Trận Chu Lai năm 1965: Cuộc thử sức giữa TQLC Mỹ và bộ đội CSBV

Trận Chu Lai năm 1965: Cuộc thử sức giữa TQLC Mỹ và bộ đội CSBV

Jun 6, 2020

\"\"/
Các chiếc thiết quân vận M113 tại Chu Lai năm 1968. (Hình: Flickr manhhai)

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Ngày 8 Tháng Ba, 1965, Lữ Đoàn 9 Viễn Chinh Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng, mở đầu cho việc quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến tại Việt Nam trong các cuộc hành quân lùng và diệt (search and destroy).

Sự có mặt của quân đội Mỹ nhằm yểm trợ cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong nỗ lực tiễu trừ các lực lượng chính quy Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) xâm nhập vào miền Nam và núp dưới danh nghĩa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để che mắt quốc tế về tham vọng đánh chiếm miền Nam Việt Nam của Hà Nội.

Ngày 1 Tháng Sáu, 1965, Lữ Đoàn 4 TQLC Mỹ được đưa đến Tam Kỳ, cách Đà Nẵng 70 km về phía Nam, thuộc vùng trách nhiệm của Sư Đoàn 2 Bộ Binh dưới quyền của Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm.

Lữ Đoàn 4 lập một căn cứ quân sự cùng với một phi trường nhỏ dành cho các loại máy bay vận tải và thám thính tại Chu Lai, nằm cách Tam Kỳ 25 km về phía Nam. Các lực lượng Mỹ, sau đó, tiến hành xây dựng nơi đây thành một căn cứ không quân dành cho các phản lực chiến đấu cơ F4 Phantom của TQLC cũng như A4 Skyhawk và A6 Intruder của Hải Quân Hoa Kỳ.

Vào đầu Tháng Tám, 1965, Trung Tướng Nguyễn Chánh Thị, tư lệnh Vùng 1 Chiến Thuật của Việt Nam Cộng Hòa, báo cho Trung Tướng Lewis Walt, tư lệnh TQLC Mỹ tại Việt Nam, biết rằng căn cứ vào lời khai của một cán binh Cộng Sản bị bắt tại Ba Làng An trước đó, Trung Đoàn 95 của Cộng Quân, tức Trung Đoàn Ba Gia của Quân Khu 5, đang ráo riết chuẩn bị tấn công vào căn cứ Chu Lai do TQLC Mỹ trấn giữ.

Để phá vỡ kế hoạch tấn công của địch, các vị tư lệnh Mỹ liền tổ chức cuộc Hành Quân Starlight (Ánh Sao), huy động bốn tiểu đoàn TQLC, được trang bị hùng hậu và có sự yểm trợ của các phản lực cơ của TQLC và Hải Quân Hoa Kỳ, làm mũi nhọn tấn công trong cuộc hành quân tảo thanh các lực lượng Cộng Quân đang lẩn khuất ở làng Vạn Tường và khu vực bên bờ Sông Trà Bồng ở phía Nam Chu Lai.

Các lực lượng trừ bị của TQLC được lệnh trấn giữ vòng ngoài để sẵn sàng thanh toán Cộng Quân tháo chạy khỏi trận địa. Lực lượng địch bao gồm Trung Đoàn 95 quân chính quy, với quân số ước lượng khoảng 1,500 người, phối hợp cùng hai đại đội địa phương tỉnh Quảng Ngãi và quân du kích trong vùng.

\"\"
Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tại Chu Lai 1968. (Hình: Flickr manhhai)

Diễn tiến trận đánh

Sáng sớm ngày 18 Tháng Tám, 1965, hai đại đội TQLC Mỹ được các tàu đổ bộ đưa lên bờ ở phía Nam làng Vạn Tường, đồng thời ba đại đội TQLC nữa được trực thăng vận xuống khu vực phía Tây Vạn Tường. Ở mạn Bắc Vạn Tường, một tiểu đoàn TQLC cũng được đưa đưa tới án ngữ nơi đây, chỉ để mở ngỏ phía bờ biển nằm về hướng Đông của Vạn Tường mà thôi.

