Cựu Cảnh Sát Dã Chiến Phan Điệp kể chuyện tù đày hai miền Nam-Bắc

Cựu Cảnh Sát Dã Chiến Phan Điệp kể chuyện tù đày hai miền Nam-Bắc

\"\"/
Đại Úy Phan Điệp (thứ tư, phải) tại Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực Trung Ương năm 1974. (Hình: Phan Điệp cung cấp)

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Phan Điệp, Sinh Viên Sĩ Quan tình nguyện thi vào Khóa 2 Biên Tập Viên Cảnh Sát Quốc Gia năm 1967. Ông nhập khóa Tháng Giêng, 1967, và ra trường Tháng Mười, 1967. Sau khi tốt nghiệp, ông được về phục vụ trong ngành Cảnh Sát Dã Chiến Quốc Gia.

Phục vụ trong ngành cảnh sát nhiều năm, đến năm 1969 ông Phan Điệp có chức vụ là trưởng Phòng 5 Cảnh Sát Dã Chiến.

Sau Hiệp Định Paris ký kết vào năm 1973, lực lượng cảnh sát được cải tổ qua một hình thức khác để cung ứng với nhu cầu cần thiết của sự diễn biến lúc bấy giờ. Ngành cảnh sát được thay đổi các cấp bậc và được mang “lon” như bên quân đội. Các cấp sĩ quan Biên Tập Viên thì được mang lon đại úy, còn Thẩm Sát Viên được mang lon trung úy hoặc thiếu úy tùy theo thời gian phục vụ trong ngành của họ, còn cấp quận trưởng thì được mang từ thiếu tá trở lên.

Những ngày tháng cuối cùng làm việc tại miền Nam

Đại Úy Cảnh Sát Phan Điệp kể: “Vì tình hình thay đổi, tôi được biệt phái về Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát để làm việc trong Phòng Tình Hình, phòng này trực thuộc một vị tư lệnh của cảnh sát để ông nắm vững các tình hình về dân sự, về quân sự trên toàn lãnh thổ miền Nam. Khi nơi nào có những tin tức đặc biệt thì phải báo cáo về Phòng Tình Hình của Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia để ông tư lệnh nắm vững về tình hình trong nước. Thí dụ như ở một tỉnh nào đó có nổ ra cuộc biểu tình, thì Phòng Tình Hình của chúng tôi phải ghi nhận ngày, giờ, địa điểm, có bao nhiêu người đi biểu tình và do ai lãnh đạo của cuộc biểu tình đó, chúng tôi sẽ báo cáo cấp thời cho ông tư lệnh ngay. Một thí dụ nữa là mỗi khi Cộng Sản có tấn công hay pháo kích vào một nơi nào đó thì tất cả mọi biến cố gì xảy ra thì cũng phải báo cáo cho tư lệnh biết.”

\"\"
Ông Phan Điệp tại Little Saigon, 2020. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Sau này, vì nhu cầu chiến tranh càng lớn mạnh nên Phòng Tình Hình được mở rộng hơn và được trở thành Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực. Trung tâm này đặt tại Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát được xem là Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực Trung Ương, và mỗi ty cảnh sát của tỉnh đều có một Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực của Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát cấp tỉnh. Hằng tuần, tại Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực Trung Ương, chúng tôi đều có tổng kết mọi diễn biến, mọi sinh hoạt về quân sự để báo cáo cho vị tự lệnh, để đối phó với sự quấy rối của địch quân,” ông kể tiếp.

“Tôi làm việc tại Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực Trung Ương cho đến ngày miền Nam bị thất thủ. Thật ra, lúc bấy giờ nếu tôi muốn rời khỏi đất nước thì tôi có thể đi được, vì những ngày tháng cuối cùng, tôi có làm việc chung với nhiều cơ quan tình báo của Mỹ về vấn đề tình hình trong nước, các cố vấn Mỹ sẽ sẵn sàng giúp tôi. Nhưng lúc đó, tôi không có ý định là rời khỏi đất nước mình,” ông nhớ lại.

