Từ Ba Rài-Cẩm sơn đến Chiến đỉnh Sông ngòi ( TVQ chuyển )
Thứ Sáu, 10 Tháng Bảy 202010:41 CH
Trần Lý
Trong Chiến tranh Việt Nam, có hàng ngàn cuộc Hành quân cùng các trận đánh lớn nhỏ liên hệ đến nhiều lực lượng tham chiến VNCH và Đồng minh (Mỹ, Úc, Nam Hàn..). Mỗi trận đụng độ đều có những nét đặc thù riêng của từng Quân, Binh chủng tham dự : Lục quân, Hải quân, Không quân..
Các nhà Quân sử Việt-Mỹ đã chọn ra một số Trận đánh tiêu biểu mà họ cho là có thể có ảnh hưởng quan trọng cho toàn bộ Chiến tranh VN về cường độ thiệt hại, về chiến lược hay chiến thuật hành quân..
Bản đồ hành quân Trận Rạch Ba Rài ngày 15 tháng 9 năm 1967 từ sách The Vietnam Experience.
- Trong “VietNam the Decisive Battles “. Tác giả John Pimlott chọn 17 Trận từ Điện Biên Phủ đến Trận cuối cùng Chấm dứt VNCH, trong số các Trận Ông ghi lại có Khe Sanh, Tết 68, Lam Sơn 719.. và có một trận có vẻ lạ là Trận Rạch Ba Rài (September 15, 1967)..
- ‘Battles and Campaigns in Việt Nam 1954-1984’ của Tom Carhart cũng chọn Trận Ba Rài như một trận tiêu biểu (?) ( trang 84)
- Tác giả Nguyễn Đức Phương trong “Chiến tranh Việt Nam Toàn tập” trang 354 đã chọn Trận Ba Rài như tiêu biểu cho hoạt động của Giang lực Mỹ-Việt , khi ông dành nhiều đoạn trong bài viết về đặc tính các Giang đỉnh và về..chiến thuật hành quân, hơn là diễn biến trận đánh..
Bài viết xin tổng hợp các tài liệu Việt-Mỹ (kể cả của CSBV) về Ba Rài để Quý vị có thể ‘đánh giá’ tầm mức quan trọng của ‘địa danh’ và trận đánh này..
Theo Quân sử Việt-Mỹ thật sự có nhiều trận đánh đã diễn ra tại Rạch Ba Rài trong khu vực Cẩm Sơn, thuộc Quận Cai Lậy Tỉnh Định Tường trong những năm 1963-1971
- Vị trí Ba rài- Cẩm sơn
Trong Hải Sử Tuyển tập, trang 392, Tác giả Phan Lạc Tiếp viết về vị trí Ba Rài như sau:
“Con rạch Ba Rài , bắt nguồn từ Quận lỵ Cái Bè, Chảy ra sông Cửa Tiểu theo hướng Bắc -Nam; lòng rạch hẹp, nơi rộng nhất ở ngã ba Ba Rài-Cửa Tiểu: hai bên bờ không quá 100m. Con rạch cắt một góc chéo 25 độ rồi uốn khúc, tạo thành một doi đất, bề ngang doi đất không quá 600m : vì thế từ cửa rạch không nhìn thấy phía trong. Hai bên bờ cây rậm rạp, những hàng dừa đứng chen nhau như thành
Báo Tiền Giang (CSVN ) ghi ngắn hơn
“Sông Ba rài nằm trên vùng đất Cai Lậy, sông khởi thủy là một rạch, dài 25km. sâu 9m, có lưu vực lớn, bắt nguồn từ vùng lòng chảo Đồng tháp mười, chảy ra sông Tiền”
Sách Where we were in VietNam ghi :
- CamSon Secret Zone : Cách Đồng Tâm 15km về phía Tây và Tây-Tây/Bắc
- Rach Ba Rai : 24 miles Đông-Bắc Cai Be.
