Chính quyền Trump cần dùng ‘quân át chủ bài’ để chống lại Trung Quốc
Thứ Sáu, 26 Tháng Sáu 2020
Trong một bài bình luận đăng trên tờ The Hill, cựu quan chức Bộ quốc phòng Mỹ Joseph Bosco nhận định đã đến lúc Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo cần dùng “quân át chủ bài” để chống lại chính quyền Trung Quốc.
Từng là giám đốc phụ trách về Trung Quốc tại Bộ quốc phòng Mỹ từ năm 2005 đến 2006, ông Bosco chỉ ra thực tế rằng, ngay từ khi vận động tranh cử năm 2016, ông Trump đã “sắc sảo kêu gọi” chấm dứt những chính sách mềm mỏng của Washington với Bắc Kinh.
Ông Bosco cho biết những thỏa thuận sai lầm trước kia của Hoa Kỳ đã mang lại lợi ích kinh tế và an ninh cho chính quyền Trung Quốc suốt hàng chục năm, trong khi lịch sử đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tiếp diễn không ngừng.
Thảm sát Thiên An Môn
Ngày 4/6 vừa qua, thế giới đã kỷ niệm lần thứ 31 cuộc thảm sát Thiên An Môn, mà ông Bosco cho là một “hồi chuông báo tử”’ về hy vọng cải cách dân chủ ở Trung Quốc.
Đó là vào ngày 4/6/1989, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đứng trước cơ hội đưa đất nước tiến đến dân chủ với sự ủng hộ nhiệt tình của hầu như toàn bộ người dân Trung Quốc, cũng như sự khích lệ của thế giới.
Ông Bosco cho rằng nếu Đặng tiến bước theo con đường dân chủ, thì “một lịch sử vẻ vang cho ông ấy và cho Trung Quốc đã vẫy gọi”. Tuy nhiên, Đặng đã quyết định thảm sát các sinh viên kêu gọi dân chủ ở Quảng trưởng Thiên An Môn, gây ra một vết nhơ đời đời cho di sản của ông ta và của ĐCSTQ.
Ông Bosco cho biết, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đánh dấu lễ kỷ niệm sự kiện Lục Tứ 4/6 vừa qua, bằng các cuộc gặp gỡ với những người sống sót từ vụ thảm sát Thiên An Môn 1989. Ông Pompeo chủ yếu lắng nghe lời kể của những người này, sau đó hỏi họ làm thế nào Mỹ có thể “giúp Trung Quốc đạt được dân chủ”.
Ông Pompeo bị Bắc Kinh chỉ trích nặng nề vì can thiệp “vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, tấn công chế độ và bôi nhọ các chính sách đối nội, đối ngoại” của ĐCSTQ. Ông Bosco ghi nhận Bắc Kinh đã không ít lần lên án ông Pompeo vì nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ đã chỉ ra các hành động vi phạm nhân quyền ghê tởm của ĐCSTQ.
Bức hại tín ngưỡng
Ông Bosco đề cập đến sự kiện năm ngoái, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã xỉ vả ông Pompeo khi ông kêu gọi thế giới chú ý đến cách đối xử vô nhân đạo của Bắc Kinh đối với người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Đông Turkestan và tỉnh Tân Cương, nơi có khoảng 1 triệu người bị giam cầm trong các trại cải tạo.
“Bị tra tấn tàn bạo và tẩy não, họ phải học cách từ bỏ đức tin Hồi giáo, và phải yêu mến chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc”, ông Bosco nói về tình trạng của những người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã áp đặt lệnh cấm du lịch đối với các quan chức Trung Quốc tham gia vào việc giam cầm và đàn áp những người Duy Ngô Nhĩ. Bắc Kinh sau đó đã cáo buộc ngoại trưởng Mỹ “vu khống”, và nói rằng các trại cải tạo là những cơ sở giáo dục lành mạnh.
Theo ông Bosco, Ngoại trưởng Pompeo từng chỉ trích hàng loạt cuộc bức hại tín ngưỡng của chính quyền Trung Quốc, không bỏ rơi mọi nhóm bị đàn áp nào, không chỉ các đoàn thể như các Kitô hữu, các Phật tử, người Hồi giáo, mà còn cả một nhóm phi thể chế là Pháp Luân Công.
Là một môn khí công theo trường phái Phật gia, Pháp Luân Công giúp người tập nâng cao sức khỏe, và hướng thiện nhờ các bài giảng về “Chân, Thiện, Nhẫn”.
“Nhóm thiền định ôn hòa này đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giam tùy tiện, tẩy não, tra tấn và thậm chí có thông tin khẳng định họ còn bị mổ cướp nội tạng quy mô lớn”, ông Bosco viết trên The Hill.
Quân át chủ bài
Ông Bosco cho biết Ngoại trưởng Pompeo không phải là quan chức duy nhất trong chính quyền Trump lên án mạnh mẽ hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, mà “Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien và cấp phó của ông, Matt Pottinger cũng từng đưa ra những tuyên bố công khai khiến Bắc Kinh khó chịu”.
Tuy nhiên, theo ông Bosco, Ngoại trưởng Pompeo rõ ràng là người đi tiên phong của chính quyền Trump về các vấn đề nhân quyền nói chung, và cụ thể là về Trung Quốc nói riêng.
Ông Bosco nhận xét, để đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, Tổng thống Trump cần chơi “quân át chủ bài của phương Tây”, đó là “nhân quyền và khả năng thay đổi chế độ”. Ông Bosco cho rằng Tổng thống Trump từng sử dụng hiệu quả quân bài này nhằm buộc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phải đàm phán về khả năng giải giáp vũ khí hạt nhân.
Khi Ngoại trưởng Pompeo đi tiên phong trong cuộc chiến chống lại Bắc Kinh về nhân quyền, ông sẽ không vô vọng như chàng kỵ sĩ Đông Ki Sốt đánh nhau với cối xay gió, theo ông Bosco. Vị cựu quan chức quốc phòng nhận xét: “Với nền tảng kinh nghiệm quân sự và tình báo bao quát của mình, ông Pompeo cũng như bất kỳ ai, biết rằng tính hợp pháp của chính quyền là điểm yếu trong chế độ cộng sản đầy quyền lực ở Trung Quốc”.
Ông Bosco cho rằng việc phơi bày các hành vi hủy hoại nhân quyền khác nhau của chính quyền Trung Quốc sẽ khiến nhiều người dân Trung Quốc chấn động, và điều đó sẽ làm sụt giảm hình tượng đáng kính mà chế độ này dày công tô vẽ.
Ông Bosco khuyến khích chính quyền Trump tiếp tục lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc, tựa như cựu Tổng thống Reagan từng gọi Đảng Cộng sản Liên Xô là một “Đế chế tà ác”. Ông Bosco cho rằng điều đó không xúc phạm người dân Nga và Đông Âu đương thời, mà thậm chí còn củng cố và truyền cảm hứng cho họ.
Ông Bosco kêu gọi “Tổng thống Trump cần làm điều tương tự với người Trung Quốc” khi lúc này, thế giới đang đối mặt vói một “đế chế tà ác” khác.
Theo ông Bosco, một cuộc chiến tranh thảm khốc cũng không giải quyết được những vấn đề mà Trung Quốc gây ra cho thế giới. Ông cho rằng, cũng như cuộc chiến chống lại Liên Xô trước đây, phương án giải quyết là sự thay đổi dân chủ, do người dân Trung Quốc thúc đẩy và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Kết thúc bài bình luận, ông Bosco tự tin khẳng định: “Cách chữa trị duy nhất cho virus cộng sản Trung Quốc là vắc-xin dân chủ”.