\"\"
Sĩ quan Cảnh Sát Dã Chiến, hình chụp năm 1969. (Hình: Flickr manhhai)

Đi tù miền Nam

Khi Sài Gòn bị thất thủ, Cộng Sản hoàn toàn chiếm lĩnh miền Nam và thông báo rằng đối với cảnh sát nếu ai là sĩ quan cấp đại úy trở xuống thì sẽ trình diện vào những ngày 27, 28 Tháng Sáu, 1975. Ông Điệp kể: “Nhưng mới có ngày 20 Tháng Sáu thì mấy tên Cộng Sản đến nhà tôi lục soát, nói tại sao tôi không trình diện. Tôi mới nói rằng, ngày trình diện của tôi chưa tới. Thật ra cấp tá thì phải đi trình diện trước cấp úy của chúng tôi, nên chúng mới hiểu lầm tôi là sĩ quan cấp tá.”

“Nhưng rồi chúng cũng bắt tôi phải mang hành lý để đi theo. Khi ra khỏi nhà thì tôi bị bịt mắt dẫn đi. Lúc đó tôi cứ tưởng là chúng đem mình đi xử bắn. Cuối cùng, nhà của tôi ở quận 11 thì chúng đưa tôi đến khu trường Quân Báo Cây Mai, Chợ Lớn, cách nhà tôi cũng không xa. Nhưng trước đó chúng cứ đưa tôi đi hơn ba tiếng thì mới đưa tôi đến trường Cây Mai, có lẽ chúng không muốn cho tôi biết sẽ đưa tôi đi đâu,” ông kể.

Tại phòng giam của trường Cây Mai đã có vài trăm người đang bị Cộng Sản giam giữ. Sau đó, ông Điệp bị bắt làm tờ khai kiểm điểm lý do tại sao không đi trình diện. Qua ngày hôm sau ông được thả, vì cấp bậc của ông chưa đến ngày trình diện.

Đến ngày 28 thì ông Điệp đến trình diện tại trường trung học Gia Long vào buổi sáng. Khoảng 10 giờ tối thì ông và nhiều người nữa bị đưa lên xe Molotova về vùng Tam Hiệp, Biên Hòa. Nơi này cũng là trại giam tù binh Cộng Sản ngày xưa, do Tiểu Đoàn 7 Quân Cảnh VNCH trấn giữ.

Ông Điệp kể: “Trong lúc bị giam cầm ở Tam Hiệp thì mỗi buổi sáng, cai tù bắt chúng tôi ra ngoài nhổ cỏ, làm vệ sinh xung quanh trại giam. Kế bên trại giam là phi trường Biên Hòa, nơi Tiểu Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ đóng quân lúc trước. Những tù binh chúng tôi ở đây được một tuần lễ thì chúng tôi bị bắt ra ngoài phi trường, đến những đường băng của phi đạo để cạy phá xi măng với dụng cụ là những cây đinh và vài thỏi sắt nhỏ.”

“Chúng tôi phải đào đường băng của phi đạo để lòi đất lên, và cuốc đất để trồng bắp. Thật là một việc làm rất khôi hài. Xung quanh những ba-rắc, nơi chúng tôi bị nhốt vẫn còn những ba-rắc trống đã được người Mỹ xây dựng rất tốt đẹp, thì bộ đội Cộng Sản Bắc Việt kêu chúng tôi đập vỡ khu ba-rắc này ra để lấy những mái nhà làm bằng tôn. Xong cai tù hỏi ai biết gò thùng, ai biết làm nghề thợ thiếc thì biến những miếng tôn này thành những cái va-li để chúng đựng quần áo,” ông buồn cười kể.

\"\"
Ông Phan Điệp vừa đến phi trường Kansas năm 1990. (Hình: Phan Điệp cung cấp)

Ông kể thêm: “Những hệ thống dây điện cao thế bằng nhôm thì Cộng Sản bắt anh em chúng tôi cắt phá ra biến thành những móc áo để đem về miền Bắc. Còn những hệ thống nước máy thì bắt chúng tôi tháo gỡ hết để chúng đưa về miền Bắc. Rốt cuộc trong doanh trại không có nước máy để xài, bọn chúng lại bắt nhóm tù binh chúng tôi phải đi đào giếng để lấy nước xài.”

