Dịch Covid-19: tại sao lãnh đạo nói một đằng, làm một nẻo?
Ian LeslieBBC Worklife
Để giảm thiểu những đau khổ do Covid-19 gây ra, các nhà lãnh đạo toàn cầu đang kêu gọi mọi người hy sinh.
Trong một khoảng thời gian, mọi người trên khắp thế giới đang từ bỏ nhiều thứ mà họ vẫn thích làm như: thăm bạn bè và gia đình, đi du lịch, mua sắm, tụ tập với người khác.
Điều đó là khó làm, nhưng do các chính phủ khuyên rằng đây là cách làm có trách nhiệm duy nhất, nên hầu hết mọi người đều làm theo.
Đạo đức giả?
Nếu có những ai mà bạn cho rằng sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc mới này, thì đó sẽ là những người ban hành quy tắc.
Các chính trị gia và các quan chức chính phủ nhận thức sâu sắc hơn về mức độ nghiêm trọng của tình hình hơn bất kỳ ai và có thêm trách nhiệm làm gương cho số còn lại trong chúng ta.
Vậy nhưng tại sao rất nhiều người trong số họ không làm theo lời khuyên của chính mình?
Người đứng đầu ngành y tế của Scotland, bác sĩ Catherine Calderwood, buộc phải từ chức sau khi báo chí phát hiện ra rằng trong thời gian phong tỏa, bà đã hai lần đi đến ngôi nhà thứ hai của bà, nằm cách tư gia của bà ở Edinburgh một giờ lái xe.
Ở New Zealand, Bộ trưởng Y tế David Clark bị giáng chức sau khi ông vi phạm quy tắc phong tỏa toàn quốc để đưa gia đình đi biển.
Ở Nam Phi, một bộ trưởng bị cho ngưng chức sau khi bà bị chụp hình ăn trưa với bạn.
Tất nhiên, đây không phải là một hiện tượng chỉ giới hạn ở cuộc khủng hoảng hiện tại hoặc chỉ một số chính phủ.
Năm 2019, giám đốc điều hành của McDonald, Steve Easterbrook, bị sa thải sau khi mọi việc vỡ lỡ rằng ông có quan hệ yêu đương với một nhân viên. Mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy mối quan hệ đó có gì khác hơn ngoài sự đồng thuận, mối quan hệ này rõ ràng đã vi phạm các quy tắc nghiêm ngặt của công ty về yêu đương tại nơi làm việc – mà Easterbrook vốn là người chịu trách nhiệm cuối cùng.
Sức mạnh của một nhà lãnh đạo phụ thuộc vào việc mọi người có cảm nhận họ là người chính trực; với việc hành động một cách đạo đức giả, các nhà lãnh đạo làm suy yếu vị trí của chính họ.
Và hầu hết các lãnh đạo đều muốn được yêu mến, ấy vậy mà mọi người lại tức giận vì tiêu chuẩn kép.
Vậy thì, tại sao hành vi này lại phổ biến như vậy – và điều gì giải thích cho việc này?
Làm hài lòng nhiều người khác nhau
Daniel Effron là nhà tâm lý học xã hội và phó giáo sư tại Trường Kinh doanh London, nghiên cứu hành vi đạo đức giả.
\”Mọi người có thể không nhất quán mà vẫn không bị cho là đạo đức giả,\” ông nói. \”Nếu một người nghiện nói mọi người rằng đừng chơi ma túy, sẽ có ít người lên án họ vì điều đó.\”
\”Nhưng nếu ai đó miệng nói đạo đức trước mặt mọi người trong khi sau lưng họ lại làm điều xấu, mọi người sẽ tức giận vì họ cho rằng người đó đang có được những lợi ích đạo đức – của việc làm người tốt trong mắt mọi người – điều mà họ không xứng đáng.\”
Chính là sự không công bằng, chứ không phải không nhất quán mới là điều tác động đến chúng ta.
Nếu các nhà lãnh đạo biết rằng đạo đức giả sẽ đem lại hậu quả tồi tệ, vậy tại sao họ lại để cho mọi người có lý do để buộc tội họ?
Cách giải thích đơn giản nhất là họ nghĩ rằng họ có thể không sao.
Tuy rằng điều đó có thể đúng trong một số trường hợp, nhưng Effron chỉ ra rằng hầu hết mọi người muốn coi mình là người có đạo đức.
Một lý do tinh tế hơn là kết cục họ làm chuyện này nhưng miệng thì nói chuyện khác để muốn làm hài lòng các nhóm khán giả khác nhau.
\”Trong tất cả các tổ chức, mọi người bị kẹt giữa các yêu cầu trái ngược của các bên khác nhau,\” Effron nói. \”Cử tri này muốn điều A, cử tri kia không muốn A, và nhà lãnh đạo cố gắng làm vừa lòng cả hai: một bên bằng lời nói, bên kia hành động, mặc dù lời nói và hành động mâu thuẫn nhau.\”
Bạn có thể nghĩ rằng trong một cuộc khủng hoảng như thế này, các nhà lãnh đạo quốc gia chỉ có một đối tượng để nhắm tới – công chúng.
