Ai bảo vệ những nhà báo chống tiêu cực tại Việt Nam?
RFA
2020-06-02
Nhà báo Kiều Đình Liệu bị hành hung phải nhập viện ngày 26/9/19.RFAAi bảo vệ những nhà báo chống tiêu cực tại Việt Nam?00:00/08:45
Đe dọa, khủng bố nhà báo
Phóng viên Nguyễn Vương của Báo VTC News, thường trú tại Huế, vào hôm 1/6 cho biết nhận cuộc gọi điện thoại từ ông Hồ Văn Hải, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Thiên An. Ông Hải đã đe doạ phóng viên Nguyễn Vương do viết bài phản ánh việc công ty làm lễ khởi công dự án sân golf khi chưa hoàn thiện các hồ sơ pháp lý được phê duyệt.
Trong cùng ngày 1/6, Trưởng văn phòng đại diện Báo Nông thôn Ngày nay ở Hải Phòng, bà Vũ Thị Hải gửi đơn đến công an địa phương và các cơ quan báo chí phản ánh bị kẻ xấu khủng bố bằng cách đổ chất bẩn vào nhà rạng sáng ngày 31/5. Bà Vũ Thị Hải cho rằng việc làm này của kẻ lạ mặt nhằm mục đích đe doạ, khủng bố tinh thần, cản trở tác nghiệp báo chí của mình, vì thời gian gần đây bà và đồng nghiệp đã viết các bài phản ánh tiêu cực, sai trái ở một số đơn vị tại địa phương.
Đài RFA ghi nhận đây là hai vụ việc mới nhất được truyền thông quốc nội loan tin.
Trong năm 2019, vụ việc nhà báo Kiều Đình Liệu bị hành hung hồi cuối tháng 9 gây chú ý dư luận trong và ngoài nước. Nhà báo Kiều Đình Liệu bị nhóm 3 thanh niên đánh tại một quán cà phê đến mức phải nhập viện, sau khi ông phát hiện hai xe ô tô chở gỗ hộp lớn và đã gọi điện cho Hạt trưởng cùng Hạt phó Hạt kiểm lâm Đức Cơ, tỉnh Gia Lai để thông báo sự vụ.
Mặc dù, ngay sau vụ việc này xảy ra, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ra thông cáo báo chí thúc giục giới chức Việt Nam phải tìm và trừng phạt những kẻ đã hành hung nhà báo Kiều Đình Liệu; đồng thời mặc dù Công an thành phố Pleiku được nói là nhanh chóng vào cuộc điều tra nhưng cho đến nay vẫn chưa có công bố nào đến với công luận liên quan vụ việc được điều tra đến đâu.
Mình đang đấu tranh với sự thật thì mình có thể chống lại với tất cả, bao gồm cả nơi làm việc, cả doanh nghiệp, cả đồng nghiệp cho tới tất cả các mối quan hệ nữa. Để đi đến sự thật và bảo vệ những người yếu thế thì đôi khi mình chống lại tất cả đấy
-Nhà báo Đỗ Cao Cường
Bên cạnh đó, hai vụ nhà báo bị thiệt mạng mà không rõ nguyên nhân là nhà báo Tôn Phúc của Tạp chí Dạy và Học Ngày nay và nhà báo Hải Đường của Báo Pháp luật TP.HCM cũng chưa được cơ quan chức năng thông báo về kết quả điều tra. Nhà báo Tôn Phúc được phát hiện chết, khi thi thể của ông được thấy trôi dạt gần khu vực bến phà Cát Lái, ở quận 2, TP.HCM vào tháng 8/2019. Còn nhà báo Hải Đường được tìm thấy xác trên sông Hồng hồi tháng 6/2018.
Từ Đà Nẵng, nhà báo Lê Hải lên tiếng với RFA về những vụ việc như vừa nêu xảy ra cho giới phóng viên, nhà báo tại Việt Nam:
“Thật ra việc đó ở Việt Nam là chuyện bình thường, chuyện xảy ra hàng ngày. Bây giờ người bảo vệ quan trọng nhất là người có tiền.”
“Thế lực ngầm” khống chế truyền thông trung thực
Về cái chết của nữ nhà báo Hải Đường, Đài RFA từng được người trong giới xã hội cho biết là do doanh nghiệp gây ra và đút tiền cho chính quyền để làm ém nhẹm vụ việc, xác định nạn nhân chết là do ngạt nước và không phải điều tra.
Nhà báo Lê Hải nêu dẫn chứng về những thế lực khống chế truyền thông ở Việt Nam là những doanh nghiệp, là những nhóm lợi ích mà ông gọi là “người có tiền” có thể định đoạt số phận của nhà báo và thậm chí cả các cơ quan báo chí, truyền thông ở Việt Nam.
“Ví dụ như vừa rồi Báo Phụ nữ TP.HCM đưa tin về Tập đoàn Sun Group thì sau đó bị Bộ Thông tin-Truyền thông phạt 55 triệu và đình bản báo online 1 tháng. Dư luận cho rằng khi bài báo ra đời thì Tập đoàn Sun Group hoàn toàn không có ý kiến gì phản đối hết. Nếu như nói sai thì dứt khoát họ phải lên tiếng rồi, thậm chí họ kiện. Nhưng mà họ không kiện. Vậy lý do gì mà Bộ Thông tin-Truyền thông lại phạt? Việc này không theo một kiểu gì hết.”
Từ Sài Gòn, nhà báo Nguyễn Ngọc Già tiếp lời liên quan vụ việc Báo Phụ nữ TP.HCM:
“Câu chuyện của Tòa soạn Báo Phụ nữ TP.HCM vừa rồi bị đình bản và bị phạt tiền vì đã dám động chạm đến Tập đoàn Sun Group thì nó vẽ lên cảnh chung của những người làm báo hiện nay ở một tình thế có thể nói rằng xã hội không còn phân biệt về lẽ phải, về đạo đức mà nó chỉ quan tâm đến tình trạng đó là sự thắng thua trên mặt trận thông tin truyền thông.”
Chính quyền Việt Nam vừa bắt giữ nhà văn Phạm Thành, nhà báo Nguyễn Tường Thụy và nhà thơ Trần Đức Thạch (bìa trái sang). Photo: RFA
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhấn mạnh giới lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Việt Nam thao túng truyền thông, đặc biệt vào những dịp trước thềm Đại hội Đảng nhằm mục đích đấu đá quyền lực và lợi ích.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định tình hình của giới làm báo tại Việt Nam càng ngày càng tội tệ và trở nên càng nguy hiểm hơn:
“Báo chí của Việt Nam không tuân theo chuẩn mực của báo chí quốc tế. Thứ hai là không có luật pháp và thứ ba là bị chính trị hóa trầm trọng để phục vụ cho sự đấu đá của nội bộ người Cộng sản Việt Nam, chứ cũng không phải phục vụ cho chế độ nữa. Bởi vì báo chí phục vụ cho chế độc độc đảng toàn trị thì nó cũng còn một chuẩn mực tối thiểu. Hiện nay báo chí bị dẫn đến một tình trạng hỗn loạn, hỗn mang và có thể nói là tình trạng hỗn độn. Người ta không biết một cái lề nào hết. Hồi trước còn gọi là ‘lề trái’, ‘lề phải’. Còn bây giờ coi như những nhà báo còn lương tri thì cảm thấy bế tắc và như là đi vào trong rừng rậm mà không có lối ra trong nghề làm báo.”
Nhà báo được bảo vệ bởi ai?
Nhà báo Lê Trung Khoa, Chủ bút của tờ Thoibao.de ở Đức từng phải trình báo với Sở Cảnh sát Berlin về việc ông bị dọa giết do đưa tin Chính quyền Việt Nam đứng phía sau vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đưa về nước hồi năm 2018. Nhà báo Lê Trung Khoa cho RFA biết sau khi làm việc với phía Cảnh sát Đức thì ông được thông báo biện pháp bảo vệ cá nhân ông được nâng lên.
Còn tại Việt Nam, nhà báo Đỗ Cao Cường, từng bị dọa giết do đưa tin không qua kiểm duyệt về các vấn đề ô nhiễm môi trường, khẳng định nhà báo cất tiếng nói trung thực, phản ánh tiêu cực xã hội thì gọi nôm na là “một mình chống mafia”:
“Mình đang đấu tranh với sự thật thì mình có thể chống lại với tất cả, bao gồm cả nơi làm việc, cả doanh nghiệp, cả đồng nghiệp cho tới tất cả các mối quan hệ nữa. Để đi đến sự thật và bảo vệ những người yếu thế thì đôi khi mình chống lại tất cả đấy.”
Báo chí của Việt Nam không tuân theo chuẩn mực của báo chí quốc tế. Thứ hai là không có luật pháp và thứ ba là bị chính trị hóa trầm trọng để phục vụ cho sự đấu đá của nội bộ người Cộng sản Việt Nam, chứ cũng không phải phục vụ cho chế độ nữa. Bởi vì báo chí phục vụ cho chế độc độc đảng toàn trị thì nó cũng còn một chuẩn mực tối thiểu. Hiện nay báo chí bị dẫn đến một tình trạng hỗn loạn, hỗn mang và có thể nói là tình trạng hỗn độn. Người ta không biết một cái lề nào hết. Hồi trước còn gọi là ‘lề trái’, ‘lề phải’. Còn bây giờ coi như những nhà báo còn lương tri thì cảm thấy bế tắc và như là đi vào trong rừng rậm mà không có lối ra trong nghề làm báo
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Hồi tháng 2 năm nay, gia đình ký giả Lê Hà, chủ kênh Tiếng Dân Tivi, một kênh Youtube độc lập lên tiếng đòi quyền lợi cho người dân, bị truy sát khiến mẹ và vợ ông phải nhập viện điều trị.
Vào tối ngày 2/6, Đài RFA liên lạc với ký giả Lê Hà để hỏi thăm thông tin về diễn tiến vụ việc vừa nêu và được ông cho biết:
“Tiến trình vụ án đó thì cơ quan điều tra của Công an tỉnh Tuyên Quang đang tiến hành các bước tố tụng theo quy định. Sắp tới đây chuẩn bị thực nghiệm điều tra để làm theo các bước tố tụng đó. Đối với gia đình của Lê Hà thì cơ quan Công an tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện tiến trình đúng quy định.”
Ký giả Lê Hà chia sẻ rằng tuy vụ việc gia đình ông bị truy sát được công an điều tra đúng quy định nhưng ông không thể phủ nhận tình trạng các nhà báo kể cả làm việc trong cơ quan báo chí quốc doanh hay nhà báo độc lập đều không được bảo vệ. Thậm chí, theo quan điểm cá nhân ông thì Chính quyền Việt Nam đã không tôn trọng và thực thi theo pháp luật và Hiến pháp Việt Nam lẫn những điều quy định về báo chí của Liên Hiệp Quốc trong việc bắt giữ và cầm tù giới cầm bút, như mới nhất là bắt giữ nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà văn Phạm Thành và nhà báo Nguyễn Tường Thụy.
Những nhà báo cất lên tiếng nói trung thực ở Việt Nam, đất nước bị xếp vào vị trí thấp trong bảng tự do truyền thông thế giới, cùng khẳng định rằng dù bị đe dọa, hành hung, bắt bớ, tù đày thì họ vẫn phải làm tròn trách nhiệm của một nhà báo, như nhà báo Đỗ Cao Cường khẳng khái tuyên bố rằng “Giết tôi rồi hãy bắt tôi im lặng!”.