Đức đảm nhiệm chủ tịch luân phiên Liên Âu : Cải cách quy chế nhập cư là hồ sơ trọng tâm
Hôm nay, 08/07/2020, nước Đức chính thức đảm nhiệm chức vụ chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu trong sáu tháng. Đối với Berlin, trọng tâm của nhiệm kỳ này sẽ là cải cách các quy chế về tị nạn, nhập cư tại biên giới bên ngoài của khối.
Theo AFP, sau cuộc họp trực tuyến hôm qua với các đồng nhiệm châu Âu, bộ trưởng Nội Vụ Đức Horst Seehofer khẳng định lập trường của Berlin là tiến hành nhiều cải cách quan trọng trong chính sách nhập cư và tị nạn của châu Âu trong những tháng tới. Vào tháng 9/2020, Ủy Ban Châu Âu sẽ đưa ra một đề xuất về vấn đề rất được trông đợi này.
Vụ 180 thuyền nhân vượt Địa Trung Hải phải đợi đến 10 ngày trên biển, sau khi được tàu nhân đạo Ocean Viking vớt lên, trước khi được chính quyền Ý cho phép cập bến cách đây ít hôm, càng cho thấy Liên Hiệp Châu Âu phải khẩn trương có một chính sách tiếp nhận người tị nạn, nhập cư chung.
Thông tín viên Pascal Thibault tường trình từ Berlin :
« Gần như tất cả các quốc gia đều sẵn sàng đi đến một giải pháp thống nhất. Bộ trưởng Nội Vụ Đức Horst Seehofer cho biết : tôi đã được nghe những tuyên bố từ nhiều đại diện của nhóm Visegrad, điều mà tôi chưa từng nghe thấy từ nhiều năm nay. Bộ trưởng Nội Vụ Đức muốn nói đến các nước như Ba Lan và Hungary, các quốc gia vốn có quan điểm phản đối việc phân chia số lượng người nhập cư cần tiếp nhận cho mỗi thành viên Liên Hiệp Châu Âu.
Vào mùa thu năm ngoái, chỉ có một vài nước đạt được đồng thuận về việc tiếp nhận những người tị nạn vượt biển Địa Trung Hải, được cứu thoát. Hiện nay, theo ông Horst Seehofer, đã có 12 nước đồng ý. Bộ trưởng Nội Vụ Đức muốn chấm dứt các thương lượng dai dẳng và tìm ra một giải pháp tổng thể. Theo đó, các quốc gia nào không muốn tiếp nhận dân nhập cư, có thể đóng góp tài chính hoặc nhân lực cho việc thực thi một chính sách tiếp nhận người tị nạn chung của khối.
Bộ trưởng Horst Seehofer nói : Tôi hy vọng là các yêu cầu xin tị nạn được xem xét ngay tại đường biên giới bên ngoài của Liên Hiệp Châu Âu và việc hồi hương những người không được hưởng quy chế tị nạn sẽ được tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, điều thứ ba là, cũng cần phải có một thể thức pháp lý cho phép những di dân vì lý do kinh tế có thể vào châu Âu, mà không cần thông qua quy chế tị nạn ».
Vẫn liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu, hôm nay, kế hoạch chấn hưng kinh tế của khối trị giá 750 tỉ euro sẽ được các lãnh đạo châu Âu thảo luận qua cầu truyền hình. Tham gia thảo luận có chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, chủ tịch Nghị Viện Châu Âu David Sassoli và tân chủ tịch Hội Đồng của Liên Hiệp Châu Âu, thủ tướng Đức Angela Merkel.
Theo RFI