Erdogan muốn khẳng định vai trò cường quốc khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ
Đăng ngày: 24/06/2020
Tú Anh
Đưa quân vào Syria đối đầu với Bachar al Assad, đồng minh của Nga, đẩy lùi quân nổi dậy ở Libya do Nga yểm trợ, đe dọa tàu chiến Pháp ở Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO củng cố vai trò cường quốc cấp vùng. Chiến thuật cương-nhu phối triển của tổng thống Erdogan giúp Ankara từng bước khôi phục giấc mơ Đại Thổ Nhĩ Kỳ, trước sự bất lực của Châu Âu.
Sự kiện hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa tàu chiến Pháp đang thi hành một hải vụ của NATO chống vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cung cấp vũ khí cho Libya hồi cuối tuần qua cho thấy Ankara tự tin đến mức độ nào. Bị tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích \”chơi trò nguy hiểm\” ở Libya, Ankara, qua tuyên bố của Ngoại trưởng Mevlüt Çavuşoğlu, đáp trả bằng giọng điệu tương tự .
Những biến chuyển mới ở Libya cho thấy nhận định của nhiều chuyên gia quốc tế, gọi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là \”kẻ phá bĩnh khôn ngoan\”, không phải là vô căn cứ.
Từ hồ sơ di dân, vụ mua tên lửa phòng không của Nga, cho đến tình hình Syria và Libya, tổng thống Erdogan tỏ ra là một tay cao thủ chính trị, đấu trí với tất cả cường quốc thế giới từ Châu Âu, Mỹ cho đến Nga.
Trong từng hồ sơ, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai đồng minh tự nhiên với các đại cường, nhưng để chứng tỏ mình là tác nhân không thế thiếu, nếu không muốn nói thẳng là kẻ chủ động trong bàn cờ khu vực trước đây từng là chiếc nôi của đế chế Ottoman.
Trong quan hệ với Mỹ và Nga, Ankara luôn giữ thế cân bằng và khoảng cách. Là thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ dựa vào ô dù hạt nhân của Mỹ để che chở. Duy trì quan hệ với Châu Âu, với tư cách là ứng viên xin gia nhập, Ankara được Bruxelles viện trợ hàng tỷ euro trong vấn đề hợp tác ngăn chận làn sóng nhập cư và được hợp tác trong lãnh vực kinh tế.
Trong quan hệ với Nga, tận dụng lợi thế có cùng biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng lợi từ nguồn dầu khí của Nga, nhưng dứt khoát đối đầu với Putin trên nhiều hồ sơ khác. Syria và Libya là hai trường hợp cụ thể. Chiến thuật cương nhu của Erdogan mang lại nhiều kết quả.
Chính tại Libya, với máy bay tự hành trang bị rốc-kết, điểm mạnh của quân đội Ankara, lính đánh thuê người Syria, sĩ quan tham mưuThổ Nhĩ Kỳ, các đơn vị dân quân của chính quyền Tripoli, từ thế bị bao vây, đã nhanh chóng phản công đẩy lùi lực lượng của tướng Haftar, tuy được Matxcơva củng hộ về chính trị và lính đánh thuê Nga về quân sự.
Với chiến thắng này, Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát gần nửa nước Libya, không kể một vùng duyên hải rộng lớn mà Tripoli trả ơn qua một hiệp định hợp tác khai thác đụng chạm quyền lợi của Hy Lạp, một thành viên của Liên Âu và cũng là thành viên của NATO như Thổ Nhĩ Kỳ.
Không biết làm gì hơn trước thế thượng phong của Ankara, Matxcơva vội vàng tăng cường chiến đấu cơ Mig-29 và oanh tạc cơ Sukhoi ở căn cứ không quân Djoufra, miền đông Libya, để bảo vệ cho tướng Haftar.
Theo phân tích của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Địa Trung Hải của Pháp, mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ không còn là điều bí mật. Tuy biết là không thể làm sống lại đế chế Ottoman, tổng thống Erdogan khi nhấn mạnh vùng Tripolitaine của Libya là một chiếc nôi của Đại Thổ, đủ biết ông muốn gì.
Tham vọng, hay cao vọng, của nhà lãnh đạo đang tìm mọi cách làm tổng thống mãn đời như Putin, là thành lập một trục chiến lược đối đầu với Ả Rập Xê Út và Ai Cập, để trở thành đại cường duy nhất trong khu vực đầy khủng hoảng này.
Sau khi can thiệp vào Irak, Syria đến lượt Libya là bàn đạp của Ankara phát huy ảnh hưởng xuống sừng Châu Phi.