Bất đồng chính kiến Việt Nam: Góc nhìn qua các thế hệ
Quốc PhươngBBC News Tiếng Việt
- 30 tháng 6 2020
Nhân việc hôm 25/6/2020, học giả nghiên cứu Hán – Nôm Trần Khuê, nhà bất đồng chính kiến được nhiều người biết đến qua đời ở Sài Gòn, một số nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền ở VN chia sẻ quan điểm của mình về thực lực và triển vọng của hoạt động dân chủ, nhân quyền và xã hội dân sự ở nước này, trước thềm Đại hội XIII của đảng Cộng sản Việt Nam và dài hạn.
Qua bút đàm hôm 29/6, các nhà hoạt động nói với BBC News Tiếng Việt về việc liệu các thế hệ tiếp nối các nhà bất đồng nổi tiếng như Trần Khuê hay Hoàng Minh Chính v.v…, nay có thể làm được gì hay không.
Nhà báo tự do Cát Linh (từ Hà Nội): Những thế hệ tiếp theo sẽ có vai trò riêng của họ. Thế giới thông tin đã và đang tràn ngập, điều đó không khó để phát triển khả năng tư duy phản biện và theo những cách riêng, mỗi người dân sẽ dần hiểu ra được những điều tiệm cận của nên và không nên. Họ sẽ tiếp tục vai trò của họ trong xã hội.
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung (cựu tù nhân chính trị, từ Sài Gòn): Có thể nói rằng Giáo sư Hoàng Minh Chính và nhà nghiên cứu Hán – Nôm Trần Khuê là hai người đầu tiên tạo cảm hứng cho tôi tham gia tích cực vào phong trào dân chủ. Năm 2006, chính hai cụ đã thành lập Phong trào dân chủ Việt Nam. Ngay sau đó cũng chính giáo sư Hoàng Minh Chính phục hoạt đảng Dân Chủ Việt Nam và lấy thêm tên mới là đảng Dân Chủ thế kỷ 21. Giáo sư Hoàng Minh Chính là Tổng thư ký, còn nhà nghiên cứu Trần Khuê là Phó Tổng thư ký đảng Dân Chủ. Sự kiên trì, can đảm dấn thân vì công lý, tự do, dân chủ của hai cụ qua hàng thập kỷ đã khiến tôi rất xúc động. Tôi tin rằng thế hệ sau chắc chắn sẽ thúc đẩy phong trào dân chủ đi xa hơn nữa vì thời thế thuận lợi hơn, công nghệ hiện đại hơn, dân trí cao hơn. Và thế hệ sau có thể rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ công cuộc hoạt động của thế hệ trước.
Nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình (cựu Biên tập viên Tạp chí Cộng sản): Tất cả các thế hệ bất đồng chính kiến ở Việt Nam đều làm được chung một việc, đó là khai dân trí và góp phần thúc đẩy quá trình tự sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam. Sự khác nhau giữa thế hệ sau với thế hệ đầu của các cụ Hoàng Minh Chính, Trần Độ và các ông Trần Khuê, Phạm Quế Dương, Lê Hồng Hà, Nguyễn Thanh Giang là hiệu quả hoạt động khai dân trí do sự mở rộng của hệ thống Internet và xuất hiện các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook.
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A (cựu Viện trưởng Viện phản biện chính sách độc lập – IDS): Tôi chưa được gặp cụ Trần Khuê lần nào nhưng đã đọc các bài viết của Cụ và nhất là do tôi có biết cụ Phạm Quế Dương cùng cụ Khuê định thành lập Hội giúp Đảng chống tham nhũng và bị bỏ tù cho nên tôi được nghe về cụ Khuê rất nhiều, cụ đúng một tri thức khả kính một nhà đấu tranh kiên cường theo nghĩa đen đến hơi thở cuối cùng. Các thế hệ sau phải tiếp bước các cụ, rút kinh nghiệm hoạt động của các cụ, phát huy cái hay của các cụ và tránh những lỗi nếu có của các cụ, sáng tạo ra cách mới hợp thời nay để đẩy phong trào tiến thêm một bước.
Không nên so sánh làm gì?
BBC: Có ý kiến nói, nhiều nhân vật trong giới bất đồng chính kiến, nhà hoạt động thuộc lớp trước có vị thế, vị trí chuyên môn nghề nghiệp, từ đó có ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng với cộng đồng, người dân, thế hệ sau này thì thế nào? Họ có nét gì mới và so với lớp trước họ có mạnh, yếu gì?
Nhà báo tự do Cát Linh: Nếu thế hệ sau là những người có địa vị, chức vụ, chuyên môn và đóng góp những ý kiến phản biện cho xã hội thì điều đó rất quan trọng. Bởi vì những họ là những người có cơ hội để bày tỏ mong muốn, yêu cầu.. trực tiếp tại các cơ quan chính phủ. Có chuyên môn thì ít nhất lời nói sẽ có sức thuyết phục cao và được lắng nghe…
Bất lợi thì có thể nói sẽ được giảm đi, và họ cũng có cơ hội để nâng cấp bản thân. Thế giới đang ngày càng được kết nối dễ dàng nên họ sẽ học được nhiều thứ và tầm nhìn, góc nhìn sẽ được thay đổi theo chiều hướng khách quan.
Nhà hoạt động Sương Quỳnh (nhà báo độc lập từ Sài Gòn): Trước tiên, tôi muốn nói là với những người đấu tranh đòi tự do và dân chủ, các vị như hai ông Hoàng Minh Chính và Trần Khuê luôn là những tấm gương kiên định quý giá cho con đường đấu tranh với thế hệ chúng tôi.
Với thế hệ đầu quả tình họ đã lãnh hội được những kiến thức sâu rộng và có vị thế nên tiếng nói của họ có uy tín và thức tỉnh cho thế hệ sau. Nhưng lúc đó họ quá ít và bị đàn áp khốc liệt. Nhưng thế hệ bây giờ có lợi thế là mạng Internet đã gắn kết và có thể lan rộng một vụ việc. Do đó hiệu quả nhờ lan toả thông tin mà đã có nhiều người dân thức tỉnh và ngày càng nhiều người tham gia khi nhà cầm quyền không thể bưng bít thông tin như trước.
Th.S Nguyễn Tiến Trung: Những nhà hoạt động thế hệ sau có thành phần đa dạng hơn và đó chính là lợi thế. Lớp trước đa số là các lão thành cách mạng, những người được chế độ đào tạo, còn các thế hệ sau thì ngoài những người đi ra từ chế độ còn có những người là trí thức độc lập, nông dân, dân oan mất đất, công nhân,… Nhờ mạng xã hội nên thông tin và tầm ảnh hưởng đến cộng đồng còn lan tỏa tốt hơn thế hệ trước nhiều.
Ông Nguyễn Vũ Bình: Vị thế, chuyên môn nếu có giúp ảnh hưởng tới cộng đồng cũng không nhiều. Điều tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ sâu rộng với cộng đồng và người dân ở thế hệ trước là kiến thức và nhận định của họ. Những người thế hệ trước tham gia vào phong trào dân chủ đều đã có kết luận, và họ đấu tranh nhắm vào kết luận, mục tiêu đó. Đó là, cần đấu tranh để thay đổi chế độ xã hội. Để đưa ra được kết luận đó, họ phải tìm hiểu, nghiên cứu cũng như đấu tranh nội tâm rất nhiều. Chính vì sự nghiên cứu và kết luận chắc chắn đó, họ được nhiều người tôn trọng và ngưỡng mộ.
TSKH Nguyễn Quang A: Thời nào cũng có những người như vậy. Không nên so sánh người này với người kia, thời này với thời kia!
‘Trọng thị, đừng chê bai’
Image captionNgày càng nhiều các bạn trẻ Việt Nam quan tâm đến các vấn đề xã hội dân sự, nhân quyền
BBC:Có người băn khoăn liệu những điểm yếu nào đó so với thế hệ trước, lớp trước, có thể sẽ tạo thành nhược điểm khó khắc phục, hay có người gọi đó là ‘điểm dở’ trong một bộ phận của thế hệ bất đồng chính kiến hiện nay, làm hạn chế sức hút dư luận, có thể làm ảnh hưởng tới sự phát triển của phong trào dân chủ ở Việt Nam, quý vị có đồng tình với quan điểm này?
Nhà báo tự do Cát Linh: Quan điểm của tôi thì không. Bởi vì để một đất nước phát triển, một quốc gia độc lập và trưởng thành thì mọi công dân đặc biệt là lề trái họ phải trưởng thành và độc lập từ chính họ đã. Mọi công dân đều có vai trò bảo vệ và xây dựng đất nước.