Theo ông Điệp, những ngày đầu tiên bị giam cầm thì việc ăn uống còn tương đối dễ chịu một chút. Nhưng khoảng chừng một tháng sau thì ông Điệp bị đưa về trại tù Suối Máu, và đoàn tù binh ở đây bị Cộng Sản hành hạ hà khắc hơn. Ông kể: “Có một kỷ niệm đau buồn nhất là trước ngày lễ 2 Tháng Chín của Cộng Sản, từ căn cứ của bộ đội Bắc Việt, chúng ném lựu đạn vào nhóm tù binh chúng tôi, khiến anh em chúng tôi có rất nhiều người chết và bị thương nặng. Trong số tử vong có một người rất nổi tiếng là nhạc sĩ Minh Kỳ, ông cũng là cựu đại úy cảnh sát.”

Bị chuyển trại tù ra Bắc Việt

Sau đó, một số tù binh bị đưa ra khỏi trại Suối Máu để chuyển trại. Cuộc chuyển trại này Cộng Sản cũng dùng xe Molotova bít bùng để đưa nhóm tù binh đi, nhưng không cho biết là sẽ đưa đi đâu. Khoảng 3 tiếng sau thì xe đến trạm Tân Cảng ở xa lộ Biên Hòa, nhóm tù binh bị đưa xuống tàu Sông Hương để đưa ra Bắc.

Ông Điệp kể: “Lúc mới xuống tàu chúng tôi thấy rất rộng rãi vì chiếc tàu lớn, nhưng rồi chúng chạy đến nhiều nơi để nhận thêm nhiều tù binh nữa, dần rồi chiếc tàu to lại trở thành quá chật, vì chúng cho xuống lượng tù binh quá đông. Tàu chạy khoảng hơn bốn ngày mới đến Hải Phòng. Khi gần đến chỗ để đưa các tù binh chúng tôi lên bờ thì có một tên Cộng Sản dùng loa phóng thanh để thông báo với chúng tôi là ‘Các anh đã được tạo điều kiện để ra miền Bắc của Xã Hội Chủ Nghĩa để học tập cải tạo tốt.’”

Sau đó, các tù binh bị đưa lên bờ chờ khoảng vài tiếng thì tiếp tục lên xe lửa, nhưng Cộng Sản không cho biết là sẽ đưa về đâu. Cuộc di chuyển bằng xe lửa này đưa những anh em tù binh lên những toa xe để chuyên chở than đá.

Ông Điệp kể: “Chúng lùa chúng tôi vào mỗi toa xe khoảng hơn 20 người, xung quanh toa xe đều bít bùng, chỉ còn những lổ hở nhỏ xíu. Xe chạy lúc trời ban đêm, nên chúng tôi không thể nhìn thấy nhau. Xe chạy rất lâu suốt đêm, đến trời lờ mờ sáng thì ánh sáng được lọt vào từ những kẽ hở nhỏ, lúc đó chúng tôi mới nhìn mặt được nhau. Hỡi ôi, mặt người nào người nấy đều bị bụi than đóng đen thui, giống như trong lò than mới ra vậy. Miệng mũi của chúng tôi lúc đó bị đen ngòm vì bị bụi than bám vào.”

\"\"
Ông Phan Điệp làm MC đài truyền hình IBC. (Hình: Phan Điệp cung cấp)

“Xe đưa chúng tôi đến địa phận của Yên Bái, Hoàng Liên Sơn. Có rất nhiều dân chúng đến xem chúng tôi, có người nhìn chúng tôi rất thương hại, cũng có người nhìn chúng tôi một cách không thích, và họ bảo với nhau rằng, đây là những người lính Mỹ Thiệu Kỳ,’” ông nhớ lại.

“Dân miền Bắc họ thấy một số anh em chúng tôi còn đeo cà rá, dây chuyền vàng hoặc đồng hồ thì họ đến thương lượng để mua lại. Nhưng họ mua không phải bằng tiền mà bằng trái cây hay sữa. Tôi còn nhớ, lúc đó tôi còn đeo một đồng hồ hiệu Citizen thì dân chúng đòi đổi cái đồng của tôi bằng một hộp sữa, và tôi không đồng ý, nhưng cũng có nhiều người, vì đói quá cũng đành phải đổi một cái đồng hồ với một hay hai hộp sữa hoặc 10 trái chanh mà thôi,” ông kể.