- Trận Ba Rài của HQ VNCH : 29 tháng 9 năm 1965
Cuộc hành quân của SĐ7BB phối hợp với TQLC vào vùng Ba Rài từ 28 tháng 9 đã không vào được khu vực này, còn bị cẩm chân không thể rút ra được, Yểm trợ của KQVNCH và Pháo binh không hữu hiệu vì rừng dừa dày đặc và khoảng cách giữa hai bên quá gần.. HQ được yêu cầu tiếp trợ : Hai Giang đoàn Xung Phong 21 và 27 nhận nhiệm vụ. Kế hoạch hành quân là HQ tiến vào Rạch, hỗ trợ cho BB rút khỏi Xã Xuân Sơn, phía Đông rạch qua bờ bên kia dành khu vực cho KQ oanh kích.. CQ không phản ứng trong khi BB dùng tàu HQ rút băng qua bờ.. Nhưng khi nước xuống (2 giờ chiều), HQ cũng rút ra thì CQ (TĐ 261 VC trang bị các súng nặng như DKZ 57, đại liên 12.7 và AK-47) đã dàn trận phục kích nơi doi đất cửa Rạch.Trận đánh diễn ra rất dữ dội trong suốt 4 tiếng..CQ nhiều lần xung phong định bám sát để cướp chiến đỉnh nhưng đều bị đẩy lui.. Đoàn tàu chống trả và rút được khỏi khu vực phục kích..
Kết quả trận đánh : Số tổn thất nhân mạng của CQ không xác định được, nhưng bỏ lại 57 súng đủ loại (Quân sử CS sau đó ghi lại họ chết 18 quân, bị thương 32)i; HQVNCH có 20 thương vong (2 SQ và 1 cố vấn) và 1 chiến đinh monitor (HQ 6007) chìm (sau đó trưc lên và kéo về sửa chữa lại), 1 Command Monitor bị hư hại nặng nhưng tự lui được về căn cứ..
Trung sĩ Nguyễn Phước Đức (Ảnh của Lược Sử HQVNCH-Vũ Hữu San).
Trung sĩ Nguyễn Phước Đức hy sinh trong trận và tên Anh được đặt cho Tuần Duyên đỉnh (WPB) đầu tiên của HQVN : HQ.700
HQHK ghi lại :Trung Úy Raymond Ellis, HQHK=USN, tử trận ngày 30 tháng 9, 1965 khi đang làm Cố vấn cho Giang đoàn 27 Xung Phong trong một trận đánh tại Định Tường.. Bản tuyên dương công trạng ghi rõ ông chiến đấu anh dũng và hy sinh khi thay thế xạ thủ VN bị trúng đạn trước đó. Ông được truy thưởng Silver Star.
Bàn đồ hành quân Cẩm Sơn ngày 15 tháng 5 năm 1967 của 9th Infantry Division Papers The Ultimate Game by Gene.
- Chiến dịch Cẩm Sơn (15 tháng 5 năm 1967)
Tin tình báo VNCH ghi nhận sự có mặt của các TĐ 263 và 516 VC tại Mật khu Cẩm Sơn, tập trung tại một khu vực giữa Rạch Ba rài và Rạch Trà tân. Lữ đoàn 2 /SĐ9HK tổ chức cuộc Hành quân Cẩm Sơn để lùng và diệt quân CS ; Cuộc hành quân sử dụng 2 TĐ BB dược 22 chiến đỉnh ATC, 2 Monitors và 1 CCB của River Flotilla One yểm trợ. Bộ Chỉ huy Lữ đoàn và một chiến đỉnh pháo binh được đưa trước vào vùng. 8 giờ 15 sáng 15-5 ; TĐ3 /47 đổ bộ tại cửa Rạch Ba rài; 30 phút sau đó ,các đại đội B và C của TĐ4/47 đổ lên vùng Tây Rạch Trà tân. Các đơn vị bộ binh tiến vào khu vực còn các chiến đỉnh chặn trên rạch. 12 giờ trưa : ĐĐ A của 4/47 được trực thăng vận từ Căn cứ Đồng Tâm vào một vị trí 5km phía Bắc Sông Mỹ tho và Tây rạch Trà Tân. 4 giờ chiều : Hai cánh quân đổ bộ, vào đến một cánh đồng và đụng độ với một lực lượng quan trọng của CQ dàn sẵn chờ phục kích, và bị cầm chân tại chỗ; lực lượng HK rút ra để trục thăng vũ trang bay vào xạ kích, các phi tuần phản lực và pháo binh oanh kích vào các điểm tập trung của CQ.. ĐĐ A được lệnh tiến xuống phía Nam..Khoảng 4 giờ 30 chiều, CQ , không chịu nổi hỏa lực phi pháo, định rút chạy về hướng Đông-Bắc..Các mũi tiến quân của HK.. tìm cách bao vây CQ nhưng họ phân tán và tháo chạy..
