Dưới gọng kìm của Bắc Kinh, giới trẻ Hồng Kông tìm đường tị nạn
Đăng ngày: 24/06/2020
Thùy Dương
Nhìn về châu Á, báo Le Monde quan tâm đến số phận người dân Hồng Kông trước gọng kìm của Bắc Kinh. Nỗi sợ mất tự do và bị chính quyền Bắc Kinh đàn áp đang thúc đẩy giới trẻ Hồng Kông tìm cách ra nước ngoài tị nạn.QUẢNG CÁO
Thông tín viên báo Le Monde, Florence de Changy, cho biết hiện giờ di cư ra nước ngoài đang là đề tài được ưa chuộng ở nhiều công sở và thu hút nhiều người dân Hồng Kông, mặc dù chuyện ra đi không đơn giản và chi phí cũng rất tốn kém. Nhiều thanh niên Hồng Kông lấy làm tiếc là vào năm 1997 khi nhượng địa được trả về cho Trung Quốc, cha mẹ họ đã không xin hộ chiếu hải ngoại Anh. Thời đó 3,4 triệu người Hồng Kông đã được Anh cấp hộ chiếu và nay điều này tạo thuận lợi cho họ xin quốc tịch Anh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 03/06 thông báo quyền cư trú 6 tháng của những người Hồng Kông có hộ chiếu hải ngoại của Anh được chuyển thành quyền lao động tại Anh trong vòng 12 tháng, mở đường cho họ xin quốc tịch Anh. Từ phong trào biểu tình mùa xuân 2019 chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, nhiều thanh niên Hồng Kông đã lên kế hoạch ra đi, nhưng thông báo của Bắc Kinh về việc thông qua dự luật an ninh hồi cuối tháng 05 là một bước ngoặt càng thúc đẩy người dân đặc khu hành chính rời Hồng Kông. Theo một thăm dò ý kiến, tỉ lệ người muốn đi tị nạn hồi cuối tháng 05 là 37%, so với con số 24% trước đó 2 tháng.
Từ hồi nhượng địa, những người Hồng Kông có điều kiện đã cảm thấy cần chuẩn bị sẵn « phương án B », phương án dự phòng. Canada đã đón 600.000 người Hồng Kông, Mỹ và Anh lần lượt tiếp nhận 330.000 và 150.000 người, nhất là những người có trình độ cao và thuộc tầng lớp thượng lưu. Những người giàu có đã chuẩn bị để có hộ chiếu của nhiều nước, để có thể đáp xuống bất cứ nơi nào trên thế giới khi cần, còn với những người khác, phương án đi tị nạn là để tránh bị Bắc Kinh bắt bớ tù đày.
Đối với những thanh niên tham gia phong trào biểu tình đòi dân chủ, Đài Loan là nơi họ muốn đến vì những nét tương đồng về văn hóa, và nhất là vì người dân Đài Loan cũng có ý thức về mối đe dọa từ chế độ Tập Cận Bình đối với nền tự do. Theo báo chí Đài Loan, có ít nhất 200 người thuộc phong trào đối lập Hồng Kông đang tị nạn tại Đài Loan. Hôm 18/06/2020, Đài Bắc loan báo kế hoạch hành động nhân đạo để tiếp đón những người Hồng Kông phải trốn chạy vì lý do chính trị, với sự thành lập vào ngày 01/07/2020 một văn phòng chuyên trách hỗ trợ người Hồng Kông khi họ đến Đài Loan. Những người này sẽ được nhận trợ cấp từ chính quyền Đài Bắc.
Đa số những người chọn giải pháp ra đi cho rằng đó không phải là từ bỏ mà là mở rộng trận chiến. Sau Đài Loan, Mỹ, Canada, Úc, Anh, người dân Hồng Kông giờ đây ngày càng hướng tới Thụy Điển, Ailen, Slovakia và Tây Ban Nha. Tại Bồ Đào Nha, một hãng tin cho biết hàng ngày họ nhận được hàng chục, hàng trăm cuộc gọi điện thoại từ Hồng Kông để hỏi về việc tị nạn.