Luật sư Mỹ đề nghị tư vấn miễn phí cho Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
05/06/2020
Một tiến sĩ, luật sư người Mỹ từng làm việc một số năm tại Việt Nam nói với VOA rằng khi ông đọc báo và xem thấy video tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, thì trong tư cách một con người, một công dân Mỹ, những hình ảnh đó đã khiến ông tức giận và xác định cần phải làm một điều gì đó.
Tiến sĩ – Luật sư Dale J. Montpelier, người từng cố vấn pháp lý cho các vụ tranh chấp liên quan đến dầu khí với Việt Nam, tiết lộ với VOA rằng ông đã gửi thư đến Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và đề nghị tư vấn miễn phí cho Việt Nam kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.
“Tôi nhận ra sự mất mát đau đớn nếu người dân Việt Nam không bảo vệ những gì là hợp pháp của họ trước sự xâm lược bất hợp pháp của Trung Quốc”, LS. Montpelier viết trong lá thư gửi cho Đại sứ Hà Kim Ngọc mà VOA được xem qua.
Gửi lá thư đề nghị đến chính phủ Việt Nam vào cuối năm ngoái, giữa lúc đang rộ lên thông tin về việc Trung Quốc tiếp cận và sử dụng quân cảng của Campuchia, LS. Montpelier còn cảnh báo với Việt Nam rằng “vấn đề sẽ còn trở nên tệ hại hơn rất nhiều” trong tương lai.
Trao đổi với VOA, luật sư có bề dày 25 năm kinh nghiệm nói rằng tất cả những thông tin, dữ liệu, luận cứ từ vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc ở Toà án Quốc tế ở La Haye thì Việt Nam đều có thể sử dụng được, “nhưng không thể chỉ dừng lại ở đó”.
LS. Montpelier nói sẽ không khó khăn cho Việt Nam trong việc phản bác các luận cứ của Trung Quốc và thắng Bắc Kinh trước toà án quốc tế. Tuy nhiên, theo ông, “Vấn đề đối với Trung Quốc, mà chúng ta đã chứng kiến trong lịch sử và rất nhiều trong vòng 5 đến 10 năm qua, là Trung Quốc không công nhận phán quyết. Trung Quốc chỉ sử dụng các phán quyết hữu ích cho Trung Quốc mà thôi. Còn với phán quyết mà họ không thích, chẳng hạn như phán quyết của Philippines từ tòa án là trọng tài thường trực, Trung Quốc chỉ phớt lờ và giả vờ như nó không có hiệu lực đối với họ”.
Luật sư người Mỹ nói với VOA rằng mặc dù ông chưa nói chuyện với bất kỳ quan chức chính phủ Việt Nam nào về chiến lược chi tiết, nhưng theo quan điểm của ông, một khi Việt Nam quyết định kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế, thì phải chuẩn bị sẵn phương án để buộc Trung Quốc phải công nhận và tôn trọng phán quyết.
Ông nói: “Vấn đề ở đây là, đối với bất kỳ ai theo dõi vụ việc và bất kỳ doanh nghiệp nào làm kinh doanh tại Trung Quốc, nếu chính phủ Trung Quốc không tôn trọng phán quyết của tòa án hay toà trọng tài thường trực, làm thế nào một doanh nghiệp Hoa Kỳ, một doanh nghiệp Singapore, một doanh nghiệp Việt Nam có thể tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ tôn trọng thỏa thuận đối với họ? Không có gì ngăn được Trung Quốc phá vỡ các thỏa thuận nếu chính phủ trên thực tế không tôn trọng luật pháp. Vì vậy, đây là vấn đề về ngoại giao nhiều hơn, nhưng đó chắc chắn là bước thứ hai cần phải được thực hiện”.
Tiến sĩ luật của Mỹ nói Việt Nam cần phải làm cho Trung Quốc nhận thấy rằng việc làm ăn, kinh doanh trong thế giới hiện đại phụ thuộc vào việc chính phủ có tôn trọng pháp luật hay không.
