Virus corona làm đối đầu Mỹ -Trung Quốc kịch phát

Đối đầu từ thương mại sang chính trị, ngoại giao 

Bên cạnh sự kiện nổi bật của châu Âu, Trung Quốc, Hồng Kông và Mỹ vẫn là chủ đề quan tâm của nhiều báo. La Croix đặc biệt chú ý tới quan hệ Trung-Mỹ. Tựa trang nhất của tờ báo :  « Trung Quốc – Hoa Kỳ, cạnh tranh kịch phát ».

Khủng hoảng virus corona làm gia tăng căng thẳng gữa 2 cường quốc. Cuộc tranh giành ảnh hưởng này có thể làm phân cực thế giới. La Croix nhận thấy quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang làm tê liệt các định chế quốc tế như vào thời chiến tranh lạnh. Tiếp sau cuộc chiến thương mại, cuộc tranh đua giữa hai cường quốc đang chuyển sang địa hạt ngoại giao và ý thức hệ, với cái đích là vị trí đứng đầu thế giới. 

Tờ báo ghi nhận, « gần đây tại Bắc Kinh, người ta thóa mạ ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người ta bêu riếu các nền dân chủ phương Tây. Tại Washington, người ta hừng hực tấn công liên tục vào những điều « dối trá » của Trung Quốc. Ở Liên Hiệp Quốc, nhiều nghị quyết bị bế tắc vì đối đầu ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ ».

Đúng là từ khi Mỹ và Liên Xô hòa hoãn với nhau, chưa từng có một cuộc đấu dữ dội giữa các cường quốc như thế này, La Croix bình luận.

Từ vài tháng qua, cuộc xung đột thương mại giữa hai đại cường đã chuyển sang địa hạt chính trị và y thức hệ, người Trung Quốc thẳng thừng tán dương tính vượt trội của mô hình của họ trong xử lý dịch virus corona.

Leo thang khẩu chiến che đậy thách thức chính trị trong nước, như ghi nhận của Antoine Bondaz, nhà nghiên cứu Quỹ nghiên cứu chiến lược : « Chính quyền Trung Quốc sử dụng căng thẳng hiện nay để nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc, củng cố mối gắn kết, khẳng định tính chính đáng của đảng Cộng Sản trong lúc đất nước đang khủng hoảng kinh tế và gặp nhiều căng thẳng ».

Còn ở Mỹ, lá bài mối đe dọa Trung Quốc giúp Donald Trump làm dư luận quên đi cách xử lý lộn xộn trong cuộc khủng hoảng y tế. Nhất là chỉ còn vài tháng nữa đến kỳ bầu cử tổng thống, lá bài đó còn giúp Trump huy động hàng ngũ cử tri của ông, vốn rất nhạy cảm với những phát ngôn hùng hồn mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa của chủ nhân Nhà Trắng.

Một hình thái chiến tranh lạnh mới 

La Croix nhận thấy : Khi Donald Trump lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ 2017 thì cũng là lúc Tập Cận Bình công khai tỏ ý muốn tái lập trật tự thế giới đã hình thành từ sau Thế chiến thứ hai.

« Chính quyền Trung Quốc củng cố ảnh hưởng trong các định chế đã tồn tại, nhất là trong hệ thống Liên Hiệp Quốc, hoặc tạo ra các định chế mới như  Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở châu Á, tự cho mình vai trò đề xuất những thay đổi luật lệ trong định chế đã có, mà Bắc Kinh vẫn cho là bị các cường quốc phương Tây thống trị một cách bất công », Alice Ekman, chuyên gia về châu Á thuộc Viện nghiên cứu an ninh của Liên Hiệp Châu Âu nhận định.

Khác với thời chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây trước kia, Trung Quốc không tìm cách ký các hiệp ước đồng minh quân sự để tranh đua với Mỹ, mà tìm cách liên kết các nước « bạn bè », để có được ủng hộ trong các tổ chức quốc tế.

Họ làm việc này bằng cách dựa vào mạng lưới ngoại giao, nguồn dự trữ tài chính không ai bằng. Đến khi châu Âu, Bắc Mỹ rơi vào khủng hoảng, tham vọng của Trung Quốc càng lớn. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã cho thấy sơ bộ kịch bản đó qua các chiến dịch thôn tính doanh nghiệp châu Âu và dự án con đường tơ lụa mới. Giờ đây đến khủng hoảng Covid-19, cuộc cạnh tranh chiến lược lại tiếp tục diễn ra dữ dội.

Căng thẳng Mỹ- Trung còn gây hậu quả gián tiếp đến cộng đồng người Hoa và châu Á ở Mỹ. Các phát biểu chống Trung Quốc gay gắt của tổng thống Doanald Trump đang khiến cộng đồng châu Á của Mỹ lo sợ. Từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng virus corona, họ nhận thấy những hành vi kỳ thị gia tăng mạnh. Đó là ghi nhận trong phóng sự do thông tín viên của La Croix thực hiện trong khu châu Á ở Manhattan, New York, với tựa đề : Tại Chinatown, virus kỳ thị chủng tộc gây sợ hãi

Bài Liên Quan

Leave a Comment