Tăng cường kiểm soát truyền thông, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh về mạng xã hội
Ngày đăng 02-06-2020
Tổng thống Mỹ Donald Trump (28/5) đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm gia tăng khả năng của Chính phủ trong việc điều chỉnh các nền tảng mạng xã hội.
Phát biểu với báo giới trước khi ký sắc lệnh, Tổng thống Trump cho biết, văn bản này sẽ chấm dứt bảo vệ pháp lý đối với các công ty kiểm duyệt nội dung, đồng thời sẽ đưa ra các quy định bảo đảm ngân sách Chính phủ sẽ không cấp cho các công ty đàn áp tự do ngôn luận. Sắc lệnh của Tổng thống Trump cũng yêu cầu Ủy ban thương mại liên bang cấm các công ty mạng xã hội tham gia các hoạt động lừa dối hoặc các hoạt động ảnh hưởng tới thương mại. Tổng thống Trump cáo buộc các công ty mạng xã hội không bị kiểm soát trong việc kiểm duyệt, hạn chế, biên tập, định hình, che giấu và thay đổi các hình thức liên lạc giữa các cá nhân hoặc cộng đồng lớn. Ông Trump cũng tuyên bố ông sẽ đóng cửa Twitter nếu ông có khả năng. Đồng thời, thừa nhận khả năng sắc lệnh của ông sẽ phải gặp nhiều thách thức về mặt pháp lý tại tòa án.
Sắc lệnh này nhằm mục tiêu tước quyền miễn trừ pháp lý của các công ty mạng xã hội như Twitter theo Điều 230 Đạo luật Khuôn phép Truyền thông, trong đó quy định “Không bên cung cấp hay người sử dụng dịch vụ máy tính tương tác nào bị coi là nhà xuất bản hay phát ngôn viên của bất cứ thông tin nào do người cung cấp nội dung đăng lên”. Đây được coi là “điều khoản đã tạo ra Internet”. Sắc lệnh của Trump kêu gọi các cơ quan chính phủ đánh giá liệu những nền tảng online có đủ điều kiện để bảo đảm trách nhiệm pháp lý cho những nội dung do hàng triệu người dùng đăng tải hay không. Theo đó, Bộ Thương mại sẽ yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang đưa ra các quy định mới làm rõ khi nào hành vi của một công ty vi phạm Điều 230, khiến các công ty công nghệ có thể dễ dàng bị kiện hơn. Nếu có hiệu lực, sắc lệnh của Trump sẽ thay đổi tiền lệ từ hàng chục năm qua, coi những nền tảng mạng xã hội trên Internet là nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm với nội dung do người dùng tạo ra.
Sắc lệnh hành pháp được ban hành một ngày sau khi ông Trump chỉ trích Twitter vì dán nhãn cảnh báo “thông tin có thể gây hiểu lầm” đối với hai bình luận (tweet) của ông về vấn đề bỏ phiếu bầu cử bằng cách gửi thư. Twitter đính kèm thông báo là tweet của Tổng thống Trump cần phải được kiểm tra thực tế.
Trong một tuyên bố, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ gọi sắc lệnh hành pháp của ông Trump là mối đe dọa trắng trợn và vi hiến nhằm mục đích trừng phạt các công ty truyền thông xã hội làm mất lòng ông. Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) là một trong những cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành sắc lệnh hành pháp kể trên. Ủy viên FCC, bà Jessica Rosenworcel nói: “Một sắc lệnh hành pháp như thế này biến FCC thành cơ quan kiểm soát ngôn luận của tổng thống”. Thượng nghị sĩ Ron Wyden (đảng Dân chủ) lên án sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump là một mưu đồ chính trị “bất hợp pháp”; cho rằng ông Trump đang cố gắng hết sức để tước đoạt thẩm quyền tòa án và quốc hội nhằm viết lại Mục 230 của Đạo luật về Khuôn phép Truyền thông”.
Tuy nhiên, một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ quan điểm của Tổng thống Trump là phải công ty mạng xã hội phải chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng tương tự các nhà xuất bản truyền thống vì họ có thể biên tập và kiểm soát nội dung.
Hiện các công ty mạng xã hội như Twitter và Facebook đang phải vật lộn để phát hiện, ngăn chặn thông tin sai lệch, nhưng không chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung do người dùng đăng tải. Cổ phiếu Twitter giảm 4,4% và Facebook giảm 1,6% do Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh tước quyền miễn trừ pháp lý của các nền tảng này. Theo đó, chốt phiên 28/5, chỉ số DJIA giảm 0,58% xuống 25.400 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,21% về 3.029 điểm. Còn Nasdaq Composite giảm 0,46% xuống 9.368 điểm.
Một số nhà phân tích cho rằng lập luận của Tổng thống Trump chống lại Twitter làm đảo lộn Tu chính án thứ nhất Hiến pháp Mỹ. Tu chính án thứ nhất được đưa ra là nhằm ngăn chặn chính phủ Mỹ có động thái làm hạn chế quyền tự do ngôn luận.