Đài Loan: Căn cứ địa mới của phong trào dân chủ Hồng Kông

Đài Loan: Căn cứ địa mới của phong trào dân chủ Hồng Kông

July 4, 2020

\"\"

Trung Quốc áp đặt Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông là chủ đề thời sự quốc tế nổi bật đầu tháng 7/2020 này. Giới bảo vệ nhân quyền, các nước phương Tây lên án nỗ lực bóp nghẹt hoàn toàn các quyền tự do căn bản ở đặc khu. Đúng vào ngày Bắc Kinh ra Luật, ngày 07/01/2020, chính quyền Đài Loan chính thức mở văn phòng hỗ trợ người tị nạn Hồng Kông. 

Phong trào đòi cải tổ ngành cảnh sát tại Mỹ lan rộng ; Hội nghị Công dân về Khí hậu của nước Pháp chính thức trình 149 kiến nghị lên tổng thống, sau hơn nửa năm làm việc ; ra mắt bộ phim tài liệu Pháp liên quan đến đại dịch Covid-19: “Tổ Chức Y Tế Thế Giới, nạn nhân của xung đột Mỹ – Trung”. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây của RFI tuần này.

Đài Loan : Cứ địa dân chủ cho người Hồng Kông

Sáng mùng 1 tháng 7 năm 2020, đúng vào dịp kỉ niệm 23 năm Hồng Kông được trao lại cho Hoa lục, Bắc Kinh ban bố Luật an ninh quốc gia, với những tội danh mơ hồ, cho phép chính quyền Trung Quốc trực tiếp theo dõi, bắt bớ, xét xử công dân Hồng Kông. Bắc Kinh chọn dịp này để tước đoạt hoàn toàn quyền tự trị của đặc khu, như thể để trả đũa lại hàng loạt thất bại đau đớn trong hơn một năm vừa qua, trước phong trào dân chủ Hồng Kông, từ luật dẫn độ sang Hoa lục bị hủy bỏ hồi tháng 9, sau hơn 3 tháng biểu tình ròng rã, cho đến thảm bại chưa từng có của phe thân Bắc Kinh trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 11/2019.

Đối với những người Hồng Kông yêu tự do, ngày 01/07/2020 là ngày báo tử của chế độ bán tự trị. Tuy nhiên, ngày 01/07/2020 cũng chính là ngày mà chính quyền Đài Loan chính thức mở cửa đón nhận người tị nạn chính trị Hồng Kông, chạy khỏi xứ sở nay đang trên đường trở thành một “nhà tù lớn”, nơi mọi công dân đều là “các tù nhân dự bị”. 

Thông tín viên Adrien Simorre của RFI từ Đài Bắc gửi về bài phóng sự nói về “bước ngoặt” mùng 1 tháng 7 năm 2020, khi chính quyền Đài Loan chính thức mở rộng vòng tay cho tất cả những người tranh đấu Hồng Kông:

Tại một địa điểm ở phía nam thủ đô Đài Bắc, các bức tường của một quán cà phê nhỏ phủ kín áp phích ủng hộ Hồng Kông. Một nhóm người Hồng Kông sống tại Đài Loan tổ chức cuộc gặp mặt này.

Một sinh viên Hồng Kông trạc 20 tuổi, xin giấu tên, với mũ trùm kín đầu, khẩu trang che mặt, cho biết anh tham gia vào sự kiện này, bởi trong thời gian gần đây anh nhận thấy một số người dân Đài Loan lo ngại có thêm nhiều người Hồng Kông đến Đài Loan. Anh nói : “Tôi muốn cho họ thấy là những người đến từ Hồng Kông không chỉ muốn hội nhập vào xã hội Đài Loan, mà còn muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình với người Đài Loan.  Chúng ta có nhiều niềm tin chung, như vậy chúng ta cần giúp nhau”.

Trong thời gian gần đây, kể từ các cuộc biểu tình đầu tiên chống dự luật dẫn độ, số lượng giấy cư trú cấp cho người Hồng Kông tăng vọt. Việc Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông càng thúc đẩy xu thế di cư sang Đài Loan.

Xã hội dân sự và Đài Bắc đã giúp hàng trăm người biểu tình Hồng Kông tị nạn. Tuy nhiên, trước đây Đài Loan tỏ ra dè dặt, vì lo ngại các trả đũa từ phía chế độ cộng sản láng giềng. Ông Lin Jun-hong, phát ngôn viên của một nhóm trợ giúp pháp lý, gồm khoảng 30 luật sư tình nguyện, cho biết nhóm hỗ trợ những người Hồng Kông trực tiếp tham gia biểu tình chống luật dẫn độ sang Trung Quốc năm 2019, giúp họ định cư và bắt đầu một cuộc sống mới tại Đài Loan. Theo ông, cho đến nay, chính phủ quyết định cấp visa cho từng trường hợp một, và chưa có một quy chế thống nhất. 

