Hồng Kông: Ngoài Washington, Luân Đôn cũng tăng sức ép với Bắc Kinh
Đăng ngày: 01/06/2020
Mai Vân
Trong những ngày qua, dư luận thế giới rất quan tâm đến áp lực càng lúc càng tăng của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong hồ sơ Hồng Kông. Bên cạnh Mỹ, Anh Quốc cũng bắt đầu tăng sức ép với chính quyền Bắc Kinh. Luân Đôn cho biết sẵn sàng cấp quốc tịch Anh cho hơn 300.000 cư dân Hồng Kông nếu Bắc Kinh không từ bỏ ý định áp đặt luật an ninh quốc gia vừa được thông qua hôm 28/05/2020.
Vào đúng ngày Quốc Hội Trung Quốc thông qua bộ luật mang tên chính thức là “Quyết định của Quốc Hội về xây dựng kiện toàn chế độ pháp luật và cơ chế thực thi về bảo vệ an ninh quốc gia của Đặc Khu Hành Chính Hồng Kông”, bốn nước Phương Tây gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc và Anh Quốc đã ra một thông cáo lên án đạo luật được cho là đã “ đe dọa khuôn khổ chế độ ‘nhất quốc lưỡng chế’ được quy định khi Hồng Kông được trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Một hôm sau, ngày 29/05, Liên Hiệp Châu Âu cũng nêu lên mối quan ngại “sâu sắc”. Trong một thông cáo sau một cuộc họp với ngoại trưởng 27 nước thành viên, ông Josep Borell, đại diện cấp cao đặc trách đối ngoại của Liên Âu đã tỏ ý hoài nghi: “Quan hệ của châu Âu và Trung Quốc dựa trên sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau. Quyết định này (Luật về an ninh Hồng Kông) lại đặt ra thêm vấn đề về ý chí của Trung Quốc trong việc tôn trọng các cam kết quốc tế của mình.”
Anh Quốc đe dọa dùng biện pháp cấp quốc tịch
Riêng Luân Đôn đã phản ứng mạnh hơn. Trong một thông điệp video công bố trên mạng Twitter ngày 28/05, ngoại trưởng Anh, Dominic Raab, đã đề nghị sửa đổi hệ thống hộ chiếu British Nationals Overseas BNO – tức là hộ chiếu dành cho công dân Anh Quốc ở hải ngoại – mà mọi người Hồng Kông sinh trước năm 1997 đều có quyển được hưởng. Người có loại hộ chiếu đặc biệt này được quyền nhập cảnh và cư trú tại nước Anh trong vòng 6 tháng mà không cần visa.
Theo chính quyền Anh Quốc, hiện chỉ có khoảng 350.000 người Hồng Kông sỡ hữu hộ chiếu BNO, nhưng theo tổng lãnh sự quán Anh Quốc tại Hồng Kông, thêm 2,9 triệu người tại đây có thể xin hộ chiếu này.
Trong thông điệp ngoại trưởng Anh đe dọa: “Nếu Trung Quốc tiếp tục con đường hiện nay và áp dụng bộ luật về an ninh quốc gia, chúng tôi sẽ thay đổi các quy chế, sẽ bãi bỏ thời hạn 6 tháng và cho phép những người mang hộ chiếu BNO đến Anh Quốc để làm việc, học tập trong những thời hạn dài hơn – 12 tháng – mở đường cho việc nhập quốc tịch Anh”.
Bắc Kinh đe dọa trả đũa
Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng. Thứ trưởng kiêm phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cảnh báo rằng một quyết định như trên của Anh Quốc “không những vi phạm các quy tắc của chính mình mà còn vi phạm cả luật quốc tế”, vì đi ngược lại với thỏa thuận trao trả Hồng Kông, theo đó “tất cả những người có hộ chiếu BNO là người quốc tịch Trung Quốc”.
Bắc Kinh đe dọa áp dụng những biện pháp trả đũa “tương ứng” nhắm vào Luân Đôn.
Trung Quốc luôn phản ứng gay gắt trước mọi can thiệp của Anh Quốc về Hồng Kông. Đại sứ nổi tiếng là hung hăng của Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming), người thường xuyên tố cáo giới chính trị Anh là tiếp tục xem Hồng Kông như là “một phần của đế quốc Anh” đã lên tiếng ngay thông qua mạng Twitter.
Trong một tin nhắn đề ngày 28/05, ông yêu cầu Luân Đôn chấm dứt can thiệp vào vấn đề Hồng Kông, một vấn đề “hoàn toàn nội bộ của Trung Quốc”. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, nhân vật này khẳng định: “Hồng Kông không nằm trong phạm vi trách nhiệm của Anh Quốc và không phải là món hàng trao đổi”.
Xu hướng chống Trung Quốc ngày càng mạnh tại Anh
Một số nghị sĩ Anh, nhất là trong đảng Bảo Thủ, như ông Tom Tugendhat, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện, muốn chính quyền Anh cấp quốc tịch một cách tự động những người ở Hồng Kông mang hộ chiếu BNO.
Ngoài khía cạnh chính trị, theo nhật báo Pháp Libération ngày 30/05, Luân Đôn cũng không che giấu là sau khi chia tay với Liên Hiệp Châu Âu, sẽ là một điều rất tốt nếu Anh Quốc đón được những tài năng đến từ những vùng thuộc địa cũ để góp sức xây dựng sự phồn thịnh của nước Anh. Năm 1972, chính quyền Anh đã đón 30.000 người Uganda gốc Ấn, có hộ chiếu BNO và cấp cho họ quốc tịch Anh, sau khi những người này bị chính quyền Idi Amin Dada trục xuất.
Nhật báo Pháp Le Monde ngày 29/05 đã lồng phản ứng của Luân Đôn trong hồ sơ luật an ninh Trung Quốc về Hồng Kông, vào trong toàn cảnh quan hệ giữa Vương Quốc Anh với Trung Quốc mà chính phủ Johnson dường như đã sẵn sàng xem xét lại: Luân Đôn muốn có thêm quyền tự chủ sau một giai đoạn dài của chính sách xích lại gần Bắc Kinh về thương mại và ngoại giao do cựu thủ tướng David Cameron khởi xướng từ năm 2010.
Theo Le Monde, tương tự như tại những nước phương Tây khác, khủng hoảng Covid-19 đã nêu bật nguy cơ nước Anh bị lệ thuộc vào nguồn cung cấp thiết bị y tế từ Trung Quốc. Chính phủ Boris Johnson do đó có thể xem xét lại đèn xanh đã bật – hồi đầu năm 2020 – cho tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi trong việc xây dựng mạng điện thoại di động 5G tại Vương Quốc Anh.
Trong những ngày gần đây, Cơ Quan An Ninh Mạng Anh Quốc (NCSC) đã bắt đầu xem xét trở lại các rủi ro có thể xảy ra đối với an ninh của quốc gia từ việc dùng thiết bị Hoa Vi sau khi Washington cấm không cho tập đoàn Trung Quốc dùng các linh kiện điện tử do các công ty Mỹ thiết kế.