Paris không cấm nhưng chặn đường Hoa Vi tham gia mạng 5G tại Pháp
Đăng ngày: 06/07/2020
Thu Hằng4 phút
Sau Mỹ, Anh và Úc, tương lai của Hoa Vi (Huawei) trên thị trường mạng 5G của Pháp cũng không mấy khả quan. Pháp “sẽ không cấm hoàn toàn” tập đoàn công nghệ Trung Quốc tham gia vào thị trường mạng 5G nhưng những điều kiện được đặt ra cho thấy ngược lại.
Hiện có ba nhà cung cấp thiết bị viễn thông – Nokia, Ericsson của châu Âu và Hoa Vi của Trung Quốc – có khả năng cung cấp trang thiết bị mạng 5G tương lai tại Pháp. Tuy nhiên, trái với Nokia và Ericsson, trang thiết bị mạng 5G của Hoa Vi là đối tượng duy nhất bị đưa ra nghiên cứu trước khi quyết định từ chối hoặc cấp phép.
Trả lời nhật báo kinh tế Pháp Les Echos (ngày 06/07/2020), ông Guillaume Poupard, tổng giám đốc Cơ quan An ninh các Hệ thống Thông tin (Anssi) của Pháp, nhấn mạnh : “Đối với các nhà cung cấp viễn thông cho đến nay không sử dụng Hoa Vi, chúng tôi khuyến khích họ tiếp tục đi theo hướng này… Còn những tập đoàn đã sử dụng, chúng tôi sẽ cấp giấy phép có thời hạn từ 3 đến 8 năm”.
Ông Poupard khẳng định những quyết định không nhắm đến “một doanh nghiệp hoặc một nước nào đó” mà chỉ liên quan đến vấn đề “chủ quyền”. Vì theo ông, “cần thận trọng trước những nhà cung cấp không thuộc châu Âu… nếu tất cả các nhà cung cấp viễn thông có chung một nhà cung cấp trang thiết bị, dù đó là công ty của Pháp, thì có lẽ là thảm họa”.
Về lý thuyết, thiết bị viễn thông 5G của Hoa Vi không bị cấm, nhưng giấy phép có hiệu lực từ 3 đến 8 năm trở thành một trở ngại cho các nhà cung cấp viễn thông Pháp, vì phải cần khoảng 8 năm để khấu hao đầu tư trang thiết bị. Theo nhật báo kinh tế Les Echos, thời hạn ngắn ngủi đó sẽ khiến các nhà cung cấp viễn thông Pháp chùn bước và chuyển sang Ericsson hoặc Nokia, hai đối thủ của tập đoàn Trung Quốc. Vô hình chung, Pháp “ưu ái” hai tập đoàn của châu Âu ? Về điểm này, ông Guillaume Poupard cho rằng Pháp thận trọng vì những rủi ro khi hợp tác với các nhà cung cấp châu Âu thì khác so với những rủi ro khi làm việc với “các nhà cung cấp không thuộc châu Âu”, như Trung Quốc hay Hoa Kỳ.
Không cấm mà như cấm Hoa Vi : Pháp tránh làm phật lòng Mỹ và Trung Quốc?
Căn cứ vào những điều kiện mà Pháp sẽ đưa ra, có thể thấy là trang thiết bị 5G của Hoa Vi khó có thể được sử dụng rộng rãi trong thị trường 5G của Pháp. Tuy nhiên, khi khẳng định “không cấm hoàn toàn Hoa Vi”, Pháp tránh làm phật lòng Trung Quốc vì ngay từ tháng 02/2020, đại sứ quán Trung Quốc ở Paris từng “hy vọng” vào phát biểu của tổng thống Emmanuel Macron và nhiều quan chức cấp cao khác rằng “Pháp sẽ không đưa ra những biện pháp phân biệt nhắm vào một nước hoặc một doanh nghiệp cụ thể nào, cũng như không loại trừ Hoa Vi”.
Không chờ đến lúc Paris chính thức thông báo những quyết định mới, ngày 06/07, Bắc Kinh đã tỏ ý bất bình và kêu gọi Pháp duy trì một môi trường “công bằng và không phân biệt” đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc.
Dù “không cấm hoàn toàn” Hoa Vi tham gia mạng 5G ở Pháp, Paris cũng không làm mếch lòng đồng minh Hoa Kỳ. Theo AFP, những quyết định mà Pháp sắp đưa ra không chỉ dừng ở quy mô công nghiệp mà mang tính chất chính trị. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung trên mọi phương diện, Washington gây sức ép với các đồng minh loại Hoa Vi vì lý do an ninh, do tập đoàn công nghệ này có quan hệ mật thiết với chính quyền Bắc Kinh.
Trong thời gian gần đây, nhiều nhà cung cấp viễn thông châu Âu, từng làm việc với Hoa Vi, đã bỏ đối tác Trung Quốc để chuyển sang dùng thiết bị của Ericsson : Telefónica tại Đức, Bristish Telecom tại Anh, Bell của Canada, Orange của Pháp.
Theo Les Echos, ngoài lý do chính trị, một số nhà cung cấp viễn thông chú ý đến giá thành thiết bị của Hoa Vi, có thể sẽ đắt hơn do những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Trong vòng bốn tháng tới (đến hết tháng 10/2020), tập đoàn công nghệ Trung Quốc sẽ không thể mua chíp điện tử có công nghệ của Mỹ, trong khi đây lại là thành phần quan trọng để trang thiết bị mạng 5G có thể hoạt động được.