Hồng Kông châm ngòi chiến tranh lạnh Mỹ-Trung ?
Trang ý kiến, Le Monde dành cho một nhà trí thức Trung Quốc khác là nhà xã hội học Trương Luân (Lun Zhang), đại học Cergy/ Pontoise, Harvard, chủ biên trang mạng Chinese-futur.org, phân tích về tương lai Hồng Kông. Đạo luật an ninh của Trung Quốc bị tác giả gọi là “bản án tử hình cho mô hình có một không hai ở bán đảo Hồng Kông” mở đường cho một cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Trung.
Trương Luân dẫn chứng. Trước hết, trên trường quốc tế, Trung Quốc triển khai ảnh hưởng trong các định chế quốc tế bằng cách dựa vào các “Nhà nước du côn” và những chính trị gia thân Bắc Kinh được Bắc Kinh tài trợ. Thái độ của Tổ Chức Y Tế Thế Giới trong vụ Covid-19 là một thí dụ điển hình. Trước tình hình này phải làm gì ? Châu Âu hơn ai hết, đã nếm qua kinh nghiệm 1930, liệu có can đảm và thông minh bảo vệ những giá trị của mình được kiến tạo và quảng bá khắp địa cầu hay không ? Châu Âu đã từng biết tương lai sẽ ra sao nếu có một chế độ tham lam hung bạo muốn lấn chiếm lãnh thổ và quyền quản lý nhân danh vinh quang dân tộc mà không bị các nền dân chủ cản trở và chống cự .
Giáo sư Trương Luân kêu gọi Tây phương, đây là lúc châu Âu phải chú tâm hỗ trợ dân Hồng Kông bởi vì duy trì hòa bình, dân chủ, tự do, đòi hỏi sự quan tâm của Tây phương hơn bao giờ hết. Châu Âu không thể nhắm mắt làm ngơ, như đã từng làm ngơ , trước tình thế tương tự trong thập niên 1930, để rồi trước sau gì cũng lãnh hậu quả do thái độ bất động. Châu Âu “phải hăng hái hành động, không để cho trật tự thế giới thời hậu Covid bị ghi dấu bằng chiến thắng dễ dàng của một chế độ tân toàn trị, chế độ Trung Quốc.
Cùng chủ đề, Libération và Le Figaro thương xót cho Hồng Kông trong gọng kềm Trung Quốc. Nhật báo cánh tả nhấn mạnh đến đạo luật an ninh quốc gia cho phép chính quyền diễn dịch sao cũng được. Le Figaro, chi tiết hơn, mô tả trường hợp sinh viên Hoàng Chí Phong: các tác phẩm của anh ở thư viện bị rút khỏi kệ sách dành cho công chúng, chín tựa sách bị đưa vào danh sách cần “kiểm kê” xem có vi phạm luật chống ly khai hay không ?
Truyền hình Nhà nước Hoa lục “hoan hô” quyết định của Cơ quan dịch vụ văn hóa và giải trí Hồng Kông. Tuy nhiên, đâu phải chỉ có tác phẩm mang tính chính trị bị kiểm duyệt, một số sách giáo khoa cho học sinh cũng bị xem là “thuốc độc”. Nhật báo thiên hữu liệt kê một loạt mục tiêu của chiến dịch tiêu diệt tự do tại Hồng Kông. Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga hù dọa những người mà bà gọi là phần tử cực đoan. Cảnh sát Hồng Kông được thêm thẩm quyền kiểm tra, kiểm duyệt rộng rãi.
Bị động trước phong trào phản kháng, Tập Cận Bình phải dùng đến cây dùi cui để trấn áp bán đảo ngỗ nghịch.
Ngoại trưởng Mỹ không loại trừ khả năng đáp trả các biện pháp đàn áp tự do, các tập đoàn công nghệ thông tin Hoa Kỳ như Google, Facebook, Twitter quyết định không họp tác với chính quyền Hồng Kông.
Cũng như nhận định của chuyên gia Trương Luân trên Le Monde, nhật báo Le Figaro dự báo một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ và ý thức hệ sẽ xảy ra ở Đông Á .