Trung Tá Lê Hưng, một ngày Không Quân, một đời Không Quân

Trung Tá Lê Hưng, một ngày Không Quân, một đời Không Quân

Jul 4, 2020 cập nhật lần cuối Jul 4, 2020

\"\"/
Đại Úy phi công Lê Hưng bên chiếc oanh tạc cơ A6, đáp xuống hàng không mẫu hạm sau một phi vụ từ chiến trường Trung Đông. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, Californina (NV) – Để thỏa mộng hải hồ tung cánh thép, chàng thanh niên phố biển Lê Hưng như bao chàng trai khác đã từ giã đời học sinh trường College Francais de Nha Trang, để gia nhập Quân Chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Ông là một trong số ít phi công trẻ của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa sau 1975 khi qua Mỹ trở thành phi công của Hải Quân Hoa Kỳ.

Trong những ngày Hè yên tĩnh tại công viên Bowling Green, Westminster, cựu Trung Tá Lê Hưng (Henry Le) hào hứng kể với phóng viên nhật báo Người Việt về đời phi công của mình.

Ông cho biết sau lớp đệ tứ, mỗi khi tan trường về ngang qua phi trường Nha Trang, nhìn thấy những chiếc phi cơ khu trục của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa lên xuống, những cánh thép cùng tiếng động cơ gầm rú, hình ảnh những chàng trai trẻ phi công trong những bộ đồ bay… đã để lại những ấn tượng đẹp khó quên trong đời, và chàng trai trẻ cảm thấy yêu đời phi công từ dạo ấy.

Đường vào nghiệp bay của phi công Lê Hưng

Thời điểm năm 1972, chiến tranh Việt Nam lên cao độ với Mùa Hè Đỏ Lửa, khi Cộng Sản đẩy mạnh tấn công trên toàn miền Nam, chiến sự ngày đêm khốc liệt càng tăng thêm khí thế cho thanh niên gia nhập quân đội, bao lớp trai hùng xếp bút nghiên theo tiếng gọi non sông lên đường cứu nước, trong đó có Lê Hưng.

Ông kể rằng với tình yêu không gian bao la cùng cánh chim trời bay bổng, nên ông quyết chí thi vào Không Quân. Lúc đó hơn trăm người ghi danh nhưng sau đợt tuyển chọn chỉ còn lại khoảng 10 người đủ tiêu chuẩn, trong đó có ông.

“Trong thời gian huấn nhục và học quân sự tại Nha Trang, phải ‘lột xác’ để chuẩn bị trở thành một sinh viên sĩ quan. Sau đó tôi vào Sài Gòn để tham gia dự tuyển, chọn người có đủ trình độ Anh văn sẽ được đi Mỹ liền, tôi may mắn đi ngay đợt đầu năm 1973, số còn lại phải qua kỳ thi đủ điểm Anh văn mới được đi,” ông Hưng cho biết.

Ông cho biết khi qua Mỹ, phải học thêm tiếng Anh cao cấp hơn trong khoảng sáu tháng tại Trường Sinh Ngữ Lackland, San Antonio, Texas, sau đó mới chuyển qua phi trường Hondo, Texas, để học bay T41, là loại phi cơ cánh quạt để huấn luyện bay căn bản và được thụ huấn phần giai đoạn đầu.

\"\"
Tân Thiếu Úy Lê Hưng (hàng đầu, thứ năm, từ trái) tại lễ tốt nghiệp Thiếu Úy Hải Quân Hoa Kỳ tại căn cứ Hải Quân Pensacola, Florida, năm 1982. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Ông kể: “Người Việt thời trước khi qua Mỹ học lái máy bay, đa số chưa biết lái xe hơi, thành ra chưa có cơ hội ngồi trên một vật thể lớn và điều khiển nó. Đó là trở ngại rất lớn đối với sinh viên phi công học lái máy bay thời bấy giờ, vì chính những hồi hộp lo ngại ấy làm giảm đi những cơ hội học và phát triển kỹ năng lái máy bay lúc đầu rất nhiều, bị ói mửa và nhiều thứ khác nữa.”

“Tôi may mắn lúc ở Việt Nam, hồi 12 tuổi đã được ba tôi dạy lái xe và lúc 17 tuổi đang nghỉ Hè đã lái xe cần cẩu lớn cho hãng thầu RMK của Mỹ, từng điều khiển những xe cơ giới hạng nặng rồi, thành thử lái máy bay cũng không khó, và tôi là một trong những người được bay solo đầu tiên,” ông Hưng kể tiếp.

