trọng”, Quốc hội phải “bãi nhiệm” Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình, cùng với các thành viên Hội đồng Thẩm phán, và thay thế họ bằng chánh án và các thẩm phán mới.
Vẫn trên cơ sở cho rằng phiên giám đốc thẩm có sai phạm, bản kiến nghị viết rằng Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao mới cần phải “xem xét lại” quyết định giám đốc thẩm hôm 8/5/2020, và “chấp nhận Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, hủy các bản án kết án tử hình Hồ Duy Hải để tiến hành điều tra và xét xử lại vụ án”.
VOA được biết những người ký kiến nghị gồm nhiều nhà trí thức, nhà hoạt động, nhà báo, doanh nhân… được nhiều người biết tiếng, hiện cư trú ở Việt Nam, Mỹ, Úc, châu Á, châu Âu như Khuất Thu Hồng, Nguyễn Hoàng Ánh, Lê Hoài Anh, Nguyễn Thuý Hạnh, Cao Vĩnh Thịnh, André Menras Hồ Cương Quyết, Nguyễn Vi Yên, Mạc Việt Hồng, v.v…
Theo quan sát của VOA, không lâu sau khi bản kiến nghị được gửi đến lãnh đạo Việt Nam và đăng lên mạng, báo chí trong nước loan tin hôm 19/5 rằng Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí mới đây đã “báo cáo quan điểm” của viện này về vụ Hồ Duy Hải với Tổng bí thư-Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, và Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
Theo tin của Thanh Niên và Tuổi Trẻ, Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định kháng nghị giám đốc thẩm của mình là “có căn cứ và cần thiết, đúng pháp luật và đúng thẩm quyền”.
Báo cáo của Viện Kiểm sát, được Thanh Niên trích lại, chỉ ra rằng chứng cứ buộc tội Hồ Duy Hải chủ yếu là lời khai của chính bị cáo, nhưng ngay những cả lời khai này cũng không nhất quán, mâu thuẫn với nhau, lúc nhận tội, lúc kêu oan; trong khi đó, không có chứng cứ vật chất trực tiếp.Kháng nghị của Viện Kiểm sát không nói Hồ Duy Hải có tội hay không tội, nhưng viện thấy vụ án có nhiều sai sót về thủ tục tố tụng và chứng cứ chứng minh chưa chặt chẽ, nên yêu cầu kháng nghị hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại.Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí nói với cử tri, 18/5
Vẫn bản báo cáo nói rằng “nhiều tình tiết quan trọng chưa làm rõ” và có nhiều “vi phạm tố tụng nghiêm trọng” trong quá trình điều tra.
Có 3 điểm hàng đầu “chưa được làm rõ” và vì vậy cần phải hủy các bản án trước đây để xác định lại, báo cáo của Viện Kiểm sát nói, được Thanh Niên và Tuổi Trẻ dẫn lại.
Đó là sự bất hợp lý về thời điểm Hồ Duy Hải bị cho là xuất hiện tại nơi xảy ra vụ án; có 5 dấu vân tay tại hiện trường được giám định là không phải của Hải, nhưng chưa rõ của ai; và thời điểm tử vong của 2 nạn nhân cũng không chắc chắn để xác định Hải có phải hung thủ không.
Viện Kiểm sát đề cập đến “nhiều vi phạm nghiêm trọng” về thủ tục tố tụng và đặc biệt lưu ý đến việc nhiều tài liệu quan trọng bị “bỏ ngoài hồ sơ”, như lời khai ban đầu bị cáo “không nhận tội”, lời khai nhân chứng, tài liệu thu giữ dấu vân tay và kết quả truy nguyên cá biệt dấu vân tay.
Do các sai phạm đó, viện nhấn mạnh rằng “cần hủy án để bổ sung các tài liệu này vào hồ sơ”.
Trước đó, cũng chính Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí khi gặp gỡ cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 18/5 đã phát biểu rằng kháng nghị của Viện Kiểm sát không nói Hồ Duy Hải có tội hay không tội, nhưng viện thấy vụ án có nhiều sai sót về thủ tục tố tụng và chứng cứ chứng minh chưa chặt chẽ, nên yêu cầu kháng nghị hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại, nhằm khẳng định có tội hay không một cách thận trọng, khách quan.
VOA nhận thấy phát biểu của Viện trưởng Lê Minh Trí cũng phần nào trùng quan điểm với những người ký bản kiến nghị đòi công lý cho Hồ Duy Hải.
Viết trên Facebook cá nhân, tiến sĩ Ly Phạm ở Mỹ, một trong những người đầu tiên ký kiến nghị, bày tỏ rằng những người khởi xướng văn bản này không chỉ quan tâm đến Hồ Duy Hải, mà còn “quan tâm đến việc hệ thống tư pháp Việt Nam phải được bảo đảm để bảo vệ công lý, ít nhất là trong khuôn khổ pháp lý hiện tại, và xa hơn là cải cách cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế”.
Bản kiến nghị chỉ đòi hỏi rằng những vi phạm luật tố tụng hình sự phải được sửa chữa, và sửa chữa theo cách phù hợp với qui phạm pháp luật hiện tại dựa trên các diễn biến của vụ án cho đến thời điểm này, bà Ly, người cũng có nhiều hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam, viết.
“Nếu những sai phạm trong việc điều tra và xét xử của các cơ quan tư pháp trong vụ án này không được sửa chữa, thì bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể là một Hồ Duy Hải kế tiếp. Nếu chính các cơ quan bảo vệ pháp luật ở bậc cao nhất lại vi phạm pháp luật, thì người dân còn biết tin vào đâu nữa?” nữ tiến sĩ đưa ra cảnh báo.