Nỗ lực của Elon Musk thách thức lớn cho 5G Huawei
Thứ Bảy, 13 Tháng Sáu 20209:00 SA
Những tưởng Huawei đang chiếm lợi thế về 5G sẽ khiến Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây gặp khó, nhưng nỗ lực của tỷ phú Elon Musk phần nào dội gáo nước lạnh vào niềm tự hào của Huawei.
Tỷ phú Elon Musk nuôi tham vọng phủ kín internet toàn cầu bằng hệ thống vệ tinh Starlink.
Thực tế, Huawei vẫn là hãng đang chiếm ưu thế và đi trước phương Tây về 5G – công nghệ vốn được coi là lá bài quan trọng mà các quốc gia đang nỗ lực chạy đua để nắm bắt, đặc biệt là các ứng dụng trong viễn thông và smartphone. Bản thân Huawei và Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào sự thống trị này và cũng là thứ mà Mỹ đang thèm khát do họ bị tụt hậu từ thời 4G.
Nhưng sau sự kiện tỉ phú Mỹ Elon Musk và công ty SpaceX của ông phóng 60 vệ tinh internet lên quỹ đạo tầm thấp (400 km) vào cuối tháng 5 năm ngoái, kèm theo kế hoạch phóng thêm 400 vệ tinh để bắt đầu cung cấp dịch vụ internet vệ tinh trên toàn cầu vào cuối năm nay thì có vẻ như lợi thế đó của Huawei dần bị lung lay. Đặc biệt là khi Elon Musk công bố sẽ phóng tới 12.000 vệ tinh trong vòng 6 năm tới để hiện thực hóa kế hoạch cung cấp internet vệ tinh khắp nơi với tốc độ nhanh hơn 5G từ 10-50 lần, lúc này 5G của Huawei có lẽ sẽ không còn nhiều ý nghĩa.
Lúc ấy, có lẽ chúng ta sẽ không cần bố trí các trạm thu phát sóng (BTS) dày đặc và tốn kém như hiện nay, cũng sẽ giảm bớt sự lệ thuộc vào hệ thống cáp quang xuyên biển vốn dễ trục trặc. Viễn cảnh mới sẽ cho phép chúng ta sử dụng internet gần như khắp mọi nơi, từ hải đảo tới các vùng núi cao xa xôi. Tất nhiên, vẫn sẽ cần nhiều nỗ lực và sự chấp thuận về băng tần cấp phát của từng quốc gia cũng như giấy phép để các vệ tinh này phát sóng tại các khu vực nhất định, nhưng với cơ sở hạ tầng có sẵn (mạng lưới vệ tinh Starlink của SpaceX phủ kín trên bầu trời) thì rõ ràng nó có nhiều lợi thế hơn các công nghệ tốn kém như 5G hiện nay.
Theo CNN, cuối năm nay Elon Musk và SpaceX sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ internet toàn cầu thông qua mạng lưới 400-800 vệ tinh của họ, qua đó bắt đầu tạo ra lợi thế riêng trước công nghệ 5G của Huawei và các đối thủ khác.
Nói vậy không có nghĩa là thế giới sẽ quay lưng với 5G, bởi nó vẫn có những lợi thế riêng và bản thân là một công nghệ giúp thu phát sóng nhanh và hiệu quả hơn. Hiện 5G vẫn đang được các công ty và nhà mạng lớn trên thế giới theo đuổi để triển khai. Thậm chí, chúng ta có thể dùng 5G kết hợp với hệ thống mạng internet vệ tinh của SpaceX để tối ưu tốc độ và hiệu năng truy cập internet một cách linh hoạt hơn. Nhưng rõ ràng 5G không còn là cách tiếp cận internet số 1 trong tương lai nữa và Huawei sẽ phải nỗ lực hơn để “phổ cập” nó trước khi các đối thủ bắt kịp họ.