Bà Sương Quỳnh: Theo tôi điểm yếu nào đó của cả thế hệ trước và thế hệ này là chưa bỏ được cái tôi, tức là chỉ bất đồng quan điểm với nhau là không thể bỏ qua bắt tay với nhau để bàn bạc đi đến cùng làm chung mục đích. Cách nói khác là không những bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền mà còn bất đồng với nhau do đó khó đoàn kết thực lòng. Điểm yếu nữa là do trình độ nhận thức, kiến thức chỉ nhồi nhét của thời Xã hội Chủ nghĩa hết sức lạc hậu và thiển cận. Những người đấu tranh phải mày mò học hỏi không được đào tạo chuyên nghiệp do đó cũng là nguyên nhân trong bất đồng ý kiến.
Th.S Nguyễn Tiến Trung: Từ góc nhìn của cá nhân tôi, thì một trong những điểm lớn nhất khiến tôi băn khoăn chính là việc chưa đoàn kết đủ trong phong trào dân chủ, xã hội dân sự để tạo sức mạnh lớn hơn, cả đối với thế hệ trước và thế hệ sau. Tuy nhiên đã là đa nguyên thì phải chấp nhận hiện tượng này. Theo thời gian, những tổ chức, cá nhân xuất sắc sẽ thu hút được quần chúng, tập hợp được lực lượng xã hội rộng lớn hơn để có thể xây dựng được nền dân chủ thực thụ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Vũ Bình: Điểm yếu chung của thế hệ bất đồng chính kiến hiện nay là nền tảng kiến thức chung không bằng thế hệ trước. Do phần lớn được đào tạo trong môi trường Xã hội Chủ nghĩa, nơi mục tiêu của giáo dục là ngu dân. Một trong những nhược điểm lớn, nhưng rất khó khắc phục của thế hệ hiện nay là thiếu sự trau dồi kiến thức, ít chịu học hỏi những người đi trước trong khi xã hội cộng sản Việt Nam lại vô cùng phức tạp. Sự thiếu kiến thức cùng với sự hiếu thắng và bản năng bảo thủ dẫn tới các cuộc tranh luận, tranh cãi liên miên, bất tận làm ảnh hưởng tới tình đoàn kết, không khí chung của phong trào dân chủ.
TSKH Nguyễn Quang A: Những người có ảnh hưởng lớn mà có tật gì đó thì cái tật ấy cũng có ảnh hưởng về sau, nhưng thế hệ đi sau luôn phải có cách nhìn phê phán: dựa vào cái hay của các bậc tiền bối để phát huy cho hợp thời nay và tránh những cái dở, nhưng luôn trên tinh thần trọng thị và xây dựng chứ không phải để chê bai.
Thử chụp ảnh ‘chân dung’
BBC: Qua góc nhìn của quý vị, nếu có một bức ảnh chụp chân dung giới bất đồng chính kiến, giới hoạt động dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự… ở Việt Nam hiện nay, thì đặc điểm nổi bật nhất có thể nhận biết là gì?
Bà Sương Quỳnh: Để nhận ra bức chân dung của người tranh đấu thì phần lớn là họ lên Facebook viết những điều bất đồng với chính sách hay vụ việc của nhà cầm quyền đối với đất nước và người dân. Hoặc những người xuống đường biểu tình hoặc ký các kiến nghị.
Th.S Nguyễn Tiến Trung: Tôi tin rằng đó sẽ là một bức ảnh nhiều màu sắc. Từ trải nghiệm của cá nhân tôi, rất nhiều cá nhân và tổ chức, âm thầm và công khai, trong đảng cộng sản và ngoài đảng, đều đang tiến hành rất nhiều cách thức khác nhau để đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Ông Nguyễn Vũ Bình: Rất khó để có bức ảnh chung cho giới bất đồng chính kiến Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, nếu phải khái quát, thì đó là sự can đảm, kiên định trong đấu tranh nhưng khá bốc đồng và nông nổi, bảo thủ. Khá sáng tạo trong đấu tranh và luôn duy trì tính hài hước trong tranh đấu.
TSKH Nguyễn Quang A: Đông hơn, đa dạng hơn, hiệu quả hơn nhưng vẫn còn yếu so với yêu cầu của xã hội.
Tương kế, tựu kế?
BBC: Liệu những phương thức, biện pháp, kế sách chống diễn biến hòa bình, chống chuyển hóa nội bộ được ban lãnh đạo chính quyền, nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam thúc đẩy nhiều năm gần đây, đã đang gây khó khăn nào đó cho các phong trào bất đồng chính kiến và giới hoạt động được nhắc tới ở trên? Trong tình hình mới, bối cảnh mới, các giới này đang có những thích nghi, thích ứng nào?
Nhà báo tự do Cát Linh: Đôi khi tôi cũng chưa hiểu được các khái niệm như “chống diễn biến hoà bình”… vì theo tôi, bất đồng chính kiến chỉ là đưa ra những ý kiến mới để xây dựng đất nước, bảo vệ hoà bình dân tộc. Nên việc thích nghi, thích ứng là không cần thiết.
Bà Sương Quỳnh: Những phương thức của nhà cầm quyền chống lại phong trào đấu tranh càng ngày càng dữ dội và bắt bớ, ngăn chặn gắt gao cũng làm phong trào đấu tranh về vẻ ngoài không còn rầm rộ Nhưng tuy vậy để tiếp tục thì những người tranh đấu viết nhiều hơn để nâng cao dân trí cũng như đưa những tin tức sự thật cho người dân nhiều hơn. Và cách nâng cao dân trí cũng như ý thức trách nhiệm người dân cũng là con đường đấu tranh diễn biến hoà bình chậm mà chắc.
Th.S Nguyễn Tiến Trung: Các biện pháp đàn áp, chia rẽ, cô lập, bắt bớ những nhà hoạt động đã gây khó khăn cho phòng trào dân chủ. Đó là điều chắc chắn. Tuy nhiên, sẽ ngày càng nhiều có nhiều nhà hoạt động xuất hiện vì bất công xã hội, ô nhiễm môi trường, tham nhũng v.v… ngày càng lan tràn rộng khắp. Bản thân tôi đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ số lượng các nhà hoạt động dân chủ, xã hội dân sự từ năm 2006 cho đến nay (năm 2020). Năm 2006 là năm tôi chính thức trở thành một nhà hoạt động dân chủ công khai.
Từ trước đến nay đã có rất nhiều đợt đàn áp, bắt bớ các nhà hoạt động nhưng cuối cùng thì phong trào dân chủ vẫn luôn đông hơn, mạnh hơn. Dân chủ hóa là quy luật tất yếu của xã hội.
Trước các biện pháp đàn áp của nhà cầm quyền thì giới hoạt động càng phải thận trọng, khôn ngoan hơn để có thể tồn tại nhằm duy trì và phát triển phong trào. Lằn ranh đỏ mà nhà cầm quyền đã vạch ra rất rõ dù không hề quy định trong bộ luật hình sự: không được thành lập tổ chức, không được có quan hệ với nước ngoài, không được chủ trương bạo động, không được phát trực tiếp (livestream) kêu gọi biểu tình…
Ông Nguyễn Vũ Bình: Việc đàn áp, khởi tố bắt giam những người thuộc các hội nhóm Xã hội Dân sự ở Việt Nam, việc đàn áp khốc liệt các cuộc biểu tình, xuống đường của người dân và giới bất đồng chính kiến khiến cho hoạt động của giới bất đồng chính kiến hiện nay gặp khó khăn rất nhiều. Tuy nhiên, trong tình hình đó, giới bất đồng chính kiến chuyển sang các hoạt động trên không gian mạng theo hướng tích cực phê phán các đường lối chính sách, các sự vụ cụ thể được phân tích bình luận và phản biện rất gắt gao, sắc sảo. Đồng thời đẩy mạnh các việc khiếu kiện, đấu tranh theo các luật lệ có sẵn. Một số hội nhóm đẩy mạnh việc đấu tranh thông qua con đường quốc tế vận, vận dụng luật pháp các nước để chế tài nhà cầm quyền trong việc vi phạm nhân quyền.
TSKH Nguyễn Quang A: Chắc chắn có gây khó khăn nhưng nếu khéo biết dùng chính cái đó để đấu tranh chống lại chính bản thân các mưu mẹo bẻ cong sự thật ấy của nhà cầm quyền, thì lại là lợi thế.
Trên đây là quan điểm riêng của những người trả lời phỏng vấn, mời quý vị đón theo dõi phần hai cuộc trao đổi giữa BBC News Tiếng Việt với các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến từ Việt Nam, trong đó các ý kiến chia sẻ các vấn đề khó khăn trong cuộc sống đời thường, mưu sinh cho tới viễn kiến về tương lai đất nước của họ.