Biển Đông: Tham vọng Trung Quốc và chiến lược Việt, Mỹ thời Covid-19

Biển Đông: Tham vọng Trung Quốc và chiến lược Việt, Mỹ thời Covid-19

Mỹ HằngBBC News Tiếng Việt

  • 28 tháng 5 2020
\"BBC\"/

Chiến lược quốc gia chính của TQ từ nay đến năm 2045 là tăng cường sức mạnh mềm, hiện đại hóa quân đội, và trở thành một nước có sức ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Để làm được điều này, Trung Quốc sẽ nỗ lực làm giảm ảnh hưởng và sự hiện diện của Mỹ, làm suy yếu các đồng minh của Mỹ, bắt nạt các nước láng giềng và giành quyền kiểm soát trên Biển Đông.

Thông tin này được bà Bonnie Glaser, Cố vấn Cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đưa ra tại cuộc trao đổi trực tuyến tại ĐSQ Mỹ ở Hà Nội với báo giới hôm 27/5 về chủ đề An ninh Khu vực Biển Đông giai đoạn Covid-19.

Theo bà Bonnie Glaser, mục tiêu quốc gia của ông Tập Cận Bình đến năm 2045 là đưa Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, có ảnh hưởng toàn cầu, là lãnh đạo tiên phong về đổi mới, với lực lượng quân đội hùng mạnh nhất.

\"Bonnie

Mỗi nước phải tự xác định đi theo lập trường nào để thiết lập quan hệ với các nước có cùng chí hướng mà không phải chống lại Trung Quốc.Bà Bonnie Glaser, Cố vấn Cấp cao về châu Á của Mỹ

Liệu Trung Quốc có đang tranh thủ đại dịch Covid-19 để tăng cường gây sức ép trên Biển Đông nhằm tăng tốc cho tham vọng bá chủ của mình? Và Việt Nam, các nước có chung lợi ích trong khu vực, cùng các cường quốc như Mỹ, có thể làm gì để đương đầu với Trung Quốc?

BBC News Tiếng Việt ghi lại các điểm chính mà bà Bonnie Glaser đưa ra để trả lời câu hỏi của báo giới quanh các vấn đề này.

TQ lợi dụng Covid-19 để tăng cường hoạt động trên Biển Đông?

Theo bà Bonnie Glaser, quan điểm này được một số người đưa ra, nhưng bà cho rằng những gì Trung Quốc tiến hành trên Biển Đông trong thời gian dịch bệnh không có gì khác với những gì họ đã làm trước đây.

\”Ví dụ như việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò tới khu vực ngoài khơi Malaysia, việc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương tới khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rõ ràng không có sự liên quan của Covid-19. Đó là những thứ mà Trung Quốc đã luôn luôn thực hiện. Thậm chí việc Trung Quốc đánh chìm tàu cá Việt Nam vừa qua cũng không phải là cái gì mới. Trung Quốc thỉnh thoảng vẫn đánh chìm các tàu cá nước ngoài nếu họ nghĩ các tàu cá này có vẻ khiêu khích họ theo cách nào đó.\”

\”Hành động của Trung Quốc đôi khi có thể hiểu được rằng, không phải họ đang tận dụng tình huống, mà là việc họ phản ứng lại các tình huống mà họ cho là khiêu khích họ từ các nước khác.\”

Việt Nam và chính sách với Mỹ?

\"Trung

Trước câu hỏi Việt Nam có nên và có thể nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện vỡi Mỹ thành quan hệ đối tác chiến lược, trong khi luôn tuyên bố trung thành với chính sách \’4 không\’, bà Bonnie Glaser cho hay:

\”Việt Nam không phải là nước duy nhất có chính sách \’không liên lết với nước này để chống nước kia\’. Nhiều nước trên thế giới cũng có chính sách tương tự. Mỗi nước phải tự xác định đi theo lập trường nào. Bạn có thể thiết lập quan hệ quân sự với nước này, và thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với nước kia, chẳng hạn với Mỹ, đó là một ví dụ, mà không phải chống lại Trung Quốc.\”

\”Việt Nam có thể cho phép lực lượng cứu trợ của Mỹ hoạt động tại nước mình khi có thảm họa thiên nhiên, hoặc tham gia diễn tập quân sự với Mỹ. Những hoạt động này cũng gửi tín hiện tới Trung Quốc về các lo ngại chung mà các nước chia sẻ, như về sự bắt nạt của Trung Quốc với Việt Nam và các nước khác trong việc khai thác năng lượng ở vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông.\”

