20/06/1919: Nội các Đức từ chức vì bế tắc ở Hoà đàm Versailles

20/06/1919: Nội các Đức từ chức vì bế tắc ở Hoà đàm Versailles

\"\"

Nguồn: German cabinet resigns over Versailles deadlock, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1919, trong những ngày cuối cùng của Hội nghị Hòa bình Versailles tổ chức tại Paris, Pháp, nội các Đức đã rơi vào bế tắc trước việc có nên chấp nhận các điều khoản được đề xuất cho phái đoàn của họ – chủ yếu đến từ Hội đồng Tứ cường: Pháp, Anh, Mỹ và Ý – và theo đó có nên phê chuẩn Hiệp ước Versailles hay không.

Ngày 07/05/1919, phái đoàn Đức được nghe trình bày về các điều khoản của hiệp ước, sau đó, họ có hai tuần để tìm hiểu tài liệu kỹ hơn, và gửi lại phản hồi chính thức bằng văn bản. Người Đức, vốn đã đặt trọn niềm tin vào quan điểm của Tổng thống Woodrow Wilson về cái gọi là “hòa bình không có chiến thắng” (peace without victory) và đã viện dẫn “Mười bốn điểm” nổi tiếng của ông làm cơ sở cho họ tìm kiếm hòa bình vào tháng 11/1918, nay vô cùng tức giận và vỡ mộng trước nội dung thực sự của bản hiệp ước.

Theo các điều khoản này, Đức sẽ mất 13% lãnh thổ và 10% dân số, đồng thời còn phải trả tiền bồi thường chiến phí, một hình phạt được biện minh bởi Điều 231 khét tiếng, vốn đổ hết mọi tội lỗi chiến tranh cho Đức.

Ulrich von Brockdorff-Rantzau, Ngoại trưởng Đức, đồng thời là lãnh đạo phái đoàn nước này tại Versailles, đã rất giận dữ. “Chẳng cần đến những thứ rườm rà này đâu. Cứ viết đơn giản, bằng một điều khoản thôi – rằng nước Đức hãy từ bỏ sự tồn tại của nó.” Tương tự, các nhà lãnh đạo quân sự của Đức cũng chống lại Hiệp ước Versailles; như lời Nguyên soái Paul von Hindenburg, “với tư cách là một người lính, tôi thà thất bại trong danh dự, còn hơn chấp nhận một nền hòa bình ô nhục.” Tuy nhiên, một số thành viên của chính phủ liên minh nắm quyền tại Berlin lại có quan điểm khác, họ tin rằng Đức, đang trong tình trạng suy yếu, sẽ có lợi nếu ký hiệp ước – kết thúc cuộc chiến và bắt đầu lại các hoạt động sản xuất và thương mại.

Sau khi phái đoàn của Brockdorff-Rantzau nhất trí thông qua một khuyến nghị từ chối hiệp ước, nội các Đức, trước đây đã nghiêng về việc ký, rơi vào bế tắc trong cuộc bỏ phiếu ngày 20/06 và sau đó đã đồng loạt từ chức. Brockdorff-Rantzau cũng đã tiếp bước họ, rời Paris, và sau đó rời bỏ chính trị một cách hoàn toàn.

Tuy nhiên, Friedrich Ebert, người giữ chức Tổng thống Đức từ cuối năm 1918, đã được thuyết phục ở lại. Khi thời hạn ngày 23/06 mà phe Hiệp ước giao cho họ đến gần, ông đã xoay sở để thành lập một nội các mới và tổ chức bỏ phiếu. Sau một loạt các động thái phút chót, Quốc hội Đức đã bỏ phiếu chấp nhận bản hiệp ước, và câu trả lời của họ đã được gửi tới Hội đồng Tứ cường lúc 5:40 chiều, ngày 23/06. Hiệp ước Versailles chính thức được ký ngày 28/06/1919 tại  Phòng Gương ở cung điện Versailles, đúng năm năm sau vụ ám sát Thái tử Franz Ferdinand của Áo và vợ ông tại Sarajevo.FacebookTwitterLinkedInEmailShare

Bài Liên Quan

Leave a Comment