Công ty Huê Phong cắt giảm hàng ngàn công nhân vì Covid-19

Công ty Huê Phong cắt giảm hàng ngàn công nhân vì Covid-19

  • 25 tháng 5 2020
\"Công
Image captionCông ty giày Huê Phong

Công ty Huê Phong ở TP.HCM phải cắt giảm 2.222 công nhân do những tác động của đại dịch Covid-19.

Báo Tuổi Trẻ cho biết vào ngày 24/5, lãnh đạo Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM đã làm việc với Công ty cổ phần giày da Huê Phong liên quan đến việc công ty này cho hàng ngàn công nhân nghỉ việc.

Trước đó, Huê Phong đã thông báo cho nghỉ việc 2.222 lao động với tổng số tiền chi trả trợ cấp mất việc là 52 tỉ 747 triệu đồng.

Tổng số nhân viên của công ty trước khi giảm người là khoảng 4700 lao động.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng Phòng Nhân sự của Công ty Huê Phong, giải thích với báo Tuổi Trẻ:

\”Sau tết công nhân công ty vẫn trở lại nhà xưởng làm việc bình thường nhưng khi dịch Covid-19 xảy ra ở Trung Quốc và các nước châu Á, chúng tôi gặp khó khăn do nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

\”Thời gian qua, chúng tôi đã cho công nhân ngừng việc, trả lương không dưới mức lương tối thiểu. Nếu tiếp tục tạm hoãn hợp đồng lao động thì không chi trả lương và như vậy công nhân sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, khách hàng chưa cho biết cụ thể lúc nào họ sẽ khôi phục lại đơn hàng nên công ty buộc lòng phải cắt giảm lao động.\”

Được biết, 91% lượng hàng xuất khẩu của công ty này là tới thị trường châu Âu và Mỹ. Khi hai khu vực này đóng cửa để chống dịch Covid-19, các đơn hàng bị hủy, công ty đã không thể bán được sản phẩm của mình.

Ông Hưng nói rằng nếu tình hình tiếp tục khó khăn, công ty sẽ phải cắt giảm thêm khoảng 500 lao động nữa.

Huê Phong chỉ là trường hợp mới nhất trong số các doanh nghiệp là nạn nhân của đại dịch Covid-19. Các chỉ số về phá sản, sụt giảm doanh thu, thua lỗ và cắt giảm lao động tại Việt Nam hiện được đánh giá là \”rất đáng lo ngại\”.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 4 cho thấy khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Doanh thu quý I năm 2020 của các doanh nghiệp giảm xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí như chi trả lương và các khoản liên quan cho người lao động, lãi vay, thuê mặt bằng… Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp liên quan đến lao động: gần 30% doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; trên 21% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và gần 19% doanh nghiệp giảm lương lao động.

\"Thông
Image captionThông cáo về việc cắt giảm nhân sự của công ty Huê Phong

Cổng thông tin này cũng cảnh báo \”nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam (doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, đã có thị phần nhất định, có vai trò dẫn dắt một số ngành kinh tế quan trọng) có thể sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ\”.

Sau khi tình hình dịch bệnh tạm hạ nhiệt tại Việt Nam, vực lại các hoạt động kinh tế trở thành ưu tiên hàng đầu.

Tại hội nghị với doanh nghiệp ngày 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: \”Giờ là lúc lò xo bị nén lại sẵn sàng để bung ra. Cần tập trung hơn nữa khởi động nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 trên 5%, không thấp như IMF dự báo là 2,7%. Các bộ ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho doanh nghiệp\”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment