Liệu lãnh đạo Việt Nam có quyết tâm thực thi quyền của mình theo UNCLOS?
Tôn Thất Hoàng Bảo
2020-06-04
Hình minh hoạ. Người Việt Nam và Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc ở Lãnh sự quán Trung Quốc tại Manila, Philippines hôm 6/8/2016 AFP
Đấu trường biển Đông
Tình hình biển Đông vẫn đang ở trong những nhịp độ “nóng bỏng”. Mới đây Hoa Kỳ đã chính thức lên tiếng phản đối các yêu sách sai trái của Trung Quốc ở biển Đông. Sự lên tiếng của Hoa Kỳ đã như một cơn sóng “cộng hưởng” với tiếng nói của Philippines, Việt Nam và Indonesia trước đó đã “tạo sóng” cho dư luận trước nỗi lo về sự đe doạ của Trung Quốc trên biển Đông.
Trung Quốc vẫn đang tiếp tục sử dụng chính sách “kề miệng hố chiến tranh” nhưng được thực hiện bằng các hành động “dưới ngưỡng chiến tranh” để đe doạ và ức hiếp các quốc gia Đông Nam Á có những lợi ích trực tiếp liên quan ở Biển Đông. Trong thời gian qua, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á đã có sự thay đổi đáng kể. Các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông vẫn không ngừng tìm cách xử lý mối quan hệ phức tạp của họ với Trung Quốc – vừa mang tính đối kháng do những tranh chấp trên biển, vừa mang tính tương hỗ do những ràng buộc về kinh tế. Trong số đó Việt Nam là một trường hợp tiêu biểu.
Cho dù là láng giềng 4 tốt và 16 chữ vàng nhưng Trung Quốc vẫn đang là mối đe dọa hiển hiện trước mắt. Tàu Hải Dương địa chất 8 đã quấy rồi Việt Nam hơn 100 ngày năm ngoái vừa rồi đã quay lại. Sau khi đi qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông, tàu này đã chuyển sang “bắt nạt” chính phủ mới của Malaysia. Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh cùng đoàn tàu hộ tống đã hoạt động gần Bãi Macclesfield cho đến ngày 25/4 khi nhóm tàu tấn công USS America rời đi, mới tạm dừng hoạt động. Biển Đông dường như là thao trường quen thuộc của Trung Quốc để họ tích lũy kinh nghiệm tác chiến, đồng thời cũng là nơi để Trung Quốc thể hiện sức mạnh \”cơ bắp” của mình.
Các biện pháp phòng vệ của Việt Nam
Để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, Việt Nam đã tăng cường các biện pháp đối phó, một mặt, tăng cường ngoại giao quốc phòng với các cường quốc như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản.. Mặt khác, Hà Nội cũng đã bóng gió nói tới khả năng đưa vấn đề Biển Đông ra tòa án quốc tế.
Ngày 5/11/2019, Việt Nam đã công bố “Sách Trắng Quốc phòng”, nhắc lại chính sách “ba không” – không tham gia liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và không liên kết với một nước thứ hai để chống lại bên thứ ba. Tuy nhiên, chính sách đó vẫn hé mở cánh cửa cho việc tăng cường hợp tác an ninh với các nước khác, nhất là Mỹ. Nói cách khác, Việt Nam có một chiến lược phòng ngừa để ngăn chặn mối đe dọa Trung Quốc.
Sách Trắng thể hiện sự khác biệt ngày càng tăng giữa Hà Nội với Bắc Kinh về cách thức quản lý Biển Đông và truyền tải nhận thức của Hà Nội về các mối đe dọa chính, tuyên bố cam kết hợp tác với tất cả các nước, không phân biệt sự khác biệt về thể chế chính trị hay chênh lệch kinh tế. Sách Trắng cũng bắn tín hiệu về “giới hạn đỏ” của Hà Nội đối với chủ quyền quốc gia và sẵn sàng mở rộng quan hệ quốc phòng với các cường quốc và các nước khác trong khu vực. Sách Trắng cũng đặt ra một khả năng Việt Nam có thể cân nhắc thay đổi chiến lược trong chính sách quốc phòng “Ba không” truyền thống của mình vào bất kỳ lúc nào nếu Việt Nam đối mặt với các mối đe dọa không thể chấp nhận được từ Trung Quốc, “tùy thuộc vào các hoàn cảnh và điều kiện cụ thể”.
Tại cuộc hội thảo thường niên về Biển Đông do Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức tháng 11/2019, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã nêu vấn đề: “Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về Luật biển – UNCLOS có các cơ chế đầy đủ cho chúng tôi tiến hành các biện pháp về pháp lý”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá khả năng Việt Nam khởi kiện Trung Quốc vẫn còn rất xa vời, bởi vì các lãnh đạo Việt Nam e ngại sự trả đũa trên nhiều lĩnh vực của Trung Quốc.
Mới đây, khi đánh giá về khả năng khởi kiện Trung Quốc ra Toà án quốc tế bà Bonnie Glaser, chuyên gia từ CSIS nhận xét là Việt Nam cần một quyết định chính trị từ Hà Nội. Điều đó cho thấy những lo ngại của Việt Nam trước sự đe doạ của Bắc Kinh về vấn đề này.
Tham gia Bộ Tứ
Bên cạnh các hành động trên, Việt Nam đang cân nhắc khả năng đóng vai trò tích cực hơn trong Đối thoại an ninh Bộ Tứ.
Đối thoại An ninh Bộ tứ được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng năm 2007 và nhận được sự ủng hộ của Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney, Thủ tướng Australia John Howard và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Chính phủ Australia dưới thời Kevin Rudd đã rút lui khỏi cơ chế đối thoại trên năm 2009. Nhìn lại có thể thấy rằng, ý tưởng này là tốt, nhưng thời điểm lúc đó chưa chín muồi. Tháng 11/2017, bốn cường quốc đã chính thức hồi sinh khái niệm “Bộ Tứ” như một sáng kiến mới tại Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS). Washington đã nêu ý tưởng như một động lực chính cho tầm nhìn mới của nước này về Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Tổng thống Trump đã dùng sáng kiến này để thúc đẩy khái niệm “Bộ Tứ” về hợp tác an ninh. Kể từ đó, các quan chức Bộ Tứ đã gặp nhau tổng cộng 5 lần.
Các nguồn tin ngoại giao cho biết, Hà Nội đang bí mật cân nhắc hợp tác với “Bộ Tứ”. Để đối phó với các tham vọng mới của Trung Quốc, Việt Nam đã gửi những tín hiệu thăm dò về việc có thể tìm kiếm hợp tác với nhóm chiến lược gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, cùng với các đối tác khu vực như New Zealand và Hàn Quốc – một “Bộ Tứ” mở rộng. Ngày 27/3/2020, các thành viên của “Bộ Tứ” đã nhóm họp trực tuyến cấp thứ trưởng lần đầu tiên với New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để thảo luận không chỉ các giải pháp đối phó với đại dịch COVID-19, mà cả cách thức để hồi phục kinh tế với các kế hoạch cho các cuộc họp hàng tuần tiếp theo.
Nhà phân tích Derek Grossman của RAND Corporation cho rằng Việt Nam là “một trường hợp hấp dẫn”, có thể cung cấp một đầu vào tuyệt vời cho “Bộ Tứ mở rộng” tập trung đối phó Trung Quốc. Ông Grossman cho rằng, “mở rộng sự tham gia Bộ Tứ đối với một quốc gia Đông Nam Á sẽ làm suy yếu đánh giá của Trung Quốc khi cho rằng, Bộ Tứ chỉ đơn giản là một nhóm các cường quốc bên ngoài đang tìm cách kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc”.
Trong khi các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn đang ngập ngừng trước khả năng trở thành thành viên của “Bộ Tứ mở rộng”, thì các hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông có thể buộc họ phải quyết định. Như đã được chỉ ra trong Sách Trắng Quốc phòng, Hà Nội dự kiến sẽ tham gia “Bộ Tứ” theo các bước được tính toán để tránh sự phản đối không cần thiết của cường quốc láng giềng. Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh đã khẳng định trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 23/5/2020 rằng, Mỹ đã mời Việt Nam tham gia “Bộ Tứ mở rộng” cùng với Hàn Quốc và New Zealand để thúc đẩy sự chuyển đổi các chuỗi cung cấp toàn cầu và hình thành một “mạng lưới thịnh vượng kinh tế” mới.
Tìm kiếm sự đồng thuận từ ASEAN
Hình minh hoạ. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chụp hình chung cùng các lãnh đạo các nước ASEAN ở Bangkok, Thái Lan hôm 4/11/2019 Reuters
Ngoài ra, Hà Nội đang cố gắng tận dụng vị thế Chủ tịch ASEAN của mình để để tìm kiếm sự ủng hộ và hợp tác về vấn đề Biển Đông của các thành viên ASEAN khác như Indonesia, Malaysia và Philippines. Trung Quốc cũng đã “bắt nạt” và ép buộc những nước này, bác bỏ các tuyên bố về lãnh thổ của họ trên Biển Đông. Việc các quốc gia này cùng tìm thấy điểm chung trước các yêu sách phi lý trên biển Đông của Trung Quốc, cộng với tuyên bố mới đây của Hoa Kỳ cũng về vấn đề này, đang là niềm hy vọng mới cho tiến trình tìm kiếm một bản COC có hiệu quả thực tế trong việc ngăn ngừa sự xung đột tiềm tàng tại khi vực này.
Phép thử quan trọng tại Lô 06.1
Các động thái trên của Việt Nam cho thấy các cơ hội của Việt Nam thoát ra khỏi sự đe doạ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Việt Nam vẫn đang tỏ ra rất chậm chạp trước việc nắm bắt các cơ hội này. Một vấn đề đáng lưu ý khi thông tin cho biết, Hà Nội đang cân nhắc khả năng tiếp tục việc thăm dò và khai thác mới tại Lô 06.1. Lô này hiện có 3 mỏ khí là Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại.
Theo thông tin từ tạp chí Năng lượng Việt Nam, Lô 06.1 nằm ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam do Rosneft Vietnam B.V. là nhà điều hành đã hoạt động ổn định trong suốt 15 năm qua, cung cấp hàng năm khoảng hơn 30% sản lượng khí cho Việt Nam.
Hình minh họa. Giàn khoan dầu khí ở mỏ Lan Tây của công ty Rosneft Vietnam ngoài khơi Vũng Tàu hôm 29/4/2018 Reuters
Hợp đồng dầu khí lô 06.1 với Rosneft chiếm 35%, ONGC 45% và PVN 20%. Lô 06.1 nằm hoàn toàn trong khu vực bể Nam Côn Sơn cách bờ 370km, đang khai thác khí và condensate tại các mỏ Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại. Sản lượng khai thác trung bình ngày hiện nay khoảng 8,8 triệu m3 khí/ngày và khoảng 1.500 thùng condensate/ngày. Sản lượng khai thác cộng dồn của Lô 06.1 đến tháng 6/2017 là 53,5 tỷ m3 khí và 19,8 triệu thùng condensate.
Mặc dù Việt Nam vẫn đang tiến hành khai thác tại Lô 06.1 này, tuy nhiên, yêu cầu cần phải tiếp tục thăm dò và khai thác mỏ mới tại Lô này. Về vị trí địa lý thì Lô 06.1 nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, tại khu vực bể Nam Côn Sơn. Theo quy định tại Điều 56 và Điều 77 của UNCLOS, Việt Nam có đầy đủ quyền để thăm dò và khai thác tại các Lô 06.1 này. Tuy nhiên, tàu khảo sát khổng lồ “Hải Dương Địa chất 8”, được các tàu hải cảnh và tàu dân quân biển hộ tống, đã quấy rối Việt Nam tại Lô này hơn từ tháng 7 đến tháng 10/2019. Chính vì vậy, các lãnh đạo Việt Nam đang đứng trước quyết định tiếp tục cho thăm dò để có thể khai thác mỏ mới tại Lô 06.1 này hay không? Bởi vì nếu tiếp tục cho thăm dò, có thể sẽ tái diễn sự căng thẳng đến “ngộp thở” bởi các tàu Trung Quốc đến quấy rối. Nhưng nếu không tiếp tục thăm dò, thì sẽ đánh mất cơ hội và tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp tục lấn tới. Chúng ta còn nhớ, trước sự đe doạ của Trung Quốc, Việt Nam đã từng phải rút khỏi Lô 136.3 năm 2017 và Lô 07.3 năm 2018. Chính sự “xuống nước” này của Việt Nam đã dẫn tới việc Trung Quốc tranh thủ và tận dụng cơ hội để gia tăng sự đe doạ lên Việt Nam thời gian sau này.
Chính vì vậy, việc quyết định có tiếp tục cho thăm dò để khai thác mỏ mới tại Lô 06.1 vào thời gian sắp tới sẽ được coi như là một phép thử sự quyết tâm và lòng can đảm của lãnh đạo Việt Nam trước áp lực đe doạ từ Trung Quốc. Nếu vượt được qua phép thử này, thì chúng ta mới có thể hy vọng các biện pháp tiếp theo. Còn nếu không, mọi kế hoạch xem chừng sẽ chỉ là \”kế hoạch”, khó có thể thực hiện được trên thực tế.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự do