Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt chính sách triệt sản người Duy Ngô Nhĩ
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Hai (29/6) đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt áp đặt các biện pháp hà khắc để giảm tỷ lệ sinh đẻ của phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, sau khi có báo cáo về sự tồn tại của các chính sách như vậy.
Mặc dù đã có nhiều phụ nữ lên tiếng về vấn nạn kiểm soát sinh đẻ bắt buộc, thực trạng này này phổ biến và có hệ thống hơn rất nhiều so với công chúng biết trước đó, theo một cuộc điều tra của hãng tin Mỹ Associated Press dựa trên các số liệu thống kê của chính phủ, các tài liệu chính quyền và các cuộc phỏng vấn với 30 cựu tù nhân, thành viên gia đình và các cựu giáo viên trong các trại giam. AP cũng xem xét những phát hiện từ một cuộc nghiên cứu mới đây của học giả về Trung Quốc Adrian Zenz.
Ngoại trưởng Pompeo, một nhà phê bình Trung Quốc lâu năm cho biết trong một tuyên bố rằng những phát hiện này nhất quán với các hành vi “thể hiện sự coi thường triệt để đối với tính tôn nghiêm của tính mạng và phẩm giá cơ bản của con người” đã diễn ra qua hàng thập kỷ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
“Chúng tôi kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt ngay lập tức những hành vi khủng khiếp này và yêu cầu tất cả các nước chung tay với Mỹ để yêu cầu chấm dứt những hành vi phi nhân tính này”, ông Pompeo nói trong thông cáo báo chí đăng trên trang web Bộ Ngoại giao.
Hàng trăm triệu USD mà chính phủ Trung Quốc đã đổ vào để kiểm soát sinh đẻ đã biến Tân Cương từ một trong những khu vực phát triển nhanh nhất Trung Quốc trở thành khu vực chậm chạp nhất chỉ trong vài năm, theo một nghiên cứu mới mà hãng tin AP thu thập được.
“Sự sụt giảm [tỷ lệ sinh] loại này là chưa từng có tiền lệ .. có một sự tàn nhẫn trong đó”, theo học giả Adrian Zenz, một chuyên gia hàng đầu về cách thức ĐCSTQ kiểm soát các khu vực dân tộc thiểu số Trung Quốc. “Đây là một phần của chiến dịch kiểm soát rộng lớn hơn nhằm khuất phục người Duy Ngô Nhĩ”.
Hãng tin Reuters cho hay, trong báo cáo của mình, ông Zenz cho biết các phát hiện của ông là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy các chính sách của Bắc Kinh tại Tân Cương đã đáp ứng một trong những tiêu chí diệt chủng được nêu trong Công ước Liên hợp quốc về phòng ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng, cụ thể là “áp đặt các biện pháp nhằm ngăn chặn sinh đẻ trong nhóm”.
Tỷ lệ sinh ở các khu vực sinh sống chủ yếu của người Duy Ngô Nhĩ là Hotan và Kashgar đã giảm hơn 60% từ năm 2015 đến 2018. Trên toàn vùng Tân Cương, tỷ lệ sinh tiếp tục giảm mạnh, giảm gần 24% vào năm ngoái – so với chỉ 4.2% trên toàn quốc, thống kê cho hay.
Ông cũng cho biết vào năm 2018, 80% các khu vực đặt vòng tránh thai mới ở Trung Quốc đã được tiến hành ở Tân Cương, trong khi chỉ có 1,8% dân số Trung Quốc tập trung ở đó, theo Reuters.
Chính quyền cũng thường xuyên ép buộc phụ nữ dân tộc thiểu số này kiểm tra thai kỳ, và cưỡng chế gắn các thiết bị tử cung, triệt sản, thậm chí phá thai đối với hàng trăm ngàn người, số liệu và cuộc phỏng vấn của AP cho thấy. Ngay cả khi con số sử dụng vòng tránh thai và triệt sản giảm trên toàn quốc, tỷ lệ này vẫn tăng mạnh ở Tân Cương.
Các biện pháp kiểm soát dân số thường đi kèm việc bắt giam hàng loạt, đây vừa là biện pháp đe dọa vừa là hình phạt cho việc không tuân thủ. Việc có quá nhiều trẻ em là lý do chủ yếu khiến nhiều người bị gửi đến các trại giam, báo cáo cho hay, cha mẹ nào có ba hoặc nhiều con hơn sẽ bị tách khỏi gia đình và tống giam trừ khi họ có thể chi trả các khoản tiền phạt lớn. Cảnh sát đột kích nhà, khiến các bậc cha mẹ khiếp sợ khi họ tìm kiếm những đứa trẻ ẩn nấp bên trong.