\”Mỗi nước cần tìm ra cho mình một \’khu vực an toàn\’ để ra tín hiệu rằng không liên kết với nước này để chống nước kia, nhưng vẫn có thể hợp tác cùng các nước khác để bảo vệ lợi ích của mình. Tôi cho rằng điều này cũng đã được nhìn thấy trên thực tế, qua việc Mỹ gửi tàu sân bay thăm cảng ít nhất hai lần tới Việt Nam vừa qua. Việt Nam có thể xem xét mở rộng hoạt động này với Mỹ. Vì đó là tín hiệu gửi tới Trung Quốc rằng Việt Nam vẫn có lựa chọn khác, nếu Việt Nam thực sự muốn tác động và thay đổi thái độ của Trung Quốc.\”

Ý nghĩa việc Mỹ mời VN tham gia RIMPAC 2020

Theo bà Bonnie Glaser, tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) là hoạt động hợp tác tập trận chung của các nước có chung quan điểm, cùng chia sẻ các nguyên tắc chung về tôn trọng trật tự thế giới, chia sẻ mối quan tâm chung về các giải pháp hòa bình, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nước theo luật quốc tế. Các nước này cùng nhóm lại, cùng tập luyện các kỹ năng cần thiết phục vụ cho lực lượng hải quân. Do đó đây là cơ hội \”rất quan trọng cho Việt Nam\”.

\”Bởi đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam ra tín hiệu rằng Việt Nam muốn trở thành một thành viên linh hoạt với nhóm các nước có cùng chí hướng, mà không cần phải chính thức \’liên kết\’ với nước nào. Mà chỉ là một nhóm các nước có mối quan tâm chung cùng nhóm lại để nâng cao các kỹ năng, năng lực hải quân cần thiết. Đây thực sự là cơ hội tốt cho Việt Nam.\”

Vai trò Chủ tịch ASEAN giúp gì cho VN?

Bà Bonnie Glaser đánh giá rằng việc Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 2020 là cơ hội tốt để đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên có một số bất lợi mà Việt Nam cần vượt qua để phát huy tốt vai trò của mình do đây là thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành.

\”Luôn luôn có cơ hội cho các nước đóng vai trò Chủ tịch ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Thật không may là năm nay chúng ta lại đang đối mặt với dịch bệnh Covid-19, và điều này có vẻ như làm chậm lại các tiến trình đàm phán COC. Nhưng hi vọng là Việt Nam vẫn có thể tổ chức các cuộc đàm phán để hợp tác online với các quốc gia khác.\”

\”Tôi hi vọng là sẽ có thêm các quan điểm chung được củng cố giữa các quốc gia ASEAN về việc làm thế nào để đối phó với Trung Quốc. Đó là một thách thức lớn. Nhưng ASEAN cần phải nói chuyện với nhau về cái gì là quan trọng nhất của một bộ COC. Bởi vì nếu chỉ đơn giản đàm phán COC với TQ mà không hiểu được cái quan trọng nhất là gì thì Trung Quốc có thể nắm quyền điểu khiển giữa và trong các quốc gia ASEAN, có thể gây chia rẽ các quốc gia ASEAN.\”

\”Trung Quốc không quan tâm tới việc phục vụ một ASEAN thống nhất và đoàn kết, mà muốn một ASEAN chia rẽ và yếu kém. Do đó tôi hi vọng Việt Nam sẽ đóng vai trò của mình để củng cố một ASEAN mạnh mẽ hơn, để thúc đẩy một số quan điểm, và đưa đối thoại COC quay trở lại, để đảm bảo rằng có một số phản ứng chống lại một số đòi hỏi của Trung Quốc, chống lại một số ngôn ngữ mà Trung Quốc cố gắng đưa vào COC có thể gây bất lợi cho lợi ích của các quốc gia ASEAN thành viên,\” bà Bonnie Glaser nói.

Việc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế

\”Theo tôi hiểu thì đây là một chủ đề mà Việt Nam đã nghĩ tới nhiều năm qua. Nhiều thông tin đã được thu thập, củng cố, và tôi được cho biết rằng Việt Nam luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào, ngay khi có quyết định cuối cùng, để đưa vụ việc ra tòa,\” bà Bonnie Glaser nhận định.

\”Tôi chắc chắn rằng đã có những tranh luận ở Việt Nam về cái lợi, cái hại, cái được, cái mất của quyết định này… Và đó phải là quyết định cuối cùng mà Việt Nam cần tự mình đưa ra. Tôi cho rằng đó cũng là điều mà Trung Quốc lo lắng. Do đó nó thực sự tùy thuộc việc Việt Nam cần làm rõ ràng rằng có đúng là họ muốn đưa vụ việc ra tòa hay không. Và nếu Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào chủ quyền biển của Việt Nam thì đến một lúc nào đó Việt Nam cần phải thực hiện điều này.\”

Mỹ sẽ tiến xa tới mức nào trong việc đối đầu với TQ?

