Chuyên gia Trung – Úc: Vạch trần âm mưu lật đổ nền dân chủ toàn cầu của Trung Quốc
18/06/20
Giáo sư Clive Hamilton, chuyên gia vấn đề Trung – Úc mới đây ra mắt cuốn sách với tựa đề “Hidden Hand: Exposing How The Chinese Communist Party Is Reshaping The World” để vạch trần âm mưu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐSCTQ) trong việc dùng sáng kiến “Vành đai và Con đường” lật đổ nền dân chủ toàn cầu.
Vào 16/6, ông Hamilton và nhà nghiên cứu Mareike Ohlberg của quỹ Marshall Đức (German Marshall Fund) đã ra mắt cuốn sách mới có tựa đề “Hidden Hand: Exposing How The Chinese Communist Party Is Reshaping The World”, (tạm dịch là Bàn tay ẩn giấu: Phơi bày cách ĐCSTQ định hình lại thế giới).
Trong một cuộc phỏng vấn với ABC (Úc) vào 15/6, Hamilton nói rằng điểm chính được nêu ra trong cuốn sách là vạch trần âm mưu của ĐCSTQ trong việc lợi dụng sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác truyền thông với nhiều quốc gia, thành lập các tổ chức văn hóa, các thành phố anh em, và giao lưu giữa người với người nhằm đạt được mục đích “kiểm soát quyền phát ngôn”.
Giáo sư Hamilton đã đề cập tới việc cộng đồng quốc tế thường nghĩ rằng, chỉ cần là duy trì quan hệ với Trung Quốc thì chính quyền Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một chính phủ có trách nhiệm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây Trung Quốc đã bùng nổ các tranh chấp ngoại giao ở nhiều nơi, hơn nữa còn thường sử dụng nền kinh tế để đe dọa các quốc gia khác. Chừng nào ĐCSTQ vẫn còn nắm quyền thì chính quyền Trung Quốc sẽ không thay đổi.
“Rõ ràng là nó (ĐCSTQ) tự tin rằng nó đủ mạnh để chi phối tình hình, do đó nó không nhất thiết phải theo đuổi một đường lối ngoại giao thân thiện với tất cả các quốc gia, và trong cuốn sách chúng tôi viết, chúng tôi trình bày rất chi tiết về cách mà ĐCSTQ tiếp tục phá hoại chế độ dân chủ và làm xói mòn quyền của người dân trên toàn thế giới vì lợi ích của chính nó”, ông Hamilton nói.
GS Hamilton cũng cho biết rằng, “Vành đai và Con đường” chắc chắn không chỉ là một dự án đầu tư để mở rộng thương mại mà nó thậm chí còn liên quan đến một loạt các chiến lược lợi dụng chế độ dân chủ để phá hoại chiến lược chế độ dân chủ. Sáng kiến này của Trung Quốc tập trung vào việc thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác truyền thông giữa Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới, kết nối giữa các tổ chức văn hóa, thành lập các thành phố anh em và giao lưu giữa người với người. Mục đích là để kiểm soát cách thảo luận trên thế giới, và sau đó đạt được mục đích “thiết lập ngôn luận” mà Trung Quốc toan tính.
Ông Hamilton minh họa bằng việc chính quyền bang Victoria (Australia) kể từ khi ký một bản ghi nhớ (một loại văn thư ngoại giao) về việc gia nhập “Vành đai và Con đường” với Trung Quốc, thì từ thống đốc Daniel Andrew đến chính phủ cấp cao của bang, cũng bắt đầu sử dụng một số thuật ngữ từ ĐCSTQ, thậm chí còn “bắt chước” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dùng các thuật ngữ.
Ngoài ra cuốn sách mới cũng đề cập đến việc ĐCSTQ có thể tiến hành “kiểm soát quyền phát ngôn” như thế nào đối với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và thậm chí các tổ chức quốc tế khác như Liên Hợp Quốc.
Giáo sư Hamilton thấy rằng nhiều tổ chức quốc tế bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc, thường sử dụng các thuật ngữ mà ĐCSTQ sử dụng trong các tài liệu của họ. Ông cũng cho biết Tổng thống Trump đã áp dụng chủ nghĩa cô lập, rút khỏi WHO và các tổ chức quốc tế khác vì lo ngại sẽ tạo cơ hội để Trung Quốc lợi dụng, và có thể nhanh chóng kiểm soát hoàn toàn các tổ chức quốc tế này.
Sau nhiều năm nghiên cứu sự thâm nhập của Trung Quốc tại Úc, Hamilton cũng đã xuất bản cuốn sách “Silent Invasion: China’s Influence in Australia” (tạm dịch: “Cuộc xâm lược thầm lặng: Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc) vào năm 2018.
Lương Phong (Theo CNA)