Hong Kong ‘xuống giá, bất ổn’ vì luật an ninh mới?
Một vòng xoáy mới bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội có thể đang chờ đón Hong Kong sau khi Quốc hội Trung Quốc hôm 28/5/2020 thông qua một nghị quyết về Luật an ninh mới cho đặc khu hành chính, theo báo chí quốc tế.
Quốc hội Trung Quốc hôm 28/5 đã biểu quyết thông qua \”Quyết định Quốc hội về xây dựng, kiện toàn chế độ pháp luật và cơ chế thực thi về Đặc khu hành chính Hong Kong bảo vệ an ninh Quốc gia\”.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh quyết định này là để đảm bảo \”Một nước hai chế độ\” sẽ \”đi vững, đi xa, bảo vệ sự phồn thịnh và ổn định lâu dài của Hong Kong\”.
Giá nhà cửa, địa ốc trượt dốc trở lại và luật an ninh mới sẽ chặn đà tái phục hồi kinh tế của Hong Kong, báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 29/5 nhận định.
Kế hoạch cho dự luật an ninh quốc gia có thể làm hỏng các dấu hiệu háo hức làm ăn của thị trường sau khi càng khuyến khích thêm việc bán nhà đã diễn ra trong những tuần gần đây, tờ báo có trụ sở tại Hong Kong bình luận.
\”Các vết rạn nứt trên thị trường nhà ở Hong Kong có thể mở rộng trong vài tuần tới sau khi Trung Quốc tán thành đạo luật được đề xuất mà đã làm rung chuyển thị trường bất động sản và chứng khoán thành phố,\” Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng viết.
Vẫn theo quan sát của tờ báo này, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang chuẩn bị công bố các chính sách mới về Trung Quốc, sau khi chính quyền của ông trong tuần này xác định Hong Kong đã mất quyền tự trị từ Trung Quốc.
\”Hiện tại là bất ổn,\” Derek Chan, người đứng đầu nghiên cứu tại hãng Ricacorp Properties được SCMP dẫn lời đưa ra nhận định.
\”Thị trường rất biến động… Nếu sức mua và niềm tin một lần nữa bị giảm sút do tác động vào nền kinh tế sau đạo luật về an ninh mới và hành động của Mỹ, giá nhà có thể chịu áp lực\”.
Trong một thảo luận trực tuyến về thời sự thứ Năm tuần này, với BBC News Tiếng Việt hôm 28/5, một số nhà quan sát từ Việt Nam đã nêu quan điểm của mình về hệ quả của đạo luật mới nếu được thông qua cuối cùng với Hong Kong.
\”Việc ra đạo luật này cũng gây ra những mâu thuẫn so với những cam kết trước đây của Trung Quốc với chính phủ Anh và có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng tại Hong Kong và gây ra những xáo trộn nhất định cho những thương gia người Mỹ hay người Anh hay một số thương gia nước ngoài tại Hong Kong,\” Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng, nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói.
\”Nhưng dư luận ở Trung Quốc cũng có những hy vọng là những tình hình căng thẳng như thế sẽ được sớm giải quyết và mặc dù có thông qua đạo luật, nhưng có vẻ dư luận cũng không muốn là có những động thái lớn ngay, mà họ vẫn áp dụng những chính sách là cương và nhu kết hợp để hòa hoãn tình hình.\”
Mất đi vị trí châu Á?
Từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao bình luận:
\”Đây là một phản ứng có tính chất đối phó một cách mạnh mẽ với phong trào dân chủ của Hong Kong đã thể hiện, liên quan đến luật dẫn độ trong năm vừa qua. Họ muốn dùng luật pháp của Trung Quốc để kiểm soát phong trào dân chủ đòi quyền tự trị của nhân dân Hong Kong.
