Hong Kong: Các cựu ngoại trưởng Anh muốn có liên minh chống luật an ninh TQ
- 5 giờ trước
Bảy cựu ngoại trưởng Anh thúc giục Thủ tướng Boris Johnson thành lập liên minh toàn cầu để phối hợp ứng phó với cuộc khủng hoảng Trung Quốc – Hong Kong.
Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích về dự luật an ninh áp dụng cho Hong Kong, trong đó có quy định việc chống chính quyền Bắc Kinh là tội hình sự.
Ngoại trưởng Dominic Raab cho biết Vương quốc Anh sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước chuyện này.
Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997 theo một thỏa thuận đặc biệt.
Cựu thuộc địa của Anh được hưởng một số quyền tự do mà ở Trung Quốc đại lục không có – và những điều này được quy định trong một tiểu hiến pháp gọi là Luật Cơ bản.
Nhưng có những lo ngại rằng dự luật đang được đề xuất, vốn đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống đại lục ở Hong Kong, sẽ làm tổn hại một số quyền tự do vốn đã được bảo đảm bởi Luật Cơ bản.
Trong thư gửi thủ tướng, nhóm các cựu bộ trưởng nội các thuộc các đảng phái khác nhau nói rằng chính phủ Anh cần phải đi đầu trong các phản ứng quốc tế, vì nhiều nước sẽ nhìn vào thái độ của Anh đối với vùng cựu thuộc địa này để có hành động.
Các cựu bộ trưởng Jeremy Hunt, David Miliband, Jack Straw, William Hague, Malcolm Rifkind, David Owen và Margaret Beckett đều bày tỏ quan ngại về điều mà họ gọi là hành động \”vi phạm trắng trợn\” của Trung Quốc đối với các thỏa thuận Trung-Anh bằng cách áp đặt luật an ninh quốc gia cứng rắn đối với Hong Kong.
Họ thúc giục ông Johnson thành lập một \”nhóm liên lạc quốc tế\” với các đồng minh để điều phối các nỗ lực chung, tương tự như cơ chế được lập hồi 1994 để tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở Nam Tư cũ.
Phát ngôn viên Downing Street nói chính phủ đã đóng vai trò chủ đạo với các đối tác quốc tế trong việc thúc giục Trung Quốc tái cân nhắc vấn đề.
Ông Raab cho biết luật an ninh mới \”vi phạm rất rõ ràng\” quyền tự trị vốn được bảo đảm theo luật Trung Quốc cũng như trong thỏa thuận năm 1997.
Ông khẳng định Anh sẽ cho phép những người có hộ chiếu Anh Quốc Quốc dân (Hải ngoại) (hộ chiếu BNO) được tới Anh và nộp đơn xin học tập và làm việc trong thời gian 12 tháng, và sau đó có thể xin gia hạn.
Điều này \”mở đường cho việc xin quốc tịch\” Anh của những ai mang hộ chiếu BNO, ông nói trong chương trình Andrew Marr Show của BBC hôm Chủ Nhật.
Hộ chiếu BNO là loại hộ chiếu đặc biệt, được cấp lần đầu tiên hồi 1987 cho các công dân Hong Kong sinh ra trước thời điểm vùng lãnh thổ này được trao trả cho Trung Quốc và đã đăng ký để được hưởng quy chế là công dân Anh ở hải ngoại.
Ông Raab cho biết có tới ba triệu người đã đăng ký quy chế BNO tại Hong Kong đủ điều kiện nhập tịch Anh nếu Trung Quốc ra luật an ninh quốc gia.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Tom Tugendhat, nói chính phủ Anh cần nhận thấy rõ rằng Trung Quốc có một \”hệ thống chính phủ rất độc đoán\”, và nên cân nhắc lại về quan hệ đối tác giữa hai quốc gia.