Sau đó, anh em tù binh bị đưa đến một địa điểm trống hốc nằm kế nhà của dân chúng. Một số tù binh phải nằm trong chuồng bò vì có bóng mát và một số nằm tại mái hiên nhà của dân. Sau đó, anh em tù binh phải tự đi đốn cây, đốn nứa và lấy lá cây để dựng những căn chòi để ở. Trong thời gian này, hằng ngày tù binh bị nhóm cai tù bắt lên rừng đốn cây để mang về gần các chòi ở để chứa vựa, nhưng cũng không biết cai tù trưng dụng cho việc gì. Rồi cai tù còn bắt anh em tù binh đi khai hoang, trồng rẫy, trồng khoai mì.

Ông Điệp kể: “Trong các nhà dân ở đây cũng có treo hình của những lính bộ đội, bằng khen lũ khũ, nên chúng tôi tưởng rằng đây là những người dân của Cộng Sản chánh cống. Nhưng đến khi vắng vẻ, có một số dân làng giấu khoai mì, chuối, thức ăn và họ bảo chúng tôi cứ ăn hết đừng cho ai thấy, rồi họ cũng trốn đi đâu mất. Thời gian sau thì chúng tôi mới biết, họ chính là những tù binh bị Cộng Sản bắt đi cải tạo từ năm 1954. Những người này đều là con cháu của những thành phần công chức hay quân đội trong thời Pháp bị bắt giữ hơn 20 năm qua, cho đến bây giờ có rất nhiều người đã chết, nhưng con cháu của họ vẫn còn ở tại đây. Xem như họ bị đi tù từ đời cha đến đời con tại vùng rừng sâu này.”

“Sau đó, tất cả tù binh được giao cho công an giam giữ, tôi bị chuyển lên trại Phong Quang gần Lào Cai. Chúng tôi bị nhốt khoảng 40 anh em bạn tù chung một phòng. Cũng tại căn phòng này, tôi vô tình nhìn trên nóc chỗ tôi nằm có viết hàng chữ Lữ Kiêm Ba, thì chính anh này là bạn cùng Khóa 2 cảnh sát với tôi. Tức là trước khi tôi vào đây thì người bạn cùng khóa với tôi cũng bị họ giam giữ nơi này. Nghe tin đồn là anh Lữ Kiêm Ba và vài ngươi bạn nữa đã trốn trại ra đến đường rầy xe lửa thì bị bắt lại, rồi bị đưa về đâu không ai biết cả,” ông kể tiếp.

\"\"
Ông Phan Điệp (bìa trái) tại chùa Điều Ngự, Westminster. (Hình: Phan Điệp cung cấp)

Theo ông Điệp kể thì những tù binh ở Hoàng Liên Sơn rất yếu ớt vì đói và lạnh, có một số ăn bậy bạ cũng bị ngộ độc mà chết. Lúc đó ông Điệp mới 34 tuổi mà đi còn phải chống gậy vì sức khỏe quá yếu.

Sau đó, ông Điệp bị chuyển đến Nam Hà, thì cũng gặp được một số bè bạn ngày xưa cũng đang bị tù đày tại nơi này. Ông Điệp nói: “Sau này có vụ cho thăm nuôi, nên nhờ vậy mà bạn tù chúng tôi nhận được thực phẩm của người nhà từ Nam đưa ra Bắc để tiếp tế cho chúng tôi, nên chúng tôi mới còn sống được đến hôm nay.”

Vượt biển không thành, qua Mỹ diện H.O.

“Một thời gian sau, Cộng Sản chuyển tôi về trại Z 30 C ở Hàm Tân. Cho đến ngày 28 Tháng Mười, 1983, thì tôi được ra tù. Khi về đến nhà tại Sài Gòn thì mọi sự đã thay đổi hoàn toàn. Trong nhà của tôi đều trống trơn, không còn món gì là có giá trị cả,” ông Điệp kể thêm.

Tháng Tư, 1984, ông Phan Điệp đi vượt biên, nhưng không thành công. Sau đó, ông được sang định cư tại Hoa Kỳ vào ngày 19 Tháng Tư, 1990, theo diện H.O.2, tại tiểu bang Kansas.

Tháng Chín, 1990, gia đình ông di chuyển về Fountain Valley, California. Hiện giờ, ông Điệp là cư dân của Westminster, cũng là một xướng ngôn viên của đài truyền hình IBC, Phật tử của chùa Điều Ngự, Westminster, và sống bằng nghề dạy lái xe. (Lâm Hoài Thạch)

Bài Liên Quan

Leave a Comment