Nhưng hãy thử xem xét từ quan điểm của họ, Effron nói. \”Đôi khi, một trong những đối tượng có liên quan sẽ là người thân của họ. Họ có thể cần phải cân bằng nhu cầu của gia đình trước trách nhiệm vụ của họ đối với công chúng.\”
Đối với một cá nhân đang cố gắng làm hài lòng nhiều đối tượng, không nhất thiết chúng ta phải cảm thấy như là họ làm điều tốt trước công chúng và điều xấu sau lưng. Có thể nghĩ là họ đang cố làm điều tốt trong hai bối cảnh khác nhau.
Effron đã nghiên cứu cách mọi người từ các nơi khác nhau trên thế giới nghĩ về hành vi không nhất quán.
Ông nhận thấy rằng trong các nền văn hóa vốn nhấn mạnh lợi ích của tập thể hơn là lợi ích cá nhân, như có thể thấy ở một số nước châu Á và Mỹ Latin, thì hành vi không nhất quán không đương nhiên được cho là gắn kết với tính đạo đức giả như ở các nền văn hóa mang tính cá nhân hơn như Anh và Mỹ.
Trong các nền văn hóa mang tính cộng đồng, người ta chấp nhận rằng các chính trị gia có nhiều đối tượng để phục vụ và sẽ ưu tiên giữ gìn các mối quan hệ – ngay cả khi điều đó có nghĩa là nói một đằng, làm một nẻo.
Tích trữ đạo đức
Có một lý do nữa khiến cho các nhà lãnh đạo hành xử đạo đức giả, đặc biệt là khi họ chịu áp lực.
Nó liên quan đến một hiện tượng mà các nhà tâm lý học gọi là \’cấp phép đạo đức\’.
Vào năm 2008, năm mà ông Barack Obama trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, Effron và các đồng nghiệp của ông đã tuyển mộ một nhóm những ủng hộ viên da trắng của ông Obama trong một thử nghiệm.
Tất cả những người tham gia được hỏi rằng liệu một công việc cụ thể nào đó thì phù hợp với người da đen hơn hay với người da trắng hơn.
Phân nửa những người tham gia được hỏi một câu hỏi sơ bộ rằng họ có phải là người ủng hộ ông Obama hay không (họ không biết rằng người đặt câu hỏi đã biết về sự ủng hộ của họ đối với Obama).
Những người trả lời câu hỏi bổ sung này dễ cho rằng công việc tổng thống thì phù hợp với người da trắng hơn là người da đen.
Nói cách khác, họ không quan tâm đến việc bị đánh giá là có định kiến, bởi vì một khi đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho Obama đã khiến họ cảm thấy an tâm về bằng chứng chống phân biệt chủng tộc của họ.
Các nhà tâm lý học nhận thấy rằng việc cấp phép đạo đức thể hiện trong tất cả các bối cảnh.
Chẳng hạn, nhớ lại trường hợp gần đây về hành vi đạo đức của chính bản thân mình có thể làm giảm đi ý định của họ trong việc quyên góp, hiến máu và làm các công việc tình nguyện.
Mua một sản phẩm thân thiện với môi trường có thể khiến mọi người có khả năng gian lận và ăn cắp hơn.
Nói hoặc làm điều gì đó đạo đức dường như khiến mọi người cảm thấy có quyền hành động theo cách có thể khiến đạo đức tính của họ bị nghi ngờ.
Các nhà lãnh đạo, đặc biệt là trong những cuộc khủng hoảng như hiện tại, thường hoạt động hết mình cho những gì họ xem là lợi ích chung.
Họ có thể cố gắng giữ cho mọi người khỏe mạnh trong đại dịch hay đảm bảo tương lai cho đảng phái của họ. Về mặt tâm lý, họ đang tích lũy cho mình thành tích đạo đức.
Điều đó khiến họ có thể đánh giá hành vi của họ dễ dãi hơn, ngay cả khi nó đi về phía phi đạo đức.
\”Chúng ta luôn có thể nghĩ về những lời giải thích cho lý do tại sao \’Tôi phải được hưởng ngoại lệ\’,\” Effron nói. \”Và chúng ta thực sự giỏi trong việc thuyết phục bản thân rằng đó là những lý do đúng.\”
Không chỉ vậy, mọi người cũng tự thuyết phục bản thân rằng những người khác cũng sẽ đánh giá hành vi của họ giống như họ.
Trong một thí nghiệm khác của Effron, mọi người được yêu cầu quay hình họ đang thảo luận về tầm quan trọng của một giá trị, như ý thức bảo vệ môi trường.
Sau đó, họ được yêu cầu viết ra một thời điểm mà họ không làm theo lời khuyên của chính mình. Trước khi lời thú nhận của họ được trưng ra cho người khác xem, họ đã đánh giá thấp mức độ của sự lên án mà họ sắp hứng chịu vì hành vi không nhất quán của họ.
Điều này nghe có vẻ ngây ngô, nhưng tất cả chúng ta đều gặp khó khăn để hiểu những người khác nghĩ gì.
Các nhà lãnh đạo không tuân theo các quy tắc chính họ đã đặt ra có thể làm vậy là vì những lý do mà họ thấy là hoàn toàn hợp lý đối với họ.