Liệu có xảy ra chiến tranh tài chính Mỹ – Trung?

Liệu có xảy ra chiến tranh tài chính Mỹ – Trung?

July 2, 2020

\"\"

Học giả Trung Quốc: Bắc Kinh nên sẵn sàng

Ông Fang Xinghai, Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng, Trung Quốc nên chuẩn bị cho cuộc chiến tài chính với Hoa Kỳ và sẵn sàng đối phó với những rủi ro tiềm ẩn khi bị đẩy ra khỏi hệ thống thanh toán bằng USD, vạch ra những phương án có thể thay thế để nền kinh tế không bị đình trệ.

Vị quan chức Trung Quốc cũng chỉ ra một tiền lệ khi Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt theo từng ngành nghề, cũng như các biện pháp chống lại một số công ty và cá nhân của Nga, do việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014.

Chuyên gia dự báo khả năng chiến tranh tài chính Mỹ – Trung ít xảy ra nhưng Trung Quốc vẫn phải dự phòng trước tình huống xấu nhất

Theo ông, kinh nghiệm của Nga cho thấy, sự phụ thuộc quá mức vào hệ thống thanh toán bằng USD khiến nước này dễ bị tổn thương do các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tương tự như Nga, Trung Quốc hiện cũng đang thực hiện phần lớn các giao dịch ở thị trường nước ngoài bằng USD thông qua các hệ thống như SWIFT (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication – Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính toàn cầu) và CHIPS (Clearing House Interbank Payments System – Hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hàng tại Mỹ).

Các hệ thống này được kiểm soát bởi Hoa Kỳ, có nghĩa là chúng hoàn toàn có thể được Mỹ sử dụng như một công cụ gây áp lực lên các quốc gia khác.

Điểm cuối cùng của bất kỳ giao dịch bằng USD nào cũng phải đi qua ngân hàng Mỹ, vì thế về mặt lý thuyết, Hoa Kỳ có thể chặn bất kỳ giao dịch nào được thực hiện bằng dollars.

Do đó, Trung Quốc cần sớm chuẩn bị và thực sự chuẩn bị bằng hành động, chứ không phải chỉ đơn thuần về tâm lý, mà bước đầu tiên cần phải thực hiện là đa dạng hóa đồng tiền thanh toán quốc tế, vì ngoài USD ra còn có nhiều ngoại tệ khác.

Đã xuất hiện những cáo buộc mạnh mẽ từ Mỹ

Các chuyên gia của Trung Quốc và các nước phương Tây từ lâu đã cảnh báo rằng, cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ có nguy cơ trở thành “chiến tranh tài chính” sau khi Trump ký luật trừng phạt Trung Quốc vì câu chuyện nhân quyền.

Luật này quy định việc áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các quan chức mà theo quan điểm của Hoa Kỳ có liên quan tới các hành động áp bức người Duy Ngô Nhĩ.

Tiếp theo đó, phản ứng tiêu cực mạnh mẽ của Hoa Kỳ và một số nước phương Tây khác đối với Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông đã đổ thêm dầu vào lửa.

Các chuyên gia cho rằng, tất cả những sự kiện này có những điểm giống nhau và cho thấy rằng, Hoa Kỳ có thể lặp lại kịch bản trừng phạt Nga trong quan hệ với Trung Quốc.

Washington đã bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt với Moscow vào năm 2013, sau khi thông qua Đạo luật Magnitsky; tiếp sau đó là các lệnh trừng phạt liên quan đến việc sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc nội chiến bùng phát ở phía đông nam Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt mới tiếp tục được ban bố hoặc mở rộng sau cái gọi là “vụ đầu độc ở Salisbury”, “sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ” hoặc “các vụ tấn công của tin tặc Nga”.

Hiện nay, Hoa Kỳ đang đưa ra những cáo buộc chống lại Trung Quốc về các vấn đề “đàn áp người Duy Ngô Nhĩ”, gây áp lực lên Hồng Kông, hay đưa thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19.

Những điều này cho thấy, dường như Mỹ đang lặp lại những chiêu bài giống như thời điểm trước khi áp đặt các lệnh trừng phạt Nga. Do đó Trung Quốc cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng này.

Hoa Kỳ hành động khác với lời nói

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, khả năng xảy ra chiến tranh tài chính Trung – Mỹ là không cao. Nguyên nhân là do cả Washington lẫn Bắc Kinh đều có những lợi ích ràng buộc lẫn nhau, khiến cả hai đều rất dễ bị tổn thương vì những đòn đánh của chính mình.

Điều này thể hiện rõ ràng ở điểm, các hành động thực tế của Washington có vẻ khá khiêm tốn so với các cáo buộc gay gắt nhằm vào Bắc Kinh.

