Trịnh Nhạn Hùng nắm an ninh Hong Kong, giới đấu tranh mở \’Nghị viện lưu vong\’
Trong động thái mới nhất để trực tiếp kiểm soát vấn đề an ninh ở Hong Kong, chính quyền Trung Quốc cử cựu Bí thư Quảng Đông, ông Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong) phụ trách Văn phòng An ninh ở Hong Kong.
Thế nhưng ông Trịnh nổi tiếng hơn vào thời gian làm bí thư Sán Vĩ, và xử lý cuộc đấu tranh của nông dân Ô Khảm.
Hồi cuối 2011, ông từng lên án người dân Ô Khảm “liên lạc, phát biểu với các tổ chức truyền thông nước ngoài thối nát” mà không nói chuyện với chính quyền.
Cùng lúc, Bắc Kinh bổ nhiệm ông Lạc Huệ Ninh làm cố vấn an ninh cho bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), Chủ tịch Hành Chính Hong Kong.
Hiện ông Lạc Huệ Ninh là chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc của Bắc Kinh tại Hong Kong, còn quan chức Hong Kong Eric Chan sẽ chuyển sang làm chủ tịch ủy ban an ninh của Hong Kong.
Trong lúc tình hình tiếp tục căng thẳng, ông Simon Cheng, cựu nhân viên Lãnh sự quán Anh tại Hong Kong tuyên bố các nhà đấu tranh “sẽ lập ra Nghị viện lưu vong” để lên tiếng với thế giới về tình hình Hong Kong, theo tờ The Guardian ở Anh hôm 03/07.
Ông Cheng từng bị công an Trung Quốc bắt và sau khi được thả, ông báo buộc họ “tra tấn” và ép cung ông.
Simon Cheng nay đã được Anh Quốc đồng ý cho tỵ nạn chính trị.
Chính phủ Anh mới đây tuyên bố để cho cả ba triệu người sinh trước năm 1997 ở Hong Kong được quyền xin hộ chiếu quốc gia Anh hải ngoại British National Overseas (BNO).
Hiện 300 nghìn người Hong Kong đã có hộ chiếu BNO cho phép họ sang Anh và xin định cư nếu muốn.
Tuy nhiên, chính phủ Anh thừa nhận rằng nếu Trung Quốc “không cho người mang hộ chiếu BNO xuất cảnh” thì Anh khó có thể làm gì được.
Hiện Hong Kong có 7,4 triệu dân, trong đó người từ CHND Trung Hoa sang sinh sống làm ăn có thể lên tới 1 triệu rồi.
Vụ Ô Khảm bùng lên hai lần
Dân làng Ô Khảm, thuộc Sán Vĩ, Quảng Đông biểu tình tuần hành tập thể từ 12/12/2011 vì một người đại diện, ông Tiết Cẩm Ba đã chết trong tay công an Trung Quốc.
Chính quyền đã bao vây hàng nghìn dân trong làng và dùng công an phong tỏa cả làng, ngăn việc đem thức ăn từ ngoài vào.
Dân Ô Khảm cáo buộc quan chức chính quyền địa phương chiếm đất của họ rồi bán kiếm lời mà không bồi thường đúng mức.
Họ cũng tin rằng ông Tiết bị công an giết còn nhà chức trách cho là ông \”chết bệnh\”.
Sang năm 2012, chính quyền cho dân bầu ông Lâm Tố Tuyến làm xã trưởng nhằm chấm dứt hàng tháng biểu tình phản đối việc bị thu hồi đất bất hợp pháp.
Nhưng đến năm 2016 tình hình Ô Khảm lại nóng lên sau khi chính quyền bắt ông Lâm vì các cáo buộc mà người dân cho là ngụy tạo.
Người dân lại rào làng chặn công an và nhà chức trách cho bắt hàng loạt nhân vật đấu tranh là nông dân.
Vào ngày 8/9/2016, ông bị bỏ tù với án trên ba năm và với mức phạt 400 ngàn nhân dân tệ (khoảng 60 ngàn đô la Mỹ).
Hoàn cầu Thời báo khi đó thừa nhận vẫn còn đang có tranh chấp đất đai nhưng lên án các \”phần tử gây rối\”.
Chính quyền sau ̣đó treo giải thưởng 100 nghìn tệ để bắt những người bỏ trốn.