Thông điệp của ĐGH Francis về vụ Floyd được đón nhận nồng nhiệt ở Little Saigon
Jun 12, 2020 cập nhật lần cuối Jun 12, 2020
Đằng-Giao/Người Việt
LITTLE SAIGON, California (NV) – Hôm Thứ Tư, 10 Tháng Sáu, Đức Giáo Hoàng Francis và Tòa Thánh Vatican đưa ra một thông điệp rõ ràng cho giáo dân Công Giáo Mỹ, cho thấy có sự quan tâm về tình trạng kỳ thị chủng tộc ở Hoa Kỳ.
Đức Giáo Hoàng Francis hai lần nêu hẳn tên của ông George Floyd, một người gốc Châu Phi, bị thiệt mạng trong vụ một cảnh sát viên da trắng tên là Derek Chauvin, thuộc Sở Cảnh Sát Minneapolis, Minnesota, quỳ đè lên cổ trong 8 phút 46 giây hôm 25 Tháng Năm.
Ngài cũng gọi điện thoại bày tỏ sự ủng hộ đối với một vị giám mục người Mỹ ở Texas, sau khi người này quỳ xuống cầu nguyện trong một cuộc biểu tình Black Lives Matter, đòi tôn trọng mạng sống người gốc Châu Phi.
Thông điệp này của Đức Giáo Hoàng được các tu sĩ và giáo dân Công Giáo gốc Việt ở vùng Little Saigon đón nhận nồng nhiệt.
Đức Ông Phạn QuốcTuấn, chánh xứ nhà thờ Saint Columban, ủng hộ mạnh mẽ thông điệp này.
“Là tín đồ Công Giáo, khi chúng ta quỳ xuống là để cầu xin Thiên Chúa ban bình an cho trần thế. Như thế, khi các giám mục quỳ xuống tại các cuộc biểu tình đòi công lý cho ông George Floyd là để cầu xin ơn trên ban công bằng cho chúng ta mà thôi,” đức ông nói.
Đức ông nhấn mạnh: “Tôi rất đồng ý với sự ủng hộ của Đức Giáo Hoàng đối với những cuộc đấu tranh ôn hòa cho công bình xã hội.”
Cũng tán đồng với lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng, Linh Mục Nguyễn Văn Tuyên, chánh xứ nhà thờ Westminster, nói: “Tôi nghĩ những sự bất công trong xã hội cần phải chấm dứt. Bây giờ, cái chết của ông George Floyd không còn là chuyện giữa Mỹ trắng và đen nữa mà ảnh hưởng đến đời sống của nhiều sắc dân, trong đó có cả người gốc Việt.”
Ông giải thích: “Bao nhiêu tiệm nail, bao nhiêu nhà hàng của họ bị phá nát. Tài sản họ dành dụm bao nhiêu năm bị những người hôi của lợi dụng cơ hội mà cướp bóc. Đây cũng là một sự bất công cần phải chấm dứt nữa.”
Ông kết luận: “Tôi ủng hộ Đức Giáo Hoàng khi ngài kêu gọi cho công bình cho mọi người và tôi ủng hộ những người biểu tình ôn hòa.”
Nhiều người trong cộng đồng cho rằng thông điệp của Đức Giáo Hoàng là đúng đắn và sẵn sàng ủng hộ.
Bà Lý Kim Chân, cư dân Gaden Grove, nói: “Tôi nghĩ hành động và thái độ của Tổng Thống Donald Trump về cái chết của ông Floyd hoàn toàn không thích hợp cho một người đứng đầu một đất nước hàng đầu thế giới tự do. Lý do là vì những lời phát biểu của ông không hề làm dịu lòng dân mà như khiêu khích và thách thức nên gây thêm phẫn nộ.”
Bà thêm: “Bởi vậy, tôi nghĩ đã đến lúc mình cần có lời nói của một vị lãnh đạo tôn giáo để tôi tin rằng công lý còn có giá trị và phải được bảo vệ.”
Cũng có người không nhất thiết hưởng ứng thông điệp của Đức Giáo Hoàng mà chỉ không bằng lòng với Tổng Thống Trump.
Ông Thái Quốc Kỳ, ở Westminster, nói: “Từ khi xảy ra chuyện này, ông Trump nói nhiều quá. Nếu ông bớt nói thì được lòng dân hơn.”
Ông nhấn mạnh: “Năm nay là năm bầu cử, thông điệp của Đức Giáo Hoàng sẽ ảnh hưởng đến nhiệm kỳ thứ nhì của ông Trump. Cầu mong cho ông bớt cái khẩu nghiệp.”
Ông Uy Nguyễn, cư dân Westminster, một người từng bầu cho ông Trump, nhưng cũng không hài lòng với những phát biểu “linh tinh” của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.
Ông chia sẻ: “Tôi là người bầu cho ông Trump nhưng trong vụ này, tôi hy vọng ông đừng phát biểu gì nữa. Tôi chưa dứt khoát, nhưng ngay bây giờ, tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng rất có lý khi lên tiếng cho công bằng xã hội.”
Trong lúc ấy, cũng có những người không có ý kiến về thông điệp của Đức Giáo Hoàng.
Ông Phạm Minh Hiếu, chủ tịch ban chấp hành cộng đoàn Anaheim, nói: “Ngài là đại diện của mọi tín đồ (Công Giáo), nhưng tôi nghĩ đây chỉ là ý kiến riêng của ngài thôi nên không dám có ý kiến. Nếu là tông huấn của ngài thì chúng tôi xin nghe.”
Ông Nguyễn Văn Rinh, phó ban ngoại vụ cộng đoàn Anaheim, nói: “Đây là chuyện chính trị. Tôi xin không có ý kiến.”
Tuy vậy, cũng có người không đồng ý với thông điệp của vị chủ chăn Giáo Hội Công Giáo.
Đó là ông Đặng Huỳnh Hưng Quốc, đang sống ở Garden Grove.
Ông cho rằng Đức Giáo Hoàng không nên can dự đến chuyện chính trị.
“Trong cương vị một vị lãnh tụ tôn giáo thế giới, đúng ra Đức Giáo Hoàng nên để các giám mục ở Mỹ tự nhiên ủng hộ biểu tình mà không cần gọi điện thoại khuyến khích. Giám mục gần với giáo dân hơn, các ông có thể biểu tình, nhưng Đức Giáo Hoàng ở xa quá.”
Ông kết luận: “Tôn giáo và chính trị không nên trộn với nhau.” [đ.d.]