Hơn 90 CQ bị hạ trong trận đánh, không kể số chết và bị thương được kéo đi..Bên HK có một tử trận và 30 bị thương vì mảnh đạn.. Bên HK học được bài học chiến thuật là khó ngăn chặn địch quân rút lui khi nước xuống và khi họ không chịu.. cố thủ ! Bên CQ học được là các mật khu trước đây, quân VNCH không thể tiến vào, kể cả các khu đầm lầy không còn là bất khả xâm phạm..
- Hành quân Coronado V : Trận Ba Rài..12 tháng 9-1967
Sau cuộc Hành quân Cẩm sơn, Quân lực HK cải thiện Lực lượng Hành quân Lưu động Sông (Mobile Riverine Force=MRF) , cải biến và chế tạo thêm các chiến đỉnh cho thích hợp hơn với hệ thống sông rạch miền Nam..thử nghiệm trên các sông rạch Rừng Sát, Long An (như Cẩn Giuộc)..Mỹ Tho và Bến Tre..
Các tài liệu tịch thu được sau các cuộc hành quân của Quân lực Việt Mỹ vào Khu vực Ban Long-Đồng tâm trước đó, cùng tin tình báo VNCH ghi nhận một số điểm tập trung và sự hiện diện của các TĐ 263 và 514 Địa phương VC trong mật khu Cẩm sơn.
Bộ Chỉ huy TrĐ 60/SĐ9 BB Hoa Kỳ quyết định mở cuộc Hành quân Coronado V tấn công vào khu Trung tâm Cẩm Sơn (cách cửa rạch khoảng 12km) lùng và diệt các lực lượng CQ..
Khu vực được nghi là nơi CQ trú quân là một gò đất nổi : Từ cửa Rạch nơi đổ ra s8ng Tiền về phía Bắc khoảng 10km, con rạch tẻ ngang về hướng Tây chảy thêm 2km, rồi uốn khúc về về Đông thêm 2 lần nữa và trở lại chạy theo hướng Bắc -Nam Cách chảy quanh quẹo của dòng rạch tạo ra một khu vực đất trống khá lớn sát cạnh con rạch.. Khu này QĐHK cho là.. Khu hành quân AO ..(CSBV gọi đây là Vùng Giải phóng 20 tháng 7)
Để tạo bất ngờ cho cuộc vây hãm CQ; Từ vài ngày trước, phi cơ (và trực thăng) trinh sát được lệnh ngừng bay qua khu vực AO.
Kế hoạch hành quân dự trù sử dụng 3 mũi tấn công : .
- Mũi chính là TĐ 3/60, do chiến đỉnh vận chuyển, sau khi vượt khỏi ‘mục tiêu HQ ‘AO’ sẽ đổ bộ tại hai khu vực xa hơn về phía Bắc bên bờ của một nhánh con rạch quanh về hướng Tây (ký hiệu các đổ bộ là Bãi trắng số 1 và 2 = WB1-2
- Mũi thứ nhì do TĐ 3/47, cũng do chiến đỉnh vận chuyển, sẽ tiến sau chờ cho Mũi 1 đổ quân xong, và đổ quân tại phía Nam AO, 2 điểm đổ bộ là Bãi đỏ 1 và 2 = RB 1-2
- Hai mũi này sẽ tấn công vào AO từ hai hướng Bắc ( từ trên đánh xuống) và Nam ( từ dưới đánh lên). Các chiến đỉnh sau khi đổ quân sẽ làm nút chặn trên rạch, và dùng làm hỏa lực yểm trợ bằng các đại bác 20 và 40 cơ hữu, cối 81 trực xạ gắn trên chiến đỉnh.
Chiến đoàn Hành quân lưu động Sông (Mobile Riverine Force) TF-117 của HQHK đảm nhận hai công việc chuyển quân trên.
- TĐ 5/60 di chuyển trên bộ có M-113 yểm trợ sẽ vào vùng AO từ hướng Đông
Kế hoạch bao vây 3 mặt này.. nếu thành công trên lý thuyết sẽ diệt được trọn CQ !
Chắc ăn hơn.. TĐ 44 BĐQ VNCH còn được rải quân ngoài xa bên phía Tây vùng AO.
Nhưng thực tế chiến trường lại.. khác, không diễn ra theo phía Hoa Kỳ.. Kế hoạch hành quân mất yếu tố bất ngờ.. CQ đã phục kích sẵn trên khúc rạch ‘ quẹo-uốn khúc’ và nổ súng..không chờ cho đoàn chiến đĩnh vượt qua để đến ‘Bãi trắng’ ! CQ nấp kỹ tại các vị trí chọn sẵn, có nơi thật gần mực nước rạch đến mức súng gắn trên tàu không hạ thấp được để bắn trả..Hai chiến đỉnh LCM-6 (T-91-1) và (T-91-4) đi đầu làm tàu rà mìn, đếu trúng mìn và bị B-40 bắn tới tấp, quay ngang gây kẹt trên khúc rạch hẹp .Tất cả các chiến đỉnh, lúc này, được lệnh nổ súng bắn trả.. Sau đó Monitor 111-2 trúng B-40..nhưng không hư hại nặng. Chỉ một chiến đỉnh chở quân vượt được khỏi ổ phục kích và 1 trung đội BB đổ lên Bãi WB-1.. chờ các toán quân đi sau ! Nhưng các chiến đỉnh phía sau..bị kẹt..Toán quân đã trên Bãi WB-1 được lệnh rút ra , lên lại chiến đĩnh để trở lại.. may mắn là lúc rút về qua khu vực bị phục kích trước đó lại an toàn..
Các chiến đỉnh cũng quay lui..để vài chiếc tiếp tục ở tại chỗ để..phản kích. Các quân nhân bị thương được di tản, xạ thủ HQ trên các chiến đỉnh trúng đạn được thay thế..
Trực thăng vũ trang SeaWolf HQ oanh kích tiếp trợ, bắn phá khu vực CQ ẩn núp.
Sau khi tái tổ chức tại bãi Đỏ (RB-1), dùng phương pháp cũ , cũng 2 LCM-6 trống đi đầu và cũng bị CQ nổ súng ngăn chặn nhưng lần này khác hơn là các chiến đỉnh theo sau vừa di chuyển vừa bắn phá hai bên bờ.. Và một số chiến đỉnh chở quân (ATC) vượt đến được Bãi trắng và cuộc đổ bộ được thực hiện..Quân Mỹ lên bờ nhưng bị súng nhỏ CQ bắn chặn.. không tiến sâu được..3/60 tiến chậm xuống
Phi cơ A-37 và F-4 phản lực vào vùng liên tục bắn phá các vị trí CQ
TĐ2/60 được trực thăng vận vào khu vực phía Đông của AO..
Cuộc tấn công bao vây của quân Mỹ tiếp tục..phi pháo suốt chiều tối. Quân HK lo thiết lập chu vi phòng thủ đêm, chờ sáng.. nhưng CQ phân tán và rút lui qua các con rạch nhỏ khi đêm xuống, về Xã Long Trung..
Khi kiểm soát trận địa phục kích của CQ trên một tuyến dài 1.5km : BB Mỹ tìm được 250 hầm hố kiên cố , 79 xác VC chết kẹt trong các hầm hố.
Tổng kết tổn thất :
- Phía BB Mỹ : 7 tử trận, 123 bị thương ; HQ có 3 chết, 66 bị thương
Không chiến đỉnh nào bị chìm, tuy bị hư hại
- Phía CQ (TĐ 263 VC) : 213 bị hạ (bỏ xác tại chỗ, kể cả số chết trong hầm hố )
4 bị bắt..
CSBV ghi lại chiến công ‘tưởng tượng’ này : ‘bắn chìm 16 tàu các loại; bắn cháy và hư 10 chiếc khác.. bắn chết và bị thương hơn 500 tên địch, bắn cháy 9 xe M113 chở trên tàu chiến của địch “ Đặc biệt nhất là ..không ghi thiệt hại của quân GP (bảo toàn lực lượng)
- Trở lại Cẩm Sơn : (Coronado IX 11-1967 đến 1-1968)
Các cuộc hành quân tại Giáo Đức trong tỉnh Định Tường của Quân lực Việt Mỹ trong tháng 10-1967, tịch thu được các tài liệu ghi nhận TĐ 514 VC, bổ xung quân qua ngã Đồng Tháp tiếp tục quậy phá quanh vùng Mật Khu Cẩm Sơn :
- Ngày 5 và 6 tháng 11 : Hai TĐ BB HK tảo thanh Cẩm Sơn.. Các xà lan chở đại bác 105 được đưa vào neo đậu tại một bãi bồi bên sông Mỹ Tho, dủng yểm trợ hành quân.. Kết quả phá hủy được 34 hầm hố, tịch thu 360 kg gạo, 55kg muối. Hạ được 5 du kích.. CQ né tránh đụng độ..
- TĐ 5 TQLC VNCH (do Th tá Nam chỉ huy) được đưa đến phối hợp hành quân cùng Quân HK..
- Ngày 9 tháng 11 Liên quân Việt Mỹ tiến vào Cẩm Sơn tấn công các TĐ 263 và 514 VC đang trú ẩn tại đây: TĐ 5 TQLC đổ bộ cùng TĐ3/47 HK. TĐ 4/47 HK trực tha7ng vận vào vùng từ Đồng Tâm. Ngày 10 , quân HK tách ra hành quân về hướng Ban Long-Ấp Bắc; TQLCVN ở lại Cẩn Sơn, đụng nhỏ, hạ 7 CQ
- Cả hai TĐ CQ đểu rút về Căn cứ 470 tránh đưng độ..
- TQLCVN tiếp tục các cuộc Hành quân phối hợp với HK qua các vùng ranh Kiến Phong-Định Tường : Trận Rạch Ruộng (12km Đông Mỹ Tho) là chiến thắng đặc biệt của TĐ5 TQLC hạ 266 VC của TĐ502VC ; TQLC có 40 hy sinh)
- Ngày 14 tháng 12: Lực lượng Hành quân Lưu động Sông ngòi HK lại đột nhập Cẩm Sơn, dùng chiến đỉnh tiến đánh khu vực Nam mật khu.. chỉ hạ được 9 CQ bắt sống được 4 VC, phá hủy 73 hầm hố, 42 hầm bẫy, 3 chiến hào và thu 2 xuồng. Phía Mỹ-Việt có 24 quân nhân bị thương do mìn bẫy..
CTF-117 trong lần Hành quân này đã thử nghiệm một chiến thuật “mới” : lập một Toán chiến đỉnh ‘bọc thép’ trinh sát (Riverine armored reconnaissance Element) = RARE gồm 2 monitor, 2 ASPB và 2 ATC chở theo M113 gắn súng phun lửa RARE lãnh nhiệm vụ mở đường cho đoàn chiến đỉnh theo sau..
- Vẫn Rạch Ba rài : 13 tháng 7 năm 1968
Khu vực Cẩm Sơn-Ba Rài trong suốt năm 1968 vẫn là trọng điểm tảo thanh của liên quân Việt-Mỹ.. Các cuộc đụng độ ‘nhỏ’ thường xuyên xảy ra và CQ luôn luôn tránh né ..