Chính phủ Đài Loan rút cục đã quyết định có chính sách rõ ràng. Hôm thứ Hai (29/01) vừa qua, Đài Loan chính thức mở cửa cho người Hồng Kông xin tị nạn vì lý do chính trị. Và kể từ thứ Tư này (01/07), chính quyền khai trương một văn phòng hỗ trợ người tị nạn Hồng Kông. Đối với dân biểu Đài Loan Freddy Lim, một nghệ sĩ rock nổi tiếng có mặt tại đây, và là người đứng đầu một nhóm nghị sĩ ủng hộ người Hồng Kông, thì luật mới về an ninh quốc gia của Trung Quốc đã thực sự là “một bước ngoặt”, thúc đẩy các lực lượng chính trị tại Đài Loan đoàn kết lại, ủng hộ người tranh đấu Hồng Kông.

Bắc Kinh ngay lập tức lên án âm mưu của các phần tử đòi độc lập cho Hồng Kông và Đài Loan. Tổng thống Đài Loan cũng ngay tức khắc phản hồi. Bà Thái Anh Văn khẳng định, qua động thái vừa qua, “chính quyền Bắc Kinh đã chứng minh là công thức “một quốc gia, hai chế độ” không thể áp dụng cho Đài Loan”.

Cuộc kháng cự pháp lý của giới luật sư Hồng Kông

Về tình hình tại Hồng Kông, Luật an ninh quốc gia Bắc Kinh ban hành không tiêu diệt nền tư pháp có truyền thống tự trị của đặc khu ngay lập tức. Đây ít nhất cũng là hy vọng của một bộ phận giới luật sư. Hiện tại giới luật sư Hồng Kông tiếp tục cuộc kháng chiến pháp lý. Tối ngày 01/07/2020, tức gần một ngày sau khi Trung Quốc công bố Luật, Liên đoàn Luật sư Hồng Kông công bố bản phân tích sơ bộ.

Bản phân tích chỉ ra tính mâu thuẫn của bản thân Luật an ninh quốc gia Bắc Kinh vừa ban hành: vừa tuyên bố dựa vào “Luật cơ bản”, tức Hiến pháp của Hồng Kông, lại vừa chống lại nhiều nguyên tắc của chính Hiến pháp Hồng Kông. Các luật sư kêu gọi lãnh đạo đặc khu cam kết thực thi Luật an ninh quốc gia mới phù hợp với Hiến pháp.

Mỹ : Phong trào đòi chính quyền địa phương cắt giảm ngân sách cảnh sát

Tại Mỹ, phong trào tuần hành chống bạo lực cảnh sát, kỳ thị sắc tộc trong những ngày gần đây ít thu hút người tham gia hơn. Những người phản kháng tìm kiếm các phương tiện khác. Tại New York, người biểu tình cắm trại trước Tòa thị chính thành phố hơn một tuần, vào đúng dịp chính quyền địa phương thảo luận về ngân sách mới để yêu cầu chuyển một phần ngân sách cảnh sát cho giáo dục, hay các hoạt động hỗ trợ cộng đồng.  

Phóng sự của thông tín viên Loubna Anaki, gửi về từ New York :

Trên quảng trường lớn trải rộng trước cửa Tòa thị chính New York, hàng trăm người cắm trại ở đây 24 giờ trên 24 giờ, từ một tuần nay. Một tấm biểu ngữ khổng lồ mang dòng chữ “Chiếm lĩnh City Hall / Chiếm lĩnh Tòa thị chính”.

Brandon West là một thành viên ban tổ chức. Anh nói : “Ở đây là khu vực chung của chúng tôi, với một cửa hàng thực phẩm. Ở chỗ kia là nơi ăn uống, và mọi người cắm trại trên các bãi cỏ”.

Lấy cảm hứng từ phong trào Chiếm lĩnh phố Wall /  Occupy Wall Street, hoạt động cắm trại mới này có mục tiêu gây áp lực đối với các lãnh đạo New York, nhằm tiến hành một cuộc cải cách lớn trong ngành cảnh sát của thành phố. Tòa thị chính sẽ phải bỏ phiếu vào hôm nay ngân sách mới. Những người biểu tình yêu cầu chi phí cho cảnh sát giảm đến mức tối đa, và tiền phải được đầu tư cho giáo dục và các cộng đồng.