\”Thứ hai, bất chấp chuyện họ biết rằng họ vi phạm luật cơ bản của Hong Kong và áp đặt dự án luật này với Hong Kong là một sự vi phạm và điều đó đã gây ra phản ứng rất mạnh mẽ từ phía quốc tế.\”
Còn từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), nhà nghiên cứu cao cấp khách mời, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp bình luận:
\”Việc Trung Quốc đưa ra nghị quyết về Luật An ninh mới đối với Hong Kong, thì phía Mỹ đã nói trước khi có sự biểu quyết rằng nếu biểu quyết nghị quyết này thì thực chất là để cho Hong Kong không còn mang trạng thái tự trị nữa và điều đó có nghĩa rằng Trung Quốc đã từ bỏ chính sách \”một nước, hai chế độ.
\”Và hôm nay (28/5), khi mà thông qua nghị quyết này, thì Mỹ đã nhắc lại sẽ có những biện pháp để đáp ứng với nghị quyết này mà người ta nói sẽ là toàn diện, mà ở đây chúng ta thấy khá rõ đó là những biện pháp đối với chính phủ Trung Quốc, đối với Trung Quốc.
\”Thứ hai là phải có những biện pháp thích hợp để coi Hong Kong không phải như một nơi tự trị nữa, mà đặc biệt xem xét lại dự luật năm 1992 của Mỹ coi Hong Kong như một trạng thái kinh tế đặc biệt, mà nếu bây giờ bỏ trạng thái này đi, thì đồng nghĩa với việc Hong Kong sẽ mất đi vị trí của một trung tâm tài chính lớn nhất của khu vực châu Á.\”
Vốn và nhân tài bay biến?
Cũng hôm thứ Sáu, báo mạng Hong Kong Business có bài viết với tựa đề \”Người giàu Trung Quốc trốn tránh Hong Kong để tìm kiếm sự an toàn tài sản ở nơi khác\”, trong đó có đoạn viết:
\”Một số người đang tìm cách chuyển cơ sở thịnh vượng kinh tài của họ ra nước ngoài đến Singapore và Thụy Sĩ.\”
Trong khi đó, những người giàu có của Trung Quốc dự kiến sẽ đổ ít tiền hơn vào Hong Kong.
\”Vì lo ngại rằng việc Bắc Kinh đề xuất luật an ninh quốc gia cho thành phố có thể cho phép chính quyền đại lục theo dõi và tịch thu tài sản của họ,\” giới chủ ngân hàng và các nguồn tin trong ngành được Hong Kong Business dẫn lời cho biết.
\”Hơn một nửa số người Hong Kong có khối tài sản tư nhân ước tính hơn 1 nghìn tỷ đô la Mỹ là từ các cá nhân từ Trung Quốc đại lục đã gửi tiền ở đó, vẫn theo các chủ ngân hàng.
\”Thành phố đã được hưởng lợi từ sự gần gũi với Trung Quốc và một hệ thống pháp lý riêng biệt, cũng như đồng tiền được \’chốt\’ bằng đô-la, nhưng hiện đang lo lắng về việc mất đi vị thế là một trung tâm tài chính toàn cầu do vốn và tài năng bay biến,\” Hong Kong Business quan ngại.
Trò chơi nguy hiểm?
Trước đó, hôm 27/5, tạp chí mạng Foreign Policy có bài viết cảnh báo và cho rằng Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đang chơi một \”trò chơi nguy hiểm\” gây tác hại chính với nước này.
Tạp chí này viết: \”Với luật an ninh mới, Trung Quốc có nguy cơ chịu hậu quả lớn về kinh tế và chính trị. Việc khinh suất này của ông Tập có thể gây lo lắng các cho quốc gia dân chủ ở khắp mọi nơi.\”
Ngay trước đó, hôm Chủ Nhật, 24/5, báo mạng The Diplomat cũng cảnh báo đạo luật an ninh mới cho Hong Kong sẽ gây ra rủi ro cho chính Trung Quốc:
\”Đối với chính Trung Quốc, bước đi này cũng mang đến những rủi ro tài chính và kinh tế đáng kể. Hong Kong là huyết mạch tài chính của Trung Quốc, và hoạt động như một nguồn vốn nước ngoài quan trọng nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.\”