Ông cho hay: “Sau đó tôi được thuyên chuyển qua căn cứ Không Quân Webb Air Force Base, Big Spring, Texas, để học bay phản lực đầu tiên, là phi cơ phản lực Cessna T-37 Tweety Bird trong khoảng sáu tháng. Và tôi cũng là một trong hai người đỗ thủ khoa trong khóa này. Lúc đó những người thủ khoa sẽ được tiếp tục học bay phản lực T-38 rồi sẽ bay F5, mạnh và tối tân hơn các loại chiến đấu cơ thời bấy giờ.”

“Rất tiếc khi tôi mãn khóa, Quốc Hội Hoa Kỳ đã cắt viện trợ cho Không Quân Việt Nam khoản tài trợ để học bay F5, thành ra tôi phải trở về nước vào Tháng Tám, 1974. Từ đó tôi chuyên lái phản lực A37, là loại oanh tạc cơ hạng nhẹ, rất hữu hiệu trong chiến trường Việt Nam,” ông kể tiếp.

Ông Hưng bồi hồi nhớ lại những ký ức xưa, đến nay đã gần nửa thế kỷ: “Khi tôi đang học bay tại Webb AFB, Texas, sau khóa học, tôi là một trong những phi công xuất sắc, được ông đại tá chỉ huy trường làm lễ gắn cánh tốt nghiệp. Với cảm tình riêng, ông nói với tôi ‘Nước Việt của anh sắp mất rồi, nếu muốn ở lại thì sẽ được giúp đỡ!’ Đó là dấu hiệu báo cho tôi biết vận mệnh của đất nước mình, nhưng tôi vẫn quyết định về nước.”

“Sau khi về trình diện Bộ Tư Lệnh học điều chỉnh sĩ quan, tôi trở thành Thiếu Úy phi công thuộc Không Lực Việt Nam Cộng Hòa, phục vụ tại Phi Đoàn Thiên Sứ 546, bay A37 tại Vùng IV Chiến Thuật, thuộc phi trường Trà Nóc, Cần Thơ. Tôi mới về nước, chưa đủ thời gian huấn luyện ở chiến trường, thì tới ngày 30 Tháng Tư, 1975,” ông Hưng nói.

\"\"
Bài viết nhiều kỳ “Escape to U Taphao” trên tạp chí Air & Space của Mỹ năm 1977, viết về phi công Lê Hưng trên chiếc A37 và rất nhiều phi cơ Không Quân Việt Nam Cộng Hòa di tản qua Thái Lan, ngày 30 Tháng Tư, 1975. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

“Ngày 29 Tháng Tư 1975, phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích nặng nề, tôi tìm cách vô phi đoàn để biết tình hình nhưng không vào được. Khi vào được, tôi cùng Đại Tá Vượng bay thẳng qua căn cứ Utapao Thái Lan ở đó một đêm, hôm sau quân đội Hoa Kỳ cho phi cơ vận tải C141 chở mọi người qua Guam rồi đến Mỹ, từ đó không còn cơ hội để trở về nước nữa. Lúc ấy tôi là một sĩ quan trẻ, rất ấm ức vì mình có một lực lượng quá mạnh lại bị thua trận một cách vô lý, chỉ qua lệnh buông súng ngưng chiến đấu của Tổng Thống Dương Văn Minh,” ông bày tỏ.

Ông Hưng kể: “Khi cất cánh lên từ phi trường Tân Sơn Nhất, chúng tôi không biết phải đi đâu, nhưng khi bắt được sóng phát thanh kêu gọi mọi phi công lái máy bay có cánh thì bay đến Utapao, còn trực thăng thì bay ra hạm đội hàng không mẫu hạm Mỹ đang ở ngoài khơi.”

“Lúc đến phi trường Utapao, tôi không ngờ thấy rất nhiều phi cơ mình bay qua đó, lúc ấy tôi vẫn cứ nghĩ rằng mình qua ở tạm Thái Lan rồi sẽ trở về nước tiếp tục chiến đấu. Nhưng ai ngờ đâu đó là chuyến đi cuối cùng, phải bỏ nước ra đi!” giọng ông chùng xuống.

