Báo cáo mới về tù nhân tôn giáo tại Việt Nam
RFA
2020-06-10
Hình minh hoạ. Một người Thượng đang cầu nguyện sau khi ra khỏi rừng ở tỉnh Ratanakiri vì chạy trốn khỏi Việt Nam hôm 22/7/2004 Reuters
Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế- USCIRF, vào ngày 9 tháng 6 công bố phúc trình thường niên 2020 về tù nhân tôn giáo nói riêng và tình hình tự do tôn giáo nói chung tại Việt Nam trong năm 2019.
Phúc trình nêu rõ chính phủ Hà Nội cầm tù hằng chục cá nhân chỉ vì niềm tin tôn giáo hay quan điểm cổ xúy cho tự do tôn giáo.
Phúc trình cho biết điều kiện giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam vi phạm những chuẩn mực quốc tế gồm có việc từ chối không cho các tù nhân tôn giáo được tiếp cận các nghi lễ phụng tự của tôn giáo mà họ tin theo. Biện pháp này được cho là một hình thức trả thù.
USCIRF nhận định tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam trong năm 2019 vẫn như những năm trước. Vào chuyến làm việc tại Việt Nam vào tháng 9 năm ngoái, nhiều tổ chức tôn giáo khi đăng ký với chính quyền địa phương bị đòi hỏi những thông tin mà Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo của Nhà nước không hề yêu cầu như tên của tín đồ.
Đơn đăng ký thường bị ngâm nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm mà không cho biết quyết định giải quyết.
Nhiều cộng đồng thiểu số phải đối mặt với tình trạng bắt bớ quá mức chỉ vì thực hành niềm tin tôn giáo của họ một cách ôn hòa.
Phúc trình nêu ra con số ước tính chừng 10 ngàn người H’mong và người Thượng Tây Nguyên theo Thiên Chúa Giáo trở nên vô tổ quốc vì chính quyền địa phương từ chối cấp chứng minh nhân dân cho họ. Nhiều trường hợp bị trả thù vì không chịu từ bỏ niềm tin tôn giáo.
Trong phúc trình năm nay, USCIRF tiếp tục kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt- CPC, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế.
Kể từ năm 2002, USCIRF đã có kiến nghị vừa nêu và vào năm 2004, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Đến năm 2006, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rút tên Việt Nam khỏi danh sách CPC. Lúc bấy giờ, USCIRF cho rằng còn quá sớm để đi đến quyết định đó nếu như tiến bộ về tự do tôn giáo của Việt Nam không lâu bền.