Sau cuộc đổ quân, TQLC liền phối hợp với các lực lượng thiết giáp, gồm các chiến xa M-41 và thiết vận xa 113, cùng nhau tiến vào các mục tiêu đã định. Cộng Quân kháng cự dữ dội, và cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt nơi đây, bởi vì cả hai bên đều chứng tỏ quyết tâm cao của mình trong cuộc đọ sức lần đầu tiên của họ trong Chiến Tranh Việt Nam.

Ở phía Tây-Nam Vạn Tường, cánh quân Mỹ tiến đến Lạc Sơn đã bị khựng lại vì Cộng Quân tại đây đã phòng ngự vững vàng bằng những chốt chặn tại cao điểm 30 thuộc thôn An Cường. Quân Mỹ đã phải gọi phi pháo yểm trợ, với nhiều đợt ném bom, bắn phá mới nhổ được các chốt của Cộng Quân. Đến buổi trưa cùng ngày, các lực lượng tấn công chiếm được thôn An Cường sau một số tổn thất nhân mạng của cả hai bên. Lực lượng Mỹ tiếp tục cuộc hành quân lục soát trong vùng và tìm cách dồn các toán Cộng Quân rải rác từ nhiều hướng lại một chỗ dễ dàng tiêu diệt bằng hỏa lực của pháo binh và phi cơ.

Đoán được ý định của TQLC Mỹ, vào buổi chiều cùng ngày, Đại Đội 21 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ngãi đã mở cuộc đột kích vào lực lượng Mỹ, từ Tây Hy, qua Thượng Hòa và xuống Lệ Thủy, phối hợp với du kích các xã Đồng Lễ và Bình Trị đánh vào sau lưng cánh quân của TQLC Mỹ nhằm cầm chân không cho họ bắt tay với hai tiểu đoàn TQLC khác để tạo thành một vòng tròn kín bao vây Cộng Quân vào giữa. Quân Mỹ đã phải tăng cường thêm hai đại đội TQLC nữa và gọi các trực thăng võ trang đến để khép chặt vòng vây địch quân.

Trong khi TQLC Mỹ luôn tìm cách bao vây hoặc xua đuổi Cộng Quân ra những nơi có địa hình trống trải để có thể triển khai hỏa lực hùng hậu của mình thì Cộng Quân lại tận dụng địa thế gồ ghề, nhiều ruộng lúa nhưng cũng nhiều bụi rậm của chiến trường để ấn núp và phục kích các toán quân Mỹ nhằm tránh khỏi bị trọng pháo và phi cơ Mỹ tiêu diệt. Cộng Quân thường từ các hầm hố đào sẵn thình lình xuất hiện để bất ngờ tấn công vào quân Mỹ. Có lúc, TQLC đã đổ quân ngay trước mũi địch quân, khiến một số trực thăng chở quân bị hỏa lực địch bắn rơi.

Trong khi kịch chiến vẫn tiếp tục trong đêm, Trung Đoàn Ba Gia của Cộng Quân đã lợi dụng lúc vòng vây của TQLC Mỹ chưa kịp khép kín để đưa một lực lượng đáng kể của Tiểu Đoàn 40 ra khỏi trận chiến, rút lui về mạn Tây và Nam của chiến trường trong khi quân Mỹ vẫn tiếp tục cuộc hành quân tiến về hướng Đông ra phía biển. Cuộc chiến kéo dài cho tới trưa ngày 19 Tháng Tám thì giảm bớt cường độ khi Cộng Quân biến dần vào các rừng cây rậm rạp.

Từ ngày 29 đến ngày 24 Tháng Tám, TQLC Mỹ, được các thành phần của Sư Đoàn 2 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tăng cường, thực hiện những cuộc càn quét khu vực Vạn Tường và thôn An Cường cùng các thôn, ấp lân cận, nhưng chỉ bắt được một số ít thương binh của Cộng Quân chưa kịp rút đi và một số phần tử tình nghi là Việt Cộng.

