Hải Quân Trung Úy Nguyễn Thành Trạng, thuyền trưởng vượt biển tìm tự do

Hải Quân Trung Úy Nguyễn Thành Trạng, thuyền trưởng vượt biển tìm tự do

Jun 27, 2020 cập nhật lần cuối Jun 28, 2020

\"\"/
Hải Quân Trung Úy Nguyễn Thành Trạng trong ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 Tháng Sáu năm 2020 tại Little Saigon. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Nỗi khát vọng tự do chính là động lực thôi thúc hàng trăm ngàn người Việt sau năm 1975 quyết chí bỏ xứ ra đi. Ông Nguyễn Thành Trạng cũng nằm trong số đó, sau khi “ở tù trong ‘trại cải tạo’ 6 năm 8 tháng 20 ngày.”

Ngày ấy, danh hài Trần Văn Trạch cười ra nước mắt với câu “Cột đèn nếu đi được cũng đi [vượt biên],” người dân miền Nam vẫn tìm đường vượt biển dù biết phải đối mặt với cái chết cùng bao nhiêu bất trắc đợi chờ giữa biển khơi.

Chuyến ra khơi trở lại sau khi ra tù, vượt biển tìm tự do

Kể chuyện với phóng viên Người Việt tại công viên Bowling Green, Westminster, ông Trạng cho hay, vì số phận dung rủi mà ông “ở tù trong ‘trại cải tạo,’ nhưng nhờ vậy mà tôi có dịp hiểu Cộng Sản nhiều hơn.”

Tối ngày 29 Tháng Tư, 1975, ông Nguyễn Thành Trạng và đồng đội còn trên chuyến tàu phòng thủ hải cảng Vũng Tàu, lúc đó đang ở vùng cửa biển Cần Giờ, đang chờ lệnh có thể di chuyển qua Côn Đảo hoặc Phú Quốc. Nhưng sáng hôm sau, qua radio, ông nghe được lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh, kêu gọi quân đội bỏ súng đầu hàng, ông bần thần. Dù vậy, “tôi quyết định ở lại, mặc dù lúc đó rất nhiều tàu lớn từ Sài Gòn ra tới Cần Giờ, nếu muốn theo đi luôn cũng dễ,” ông nói.

Khi đó ông theo chiến hạm 457 của Đại Úy Dương Ngọc Chấn, từ ngoài biển vô bờ. “Đến chiều 30 Tháng Tư, ông Chấn ghé tàu vô bờ, tôi đổi ý, lại muốn đi theo tàu ông Chấn ra khơi, khi chạy tới Côn Đảo thì hạm đội Việt Nam đóng ở đó đã rút hết đi qua vịnh U.S Naval Subic ở Philippines hết rồi. Cuối cùng ông Chấn lại quay trở về Vũng Tàu, nên tôi cũng ở lại luôn,” ông Trạng kể thêm.

Sau khi ở tù 6 năm 8 tháng 20 ngày, ông cho biết: “Ra tù cuối năm 1981, lúc quyết định vượt biên, tuy đã có giấy bảo lãnh LOI (Letter Of Introduction) của Tòa Đại Sứ Mỹ tại Thái Lan gởi về cho đi theo diện ODP, nhưng do tính mạo hiểm, đã là quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, từng ở tù Cộng Sản nên không biết sợ chết là gì, nên tôi quyết tâm vượt biên một mình không cho vợ con theo, để nếu tôi có chết thì vợ con tôi cũng còn sống.”

Chuyến vượt biển lúc 1 giờ sáng ngày 24 Tháng Giêng, 1988, rời bến xuất phát ở ấp Hải Sơn, xã Phước Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bà Rịa. Chiếc ghe dài hơn chục thước do ông Nguyễn Thành Trạng cầm lái chở khẳm người, ra tới cửa biển Vũng Tàu khoảng 4 giờ sáng. Lúc đó gió Đông Bắc thổi chếch về hướng Tây Nam, với từng lớp sóng bỏ vòi đánh ngang hông, nếu đi tới sẽ bị lật úp liền, nên ông Trạng quyết định phải đổi hướng theo kinh nghiệm đi biển từ trước, phải làm sao bắt gặp thấy Côn Đảo trước mắt mới chắc ăn đi đúng hướng.

