Giới nhà báo bị tấn công khi các cuộc biểu tình ở Mỹ lan rộng
01/06/2020
Vào tối ngày 29/05, khán giả theo dõi CNN chứng kiến cảnh phóng viên Omar Jimenez và nhóm làm tin của đài này bị bắt giữ trong khi nhóm tường thuật trực tiếp về cuộc biểu tình sau cái chết của ông George Floyd ở Minneapolis, theo Reuters.
Trong ba ngày qua, các tổ chức theo dõi bạo lực xảy ra đối với giới báo chí đã ghi nhận khoảng hai chục hành vi bạo lực, bao gồm cả sự cố tại Minneapolis, trong đó nhà báo Julio-Cesar Chavez của hãng tin Reuters và cố vấn an ninh của Reuters, Rodney Seward, người đã bị bắn và bị thương do trúng đạn cao su.
Từ Los Angeles đến Minneapolis và cả New York, dường như các cuộc tấn công vào giới nhà báo lấy tin về cuộc biểu tình chính trị và các cuộc biểu tình trong vài năm qua đã gia tăng khi niềm tin vào truyền thông sút giảm trong gần một thập kỷ qua, một số chuyên gia truyền thông cho biết.
Ông Bruce Brown, giám đốc điều hành của Ủy ban Phóng viên về Tự do Báo chí, nói: “Nhiều cuộc tấn công nhắm vào các nhà báo khi họ đưa tin về các cuộc biểu tình trên khắp đất nước, phải đối mặt với lực lượng thực thi pháp luật trong hai đêm qua rõ ràng là vi phạm Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp.”
Leland Vittert, phóng viên của đài Fox News từng đưa tin về các khu vực chiến tranh, và nhóm phóng viên, đã bị những người biểu tình gần Nhà Trắng tấn công hôm 29/05.
Cả đài Fox và đài CNN đều lên án các hành động nhằm vào các nhà báo.
Một phát ngôn viên của Reuters cho biết hãng truyền thông này phản đối mạnh mẽ việc cảnh sát bắn đạn cao su vào nhóm phóng viên của họ ở Minneapolis và đang nêu vụ việc lên chính quyền.