Đài truyền hình quốc gia Phần Lan phơi bày các hoạt động gián điệp của TQ
28/05/20
Vào ngày 22/4, Đài truyền hình quốc gia YLE của Phần Lan đã đăng một bài báo có tiêu đề “Dưới sự giám sát của ĐCSTQ” (Kiinan Valvonvan Silmän) trên phiên bản web, bài báo này cũng được chuyển thể thành video dài 1 phút và đã đăng tải trên trang web của Đài truyền hình. Nội dung của bài báo phản ánh việc ĐCSTQ đã sử dụng các đặc vụ ở nước ngoài để theo dõi và quấy rối những người Hoa đang sống tại Phần Lan.
Kirsi Skön – Một phóng viên của MOT (một chuyên mục của đài truyền hình YLE, chủ yếu sản xuất và báo cáo các chương trình tin tức có tính chất điều tra xã hội) trong quá trình điều tra các hoạt động đặc vụ của ĐCSTQ đã phát hiện ra rằng, người Trung Quốc ở Phần Lan đã bị ĐCSTQ theo dõi và quấy rối trong một thời gian dài, mà kẻ đứng đằng sau thao túng chính là Đại sứ quán Trung Quốc ở Phần Lan.
Bài báo viết: “Cục Tình báo An ninh Phần Lan chứng thực rằng: Hoạt động gián điệp của người nước ngoài đã tồn tại một thời gian dài ở Phần Lan”.
Đào thoát khỏi Đại Lục, mẹ con đoàn tụ tại Phần Lan
Phóng viên của chương trình MOT trong quá trình điều tra đã phỏng vấn một học viên Pháp Luân Công tại Phần Lan tên là Kim Chiêu Vũ: “Năm 2008, Kim Chiêu Vũ theo người chồng Phần Lan của mình di cư đến Lappi ở miền Bắc Phần Lan”.
Trong nhiều năm qua, cô Kim đã tham gia rất nhiều hoạt động kháng nghị và tố cáo ĐCSTQ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với các học viên Pháp Luân Công. “Em gái và mẹ cô Kim đều tập luyện Pháp Luân Công, tuy nhiên Pháp Luân Công lại bị đàn áp một cách bất hợp pháp tại Trung Quốc”.
Bài báo viết, “Pháp Luân Công đã bị đàn áp ở Trung Quốc trong hơn 20 năm. Pháp Luân Công là một loại công pháp ‘tính mệnh song tu’ (cải biến về cả tâm tính và cơ thể). Nó đã bị ĐCSTQ đàn áp từ năm 1999.
Theo báo cáo từ các tổ chức nhân quyền, hàng ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết trong thời gian bị cầm tù. Ở nước ngoài, các học viên Pháp Luân Công đã cáo buộc chính quyền ĐCSTQ cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống từ các học viên”.
Bài báo cho hay, “Trong hơn 20 năm qua, ĐCSTQ đã thành lập cả một hệ thống để hãm hại và bắt giữ các học viên Pháp Luân Công, gia đình Kim Chiêu Vũ cũng vì thế mà tan cửa nát nhà. Mẹ cô đã bị giam giữ bất hợp pháp trong 7 năm (tại nhà tù nữ thành phố Tân Hương ở Hà Nam). Người em gái của cô đã chạy trốn sang Malaysia và Thái Lan, năm 2012 thì chuyển đến Phần Lan”.
Nhờ nỗ lực giải cứu của 2 chị em trong nhiều năm, người mẹ đã được thả ra vào năm 2015 và cũng chuyển đến Phần Lan vào cuối tháng 10 cùng năm. Sau khi mẹ và em gái đã an toàn, năm 2015, Kim Chiêu Vũ đã mở một công ty du lịch tại Rovaniemi, một thành phố ở phía Bắc Phần Lan.
Hoạt động gián điệp trong cộng đồng người Hoa
Bài báo cũng cho biết, tại Rovaniemi còn có 2 công ty du lịch khác của người Trung Quốc, trong đó một công ty có tên là Công Ty TNHH Cổ Phần Trung Quốc Bắc Cực (Arctic China Oy).
