Anh Quốc: Phong trào xóa bỏ tượng \’thực dân\’ và chủ nô lệ lên cao
Ngày 11/06/2020, chính quyền thành phố Bristol ở Anh đã âm thầm cẩu tượng đồng của ông Edward Colston khỏi cảng sau khi tượng bị người biểu tình hôm Chủ Nhật ném xuống nước.
Họ làm công tác này lúc 5 giờ sáng \”để tránh không xúc phạm bất cứ ai\”.
Với việc giật đổ tượng Colston, doanh nhân, người buôn nô lệ vào thế kỷ 17, phong trào đòi lật lại quá khứ, lên án “thực dân đế quốc” và nghề buôn nô lệ tại Anh đang lên cao chưa từng thấy.
Tượng Edward Colston sẽ được đưa vào bảo tàng ở Bristol với phần ghi chú về hành vi buôn nô lệ thời xưa của ông ta để “giáo dục các thế hệ sau”, theo trang BBC News.
Các công trình khác như trường học, cung thể thao mang tên ông ta, người bỏ tiền hiến tặng rất nhiều cho Bristol, có thể sẽ bị đổi tên.
Phong trào đòi giật đổ tượng \’thực dân, phân biệt chủng tộc\’
Không chỉ ở Bristol mà việc đòi đánh giá lại quá khứ để lên án nạn buôn nô lệ, một yêu sách của phong trào Black Lives Matter (Người da đen cũng đáng được sống), nay đang tác động đến tất cả các đô thị Anh.
Quá khứ buôn nô lệ và xâm chiếm thuộc địa của nước Anh là không ai phủ nhận. Chính quyền Anh thời đó và Hải quân Hoàng giá đã đóng vai trò hỗ trợ cho điều họ gọi là “kỷ nguyên khai phá”.
Dù sau này Anh xóa bỏ chế độ nô lệ, nhưng vấn đề này tiếp tục bị xem xét lại, kỹ càng hơn tới vai trò của từng nhân vật lịch sử.
Ngày nay, nhân phong trào “Black Lives Matter”, giới vận động muốn xem xét lại việc để tượng của những nhân vật hàng đầu thời đó tại nơi công cộng.
Một danh sách ít nhất 60 tượng, từ Sir Francis Drake, Lorn Nelson, Christopher Columbus và hai cố thủ tướng William Gladstone và William Peel, đã được một tổ chức đấu tranh “lên danh sách triệt hạ”.
Trong phong trào đang lên cao, tượng của cố thủ tướng Winston Churchill gần Nghị viện, và một tượng Nữ hoàng Victoria ở một địa phương tại Anh cũng bị phun sơn.
Ngay sau khi tượng ông Colston bị lật nhào, lăn trên phố và đẩy xuống cảng Bristol, một số pho tượng khác ở nơi công cộng trên cả nước Anh được lặng lẽ cho vào bảo tàng hoặc dọn đi.
Tại cảng Poole Harbour, tượng của nhà sáng lập ra phong trào hướng đạo sinh, Robert Baden-Powell, được thành phố cho dọn đi sau khi cảnh sát cảnh báo là cần bảo vệ tượng.
Chính quyền Poole nay nói một số phần trong tiểu sử ông Baden-Powell “không đáng được vinh danh”.
Ông từng bị phê phán là có thái độ phân biệt chủng tộc và ủng hộ Adolf Hitler.
Tại London, tượng của một nhà buôn nô lệ, chủ đồn điền trồng mía ở Jamaica ở thế kỷ 18, ông Robert Milligan (người gốc Scotland), cũng bị dọn đi khỏi vị trí Bảo tàng Docklands.
Cũng liên quan đến làn sóng này nhưng ở Bỉ, thành phố Anwerp đã dọn đi tượng vua Leopold, người từng bị cáo buộc là tàn bạo với người da đen khi Vương quốc Bỉ làm chủ thuộc địa Congo.
Tại Hoa Kỳ, tượng tướng Robert Lee trong Nội chiến Mỹ đang bị yêu cầu gỡ bỏ.
