Hậu quả của việc Mỹ rút « quy chế thương mại đặc biệt » của Hồng Kông

Hậu quả của việc Mỹ rút « quy chế thương mại đặc biệt » của Hồng Kông

Đăng ngày: 28/05/2020

\"Chủ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường bỏ phiếu thông qua dự luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông tại Quốc Hội Trung quốc ngày 28/05/2020. REUTERS – CARLOS GARCIA RAWLINS

Thu Hằng

Luật an ninh quốc gia áp dụng đối với Hồng Kông là dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc hết kiên nhẫn trước làn sóng biểu tình đòi dân chủ kéo dài suốt một năm ở đặc khu hành chính bán tự trị. Hoa Kỳ phản đối trước mắt bằng việc ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 27/05/2020 không xác nhận Hồng Kông có « quyền tự chủ cao », một quyết định có thể mở đường cho các biện pháp trừng phạt, như rút « quy chế thương mại đặc biệt » của Hồng Kông.

Bắc Kinh hy sinh Hồng Kông để giữ an ninh nội địa

Về đối ngoại, luật an ninh quốc gia mà chính quyền trung ương áp đặt tại đặc khu hành chính là đòn nắn gân phản ứng của phương Tây, trong khi « cả thế giới chống chọi với virus corona và không quan tâm đến tình hình Hồng Kông », theo nhà báo Pháp Dorian Malovic khi trả lời đài France 24 (27/05/2020).

Về đối nội, Bắc Kinh muốn triệt tiêu các cuộc biểu tình rầm rộ, thậm chí là bạo lực, ở Hồng Kông, để tránh nguy cơ phong trào lan sang Hoa lục vào lúc chính quyền trung ương vẫn phải đối phó với những chỉ trích trong nước về cách xử lý dịch Covid-19, tiếp theo là những bất ổn ở Tân Cương và Tây Tạng.

Tuy nhiên, nếu Washington trừng phạt Bắc Kinh bằng cách rút « quy chế thương mại đặc biệt » của Hồng Kông, thì quyết định này chỉ gây tác động rất nhỏ đến Trung Quốc do « Trung Quốc không còn phụ thuộc vào Hồng Kông như trước nữa », theo nhà nghiên cứu Nicholas Lardy, thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, được báo mạng South China Morning Post trích dẫn ngày 27/05. Thực vậy, vào thời điểm được Anh Quốc trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997, Hồng Kông chiếm khoảng 18% GDP của Trung Quốc, nhưng tỷ lệ này hiện chỉ còn 3%, theo Ngân Hàng Thế Giới.

Bà Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu về châu Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), cho rằng « chúng ta sẽ thấy hồi kết của Hồng Kông với tư cách là một trung tâm tài chính ngang hàng với New York và Luân Đôn. Cá nhân tôi nghĩ rằng đó là điều mà chính phủ Hoa lục sẵn sàng hy sinh ».

Doanh nghiệp Mỹ, dân Hồng Kông bị thiệt

Giới chuyên gia Mỹ, khi trả lời Mark Magnier, thông tín viên tại Washington của South China Morning Post, nhận định chính các doanh nghiệp Mỹ tại đặc khu và người dân Hồng Kông sẽ chịu thiệt hơn chính quyền Hoa lục, nếu Washington rút « quy chế thương mại đặc biệt » của Hồng Kông.

Nhà nghiên cứu Nicholas Lardy đặt câu hỏi : Tại sao chúng ta (Mỹ) muốn trừng phạt người dân Hồng Kông vì những việc làm của chính phủ Bắc Kinh ? Thực vậy, theo ông, quyết định trừng phạt Trung Quốc « sẽ tác động vô cùng tiêu cực đến các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Hồng Kông » và đến người dân ở đặc khu hành chính. Tương tự, Richard Bush, thành viên của cơ quan tư vấn Brookings Institution, cũng cho rằng chính « người dân Hồng Kông sẽ bị tác hại về nhiều mặt » và càng cho Bắc Kinh có cớ để cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào nội tình Hồng Kông.

Theo giới phân tích, tùy theo cấp độ nghiêm trọng trong các biện pháp trừng phạt của Washington, khoảng 1.200 doanh nghiệp Mỹ tại Hồng Kông sẽ phải đối mặt với những điều kiện thương mại khó khăn hơn, hoặc chi phí cho khả năng dời trụ sở, cũng như nguy cơ các nhà lãnh đạo bị đưa sang Hoa lục mà không cần tuân thủ luật của đặc khu hành chính.

Quan hệ Mỹ-Trung trước nguy cơ thay đổi sâu sắc

Phòng Thương Mại Mỹ từng đề nghị Bắc Kinh xem lại quyết định bỏ phiếu luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, vì theo họ, đó sẽ là « một sai lầm nghiêm trọng ở nhiều cấp độ » để Hồng Kông tiếp tục duy trì vai trò là điểm đầu tư hấp dẫn và là trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên, Quốc Hội Trung Quốc đã thông qua đạo luật ngày 28/05 và quyết định này là không thể đảo ngược được.

Giới chuyên gia khuyến cáo, nếu trừng phạt, Mỹ nên nhắm vào Bắc Kinh, chứ không phải vào người dân Hồng Kông. Bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Hoa, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng Hoa Kỳ nên « áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các cá nhân, thực thể vi phạm quyền tự trị của Hồng Kông » hoặc cũng có thể tính đến « các biện pháp trừng phạt nhắm vào các ngân hàng hợp tác với các thực thể bị cáo buộc là vi phạm luật bảo đảm quyền tự trị của Hồng Kông ».

Hiện Mỹ chưa đưa ra các biện pháp tiếp theo, sau phát biểu của ngoại trưởng Mike Pompeo, nhưng « mọi trừng phạt có nguy cơ thay đổi sâu sắc mối quan hệ Mỹ-Trung, tương lai của Hồng Kông và hệ thống kinh tế thế giới », theo chuyên gia Richard Bush.

Bài Liên Quan

Leave a Comment