Sự gia tăng các hoạt động căng thẳng trên Biển Đông củaTQ và vai trò, chính sách của Mỹ, ASEAN hiện nay

Sự gia tăng các hoạt động căng thẳng trên Biển Đông củaTQ và vai trò, chính sách của Mỹ, ASEAN hiện nay

Ngày đăng 02-06-2020

Chuyên gia Bonnie Glaser, Cố vấn Cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, (Mỹ) vừa đề cập tới một số quan điểm được đưa ra gần đây cho rằng, bất chấp tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Trung Quốc gia tăng các hoạt động căng thẳng trên Biển Đông.

\"\"/

Theo bà, những gì Trung Quốc đã thực hiện tại Biển Đông trong quý 1 năm nay thực ra cũng không khác những gì dư luận đã chứng kiến từ trước đến nay. Trung Quốc vẫn tiến hành các hoạt động như họ từng làm trước đây. Những gì đã diễn ra từ trước đến nay, chứ không phải đến dịch Covid-19 mới xảy ra. Bà Glaser đã điểm lại một số diễn biến chính trong các hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hồi tháng 4. Chuyên gia Mỹ cho rằng các vụ đâm chìm tàu cá như vậy đã từng được Trung Quốc tiến hành trước đây, chứ không phải đợi đến bây giơ Bắc Kinh mới thực hiện. Ngoài ra, Trung Quốc gần đây cũng đặt tên cho 25 đảo, đá, rạn san hô và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông. Theo bà Glaser, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1983, Trung Quốc đặt tên cho các thực thể địa lý như vậy. “Trung Quốc từng đặt tên cho các cấu trúc vào năm 1983 và bây giờ mới đặt lại, đây là điều khá bất thường. Họ đã chuẩn bị từ trước và đến bây giờ công bố thêm. Những hành động của Trung Quốc cũng không hẳn lợi dụng dịch Covid-19”, bà Glaser nhận định.

Bà Glaser cũng đề cập một động thái đáng chú ý gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông là việc Bắc Kinh tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Ngoài ra, chuyên gia Mỹ cũng nhắc tới việc Trung Quốc điều tàu tới quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của tàu các nước trong khu vực tại Biển Đông. Bà Glaser cho rằng Trung Quốc không chỉ dừng lại ở việc đe dọa các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, mà còn nhằm vào cả các công ty nước ngoài đang triển khai hoạt động tại Biển Đông. Một trong những động thái gia tăng căng thẳng của Trung Quốc cũng được chuyên gia Glaser đề cập là việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bà Glaser cũng nhắc tới khu vực “vùng xám”, nơi Trung Quốc triển khai tàu dân quân biển, hải cảnh hoạt động không gây ra đối đầu quân sự trực diện và kích động các nước khác, nhưng vẫn có nguy cơ dẫn đến sự cố.

Chính sách,vai trò của Mỹ

Theo chuyên gia Glaser, trong nhiều năm, chính quyền Tổng thống Barack Obama và bây giờ là chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thể hiện rất rõ chính sách của Mỹ với Biển Đông, đó là cần “đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực theo luật pháp quốc tế”. Theo đó, các lực lượng của Mỹ sẽ “đi vào các vùng biển và vùng trời với quyền tự do được luật pháp quốc tế cho phép”. “Chính sách của Mỹ chú trọng nhiều hơn đến việc bảo vệ cũng như củng cố các quyền hàng hải ở trong khu vực này, quyền hợp pháp để phát triển năng lượng, đánh bắt hải sản tại những vùng biển được luật pháp quốc tế cho phép, đồng thời cho phép các quốc gia thực hiện quyền của mình một cách hợp pháp, thể hiện tiếng nói và các quyền của mình”, bà Glaser nói thêm.

Chuyên gia Glaser khẳng định nhiều tàu và máy bay Mỹ đã đến Biển Đông để thể hiện với Trung Quốc rằng, “Mỹ quan tâm đến khu vực này và đảm bảo các quốc gia được thực thi các quyền hợp pháp trong khu vực”. Bà Glaser lấy ví dụ về việc tàu Mỹ đã đi qua khu vực tàu khoan dầu của Malaysia hoạt động tại Biển Đông – nơi bị tàu Trung Quốc quấy rối. Điều đó là tín hiệu thể hiện Mỹ bày tỏ quan ngại và Mỹ không muốn chứng kiến những hoạt động quấy rối như vậy. “Trong bối cảnh Trung Quốc có các động thái ngày càng mạnh mẽ hơn và sử dụng các lực lượng như hải cảnh hay dân quân biển, Mỹ đã nêu rất rõ rằng sẽ bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Cách đây 1 tháng, Mỹ đã thực hiện các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trong 2 ngày liên tục ở Hoàng Sa, Trường Sa”, bà Glaser nói, đồng thời cũng đề cập tới hoạt động của các máy bay ném bom B-1 của Mỹ tại Biển Đông gần đây.

Nhận định về nguy cơ xung đột Mỹ – Trung, chuyên gia Glaser cho rằng “Trung Quốc không muốn xung đột quân sự với Mỹ và Mỹ cũng không muốn như vậy”. Mỹ mong muốn mọi vấn đề cần giải quyết hòa bình thông qua thương lượng và đàm phán. Hơn nữa, Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu tham gia cuộc chiến với Mỹ, nên Bắc Kinh cũng không muốn để xảy ra kịch bản này. Bà Glaser cho rằng các quốc gia phải cùng tham gia vào vấn đề Biển Đông để đảm bảo các quyền tự do tại khu vực này. Chẳng hạn, chính phủ Philippines cần quyết tâm triển khai thi hành phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ và Australia đã tiến hành hoạt động tập trận chung trong khu vực và các nước khác có thể tham gia.

Các nước châu Âu cũng có thể tham gia vào vấn đề Biển Đông. Pháp, Anh đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực Hoàng Sa, hoặc các hoạt động tự do hàng hải hàng không. Theo bà Glaser, điều này cho thấy các nước rất quan ngại về những hành động của Trung Quốc tại khu vực này.

Chính sách, vai trò của ASEAN

Về vấn đề cho rằng Việt Nam có thể phát huy hai vai trò là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm nay để thúc đẩy hợp tác an ninh ở Biển Đông hay không, bà Glaser cho rằng “đây là cơ hội khi một quốc gia như Việt Nam đóng vai trò là chủ tịch của ASEAN, nhưng tiếc là diễn ra trong năm chúng ta phải đối mặt với Covid-19”. “Dịch bệnh đã làm chậm lại những hoạt động ngoại giao trong năm Chủ tịch ASEAN. Nhiều hoạt động phải hoãn lại. Những cuộc họp hiện nay được tổ chức trực tuyến và được Việt Nam điều phối trong ASEAN. Tuy vậy, ASEAN cần hợp tác đoàn kết với nhau với tư cách là một nhóm và Việt Nam có thể thực hiện vai trò của mình bằng cách tăng cường đẩy mạnh lập trường của ASEAN”, bà Glaser nhận định.

Chuyên gia Bonnie Glaser, Cố vấn Cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, (Mỹ) là người có nhiều năm nghiên cứu về tình hình Biển Đông và hoạt động của Trung Quốc. Bà đã nhiều lần lên án những hành động voi thường pháp luật của Bắc Kinh và có nhiều khuyến nghị chính sách cho các nước khu vực và bên ngoài liên quan vấn đề này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment