Trump ký sắc lệnh hành chính nhằm vào mạng xã hội khổng lồ
- 29 tháng 5 2020
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành chính nhằm loại bỏ một số cơ chế bảo vệ pháp lý đối với các nền tảng truyền thông xã hội.
Sắc lệnh này trao cho cơ quan quản lý quyền thực hiện biện pháp pháp lý để chống lại các công ty như Facebook và Twitter liên quan đến cách họ kiểm soát nội dung trên các nền tảng của mình.
Khi ký sắc lệnh này, Tổng thống Trump cáo buộc các nền tảng truyền thông xã hội đang có \”quyền lực nằm ngoài tầm kiểm soát\”.
Sắc lệnh có thể phải đối mặt với những trở ngại về pháp lý.
Các chuyên gia pháp lý nói rằng Quốc hội Mỹ hoặc hệ thống tòa án cần phải can thiệp để thay đổi nhận thức pháp lý về các biện pháp bảo vệ cho những nền tảng này.
Ông Trump thường xuyên cáo buộc các mạng truyền thông xã hội bóp nghẹt hoặc kiểm duyệt những tiếng nói bảo thủ.
Hôm thứ Tư, ông Trump đã cáo buộc Twitter can thiệp bầu cử, sau khi Twitter thêm các liên kết kiểm chứng thông tin vào hai trong số các nội dung đăng tải của ông.
Hôm thứ Năm, Twitter cũng đã gắn các thẻ \”đọc thông tin xác thực về Covid-19\” vào hai nội dung đăng tải của một phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc, người tuyên bố virus corona có nguồn gốc từ Mỹ.
Lệnh hành chính này nói gì?
Sắc lệnh đưa ra để làm rõ Đạo luật về Truyền thông công chính, một luật nhằm bảo vệ các nền tảng trực tuyến như Facebook, Twitter và YouTube về mặt pháp lý trong một số tình huống.
Theo Mục 230 của luật, các mạng xã hội không chịu trách nhiệm về nội dung được đăng bởi người dùng của họ, nhưng có thể thực hiện tác vụ \”chặn vì mục đích tốt đẹp\”, chẳng hạn như xóa nội dung tục tĩu, quấy rối hoặc bạo lực.
Sắc lệnh hành chính chỉ ra rằng quyền miễn trừ pháp lý không áp dụng nếu mạng xã hội chỉnh sửa nội dung được đăng bởi người dùng và kêu gọi Quốc hội \”xóa hoặc thay đổi\” mục 230 này. Ông Trump nói Bộ trưởng Tư pháp William Barr sẽ ngay lập tức \”bắt tay\” soạn thảo một luật cho Quốc hội để sau đó bỏ phiếu.
Lệnh cũng cho biết việc chặn bài viết có yếu tố \”lừa đảo\”, bao gồm việc xóa bài với những lý do nằm ngoài danh mục trong điều khoản dịch vụ của trang web, cũng không nên được miễn trừ.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio nằm trong số những người lập luận rằng các nền tảng mạng xã hội đảm nhận vai trò của một \”nhà xuất bản\” khi họ gắn nhãn kiểm chứng thông tin vào các bài đăng cụ thể.
\”Luật vẫn bảo vệ các công ty truyền thông xã hội như Twitter vì họ được coi là diễn đàn chứ không phải là nhà xuất bản\”, ông Rubio nói.
\”Nhưng nếu bây giờ họ quyết định thực hiện vai trò biên tập như một nhà xuất bản, họ sẽ không còn được miễn trừ trách nhiệm pháp lý và được coi là nhà xuất bản đúng theo luật.\”
Lệnh hành chính cũng kêu gọi:
- Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) nêu rõ các hình thức chặn nội dung nào sẽ bị coi là lừa đảo, không có lý do hoặc không phù hợp với các điều khoản và điều kiện của nhà cung cấp dịch vụ
- đánh giá các quảng cáo của chính phủ trên trang truyền thông xã hội và liệu các nền tảng này có hạn chế nội dung dựa trên quan điểm riêng của mình hay không
- lập lại \”công cụ báo cáo thiên vị\” của Nhà Trắng, cho phép công dân báo cáo khi bị đối xử không công bằng bởi các mạng xã hội
Lệnh này có tác động gì?
Donald Trump đã hứa \”hành động mạnh mẽ\” để đáp lại quyết định của Twitter về việc gắn nhãn kiểm chứng thông tin vào hai bài đăng của ông. Trong khi thông báo của ông về một mệnh lệnh hành chính nặng tính hùng biện – cáo buộc các công ty truyền thông xã hội là độc quyền đe dọa tự do ngôn luận – sẽ còn lâu thì lời nói mới trở thành hành động thực sự, hay nói cách khác là hành động mạnh mẽ.
Các cơ quan độc lập trong chính phủ sẽ phải xem xét luật liên bang, ban hành các quy định mới, bỏ phiếu cho các luật này và sau đó – với tất cả khả năng – bảo vệ chúng tại tòa án. Khi xong hết những thứ này thì cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 có lẽ đã diễn ra và thậm chí đã kết thúc.
Điều đó giải thích tại sao ông Trump cũng đang thúc đẩy quốc hội ban luật mới – một cách đơn giản hơn để thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với các công ty truyền thông xã hội.
Tuy nhiên, mục đích thực sự của sắc lệnh mà Tổng thống có thể chỉ mang tính tượng trưng. Ít nhất, động thái này sẽ khiến Twitter phải suy nghĩ kỹ khi thực hiện kiểm duyệt hoặc kiểm chứng thông tin đối với các bài đăng của ông trên nền tảng này.
Tổng thống dựa vào Twitter để truyền thông điệp của mình ra ngoài mà không qua bộ lọc của báo chí chính thông. Nếu ngay cả Twitter cũng bóp chẹt công cụ truyền thông ưa thích của ông, thì có thể hiểu là ông đang truyền đi thông điệp sẽ trả đũa, và có thể ít nhất là khiến công ty này cảm thấy không thoải mái.
Các mạng xã hội đã phản ứng thế nào?
Twitter gọi lệnh hành chính của tổng thống là \”cách tiếp cận phản động và chính trị hóa đối với một luật mang tính bước ngoặt\”, và rằng Mục 230 \”bảo vệ sự đổi mới và tự do ngôn luận của Mỹ, và nó được củng cố bởi các giá trị dân chủ\”.
Google, công ty sở hữu YouTube, cho biết việc thay đổi Mục 230 sẽ \”làm tổn thương nền kinh tế Mỹ và vai trò dẫn dắt toàn cầu về tự do internet\”.
\”Chúng tôi có chính sách nội dung rõ ràng và chúng tôi thi hành các chính sách này không liên quan đến quan điểm chính trị. Nền tảng của chúng tôi đã trao quyền cho nhiều người và tổ chức với quan điểm chính trị khác nhau, mang đến cho họ tiếng nói và cách thức mới để tiếp cận khán giả\”, công ty cho biết trong một thông cáo gửi tới BBC.