Mỹ thông báo ý định rút ra khỏi Hiệp Ước “Open Sky”
Đăng ngày: 22/05/2020
Mai Vân
Vào hôm qua, 21/05/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump đã loan báo ý định rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp ước gọi là Open Sky – Bầu trời mở, ký kết năm 2002 giữa 34 quốc gia trong đó có Mỹ và Nga. Lý do phía Hoa Kỳ đưa ra là Nga đã liên tục vi phạm hiệp ước này.
Theo thông tín viên RFI Anne Corpet tại Washington, như vậy đây là một hiệp ước quốc tế liên quan đến lãnh vực quân sự thứ hai mà ông Donald Trump phủ nhận.
“Đây là lần thứ hai mà tổng thống Mỹ rút Hoa Kỳ ra khỏi một hiệp ước quốc tế thuần túy về quân sự. Và đây cũng là lần thứ hai mà Donald Trump tố cáo Nga vi phạm hiệp ước để biện minh cho quyết định của mình.
Quyết định năm ngoái liên quan đến một hiệp ước quốc tế về tên lửa tầm trung, còn lần này là một hiệp định “mở cửa không phận” đã được 34 quốc gia ký kết vào năm 2002, cho phép phi cơ quan sát quân sự bay qua không phận của các nước thành viên.
Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Mỹ giải thích rằng chức năng trung tâm của hiệp ước, vốn là gia tăng mức độ minh bạch và hợp tác giữa các nước, đã bị những vi phạm liên tục của Nga phá hoại.
Một phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ nêu ra ví dụ cụ thể là Nga đã cấm không cho phi cơ đồng minh đến gần vùng Kaliningrad thuộc Nga trong một khoảng cách 500 cây số.
Quyết định của Mỹ sẽ không có hiệu lực trước 6 tháng, và tổng thống Nga Putin đã để ngỏ cánh cửa đàm phán,
Về phía Mỹ, tổng thống Trump cho rằng “Nga sẽ muốn có một hiệp ước mới”, trong lúc bộ Ngoại Giao nói rõ là nếu Matxcơva cam kết tôn trọng hiệp ước thì Washington có thể xem xét lại quyết định của mình.”
Đức kêu gọi Mỹ rút lại quyết định
Đức vào hôm qua đã phản ứng ngay, kêu gọi Mỹ xem xét lại ý định rút khỏi hiệp ước Open Sky. Trong một thông cáo, ngoại trưởng Đức Heiko Maas, cũng đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng các cam kết của mình.
Theo ngoại trưởng Đức, Berlin “sẽ cùng với các đồng mình nỗ lực (thuyết phục) Mỹ xem xét lại quyết định này”, và nói thêm là Pháp và Anh đã từng nhiều lần giải thích với Washington rằng việc Nga gây khó khăn cho việc áp dụng hiệp ước trong những năm gần đây không “biện minh” cho việc rút khỏi hiệp ước.