Ông nói thêm: “Trung Quốc cần phải nhận thấy hình phạt. Nếu Trung Quốc không công nhận phán quyết, thì hình phạt sẽ tính bằng đồng đô la và thương mại. Về phía Việt Nam, chính phủ, người dân và các công ty, liệu có vẫn làm ăn với Trung Quốc hay không khi họ không tôn trọng thỏa thuận hoặc các phán quyết tòa án? Chưa có ai đặt Trung Quốc vào tình huống này. Không một ai nói ‘Chúng tôi không cần tiền\’, nhưng điều quan trọng hơn là anh phải tôn trọng luật. Một khi các công ty lớn hoặc một chính phủ dám làm điều đó, Trung Quốc sẽ phải thay đổi hành động của mình. Vì vậy, chính phủ (Việt Nam) cần phải hậu thuẫn, cần phải quyết tâm để đảm bảo rằng Trung Quốc phải tuân theo phán quyết của tòa án”.
Trước tình trạng Việt Nam vẫn ở vào thế phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, Luật sư Montpelier nói đây không phải là tình huống riêng của Việt Nam, mà là của cả thế giới.
Phân tích tình hình thực tế khi trải qua đại dịch Covid-19 hiện nay, ông nói nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ và một số nước châu Âu, đã nhận ra “sai lầm lớn” của họ trong việc đầu tư quá nhiều vào Trung Quốc khiến cho nền kinh tế bị phụ thuộc vào nước này.
Vì vậy, theo ông, “một khi các quốc gia đoàn kết và đưa ra quyết định, một khi họ cùng nói “Đủ rồi” và rút ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc, thì khi đó mọi chuyện sẽ thay đổi. Đó là khi Trung Quốc thực sự mất quyền lực”.
“Một khi Việt Nam nhận ra rằng họ có thể độc lập về kinh tế và có thể có mối quan hệ thương mại với các quốc gia khác, Việt Nam sẽ đi một chặng đường dài để phá vỡ sự kiểm soát của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ làm bất cứ điều gì có thể nghĩ ra để đánh cắp phần đất đó. Chính vì vậy, chính phủ Việt Nam cần phải sáng tạo, cần phải sử dụng mọi nguồn lực có thể có để buộc Trung Quốc phải công nhận thực tế rằng họ không sở hữu những hòn đảo đó”, LS. Montpelier nói thêm.
Sau thời gian làm việc tại Việt Nam, Luật sư Dale Montpelier cho biết ông đã cưới vợ người Việt và xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Ông cho biết thêm:
“Tôi chỉ muốn giúp đỡ. Tôi sẵn sàng đứng lên và nói “Đủ rồi”, và tôi sẵn sàng cống hiến tài năng của mình cho chính phủ Việt Nam nếu họ cần giúp đỡ. Đó chỉ là một lời đề nghị. Tôi không làm việc đó để kỳ vọng bất cứ công việc hay lợi ích gì. Nhưng nếu những người giống như tôi không đứng lên và nói “Đủ rồi” khi đã đến lúc cần đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình, quyền lợi của gia đình mình ở Việt Nam, thì Trung Quốc sẽ giành chiến thắng. Tôi sẵn sàng tình nguyện. Tôi sẽ không để Trung Quốc chiến thắng. Tôi sẽ không để Trung Quốc đánh bại. Nếu Việt Nam cần sự giúp đỡ của tôi, họ chắc chắn có nó”.
Cho tới nay, LS. Montpelier vẫn chưa nhận được phản hồi từ chính phủ Việt Nam sau nhiều tháng gửi thư cho Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ.
Vào đầu tuần này, Hoa Kỳ cũng vừa thực hiện một động thái quan trọng và có lợi cho Việt Nam khi phái đoàn đại diện của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc hôm 1/6 gửi công hàm phản đối yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Công hàm của Mỹ nói “quyền lịch sử” mà Bắc Kinh tuyên bố đã “vượt quá quyền lợi hàng hải mà Trung Quốc được hưởng như phản ánh trong Công ước Luật biển năm 1982”.