Nước Mỹ bị chia rẽ: Từ Chiến tranh Việt Nam tới Black Lives Matter
20/06/2020
Nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc cuối những năm 1960, khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang đến cao trào. Ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ đại diện đảng Dân chủ Joe Biden từng nói khi khởi động chiến dịch tranh cử của mình hồi năm ngoái rằng “khi đó chúng ta bị chia rẽ trong mọi vấn đề từ chiến tranh, tới phong trào phụ nữ, tới quyền dân sự, trong mọi thứ.” Theo ông Biden, người trở thành thượng nghị sỹ Mỹ vào năm 1973 và sau này làm phó cho Tổng thống Barack Obama, những sự chia rẽ tồi tệ nhất của nước Mỹ đã lùi vào quá khứ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Những quan điểm của cuộc chiến tranh Việt Nam phần lớn đã mờ nhạt đi nhưng những cuộc biểu tình Black Lives Matters sau cái chết của George Floyd, Rayshard Brooks và những người Mỹ gốc Phi thiệt mạng dưới tay cảnh sát da trắng gần đây lại làm nhà thơ E. Ethelbert Miller nhớ lại thời gian chiến tranh Việt Nam, nhất là những năm cuối thập niên 1960. Lúc đó, phản ứng trên toàn nước Mỹ về vụ ám sát luật sư và là người dẫn đầu phong trào đòi quyền dân sự cho người Mỹ gốc Phi Martin Luther King cộng với những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam làm cho nước Mỹ vốn đã bị chia rẽ sâu sắc thêm hỗn loạn.
Dù cựu Phó Tổng thống Biden cho rằng nước Mỹ ngày nay ít bị chia rẽ như thời chiến tranh Việt Nam nhưng nhà thơ Miller, cũng là một nhà hoạt động về văn học, cho rằng “đất nước của chúng ta ngày nay bị chia rẽ nhiều hơn so với những năm 1960.”
“Chúng ta giờ đây có sự chia rẽ về khu vực, một sự phân chia giữa các cộng đồng thành thị và nông thôn cũng như một sự thức tỉnh (thượng đẳng) Da trắng Mới về các vấn đề chủng tộc,” nhà thơ và nhà hoạt động 70 tuổi Miller nói.
Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra trong những năm gần đây, nhất là dưới thời chính quyền Trump, để phản đối nhiều vấn đề như môi trường, chăm sóc sức khoẻ, các vấn đề về đồng tính, cũng như phân biệt chủng tộc và những sự phản kháng đến từ nhiều nhóm khác nhau trong xã hội.
“Điều này vượt xa những năm 1960 khi nó chỉ là những vấn đề về sự bạo tàn của cảnh sát và chiến tranh,” ông Miller, từng là chủ tịch Viện nghiên cứu Chính sách ở Washington DC nói, và giải thích về việc cảnh sát dùng bạo lực thái quá để trấn át những sinh viên biểu tình chống chiến tranh cũng như những người Mỹ gốc Phi biểu tình đòi quyền dân sự lúc đó.
Sự bạo lực thái quá của cảnh sát, nhất là với người Mỹ gốc Phi, cùng với vấn đề phân biệt chủng tộc ‘có hệ thống’ bắt rễ từ lâu đã làm dấy lên phong trào Black Lives Matter (Sự sống của người da đen cũng quan trọng). Phong trào bất tuân dân sự không bạo lực có tổ chức bắt đầu vào năm 2013 với các cuộc biểu tình sau khi thiếu niên Mỹ gốc Phi Trayvon Martin bị George Zimmerman, một người da trắng tình nguyện làm ‘cảnh vệ khu phố’ bắn chết. Phong trào này sau đó đã lan ra toàn nước Mỹ và thế giới để đòi công lý cho người gốc Phi ở nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Trong những tuần qua, các cuộc biểu tình của phong trào Black Lives Matter lại bùng lên trên khắp nước Mỹ sau cái chết của George Floyd và sau đó là Rayshard Brooks dưới tay cảnh sát da trắng. Hàng nghìn người đã đổ ra đường để đòi công bằng sắc tộc và những cải tổ trong ngành cảnh sát.
Theo nhà thơ nổi danh người Mỹ gốc Phi, các vấn đề về bất bình đẳng chủng tộc ngày càng trầm trọng và là một trong những nguyên nhân chính làm nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc hơn.
Một khảo sát của Pew đưa ra hồi năm ngoái cho thấy phần đông người dân Mỹ cho rằng các quan hệ chủng tộc ở Mỹ là “rất xấu” và cứ 10 người thì có 7 người cho rằng vấn đề này ngày càng xấu đi.
Phong trào của giới trẻ
Những cuộc biểu tình từ cuối tháng 5 làm cho ông Miller, cũng là người dẫn chương trình radio buổi sáng On the Margin của đài WPFW, nghĩ rằng “dường như không có sự chia rẽ giữa những năm 1960 và 2020” và “những biến cố và sự kiện lịch sử vẫn liên tục trong một dòng chảy.”
Để giải quyết vấn đề này là một điều không dễ dàng, theo ông Miller.
“Bất cứ ai trở thành tổng thống nhiệm kỳ tới sẽ rất khó nhọc để quản trị đất nước bởi vì đó sẽ là công việc sử chữa lại những gì đã bị làm đổ vỡ và thiết lập lại những gì tốt đẹp trước đó.”
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ diễn ra vào tháng 11 và vấn đề sắc tộc sẽ nằm cao trên nghị trình tranh cử của ông Biden và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, người sẽ đại diện Đảng Cộng hoà tái tranh cử.
“Nó sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cả lòng tin,” ông Millier nói nhưng ông cũng cho biết ông có niềm tin và hy vọng vào giới trẻ.
Mặc dù những cuộc biểu tình của sinh viên xuống đường đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam và đưa quân đội Mỹ về nước so với những cuộc biểu tình của phong trào Black Lives Matter ngày nay, chủ yếu do thanh niên tổ chức, đòi công lý cho người Mỹ gốc Phi có sự khác biệt về mục đích nhưng theo ông Miller, chúng có một điểm chung.
“Những người biểu tình đều là những người trẻ. Những người trẻ tham gia biểu tình những năm 1960 chống chiến tranh và những người trẻ tham gia biểu tình đòi công lý chủng tộc ngày nay. Đó là một phong trào của thanh niên,” ông Miller, người sinh ra ở New York và tới Washington DC vào năm 1968 để bắt đầu cuộc đời sinh viên của ông tại Đại học Howard.
Các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam bùng nổ lớn trong giới sinh viên vào giữa thập niên 1960 kéo dài tới đầu thập niên 1970 và phong trào Black Lives Matter bắt đầu từ mạng internet bởi những nhà hoạt động nhân quyền và quyền dân sự trẻ tuổi.
“Họ dám đứng lên chống lại chiến tranh phi nghĩa, chống lại kỳ thị chủng tộc, chống lại sự bạo hành của cảnh sát,” ông Miller nói và cho rằng đó là những phong trào của thanh niên, những người lo lắng cho tương lai của họ và của đất nước. “Họ làm thay đổi đất nước.”
“Họ, những người trẻ tuổi đó, cho tôi hy vọng vào tương lai,” ông Miller nói và trích lời trong bài phát biểu đã đi vào lịch sử của của Martin Luther King “I have a dream” (Tôi có một giấc mơ) được đọc tại đài tưởng niệm Abraham Lincoln ở Washington DC năm 1963, trong đó vị luật sư và nhà hoạt động này thúc giục nước Mỹ “phải có những lời hứa thực sự về dân chủ.”