Anh Brandon West nói : “Chúng tôi cố gắng mở ra nhiều mặt trận, để có thể đạt được nhiều thay đổi nhất có thể được, bởi các cuộc cải cách nhỏ và tiến hành chậm sẽ không có ý nghĩa gì”.

Những người biểu tình cũng muốn đưa ra một thông điệp. Đó là nếu như các cuộc tập hợp trên đường phố thu hút ít người hơn, thì phong trào vẫn tiếp tục. Một thành viên nam cho biết thêm : ‘”Phong trào này là rất quan trọng bởi vì chúng tôi cố gắng kiểm soát thành phố để trao lại cho các công dân”. Một phụ nữ bày tỏ: ‘”Thực sự là phấn chấn khi thấy tất cả mọi người đang tập hợp ở đây. Thật tuyệt vời là họ đã cắm trụ được ở đây lâu đến như vậy. Tôi hy vọng sẽ phong trào sẽ tiếp tục”.

Trong hiện tại, việc chiếm lĩnh quảng trường ở New York sẽ diễn ra cho đến khi Tòa thị chính thông qua ngân sách mới. Phong trào cũng có thể sẽ tiếp tục tại nhiều thành phố khác tại Mỹ“.

Trước phong trào phản kháng bùng lên sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd, dưới tay cảnh sát, hồi cuối tháng 5, bản thân tổng thống Donald Trump thoạt tiên tỏ ra coi nhẹ, đã phải có một số biện pháp cải tổ ngành cảnh sát, để xoa dịu công luận. Cái chết của George Floyd dấy lên một phong trào xã hội, ngay trong mùa đại dịch, rộng lớn chưa từng thấy kể từ phong trào vì các quyền dân sự những năm 1960 tại Hoa Kỳ. 

Phim tài liệu: WHO trong cuộc chiến Mỹ – Trung

Thế giới trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hiện nay gần như không tuần nào, thậm chí ít ngày mà không nghe thấy cảnh báo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) về nguy cơ đại dịch vượt tầm kiểm soát, cùng với lời hô hào các nước nỗ lực gấp bội. Tuy nhiên, những phát biểu dồn dập trên truyền thông dường như che phủ sự bất lực, lúng túng của một định chế quốc tế, mà nhiều người cho rằng đã bị Trung Quốc thao túng hoàn toàn này.

Cuối tháng 6/2020, truyền hình Pháp công bố bộ phim tài liệu “Chine-USA, la bataille de l’OMS” (Trung – Mỹ, trận chiến WHO) của đạo diễn Pierre Haski, tìm cách lý giải các cội rễ của cuộc khủng hoảng, phức tạp hơn nhiều so với cách suy luận thông thường, quy trách nhiệm nhất loạt cho hẳn một bên. 

Bộ phim “Chine-USA, bataille de l’OMS” – giới thiệu nhiều tiếng nói của các chuyên gia y tế, giới chức Liên Hiệp Quốc, nhà chính trị – duyệt xét lại lịch sử từ khi WHO ra đời năm 1948, vai trò và những điểm yếu của WHO. Một trong những điểm khiến định chế y tế quốc tế này “bị mắc kẹt là do thế đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc” hiện nay, theo nhận định của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Những bất lực của WHO không có gì lạ. Định chế này bị suy yếu một phần do mức ảnh hưởng lớn của Trung Quốc trong nội bộ ban điều hành của WHO. Nguyên tắc đồng thuận khiến WHO bị tê liệt đúng vào lúc cần phải có những phản ứng kịp thời trước đại dịch Covid-19 đáng sợ, khủng hoảng hiếm có mà WHO phải đương đầu trong lịch sử.  

Tuy nhiên, điều quan trọng mà bộ phim chỉ ra là : cuộc khủng hoảng của WHO là “biểu hiện của chính tình trạng hỗn loạn của thế giới hiện nay, hơn là nguyên nhân của nó”. Tình trạng hỗn loạn diễn ra vào lúc mà cơ chế hợp tác đa phương, giúp cho thế giới ổn định trong một thời gian dài, “đang lâm nguy”. Thế giới đang ngày càng bị kẹt trong thế đối đầu giữa một bên là chế độ toàn trị dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc, và bên kia là chủ nghĩa dân tộc “nước Mỹ trên hết” của Donald Trump, cùng những người đồng tư tưởng.

