CSVN ép Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp ‘cho mượn đất’ rồi ‘quên trả’
Jul 5, 2020
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Hôm 5 Tháng Bảy, Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp phát đi lời cầu cứu trên mạng xã hội về việc nhà cầm quyền CSVN ép buộc cơ sở tôn giáo này phải hai lần “cho mượn” thửa đất và dãy nhà từ hồi thập niên 1970, 1980, rồi nay “quên trả.”
Trang web Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp tự giới thiệu cơ sở này được thành lập vào năm 1951, tiền thân là Hội Dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam, tôn nhận nữ thánh Catalina de Siena thuộc Dòng Ba Đa Minh thế kỷ XIV, làm thánh bổn mạng.
Vụ nhà cầm quyền “mượn” đất liên quan đến thửa đất rộng 15,000 mét vuông ở phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa mà Hội Dòng mua vào năm 1962 để xây trường cho 1,000 học sinh tiểu học và trung học gọi là trường Thánh Giuse, cũng như thành lập tu xá cho các nữ tu phục vụ cho việc giáo dục.
Văn bản đăng tải trên Facebook Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp viết: “Ngày 8 Tháng Mười Hai, 1976, chúng tôi phải cho Ủy Ban Nhân Dân thành phố Biên Hòa mượn dãy nhà ba tầng để làm cơ sở học tập cho cán bộ trong thời hạn năm năm (có biên bản cuộc họp mượn nhà). Quá thời hạn nêu trên, ngày 13 Tháng Ba, 1984, Ủy Ban Nhân Dân lại mượn thêm hai dãy nhà nữa cùng với thửa đất diện tích 6,284 mét vuông và giao cho bệnh biện Đa Khoa Biên Hòa. Hiện nay bệnh viện chuyển thành trung tâm y tế. Tất cả các hồ sơ pháp lý về nguồn gốc đất, giấy phép xây trường và biên bản cho mượn nhà chúng tôi vẫn còn lưu giữ. Điều làm cho các nữ tu đau lòng vô cùng khi vô tình biết được tài sản của nhà dòng đã trở thành tài sản của bệnh viện Đa Khoa Biên Hòa với giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất ký ngày 16 Tháng Hai, 2004.”
Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp cho hay họ đã đệ đơn hơn 20 lần xin nhận lại phần nhà và đất đã cho mượn nhưng đến nay, yêu cầu này vẫn chưa được “lắng nghe, giải quyết.”
Các nữ tu cũng nêu lý do họ xin nhận lại nhà, đất thuộc tài sản của Hội Dòng là vì “nhu cầu cần có nhà ở cho số tu sĩ ngày một gia tăng và để tiếp tục tham gia vào công cuộc giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.”
Việc nhà cầm quyền CSVN “hỏi mượn, trưng dụng” đất đai của Giáo Hội Công Giáo rồi “quên trả” đã thành “thông lệ” ở nhiều tỉnh thành từ sau năm 1975.
Trang Việt Nam Thời Báo hồi Tháng Tám, 2019, tường thuật: “Pháp luật công nhận việc sở hữu tài sản đất đai của các tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên trên thực tế thì cho đến nay rất nhiều tài sản bất động sản của tổ chức tôn giáo đã bị chiếm giữ từ công quyền.”
Trang tin của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam điểm lại hai vụ nổi bật. Một là vụ đòi đất kéo dài của Dòng Thánh Phaolô ở Hà Nội. Sau năm 1954, chính quyền cách mạng ghi trên giấy tờ hành chính là “mượn” các bất động sản là cơ sở giáo dục, y tế của Dòng Thánh Phaolô để “phục vụ cho bộ máy chính quyền mới.”
Về sau, những bất động sản đó đã được bên “mượn” tự tiện chuyển đổi công năng, và chuyển đổi luôn chủ sở hữu tư nhân, bất chấp đây là đất đai có nguồn gốc sở hữu hợp pháp của cơ sở tôn giáo.
Vụ thứ hai là sau năm 1975, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cũng có khu trường học thuộc dòng nữ tu này được chính quyền “mượn” để tiếp tục làm trường học, sau đó thì chuyển sang làm trụ sở chính quyền và chiếm luôn đến giờ.
Việt Nam Thời Báo cũng cho biết là các yêu cầu đòi lại đất đai thuộc sở hữu của các cơ sở tôn giáo thường được nhà cầm quyền CSVN hồi đáp với lập luận: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai.” (N.H.K) [kn]