Thị trưởng London, ông Sadiq Khan (đảng Lao động) tuyên bố lập một ủy ban xem xét lại tên phố, tượng đài để giải quyết vấn đề “liên quan đến nạn buôn nô lệ”.
Các dân biểu đảng Bảo thủ Anh trong Hội đồng thành phố cho rằng phe Lao động “tìm cách tuyên chiến với tượng đài”.
Phong trào lật lại quá khứ trong học thuật và điện ảnh
Sau khi kéo đổ tượng Edward Colston ở Bristol, các nhóm vận động tại Anh đang đòi Đại học Oxford phải dỡ tượng Cecil Rhodes.
Cuộc vận động “Rhodes Must Fall” (Rhodes phải đổ) lên án trường đại học có tượng ông là “không giải quyết nạn phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống”.
Thành viên của phong trào này cho biết họ sẽ biểu tình trước bức tượng ông Rhodes, hiện ở Oriel College, một viện đại học thuộc ĐH Oxford.
Họ cũng là phái ủng hộ phong trào “Black Lives Matter” bùng nổ ở Hoa Kỳ và châu Âu vì cái chết của người da đen 46 tuổi, George Floyd.
Sự kiện tượng ông Edward Colston, doanh nhân buôn nô lệ ở thế kỷ 17, bị kéo đổ ở Bristol, bờ biển phía Tây Nam Anh Quốc, được báo chí đang tải rộng rãi.
Có người lấy đầu gối đè lên cổ của bức tượng đồng đã bị giật đổ xuống đất, để nhắc lại cảnh cảnh sát Mỹ đè đầu gối vào cổ ông George Floyd gần chín phút ở Minnesota, gây tử vong.
Colston là thành viên của Công ty châu Phi Hoàng gia (Royal African Company), doanh nghiệp đã vận chuyển 80 nghìn người da đen từ châu Phi, gồm cả phụ nữ và trẻ em, sang châu Mỹ làm nô lệ.
Khi qua đời năm 1721, ông để lại tài sản cho các tổ chức từ thiện và di sản của ông ta đến nay vẫn còn trên các toàn nhà, đài tưởng niệm ở Bristol.
Cecil Rhodes (1853-1902) là doanh nhân, chính khách theo quan điểm chủ nghĩa đế quốc và đóng vai trò quan trọng cho sự bành trướng thuộc địa của Anh ở châu Phi.
Sáng lập ra công ty kim cương De Beers mà sau kiểm soát ngành khai thác kim cương, ông đã làm thủ hiến thuộc địa Cape Colony của Anh (1890-96) ở vùng nay là CH Nam Phi.
Ông để lại nhiều công trình, gồm cả các đại học ở quốc gia mang tên ông là Rhodesia, mà nay thành Zimbabwe và Zambia.
Tại ĐH Oxford có học bổng \’Rhodes\’ nổi tiếng từ lâu nay.
Những người muốn nhắc đến di sản của Cecil Rhodes thì cho rằng ông đã kiến thiết các đô thị cho châu Phi, nhưng người phản đối cho rằng ông là kẻ phân biệt chủng tộc và \’trùm thực dân\’.
Cuối tuần trước, trên nước Anh có tới 200 cuộc biểu tình ủng hộ người da đen và đòi công lý, chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Đa số các cuộc tuần hành diễn ra bình thường nhưng có hàng chục vụ xảy ra trong cảnh bạo loạn và hàng chục cảnh sát viên bị thương.
Được biệt để bày tỏ sự ủng hộ phong trào \’Black Lives Matter, một số phim ảnh có liên qua trên mạng HBO như \’Cuốn theo chiều gió\’ cũng bị tạm rút để chỉnh lại lời giới thiệu.
Không chỉ bộ phim này mà nhiều tác phẩm điện ảnh, văn học Phương Tây, nhất là của tác giả Anh, Mỹ, đề cập đến người da đen hoặc thời kỳ sử dụng lao động nô lệ ở Tân Thế giới, theo quan điểm của người Âu Mỹ khi đó.
Các góc nhìn này nay bị phê phán là chuyển tải thông điệp xấu, không phù hợp với nhân quyền và quyền bình đẳng sắc tộc.