27/05/1972: Xô-Mỹ ký các thỏa thuận hạn chế vũ khí chiến lược
Nguồn: “SALT agreements signed,” History.com (truy cập ngày 26/5/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1972, Tổng Bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev cùng Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã ký các thỏa thuận của cuộc đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược (SALT) tại một cuộc họp ở Moskva. Tính đến thời điểm đó, những thỏa thuận này là nỗ lực lớn nhất đạt được nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Trước đó, Nixon và Brezhnev có vẻ không phải là những chính khách Mỹ và Liên Xô sẵn sàng ký một hiệp ước hạn chế hạt nhân mang tính đột phá. Cả hai đều là những người nổi tiếng là có chính sách cứng rắn trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng đến năm 1972, cả hai nhà lãnh đạo đều mong muốn một mối quan hệ ngoại giao gần gũi hơn giữa hai nước.
Liên Xô đã lâm vào một cuộc khẩu chiến ngày càng thù địch với Trung Quốc cộng sản; những tranh chấp biên giới giữa hai quốc gia đã nổ ra từ vài năm trước đó. Hoa Kỳ đang tìm kiếm sự giúp đỡ để tự giải thoát mình khỏi cuộc chiến tranh không được lòng dân và tốn kém ở Việt Nam. Riêng Nixon cũng muốn dân chúng Mỹ quên đi sự thật là trong suốt bốn năm làm tổng thống, ông đã thất bại trong việc chấm dứt cuộc xung đột ở Việt Nam. Hội nghị thượng đỉnh giữa Nixon và Brezhnev diễn ra tháng 5 năm 1972 là thời cơ để theo đuổi những mối quan hệ gần gũi hơn mà cả hai đều mong muốn.
Phiên họp quan trọng nhất ở hội nghị thượng định là các thỏa thuận đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược (SALT). Những cuộc đàm phán về SALT đã bắt đầu khoảng hai năm rưỡi, nhưng chỉ đạt được rất ít tiến bộ. Cuộc họp tháng 5 năm 1972 giữa Nixon và Brezhnev là một bước đột phá vĩ đại. Các thỏa thuận SALT ký ngày 27 tháng 5 giải quyết hai vấn đề chính. Thứ nhất, nó hạn chế số lượng các giàn tên lửa chống tên lửa đạn đạo (ABM) mà mỗi nước có thể có là hai. Thứ hai, số lượng của các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm được hạn chế ở mức hiện có.
Tuy nhiên, thỏa thuận không nhắc đến các phương tiện chứa nhiều đầu đạn dẫn hướng độc lập (một tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân) hay về sự phát triển của các loại vũ khí mới. Dù vậy, hầu hết người Mỹ và Liên Xô đều ca ngợi các thỏa thuận SALT là thành tựu to lớn. Đến tháng 8 năm 1972, Thượng viện Mỹ đã chấp thuận các thỏa thuận bằng số phiếu áp đảo. Những thỏa thuận này, sau này được biết tới dưới tên gọi SALT-I, là nền tảng cho tất cả các cuộc đàm phán hạn chế vũ khí sau này.