09/06/1915: William Jennings Bryan từ chức Ngoại trưởng Mỹ
Nguồn: William Jennings Bryan resigns as U.S. secretary of state, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1915, Ngoại trưởng Mỹ William Jennings Bryan đã từ chức vì lo ngại trước cách Tổng thống Woodrow Wilson xử lý khủng hoảng khi tàu ngầm Đức đánh chìm tàu khách Lusitania của Anh vào tháng trước, khiến 1.200 người, trong đó có 128 người Mỹ, thiệt mạng.
Đầu năm 1915, thông báo của Đức về việc hải quân nước này đang áp dụng chính sách chiến tranh tàu ngầm không giới hạn đã làm dấy lên quan ngại cho nhiều người trong chính phủ và người dân Mỹ – khi ấy vẫn duy trì chính sách trung lập nghiêm ngặt suốt hai năm đầu Thế chiến I. Sự kiện Lusitania bị đánh chìm vào ngày 07/05/1915 đã ngay lập tức gây náo động, vì nhiều người tin rằng quân Đức cố tình đánh chìm con tàu Anh nhằm khiêu khích Wilson và nước Mỹ.
Bryan, với tư cách là Ngoại trưởng, đã thay mặt chính quyền Wilson gửi một công hàm tới chính phủ Đức, ông nhắm vào mối quan hệ hữu nghị và ngoại giao giữa hai quốc gia, đồng thời bày tỏ mong muốn rằng hai bên cùng hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về tình hình nghiêm trọng của vụ Lusitania. Khi người Đức đáp trả bằng cách biện minh cho hành động của hải quân nước mình rằng Lusitania đang mang theo đạn dược (con tàu đúng là có mang đạn, nhưng chỉ là một lượng nhỏ), đích thân Wilson đã viết một công thư mạnh mẽ, nhấn mạnh rằng vụ đánh chìm tàu là một hành động bất hợp pháp và yêu cầu Đức chấm dứt chiến tranh tàu ngầm không giới hạn nhắm vào các tàu buôn không vũ trang.
“Chính phủ Mỹ đang hướng đến một điều còn lớn hơn nhiều so với các quyền đơn thuần về tài sản hoặc đặc quyền thương mại,” Wilson viết. “Chúng tôi đang tranh đấu cho một điều cao cả và thiêng liêng hơn tất thảy, đó là các quyền của nhân loại, mà mọi Chính phủ đều phải tôn trọng và không có Chính phủ nào có thể biện minh thay mặt cho những người dưới quyền mình.”
Phản đối lập trường mạnh mẽ của Wilson trong công thư thứ hai về Lusitania, đồng thời tin rằng nó có thể mở đường cho một tuyên bố chiến tranh, Bryan đã từ chức vào ngày 09/06/1915, cương quyết không ký tên vào lá thư. Bức thư và hai bản văn tương tự khác đã được gửi tới Đức. Sau đó Đức chấp nhận hạn chế chính sách tàu ngầm trong suốt năm 1916 để tránh nguy cơ đối đầu trực tiếp với Mỹ.
Hành động từ chức của Bryan đánh dấu một bước ngoặt đáng kể, vì cuộc khủng hoảng Lusitania đã thuyết phục người kế nhiệm của ông, Robert Lansing, tin rằng Mỹ không thể giữ thái độ trung lập mãi mãi, và cuối cùng cũng sẽ phải tham gia cuộc chiến chống lại Đức. Trong những diễn biến tiếp theo, Đức đã nối lại chính sách chiến tranh tàu ngầm không hạn chế vào tháng 02/1917; hai tháng sau, Wilson ra trước Quốc Hội yêu cầu tuyên chiến.