\"\"
Trung Tá phi công Hải Quân Hoa Kỳ, ông Lê Hưng trong diễn hành Tết 2003 tại Little Saigon, miền Nam California. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Quyết vào được Không Quân Hoa Kỳ

Những cánh chim sắt bay vun vút trên bầu trời, những con tàu khổng lồ lướt sóng đại dương, những trận chiến giữa Không Quân và Hải Quân, những hình ảnh ấy làm thêm mê hoặc khiến ông bước vào đời Không Quân thuộc Hải Quân Hoa Kỳ sau này.

Ông Hưng cho biết thời trai trẻ ông mê đọc những sách nói về Không Quân, những trận đánh quyết tử trên không của Phi Đoàn Thần Phong Nhật Bản, cùng những hình ảnh Hải Quân Hoa Kỳ thời Đệ Nhị Thế Chiến với những con tàu đồ sộ trên biển khơi, làm tăng thêm sức quyến rũ ông trở thành một phi công. Lại thêm những hình ảnh hải quân oai hùng, hơn nữa anh của ông cũng là một thiếu úy phi công của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, lại càng thôi thúc tăng thêm giấc mộng hải hồ.

Ông cho biết vừa đặt chân tới Mỹ, ông phác họa ngay một kế hoạch để học lại Không Quân Hoa Kỳ, trong đó phải đáp ứng nhiều điều kiện bắt buộc như không được quá số tuổi quy định, phải đầy đủ sức khỏe, phải có bằng đại học, và nhiều điều kiện khác. Lúc đó là cả một giai đoạn khá cam go, nhất là khi phải đi học lại bốn năm đại học để lấy bằng kỹ sư cơ khí.

“Đến Mỹ vào Tháng Năm, 1975, tôi chỉ là một phi công trẻ, chưa được tham dự nhiều trong cuộc chiến Việt Nam, nhưng lúc đó với sự hăng say cùng lòng nhiệt huyết với đất nước, tôi nghĩ mình phải trở lại trong ngành Không Quân, phải bay lại trong màu cờ Quân Chủng Không Quân Hoa Kỳ, để đến lúc đất nước Việt Nam cần, mình sẽ trở về phục vụ. Đó là suy nghĩ rất đơn sơ ban đầu là như vậy!” ông cho biết.

\"\"
Ông Lê Hưng (thứ tư, phải) cùng các phi công Việt Nam Cộng Hòa trong Câu Lạc Bộ Phi Hành vào ngày phi diễn Tết 1994 tại phi trường Long Beach, California. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Việc bắt liên lạc nơi ông đã học Không Quân từ trước 1975 được tiến hành, và những vị thầy của ông đã đồng ý giúp cho ông có việc làm ngay tuần lễ sau đó để trở lại cuộc sống bình thường.

“Ngay lập tức, tôi ghi danh tại trường đại học Texas Tech University, tiểu bang Texas, để không bỏ mất cơ hội và thời gian với quyết tâm phải có bằng cấp nơi xứ Mỹ. Sẵn có đầu óc về kỹ thuật và những sáng chế phát minh từ xưa, tôi bắt tay vô ngay những học trình và tự tin mình sẽ thành công trong bốn năm đại học. Thuở nhỏ ở Nha Trang, gia đình ở trong cư xá của Ty Công Chánh, tôi đã có dịp làm quen với các loại máy cơ khí và từng làm ra những vật dụng như máy bắn cá và những thứ khác, nên khi qua Mỹ tôi thấy những máy móc này rất quen thuộc, và dùng nó để sáng chế nhiều món cũng rất dễ,” ông Hưng cho biết thêm.

Ông kể, công xưởng của Mỹ vào thời điểm đó hãy còn thô sơ, họ còn tận dụng nhiều năng lực nhân công thay vì phải dùng máy móc. Với suy nghĩ sau khi tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, công việc ông sẽ làm là một kỹ sư chuyên nghiệp, mặc dù hiện chưa có bằng cấp nhưng với những say mê sáng chế máy móc cho công ty đang làm việc khiến ông rất tự tin.

Ông rất hào hứng khi nói với ông chủ rằng ông có thể vẽ kiểu những máy móc tự động cho công ty, ông chủ đồng ý ngay và cho ông thời gian để chứng minh khả năng. Quả thật sau đó ông đã thành công khi giao cho ông chủ những sáng chế kỹ thuật, với những máy móc tự động giúp giảm bớt nhân lực và tăng hiệu suất công việc lên rất nhiều.