Trump hiện vẫn chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt trong khuôn khổ “Luật Duy Ngô Nhĩ”, bởi nhà lãnh đạo Mỹ giải thích rằng, ông không muốn làm hỏng thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Việc Mỹ tước quy chế đặc biệt của Hồng Kông cũng không có gì đáng sợ, bởi phần lớn hàng hóa được vận chuyển từ Hồng Kông là tái xuất từ ​​các quốc gia khác hoặc từ Trung Quốc đại lục. Các hàng hóa này được xuất khẩu theo các thủ tục hải quan khác.

Cuối cùng, về những cáo buộc “dường như Trung Quốc cung cấp thông tin sai về đại dịch COVID-19”, Hoa Kỳ cũng không áp dụng biện pháp đặc biệt nào.

Còn nếu nói Mỹ có thể thắt chặt các quy tắc niêm yết đối với các công ty Trung Quốc trên các sàn giao dịch Mỹ, thì một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của điều này không hẳn là do Washington muốn gây áp lực lên Trung Quốc.

Bởi lẽ, vụ bê bối chuỗi cà phê Trung Quốc Luckin Coffee nâng khống doanh thu lừa đảo ít nhất 200 triệu USD tiền huy động của các nhà đầu tư Mỹ có thể đã kích hoạt quá trình này.

Sau vụ Luckin Coffee, Hoa Kỳ bắt đầu khẳng định rằng, các quy tắc kiểm toán áp dụng cho các công ty Mỹ được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán cũng áp dụng cho bất kỳ công ty nào khác, kể cả các công ty Trung Quốc.

Con dao hai lưỡi

Về mặt lý thuyết, Hoa Kỳ có thể đẩy bất kỳ quốc gia nào ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, mà Iran và Triều Tiên đã nếm trải điều này, nhưng có lẽ Trung Quốc thì lại khác. Nếu Washington áp dụng các lệnh trừng phạt tương tự đối với Bắc Kinh, thì một câu hỏi lớn nảy sinh là điều này sẽ tác động như thế nào đến chính Hoa Kỳ?

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc chiếm 13% lượng hàng hóa xuất khẩu và 11% lượng hàng hóa nhập khẩu trên thế giới, đó là tỷ lệ lớn nhất trong thương mại thế giới.

Nếu khối lượng giao dịch lớn như vậy không được thanh toán bằng USD, điều này có thể gây ra những cú sốc không chỉ trong hệ thống tài chính Hoa Kỳ, mà còn trên toàn thế giới.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đang có một con bài sáng giá khác để mặc cả với Mỹ, đó là việc Bắc Kinh đang nắm giữ khoảng 1.100 tỷ USD nợ công của Chính phủ Mỹ, tương đương 5% tổng nợ công của Mỹ.

Nếu Trung Quốc đáp trả bằng cách bán hết các trái phiếu Mỹ thì Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với vấn đề tăng mạnh chi phí lãi vay.

Do đó, giới chuyên gia nhận định rằng, Washington có thể áp dụng những biện pháp trừng phạt riêng biệt, nhưng sẽ không gây áp lực tài chính quy mô lớn đối với Bắc Kinh.

Sự tham gia của Trung Quốc vào quỹ đạo tài chính của Hoa Kỳ là rất cao, nên bất cứ chính sách nào của Nhà Trắng nhằm vào Trung Quốc cũng có thể là con dao hai lưỡi, đặc biệt là vấn đề về dòng tài chính.

Trước đây, các dòng vốn chủ yếu hướng vào dòng USD, vì thế những rủi ro lớn trong lĩnh vực đầu tư tài chính cũng chủ yếu xuất phát từ đồng dollars Mỹ.

Do đó, các biện pháp trừng phạt tài chính có hệ thống đối với Bắc Kinh không thể được áp dụng vì quy mô bao phủ thế giới của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như những bất ổn tài chính ở Hoa Kỳ.

Với Tổng thống Trump, dự đoán chỉ là dự đoán

Giới chuyên gia cho rằng, theo logic kinh tế đơn giản, Hoa Kỳ khó có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính cứng rắn với Trung Quốc.

Thay vào đó chính quyền Washington có thể áp dụng một số biện pháp trừng phạt tài chính nhất định, trong phạm vi hẹp, như đóng băng tài sản của một số cá nhân hoặc vài ba công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, với nhà lãnh đạo khó lường như ông Donald Trump thì mọi thứ đều có thể xảy ra. Chẳng phải trước đây các chuyên gia phân tích đã từng cho rằng, chiến tranh thương mại Trung – Mỹ sẽ không thể bùng phát vì giao thương quá lớn giữa hai nước sẽ khiến Mỹ cũng sẽ thiệt hại lớn hay sao?

Thế nhưng, ông Trump đã sử dụng chính kim ngạch khổng lồ giữa hai nước để làm áp lực, tung loạt đòn áp thuế nặng đối với từng gói hàng hóa hàng trăm tỷ dollars, để buộc Trung Quốc phải nhân nhượng.

Với ông Donald Trump, dự đoán chỉ là dự đoán, nên Trung Quốc cũng cần chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất.

Theo Tin tức

Bài Liên Quan

Leave a Comment