\"\"
Căn cứ không quân tại Chu Lai năm 1967-1968. (Hình: Flickr manhhai)

Nhận xét về trận Chu Lai

Trận Chu Lai (Battle of Chu Lai), mà phía Cộng Quân gọi là Trận Vạn Tường, kéo dài sáu ngày, từ ngày 18 đến 24 Tháng Tám, nhưng giao tranh thật sự chỉ diễn ra vào hai ngày 18 và 19 Tháng Tám trước khi Cộng Quân rút lui. Theo trang mạng cherrieswriter.com, vào lúc chấm dứt cuộc hành quân, có tất cả 573 Cộng Quân bỏ xác tại chỗ, so với tổn thất của TQLC Mỹ là 46 tử trận và 204 binh sĩ bị thương. Cả hai phía đều tuyên bố chiến thắng trong trận này, với phía Mỹ căn cứ vào kết quả cuộc đếm xác và việc Cộng Quân phải rút chạy, trong khi phía Cộng Quân thì căn cứ vào ý chí quyết chiến, quyết thắng của họ để xóa bỏ mặc cảm “sợ Mỹ” trong quân đội Cộng Sản Bắc Việt và du kích quân Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trong những cuộc giao tranh lần đầu với quân Mỹ.

Trận Chu Lai được coi là cuộc đụng độ trực tiếp đầu tiên giữa các lực lượng Mỹ và quân đội Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập. Tuy TQLC Mỹ luôn được coi là đội quân thiện chiến nhất và trang bị mạnh mẽ nhất của quân đội Hoa Kỳ, lần này họ đã phải đối mặt với các chiến binh Cộng Sản dạn dày kinh nghiệm từ các chiến trường gai lửa như Sông Lô, Thái Nguyên, Điện Biên Phủ, và An Khê trong cuộc Chiến Tranh Việt-Pháp hơn một thập niên trước đó. Hơn nữa, họ còn là một lực lượng có tinh thần chiến đấu can trường với lý tưởng Cộng Sản cao vời, một thứ lý tưởng mà phải chờ cho đến khi chiến tranh chấm dứt mới lộ rõ bộ mặt thật tàn bạo và phi nhân của nó ra. Các chiến binh Cộng Sản luôn được các chính ủy tuyên truyền, nhồi nhét rằng họ chiến đấu và hy sinh là để giải phóng nhân dân miền Nam khỏi sự kềm kẹp của “Mỹ-Ngụy,” với những “khu nhà tranh nằm cạnh ngoại ô riên siết đêm ngày,” mặc dù sự thật thì hoàn toàn trái ngược lại.

Đây là cuộc hành quân theo kiểu Mỹ, với chiến thuật của Thủy Quân Lục Chiến là phối hợp chuyển quân bằng tàu đổ bộ và trực thăng nhằm gia tăng yếu tố bất ngờ trong trận chiến.

Khác với chiến thuật biển người mà quân Trung Cộng ưa dùng trong cuộc Chiến Tranh Triều Tiên (1950-1953) trước đó, trong cuộc hành quân tại Chu Lai, TQLC Mỹ đã phải đối phó với chiến thuật dùng hầm hố của Việt Cộng để ẩn nấp và đột kích bất ngờ vào phe địch, gây lúng túng không ít cho một đội quân thiện chiến và nhiều kinh nghiệm chiến trường như TQLC Mỹ.

Thành thật mà nói, TQLC Mỹ thắng trận này một phần cũng là nhờ vào hỏa lực hùng hậu của họ, từ trọng pháo cho tới không yểm, kể cả các phản lực cơ và trực thăng võ trang. Điều này cho thấy cái khó khăn lớn lao trong cuộc chiến tranh chống du kích quân Cộng Sản mà các lực lượng tinh nhuệ và võ trang đầy đủ, cỡ quân đội Mỹ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thời trước Hiệp Định Paris 1973, phải đối phó. Và đây cũng là một trong những lý do khiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã phải bỏ cuộc nửa chừng hồi năm 1975 sau khi viện trợ quân sự của Mỹ bị cắt đứt, khiến quân đội này bị thiếu hụt mọi loại vũ khí và đạn được, nhất là phi pháo, từng tỏ ra rất thiết yếu để yểm trợ cho các lực lượng bộ binh đang lâm chiến ngoài mặt trận. (Vann Phan) [qd]

Bài Liên Quan

Leave a Comment