“Khi tôi đưa những hình ảnh chi tiết rất tinh vi trên bản vẽ cho hãng, ông chủ rất hài lòng và hỏi có muốn để tên tôi trong bằng sáng chế phát minh không, và tôi trả lời rằng tôi chỉ muốn sự giúp đỡ của hãng trong thời gian học kỹ sư, để sau này tôi có thể trở lại quân đội. Thế là bốn năm đại học của tôi được sự tài trợ của hãng, không tốn đồng nào,” ông kể tiếp.

“Sau đó nguyên một nhà máy hoàn toàn tự động ra đời, đổi lại là những việc tôi làm khá vất vả. Những lúc ấy tôi luôn nghĩ tới bạn bè, những chiến hữu của tôi đang kẹt lại ở Việt Nam còn cực khổ hơn mình rất nhiều, khiến tôi cảm thấy phải cố gắng làm việc nhiều hơn nữa!” ông Hưng chia sẻ.

Ra trường kỹ sư ngày 22 Tháng Mười Hai, 1981, nhưng trước đó ông Hưng đã ghi danh vào Không Quân Hoa Kỳ với mơ ước trở thành phi công, ông nghĩ rằng khi đã có bằng phi công của Không Quân Hoa Kỳ, họ sẳn sàng chấp nhận mình. Nhưng lúc đó họ cho biết rất cần kỹ sư sáng chế trong Không Quân Hoa Kỳ hơn là muốn người phi công. Nhưng tôi lại từ chối, vì muốn đi bay hơn, dù họ cho biết có nhiều phi công rồi.

\"\"
Trung Tá Phi Công Hải Quân Hoa Kỳ, ông Lê Hưng, kể chuyện chiến đấu cơ rượt đuổi trong các trận không chiến. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Không để mất thời gian nên ông liên lạc thẳng với Hải Quân Hoa Kỳ. “Tôi rất mừng khi biết vị trung tá tuyển mộ đã từng phục vụ tại chiến trường Việt Nam, thấy tôi hội đủ tất cả điều kiện khi đã là phi công Không Quân Việt Nam Cộng Hòa trước đó, và có bằng kỹ sư tại Mỹ, nhưng bắt buộc phải qua test IQ của hải quân, và tất cả những gì đã học được bên Không Quân Việt Nam Cộng Hòa đều không được chấp nhận vì có liên quan tới quân đội nước ngoài, vì vậy tôi phải ‘lột xác’ lại ngay từ đầu,” ông cho biết.

“Khi đã đạt mọi tiêu chuẩn bắt buộc, tôi đến trình diện tại trường huấn luyện phi công Hải Quân Hoa Kỳ tại Pensacola, Florida. Khi vô đó, tôi là người duy nhất từng là phi công trong Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong khóa học có tất cả 42 người Mỹ, chỉ có hai người da vàng, một người Hawaii và tôi là người Việt Nam. Ngày ra trường gần phân nửa bị loại, chỉ có 23 người tốt nghiệp, trong đó có một người Mỹ đen và một người da vàng là tôi. Khi ra trường tôi mang cấp bậc thiếu úy do tổng thống Hoa Kỳ ký tên,” ông Hưng tự hào kể lại.

Chương trình huấn luyện phi công Không Quân Hoa Kỳ và phi công Hải Quân Hoa Kỳ hoàn toàn khác nhau. Nếu thời gian học phi công ở Không Quân phải học bay T41, T-37 và T-38, thì khi tra trường, gắn cánh rồi, ông mới được chọn loại phi cơ để bay. Có ba loại máy bay để chọn tùy theo số điểm tốt nghiệp, từ loại chiến đấu phản lực, hoặc cánh quạt hay vận tải, rồi đến trực thăng.

Ông kể, còn ở Hải Quân phải chia theo ba giai đoạn huấn luyện từ sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Lúc mới vô, nếu có kết quả điểm cao 4.0 sẽ được bay phản lực, nếu điểm 3.0 sẽ bay loại cánh quạt hay vận tải, điểm còn lại sẽ bay trực thăng, và những số điểm này sẽ theo suốt đời người phi công Hải Quân.

Ông Hưng cho biết vì loại máy bay cánh quạt T34 Mentor đời mới nên nhiều người thích học, nhưng phải chờ đợi hơn bốn tháng, trong khi bay T28 thì cũ hơn nên được học liền. Do đó ông chọn T28, giống như phi cơ A-1 Skyraider ở chiến trường Việt Nam khi xưa trước năm 1975, nên học sẽ rút ngắn, đỡ mất thời gian hơn. (Văn Lan) [qd]

Bài Liên Quan

Leave a Comment