Nhà Trung Quốc học François Godement cảnh báo: tình cảnh của WHO hiện nay cho thấy “sự chấm dứt của sự thống trị phương Tây đối với một định chế kỹ thuật quan trọng của Liên Hiệp Quốc”. Thách thức số một hiện nay là, theo như tổng thống Pháp, “việc Trung Quốc – khi tham gia vào trật tự quốc tế này – sẽ tự thay đổi để thích ứng với các giá trị phổ quát, hay Bắc Kinh sẽ làm biến đổi chính cái trật tự này”.  Châu Âu có vai trò gì trong cuộc chuyển biến lớn này?

Pháp : Hội nghị Công dân vì Khí hậu trình 149 “đề xuất” lên tổng thống

Vẫn tại Pháp, Hội nghị Công dân vì Khí hậu, gồm 150 công dân, sau 8 tháng làm việc, vừa trình toàn bộ các kiến nghị lên tổng thống Emmanuel Macron vào cuối tháng 6. Điểm đặc biệt được công luận chú ý là tổng thống Pháp đã chọn ngày thứ Hai, 29/06, làm ngày công bố quan điểm của tổng thống về 149 đề xuất của Hội nghị. 29/06 là hôm sau ngày bỏ phiếu vòng hai bầu cử địa phương, với kết quả là đảng cầm quyền đại bại, đảng Xanh thắng thế tại nhiều thành phố lớn. Xu thế ủng hộ các giá trị môi trường dường như đang gia tăng trong xã hội, trong bối cảnh đại dịch Covid và nước Pháp hơn hai tháng sống trong phong tỏa.

Ông Hugues Oliviers, một nhà nhiếp ảnh, từ Touraine, giải thích về Hội nghị Công dân vì Khí hậu : “Chúng tôi không phải là các giáo chủ về môi trường hay biến đổi khí hậu. Hoàn toàn không phải như vậy ! Chúng tôi chỉ là những công dân Pháp bình thường, qua rút thăm ngẫu nhiên mà tham gia vào Hội nghị Công dân này. Chúng tôi đã làm việc, bây giờ, chúng tôi công bố kết quả công việc. Chúng tôi đã được soi sáng bởi nhiều chuyên gia, các nhà hoạt động kinh tế, tài chính, hay các nhà khoa học. Sau khi đã hiểu rõ vấn đề, chúng tôi thảo luận với nhau, và quyết định chọn ra những việc cần làm để giảm lượng khí thải 40%, trước năm 2030“.

Ông Oliviers giải thích thêm về  ý nghĩa của các đề xuất : “Trên thực tế, toàn bộ xã hội sẽ chịu sự tác động của các đề xuất của chúng tôi. Điều cần có là từ thượng đỉnh của bộ máy Nhà nước, mục tiêu chuyển sang xã hội tôn trọng môi trường phải trở thành động lực của chính trị, trở thành động lực của hành động. Bởi nếu không, xã hội chúng ta sẽ đi vào ngõ cụt. Nền kinh tế phải phục vụ cho công cuộc chuyển đổi năng lượng, thoát khỏi các năng lượng hóa thạch“.

Về tính khả thi của các đề xuất về mặt kinh tế, ông Benoît Leguet, chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế về Khí hậu, cho biết : “Chúng tôi đã thử tính toán giá thành của các biện pháp do hội nghị các công dân đề xuất. Tổng cộng, các biện pháp này đòi hỏi 6 tỉ euro chi phí công hàng năm. Bỏ ra 6 tỉ euro, nhưng thu lại được rất nhiều lợi ích, do việc giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm không khí v.v., cũng như tạo thêm được nhiều chỗ làm mới. Tóm lại những cái giá phải trả là rất thấp. Đây không phải là một dự án khổng lồ, như kiểu kế hoạch Marshall tái thiết châu Âu, mà một dự án can thiệp rất cụ thể, mang tính trọng điểm rất rõ ràng. Bây giờ đến lúc cần bắt tay vào việc thực thi thôi”.

Cho dù tổng thống chấp nhận 146 trên 149 đề xuất, để chuyển qua chính phủ, Quốc Hội hoặc tổ chức trưng cầu dân ý, 150 thành viên Hội nghị Công dân vì Khí hậu chưa cảm thấy hoàn thành phận sự. Họ đã lập ra một hiệp hội mang tên ”les 150”, để theo dõi các diễn biến tiếp theo, cũng như tiếp tục vận động để các đề xuất được thực thi.

Theo RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment