Kiểm duyệt của Trung Quốc bóp nghẹt báo chí Hong Kong thế nào?
Bùi ThưBBC News Tiếng Việt
- 29 tháng 6 2020
Trung Quốc đã không ngừng bóp nghẹt tự do báo chí Hong Kong và luật An ninh quốc gia là công cụ mới để Bắc Kinh gia tăng sự kiểm soát, theo đánh giá của các chuyên gia và nhà hoạt động.
\”Tôi cho rằng tự do báo chí ở Hong Kong đang bị co lại. Tự do báo chí đang bị tấn công, đang đối mặt với đe dọa\”, giáo sư Keith Richburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Hong Kong, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
Sự can thiệp ngày một tăng của chính quyền Bắc Kinh cũng khiến cho Hong Kong không còn được coi là nơi thuận lợi cho hoạt động báo chí.
Ông Jeffrey Ngo, Trưởng ban nghiên cứu của phong trào dân chủ Demosisto, đánh giá: \”Tự do báo chí đang đối mặt với khó khăn tại Hong Kong. Nhìn vào xếp hạng của tổ chức Phóng viên Không biên giới ta sẽ thấy phần nào sự xuống dốc đó\”.
\”Có nhiều khó khăn cho các nhà báo\”, ông nói thêm.
Theo Press Freedom Index, Hong Kong xếp hạng 18 vào năm 2002 và thứ 80 vào năm 2020.
Xuất khẩu kiểm duyệt khắt khe
Hiến pháp Trung Quốc, ở Điều 23, thừa nhận công dân có quyền \”tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, tuần hành và biểu tình\”. Tuy nhiên, lãnh đạo nước này luôn nhấn mạnh báo chí phải luôn thể hiện ý chí của đảng Cộng sản Trung Quốc, vì sự đoàn kết của đảng.
Tại Trung Quốc, báo chí bị kiểm duyệt nghiêm ngặt, nhiều nhà báo có bài viết \”chống đảng\” đã bị trừng phạt. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho biết vào thời điểm cuối năm 2019, đang có 48 nhà báo ngồi tù tại Trung Quốc.
Cũng theo CPJ, kiểm soát báo chí tại Trung Quốc và cả đặc khu Hong Kong được đẩy mạnh kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm giữ hai chức vụ Tổng bí thư đảng Cộng sản và Chủ tịch nước vào năm 2012 và 2013.
Bằng nhiều cách, chính phủ trung ương tại Bắc Kinh đã xuất khẩu nền kiểm duyệt khắt khe bậc nhất thế giới của mình sang đặc khu Hong Kong, nơi vốn từng thụ hưởng một nền báo chí tự do hàng đầu thế giới.
\”Tôi không rõ cách thức mà người ta truyền đạt ý chí của chính quyền Bắc Kinh tới các tòa soạn ở Hong Kong như thế nào. Tôi không ở trong các tòa soạn đó nên không biết. Tôi không cho rằng có một mệnh lệnh cụ thể kiểu phải viết như thế này, không được viết như thế kia. Có thể các chủ báo và các tổng biên tập tự hiểu rằng không nên viết những điều có thể chọc giận Bắc Kinh, tức là họ tự kiểm duyệt\”, giáo sư Richburg, người cũng từng có nhiều năm làm phóng viên của báo The Washington Post thường trú tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Hong Kong, chia sẻ.
Dù cách thức truyền lệnh là điều chỉ người trong cuộc mới biết, nhưng những gì thể hiện trên mặt báo cho thấy chính sách kiểm duyệt đã được thực thi ngày một triệt để. Một ví dụ cụ thể là báo South China Morning Post, vốn đã bị tập đoàn Alibaba của tỉ phú Trung Quốc Jack Ma thâu tóm vào tháng 4/2016.
\”South China Morning Post qua hơn một thế kỷ kể từ khi thành lập luôn là tờ báo xuất sắc trong vai trò là người cung cấp thông tin, thực hiện báo chí điều tra. Tuy nhiên, từ khi Jack Ma đầu tư vào thì có những chuyển hướng rõ rệt, mục ý kiến và xã luận có xu hướng nghiêng hẳn về Bắc Kinh. Có thể thấy có một sự kiểm soát những quan điểm được xuất bản ở đấy\”, nhà hoạt động Jeffrey Ngo đánh giá.
Giáo sư Richburg có nhận định tương tự:
\”Có nhiều biểu hiện về sự xoay chiều. Chẳng hạn, khi biểu tình mới nổ ra, South China Morning Post đã đưa tin rất khách quan. Thế rồi sau đó họ đổi giọng, gọi người biểu tình là những kẻ bạo động (rioters). Họ bắt đầu sử dụng ngôn ngữ của chính quyền, viết bài bênh vực cảnh sát\”.
Mở rộng vấn đề, Jeffrey Ngo nói rằng guồng máy kiểm soát của Trung Quốc thực ra lớn ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
\”Họ không chỉ kiểm soát báo chí ở Trung Quốc hay Hong Kong. Họ còn dùng tiền để gây ảnh hưởng tới những tổ chức và hoạt động khác, chẳng hạn họ còn tác động tới cả giải Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA), tác động tới các chương trình truyền hình ở Mỹ. Mới đây nhất, ứng dụng họp trực tuyến Zoom đã xóa tài khoản ba người dùng, là những người chống Bắc Kinh. Đó cũng là các hình thức kiểm duyệt\”, nhà hoạt động thuộc Demosisto cho biết.
Luật pháp và bạo lực
Có nhiều hình thức để Bắc Kinh kiểm soát báo chí Hong Kong. Trước hết là việc gia tăng các chính sách, luật pháp hạn chế tự do báo chí, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của nhà báo, sử dụng các công cụ pháp lý và hành chính để trừng phạt các nhà báo \”cứng đầu\”.
\”Chúng ta sẽ chờ luật An ninh quốc gia để xem cụ thể như thế nào. Dù chưa biết chi tiết, nhưng tất cả các nhà báo đều lo ngại một khi luật này được thực thi thì họ sẽ không còn có thể viết báo độc lập như trước đây\”, giáo sư Richburg bày tỏ.
\”Chính quyền Hong Kong đã áp dụng chính sách thị thực mới để có thể trừng phạt nhà báo, y như cách mà Trung Quốc và có thể cả Việt Nam nữa, đã thực hành lâu nay. Các nhà báo nước ngoài làm họ phật ý thì có thể bị từ chối thị thực\”, ông chia sẻ thêm.
\”Ở Trung Quốc người ta đã trục xuất các nhà báo của The Wall Street Journal và The Washington Post. Sau khi bị Bắc Kinh trục xuất, các nhà báo này sẽ không được đến Hong Kong làm việc. Trung Quốc ngày càng coi Hong Kong là một phần của Trung Quốc như tất cả các vùng khác, chứ không phải là một đặc khu\”.
Trong báo cáo của mình, CPJ cho biết có hai công cụ thường được chính quyền sử dụng để khống chế các nhà báo. Đối với nhà báo nước ngoài, họ sẽ trục xuất mỗi khi có hành vi mà họ cho là vi phạm quy định. Còn các nhà báo Hong Kong viết bài \”gây khó chịu\” Bắc Kinh thì đứng trước nguy cơ bị cấm tới tác nghiệp tại các sự kiện ở đại lục.
\”Những nhà báo của The Wall Street Journal và The Washington Post bị Bắc Kinh trục xuất sẽ không được Hong Kong cấp visa làm việc. Các nhà báo nước ngoài ở Hong Kong cũng đối diện nguy cơ bị trục xuất. Cho nên không gian cho các nhà báo quốc tế bị thu hẹp lại\”, Jeffrey Ngo bổ sung.
Bạo lực nhằm vào nhà báo cũng là một mối đe dọa lớn đối với tự do báo chí.
\”Nhà báo địa phương ở Hong Kong cũng ngày một chịu nhiều áp lực hơn. Khi đi đưa tin biểu tình, họ gặp phải sự tàn bạo của cảnh sát. Nếu xu hướng này tiếp diễn, báo chí sẽ đối mặt với thảm họa\”, nhà hoạt động Jeffrey Ngo đánh giá.
Sức mạnh của đồng tiền
Tiền bạc là một công cụ quyến rũ nhưng đầy sức mạnh, và Trung Quốc đã sử dụng đồng tiền bằng nhiều cách để tạo ảnh hưởng lên báo chí Hong Kong.
Trước hết là việc đầu tư vào các tập đoàn báo chí ở đặc khu. Theo dõi báo chí Hong Kong trong một thời gian dài, người ta dễ nhận thấy sau khi được các doanh nhân đại lục, hoặc các doanh nhân có quan hệ mật thiết với đại lục, đầu tư, nhiều tờ báo sẽ trở nên \”tế nhị\” với chính quyền Bắc Kinh hơn.
Tương tự câu chuyện của South China Morning Post đã đề cập ở trên, Minh Báo vốn là một tờ báo Hoa ngữ nổi tiếng trong mảng điều tra, nhưng sau khi được một doanh nhân Malaysia mua lại vào giữa thập niên 1990, tờ báo này bắt đầu trở nên thân thiện với Bắc Kinh. Các bài viết về thảm sát Thiên An Môn hoặc phanh phui các bê bối của lãnh đạo Trung Quốc đều bị gạt bỏ.
\”Sự sở hữu đối với các tập đoàn báo chí, truyền thông là vấn đề lớn. Không riêng gì báo chí, hầu hết các nhà xuất bản sách hiện cũng được mua lại bởi các cá nhân và tổ chức có liên hệ nào đó với đại lục. Do đó, họ sẽ không còn độc lập xuất bản sách nữa\”, giáo sư Richburg cho biết.
Còn một mặt khác của câu chuyện tài chính, đó là các tổ chức báo chí ủng hộ dân chủ sẽ gặp khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh.
\”Các doanh nghiệp ở Hong Kong nếu có làm ăn ở đại lục sẽ chịu sức ép lớn. Có thể họ sẽ không đăng quảng cáo trên các báo phê phán chính quyền Bắc Kinh gay gắt, chẳng hạn báo Apple Daily của tỉ phú Jimmy Lai. Các tờ báo vì vậy sẽ gặp khó khăn tài chính, khó mà duy trì hoạt động\”, giáo sư Richburg cho biết.
Báo cáo của CPJ cho rằng, có thể Bắc Kinh không cần trực tiếp gây sức ép trong vấn đề này, mà các doanh nghiệp tự biết điều để tránh làm Bắc Kinh khó chịu. Họ tự biết rằng nếu đăng quảng cáo trên các tờ báo đó, họ sẽ bị gây khó dễ khi làm ăn tại đại lục.
Lối thoát nào cho báo chí?
Bàn tay kiểm soát của Bắc Kinh ngày một bạo liệt hơn và giờ đây, với luật An ninh quốc gia sắp được đưa vào áp dụng, tự do báo chí Hong Kong đang đối mặt với thách thức không tiền khoáng hậu. Các nhà báo tin vào một nền báo chí công chính, độc lập sẽ làm gì?
\”Các nhà báo sẽ phải tự quyết định về chuyện họ có tiếp tục làm trong các tổ chức báo chí bị Trung Quốc thao túng hay không. Tôi cho rằng có nhiều nhà báo họ sẽ đưa ra những nguyên tắc, chẳng hạn trong hoàn cảnh này, với các điều kiện này thì họ tiếp tục làm, tiếp tục duy trì phẩm cách nhà báo bên trong các tổ chức đó\”, giáo sư Richburg đánh giá.
Ông nói thêm: \”Tuy nhiên, nếu việc kiểm duyệt vượt quá lằn ranh đạo đức và nguyên tắc nghề nghiệp, họ sẽ nghỉ việc. Tôi có người quen làm ở South China Morning Post, người ấy nói rằng có kiểm duyệt nhưng chưa đến mức trắng trợn. Một khi điều đó xảy ra, người ấy sẽ nghỉ việc\”.
Về bài toán kinh tế, giáo sư Richburg cho biết thêm: \”Có một số tổ chức báo chí ra đời trong bối cảnh này như là một nỗ lực để duy trì báo chí độc lập, chẳng hạn Hong Kong Free Press. Tổ chức này kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng người đọc. Tôi nghĩ đó là một nguồn tài chính tốt để họ có thể duy trì sứ mệnh làm báo độc lập\”.
\”Còn việc tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế ẩn chứa nhiều rủi ro. Chúng ta chưa thể biết luật An ninh quốc gia một khi được triển khai thì sẽ như thế nào. Việc nhận tiền nước ngoài có thể là trọng tội theo luật mới\”, ông Richburg bày tỏ lo ngại.
Trong khi đó, nhà hoạt động Jeffrey Ngo chia sẻ một khía cạnh khác của câu chuyện.
\”Gần đây, người Hong Kong đã cùng nhau nhận diện các doanh nghiệp ủng hộ dân chủ để ủng hộ. Chẳng hạn họ kéo đến ăn tại các nhà hàng ủng hộ dân chủ, trong khi tẩy chay các doanh nghiệp thân Bắc Kinh\”, Jeffrey Ngo cho biết.
\”Tôi nghĩ Hong Kong đang tìm cách tạo ra một nền kinh tế thay thế có lợi cho các doanh nghiệp ủng hộ dân chủ. Rất nhiều người Hong Kong ủng hộ điều này để chống lại tư bản đỏ đến từ đại lục. Tình hình rất khó khăn, nhưng tôi nghĩ người Hong Kong đã biểu đạt một thái độ, một cách phản ứng đúng\”.
Đó cũng là điều lý giải vì sao có nhiều người ủng hộ tiền cho các tổ chức báo chí độc lập như Hong Kong Free Press.