Sau khi cô Gulnar Omirzakh, một người Kazakhstan gốc Hoa, có đứa con thứ ba, chính phủ đã ra lệnh cho cô đặt vòng tránh thai. Hai năm sau, vào tháng 1/2018, bốn quan chức mặc quân phục đã đến gõ cửa nhà cô. Họ tuyên bố cô có ba ngày để trả khoản tiền phạt 2.685 USD vì có nhiều hơn hai con. Nhà cô rất nghèo, gia đình phải dựa vào gánh hàng rau của chồng cô để sinh sống, nhưng chồng cô hiện đang ngồi tù.
Nếu cô không trả tiền phạt, họ cảnh báo, cô sẽ chịu chung số phận như chồng cô và một triệu người từ các dân tộc thiểu số khác trong các trại giam ở Tân Cương.
“Chúa ban con cái cho người. Ngăn chặn mọi người có con là sai”, bà Omirzakh vừa nói vừa khóc trong một cuộc phỏng vấn. “Họ muốn tiêu diệt người dân chúng tôi”.
Những người đồng cảnh ngộ từng bị bắt giam cho biết họ đã bị buộc tiêm thuốc có tác dụng làm ngừng kinh nguyệt, hoặc gây chảy máu bất thường, với các triệu chứng tương tự như khi dùng thuốc tránh thai.
Các tài liệu chính phủ do ông Zenz nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ ở một số cộng đồng dân tộc thiểu số trong khu vực đã bị các quan chức y tế địa phương yêu cầu kiểm tra phụ khoa bắt buộc thường xuyên và xét nghiệm thử thai hai tháng một lần.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi câu chuyện này là “bịa đặt” và “giả mạo”, khi tuyên bố rằng chính phủ đối xử bình đẳng với dân tộc và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người thiểu số.
“Mọi người, bất kể họ là người dân tộc thiểu số hay người Hán, đều phải tuân thủ và hành động theo luật pháp”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên tuyên bố hôm thứ Hai khi được hỏi về cuộc điều tra của AP.
Các chuyên gia bên ngoài cho rằng chính sách kiểm soát sinh sản là một phần trong chiến dịch tấn công do nhà nước đạo diễn nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ nhằm ngăn cấm đức tin và tẩy sạch bản sắc của họ, buộc họ đồng hóa với dân tộc Hán.
Họ đã phải chịu sự cải tạo chính trị và tôn giáo trong các trại giam và lao động cưỡng bức trong các nhà máy, trong khi con cái họ bị tẩy não trong các trại trẻ mồ côi. Những người Duy Ngô Nhĩ, dù không phải ai cũng theo đạo Hồi, cũng bị giám sát bởi một hệ thống giám sát kỹ thuật số quy mô lớn của chính phủ.
Darren Byler, một chuyên gia về người Duy Ngô Nhĩ tại Đại học Colorado (Mỹ) cho biết, “Ý đồ này có thể không loại bỏ hoàn toàn dân tộc Duy Ngô Nhĩ, nhưng nó sẽ làm giảm mạnh sức sống của họ. Nó sẽ khiến họ dễ bị đồng hóa hơn nữa vào dân số chủ đạo là người Hán”.
“Đây là hành vi diệt chủng không cần bàn cãi. Nó không phải là hành vi diệt chủng trực diện hàng loạt, gây sốc và ngay lập tức, mà nó là dạng thức diệt chủng chậm rãi, đau đớn và ghê rợn”, TS Joanne Smith Finley, phụ trách nhóm nghiên cứu Châu Á tại Đại học Newcastle, Anh, cho biết. “Đây là những phương tiện trực tiếp làm giảm dân số Duy Ngô Nhĩ về mặt di truyền học”.
Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC), một nhóm các thành viên quốc hội Bắc Mỹ, châu Âu và Úc từ một loạt các đảng chính trị, cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ thúc đẩy một cuộc điều tra pháp lý về việc “liệu có hay không một tội ác chống lại loài người hay nạn diệt chủng đã đang xảy ra” tại thành phố Tân Cương.
Nhóm nhân quyền Đại hội người Duy Ngô Nhĩ Thế giới – tổ chức quốc tế đại diện cho lợi ích tập thể của người Duy Ngô Nhĩ trên toàn cầu – nhận định rằng báo cáo cho thấy một “yếu tố diệt chủng trong các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc” và kêu gọi đưa ra một tuyên bố hành động quốc tế để đối mặt với Trung Quốc trong vấn đề này.