“Hai năm trước (2018), một vị khách hàng đã nói cho Kim Chiêu Vũ biết rằng, nhân viên của công ty Cổ Phần Trung Quốc Bắc Cực đã đe dọa để khách hàng không dám làm ăn với cô nữa, lại còn chê bai, nói xấu Kim Chiêu Vũ không thành thật với khách hàng trong cộng đồng người Hoa. Sau đó Kim Chiêu Vũ đã báo cáo vụ việc này cho đồn cảnh sát Rovaniemi”.
Phóng viên của chương trình MOT đã kiểm tra các bằng chứng do Kim Chiêu Vũ cung cấp và gọi cho Đường Siêu – giám đốc của công ty Bắc Cực để xác minh sự việc. Ông Đường trả lời ngắn gọn rằng “Tôi không biết người này (Kim Chiêu Vũ)” rồi cúp điện thoại, về sau ông cũng không trả lời thêm câu hỏi nào khác của các phóng viên.
MOT công bố rằng: “Đường Siêu – Giám đốc công ty Trung Quốc Bắc Cực là người có mối quan hệ rất mật thiết với Đại sứ quán Trung Quốc. Căn cứ theo thông tin trên trang web của Đại sứ quán, ông Đường chính là người liên lạc của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Rovaniemi. Công ty cổ phần Trung Quốc Bắc Cực cũng là một trong những đại lý của doanh nghiệp sản xuất rượu Mao Đài (một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc) ở Phần Lan”.
Kim Chiêu Vũ đã nói với phóng viên của MOT rằng, sự quấy rối mà cô đã phải chịu đựng trong nhiều năm qua có liên quan đến việc cô tập luyện Pháp Luân Công, cũng liên quan đến những nỗ lực của cô trong việc giải cứu gia đình từ nước ngoài.
Sau đó phóng viên của MOT đã tìm đến đại sứ quán Trung Quốc để xác minh thông tin mà cô Kim đã nói. Tuy nhiên Đại sứ quán đã không đưa ra bất kỳ câu trả lời nào cho vấn đề này.
Phóng viên của MOT sau đó lại tiếp tục yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc tại Phần Lan phát biểu bình luận về hoạt động của các đặc vụ Trung Quốc ở Phần Lan. Trương Hải Du (Zhang Haiyu), một nhân viên báo chí của Đại sứ quán Trung Quốc đã không bình luận về lời buộc tội này đồng thời cũng không phủ nhận nó.
Tuy nhiên Trương nhấn mạnh rằng, giám đốc Công ty TNHH Cổ Phần Trung Quốc Bắc Cực không làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc, Trương nói: “Đại sứ quán tại Rovaniemi không có nhân viên công tác”. Phía Đại sứ quán Trung Quốc cho biết: “Đường Siêu chỉ là liên lạc viên tạm thời của lãnh sự quán ở Rovaniemi”.
Thủ tục tố tụng nên được đệ trình để chống lại các hoạt động gián điệp
Phóng viên của MOT đã tham khảo Cục Tình báo An ninh Quốc gia Phần Lan và biết được rằng, hoạt động gián điệp đối với những người tị nạn (chính trị) luôn tồn tại. Ở Phần Lan, các hoạt động đặc vụ vẫn chưa bị cho là phạm tội hình sự, tuy nhiên ở Thụy Điển và Na Uy, việc tiến hành tìm kiếm thông tin tình báo từ một đối tượng nào đó là hành vi bất hợp pháp.
Ngay từ năm 2012, Cục Tình báo An ninh Quốc gia đã đề nghị Phần Lan hình sự hóa hoạt động gián điệp, nhưng do những thay đổi trong chính phủ, đề xuất này đã bị hoãn lại. Một cảnh sát của Cục An ninh Quốc gia nói rằng, “những người tham gia các hoạt động gián điệp nên bị tố tụng”.
Minh Huy (Theo NTDTV)