Nhớ lại chuyến vượt biên đầy thi vị, khi trên ghe không có đủ dụng cụ đi biển như tàu hải quân ngày trước, chỉ dùng những lý thuyết đã học và kinh nghiệm của riêng mình, ông Trạng cho biết: “Tôi nhớ lại lúc trước, khi đi tuần ở vùng biển này trên chiếc Nhật Tảo HQ.10, theo hải đồ thì nếu kẻ đường đi từ Núi Lớn Vũng Tàu có đèn hải đăng, còn Núi Nhỏ ở dưới có Đài Kiểm Báo 302 của Hải Quân. Nếu dùng thước kẻ theo hải đồ, đi theo hướng Nam 180 độ thì sẽ gặp Côn Đảo. Nhưng vì lúc bấy giờ gió hơi chếch theo hướng Đông Bắc-Tây Nam nên thay vì đi theo đúng hướng như vậy, tôi quyết định đi theo độ giạt (set and drift) trừ 20 độ, tức đi hướng 160 độ, như vậy Côn Đảo sẽ nằm bên trái hướng đi.”

\"\"
Ông Nguyễn Thành Trạng trước văn phòng trại Bataan Philippines năm 1988. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Đi như vậy tới khoảng 11 giờ đêm 25, thấy bên trái có ánh hải đăng trên núi Côn Đảo chớp tắt liên tục nằm phía sau tay lái. Tôi tính liền lúc đó, dùng thước kẻ vô đất liền trên hải đồ thì thấy nằm ngang Mũi Cà Mau, cách Côn Đảo 138 hải lý. Sau khi tính toán, 138 hải lý nhân cho 1 hải lý là 1,852 mét, vị chi là ghe mình đã cách xa bờ 255 cây số, nếu chạy thẳng sẽ vô tới Mã Lai,” ông phấn khích kể thêm.

“Lúc đó tôi biết ngay mình chắc chắn thoát khỏi Việt Nam rồi, nhưng nếu cứ đi như vậy sợ sẽ gặp hải tặc Thái Lan nên thay vì đi thẳng, tôi lái theo 140 độ hướng về Nam Dương, sau đó chuyển hướng 210 độ. Đúng như tôi tính toán, đêm 26 còn ở ngoài biển, chạy riết tới 5 giờ chiều 27 hôm sau thì cập vô cảng Kuala Terengganu của Mã Lai,” ông nhớ lại.

Đến được bến bờ tự do

Ông Trạng bồi hồi nói: “Mất hết ba ngày đêm để tới Mã Lai, mọi người vô cùng xúc động vì đã đặt chân đến được bến bờ tự do, khoảng 10 phút sau có một giới chức đến hỏi thăm. Tôi xác nhận chính mình là thuyền trưởng, vị này đến bắt tay chúc mừng, yêu cầu báo có bao nhiêu người đến. Lúc đó tôi hết sức bàng hoàng khi đếm được tổng cộng có 75 người trong khi chiếc ghe chỉ chở được khoảng 50 người.”

Sau khi điểm danh, tôi được dẫn ra đồn của Lực Lượng Task Force của Mã Lai gặp vị đại úy trẻ hỏi qua về lý lịch, sau khi biết tôi là Hải Quân Trung Úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tốt nghiệp trường Naval Officer Candidate School ở Mỹ, viên đại úy niềm nở bắt tay chúc mừng và cho ở tạm tại đó. Sáng hôm sau có xe chở mọi người về trại Marang ở tạm và cho xe đưa lên tàu Blue Dark để chở đến đảo Bidong làm thủ tục an ninh và y tế.

Chiếc ghe vượt biển do Hải Quân Trung Úy Nguyễn Thành Trạng làm thuyền trưởng đến được đảo Bidong, khi Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đến mở hồ sơ được đặt tên là tàu MB 914. Ông Trạng ở đó khoảng ba tháng rồi được đưa về lại trại Marang, rồi về trại Sungai Besi để chuẩn bị đi Mỹ. Sau đó ông Trạng được chuyển sang trại Bataan ở Philippines khoảng sáu tháng, đến đầu năm 1989 được định cư tại California.

“Nhân đây tôi xin cảm ơn trường Hải Quân OCS đã rèn luyện cho chúng tôi, những chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, ngoài việc trang bị những kiến thức hàng hải, làm quen với tất cả những đối vật trên biển và kinh nghiệm đi biển, nhất là nhờ đi trên chiếc hộ tống hạm Nhật Tảo HQ.10 đã giúp tôi hoàn thành trách nhiệm của một sĩ quan hải quân. Ngoài việc phục vụ đất nước chống Cộng Sản xâm lược, thì những bài học và kinh nghiệm đi biển đã giúp tôi rất nhiều trong chuyến vượt biển được êm xuôi trót lọt,” ông Trạng ngỏ lời cảm kích khi kể chuyện vượt biển năm xưa.

\"\"
Ông Nguyễn Thành Trạng trong một buổi họp tại trại Bataan Philippines năm 1988. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Phục vụ cộng đồng trên xứ Mỹ

Khi mới đến Hoa Kỳ, ông Nguyễn Thành Trạng cũng như mọi người Việt tìm tự do, cũng lăn xả vào việc làm để kiếm sống cho cả gia đình, nhất là lúc đó đang cần thiết cho con nhỏ đang tuổi đi học.

Trong cuộc sống mới, có nhiều việc phải đối phó, ông Trạng đã đến với Cộng Đồng Việt Nam Nam California thành lập vào năm 1990 do Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt làm chủ tịch.

Qua nhiều chức vụ trong cộng đồng, từ chủ tịch, phó chủ tịch, rồi hội đồng giám sát, đến nay đã gần 30 năm, ông Trạng cho biết đã đến lúc ông nên trao lại những việc phục vụ cộng đồng cho lớp trẻ tiếp nối.

Nhận định về cuộc chiến tranh Việt Nam, ông Trạng cho biết qua sách vở tài liệu công bố và trên thực tế hiện nay, theo tổng kết chiến tranh thì Việt Nam Cộng Hòa ở thế chiến thắng, về thương vong mất khoảng 300 ngàn người, nhưng phía Cộng Sản Bắc Việt tổn thất nhân mạng khoảng 1 triệu 200 ngàn quân.

Ông Trạng trầm ngâm nói: “Trong cuộc chiến Việt Nam, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chiến thắng hoàn toàn, nhưng về mặt chính trị thì cuộc chiến tranh Việt Nam không phải do người Việt mà là do người Mỹ quyết định. Chiến tranh Việt Nam không phải giải quyết ở Việt Nam tại Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Quốc Phòng hay Dinh Độc Lập. Và ngay tại Mỹ, cuộc chiến Việt Nam cũng không phải được giải quyết ở Ngũ Giác Đài, Tòa Bạch Ốc, mà là được giải quyết tại Điện Capitol, khi lưỡng viện Quốc Hội gồm Thượng Viện và Hạ Viện Hoa Kỳ lúc bấy giờ đều nằm trong tay đảng Dân Chủ. Chưa kể là về phía bên kia, cũng do phe Cộng Sản Nga Xô và Trung Cộng quyết định, đến nỗi cho đến bây giờ, Việt Nam Cộng Sản cũng vẫn còn lệ thuộc Trung Quốc, điều đó ai cũng thấy rõ.”

\"\"
Ông Nguyễn Thành Trạng trong buổi sinh hoạt cộng đồng tại Little Saigon năm 2004. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

“Theo cá nhân tôi, quyền lực của nước Mỹ không phải ở tổng thống Mỹ mà là do Điện Capitol, vì chỉ có Quốc Hội Mỹ mới có đủ quyền lực trong mọi vấn đề của quốc gia Mỹ. Bao năm nay sống ở Mỹ, tôi vẫn canh cánh bên lòng chuyện đất nước mình, chuyện người Việt sau năm 1975 phải trốn chạy qua các quốc gia tự do khác, nhất là trong những cuộc vượt biển năm xưa, để rồi bao thảm cảnh gia đình tan nát xảy ra. Cả thảm trạng của những gia đình Mỹ có con em quân nhân tham chiến tại Việt Nam năm xưa, là những người bạn đồng minh cùng sát cánh chiến đấu với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để giữ gìn hai chữ Tự Do,” ông Trạng tiếp.

“Cũng may là thuyền nhân người Việt chúng ta sau 1975 khi vượt biển bỏ nước ra đi với hai bàn tay trắng, gia tài mang theo chỉ có lòng yêu nước, đại diện bởi lá cờ vàng ba sọc đỏ, cùng với nền văn hóa và tiếng Việt mến yêu, đã làm nên lịch sử. Thật vẻ vang cho người dân Việt khi những thế hệ đầu tiên vượt biển đến Mỹ và những thế hệ hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa tiếp nối, đã có sự thích nghi và thành công trên nhiều mặt tại quê hương mới,” ông Trạng vững niềm tin nói.

Ngồi nói chuyện với phóng viên Người Việt trong đại dịch COVID-19 để kể lại câu chuyện này, ông Nguyễn Thành Trạng còn nhớ lại thời sinh hoạt cộng đồng tại Little Saigon. Ông cho hay người Việt ở hải ngoại cần phải đoàn kết hơn nữa, phải biết thực tâm lo cho cộng đồng, đừng để bị phe phái chính trị ảnh hưởng.

“Việc cần làm là giúp cộng đồng mình qua những việc cụ thể như hướng dẫn những người mới đến Mỹ qua những thủ tục nhập cư, rồi giúp khai thuế, giúp các học sinh làm quen với môi trường học tập, giúp người già biết được những thông tin về sức khỏe và y tế. Phải đoàn kết lại để giữ cho cộng đồng ngày càng lớn mạnh, điều đó chúng ta có thể làm được bao năm rồi, nhưng hình như thực tế ngày nay tình trạng phân hóa trong cộng đồng ngày càng thấy rõ,” ông Trạng nêu ý kiến.

Ông Trạng kêu gọi: “Chúng ta đã cùng bỏ nước ra vì lý tưởng tự do, cùng chung chí hướng chống Cộng Sản, người Việt chúng ta đến Mỹ không phải chỉ vì đồng tiền, vì cuộc sống yên ấm cho riêng mình, cần phải luôn yêu thương đoàn kết hơn lúc nào hết thì cộng đồng mới vững mạnh được!” (Văn Lan) [qd]


Ông Nguyễn Thành Trạng quê gốc Long An.

Cựu sinh viên Đại Học Khoa Học Sài Gòn.

Tốt nghiệp Khóa 6 Trường Hải Quân OCS Hoa Kỳ vào Tháng Giêng, 1971.

Về nước phục vụ Quân Chủng Hải Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cấp bậc Thiếu Úy năm 1972.

Phục vụ trên Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ.10, tuần tiễu vùng duyên hải từ vĩ tuyến 17, Côn Đảo, cho đến mũi Cà Mau.

Sau đó về Giang Đoàn 47 Ngăn Chận và Giang Đoàn 44 Ngăn Chận, phụ trách vùng sông nước miền Tây. Cấp bậc cuối cùng là Hải Quân Trung Úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Sau năm 1975, ông trải qua các trại tù Cộng Sản, tham gia cuộc biểu tình lịch sử với hơn 6,000 tù nhân nổi loạn đêm Giáng Sinh 1978 tại trại tù Suối Máu, Tân Hiệp.

Ra tù cuối năm 1981, ông vượt biển tìm tự do năm 1988, đoàn tụ gia đình tại Hoa Kỳ năm 1992.

Ông phục vụ trong Cộng Đồng Việt Nam Nam California qua nhiều thời kỳ, bắt đầu từ năm 1990.

Ông Trạng hiện sống tại thành phố Santa Ana, miền Nam California.

Bài Liên Quan

Leave a Comment