100% container hải sản xuất sang EU bị kiểm tra do “thẻ vàng”
RFA
2020-06-03
Ảnh minh họa. Công nhân làm việc tại Công ty Thủy sản Khánh Sung ở huyện Mỹ Xuyên, một huyện ở miền Nam Việt Nam. Hình chụp ngày 13/7/17.AFP
Trong suốt thời gian Việt Nam bị “thẻ vàng”, 100% container hải sản xuất khẩu sang Châu Âu (EU) đều bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác.
Truyền thông trong nước vào ngày 3/6 cho biết Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố thông tin vừa nêu với số liệu cụ thể là chi phí cho mỗi container hải sản bị giữ lại kiểm tra nguồn gốc khai thác vào khoảng 500 bảng Anh, chưa kể phí lưu giữ cảng và thời gian vận chuyển bị chậm hơn từ 3 đến 4 tuần.
Việc kiểm tra gây tổn thất cho xuất khẩu hải sản từ Việt Nam sang EU khi bị “thẻ vàng”, tính trung bình có thể lên đến 10.000 Euro/container.
Các thông số này được ghi rõ trong Tài liệu về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam.
Từ năm 2017, EU đã áp dụng “thẻ vàng” cảnh cáo đối với Việt Nam do tình trạng khai thác thủy sản bừa bãi, không tuân thủ các quy định về đánh bắt trên biển. Hồi trung tuần tháng 11/2019, đoàn thanh tra EU sang Việt Nam để kiểm tra về việc khắc phục \’thẻ vàng\’ của thủy sản Việt Nam.
VASEP cho biết sau 2 năm Việt Nam bị “thẻ vàng”, xuất khẩu hải sản sang EU giảm 6,5%, còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và gần 372 triệu USD trong năm 2019 (giảm 5% so với năm 2018).
EU là thị trường nhập khẩu hải sản lớn thứ hai của Việt Nam. Hiện thị trường này tụt xuống vị trí thứ 5 và tỷ trọng thị trường sụt giảm từ 18% xuống còn 13%.
VASEP cảnh báo, nếu không được gỡ bỏ”thẻ vàng” thì việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam không những bị ảnh hưởng đến thị trường EU mà cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác.
Việt Nam đặt mục tiêu đáp ứng đủ điều kiện để EU gỡ bỏ “thẻ vàng”. Vì theo quy định của EU, nếu quá thời hạn 6 tháng hoặc qua thời gian được gia hạn mà quốc gia vi phạm chưa khắc phục khuyến cáo trong án phạt “thẻ vàng”, thì có thể sẽ bị phạt “thẻ đỏ” tức cấm xuất khẩu thủy sản vào EU.