Theo bà Bonnie Glaser, không có một tiêu chuẩn chuẩn mực nào cho phản ứng của Mỹ với Trung Quốc. Bà phân tích:

\”Tôi không nghĩ chính phủ Mỹ chuẩn bị trước rằng họ sẽ tiến bao xa trong việc đối đầu với Trung Quốc. Đó hẳn phải là bước cuối cùng mà Mỹ thực hiện. Bởi vì luôn có tính ngẫu nhiên trong các tình huống.\”

\”Nếu Trung Quốc muốn dùng vũ lực để chống lại một nước nào đó thì Mỹ hẳn sẽ xem xét xem có tham gia vào không? Một kịch bản mà tôi nghĩ tới là Trung Quốc dùng vũ lực quân sự để chặn tự do hàng hải trên khu vực tranh chấp trên Biển Đông, thì Mỹ sẽ phải xem xét để ra tín hiệu rằng các hành động này là không thể chấp nhận được.\”

\”Quyết tâm rõ ràng hơn hiện nay của Mỹ là sẵn sàng hơn trong việc hứng chịu các rủi ro có thể có với Trung Quốc hơn là Mỹ từng trong quá khứ. Tuy nhiên cũng rõ ràng rằng, Mỹ không muốn kết thúc trong xung đột leo thang hay trong các vụ đụng độ, va chạm với Trung Quốc… Mỹ muốn thấy sự khác biệt giữa hai bên được đặt xuống bàn thảo trong hòa bình, qua đối thoại. \”

\”Trung Quốc cũng vậy, họ không muốn làm căng thêm xung đột với Mỹ. Các mục tiêu quốc gia của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu họ dự vào một cuộc chiến tranh với Mỹ. Trung Quốc muốn thắng mà không phải chiến tranh, dù điều này không có nghĩa là Trung Quốc không có các hành động khiêu khích.\”

Bắc Kinh muốn gây ảnh hưởng tới VN trước thềm ĐH Đảng lần thứ 13?

Bà Bonnie Glaser cho hay bà không phân tích nội bộ chính trị của Việt Nam, nhưng bà tin rằng \”Trung Quốc luôn muốn, và ngày càng cố gắng gây ảnh hưởng đến nội bộ chính trị của các nước khác.\”

\”Ví dụ tốt nhất là Úc. Chúng ta có thể thấy Trung Quốc đã rất kiên quyết trong việc can thiệp vào xã hội và chính trị nước này. Trong đó vài năm trước, Trung Quốc đã dùng tiền để xây đắp quan hệ với các chính trị gia trong Quốc hội Úc. Từ đó, Úc đã thông qua Đạo luật cấm các khoản đóng góp tài trợ chính trị từ nước ngoài có hiệu lực từ đầu tháng 1/2019. Đó chỉ là một ví dụ. Chúng ta có thể nhìn thấy vô vàn các ví dụ như vậy.\”

\”Covid-19 đã thực sự cho thấy một sự quyết tâm mới của Trung Quốc trong việc dùng tin giả và chính sách ngoại giao \’chiến binh sói\’ để buộc tội các quốc gia khác. Điều này thực sự đáng kinh ngạc, nó vốn không phải là điều chúng ta thường thấy trong quá khứ. Trung Quốc đã rất nỗ lực truyền bá các tin giả như ai tạo ra virus, ai là người khởi xướng, thậm chí tới mức họ còn truyền tin rằng Pháp bỏ mặc cho người dân chết trong nhà thương. Bằng cách nào đó họ nghĩ rằng những thông tin này phục vụ cho lợi ích của họ.\”

\”Do đó, chúng ta đang thấy các cách sáng tạo hơn của Trung Quốc trong nỗ lực can thiệp vào nội bộ chính trị Việt Nam, có thể qua truyền thông, qua can thiệp vào Facebook, Twitter… Việt Nam nên dự đoán trước những gì Trung Quóc có thể làm, và cố gắng xây dựng các rào chắn ở bất cứ lĩnh vực nào có thể để đảm bảo hệ thống chính trị đủ sức bền, đủ sức chịu đựng, và không dễ bị tổn thương từ các hoạt động can thiệp chính trị của Trung Quốc.\”

Bài Liên Quan

Leave a Comment