- Ngày 18 tháng 3 ; trong cuộc Hành quân Coronado XII , Lực lượng hành quân tấn công vào Cẩm Sơn : hạ 31 CQ, bắt sống 10 nhưng RAD -92 bị mất Tr úy David H Wyrich vì pháo kích, 6 binh sĩ HK khác (2 HQ và 4 BB) bị thương.( River Assault Squadron Nine -Chronology of Events -1966-1969)
- Ngày 13 tháng 7 : Các chiến đỉnh của CTG 117.2 đổ quân của TĐ 4/39 vào hai bên bờ rạch Ba Rài, đoạn đổ ra sông Tiền..Sau khi trực thăng và pháo binh dọn bãi : các đại đội C (đổ bộ lúc 9 giờ 45) và đđ A đều bị súng nhỏ bắn ra từ bờ rạch.. ĐĐ B đổ bộ lúc 10 giờ 45..Chiến đỉnh T-131-8 lúc đang ủi bãi bị trúng mìn (11 giờ 30); T-131-13 cũng trúng mìn ngầm lúc 12 giờ 50, gây một lỗ hổng 45cm Tuy không thiệt hại nhân mạng nhưng 2 chiến đỉnh phải được trục vớt.. Các chiến đĩnh tạo chu vi phòng thủ quanh khu vực..
9 nhân viên HQ và 7 BB phải tải thương bằng trực thăng.
BB kiểm soát khu vực đổ bộ tìm được 2 xác VC cùng nhiều vũng máu trong các hầm hố phục kích. Dấu vết cho thấy, mìn được điều khiển gây nổ từ xa..
Cuộc hành quân không gặp CQ (?) (Snoopy’s Nose After action Report 13 July-1968 cùa BuNavRec)
Sau khi HQHK rút khỏi Việt Nam, và chuyển giao các chiến đỉnh cho HQVN, Hải sử VNCH không ghi lại các trận chiến trong khu vực Cẩm Sơn-Ba Rài..
- Các Chiến đỉnh Việt-Mỹ trong Chiến tranh sông ngòi :
Trong Chiến tranh Sông ngòi tại Nam Việt Nam, Lực lượng Việt-Mỹ đã sử dụng một số loại Chiến đỉnh :
1- Hải quân VNCH :
HQ Quốc gia VN khi còn trong Liên Hiệp Pháp chỉ có một lực lượng lượng khiêm nhượng : Giang lực mới chỉ có 2 Hải đoàn Xung Phong , do Pháp chỉ huy và trang bị theo các Dinassault (Divisions Navales d’assault)
- Dinassault Cần Thơ (10 tháng 4 năm 1953) sau thành HĐXP 25
- Dinassault Vĩnh Long ( tháng 6-1953)(HĐXP 23)
Sau đó Tháng 3-1954 HQVN nhận HĐ 21 XP và Tháng 8-1954 nhận HĐ 24 XP
- Các giang đỉnh do Pháp chuyển nhượng :
Khi trở lại Đông Dương vào năm 1945, Quân đội Pháp hầu như phải tổ chức lại toàn bộ, Lực lượng Hành quân Sông của Pháp phải thu nhặt các giang đỉnh còn lại kể cả các tàu thuyền của Nhật, tàu cũ của quân Anh-Ấn (đến để giải giới Nhật), xin các tàu đổ bộ phế thải của Hoa Kỳ..sửa chữa và cải biến ngay tại Xưởng Ba-Son (Thị Nghè) Pháp có một số chiến đỉnh như :
- Commandement (LCM Command Boat)
LCM cải biến dùng làm giang đỉnh chỉ huy. Dài 20m, vận tốc 8 knots, trang bị 2 đại bác 20 ly, hai đại liên .30 và 2 đại liên .50 , có thể thêm 1 cối 81 đặt dưới lòng tàu
(Sau này HQVN cải biến thêm, có phòng ngủ sĩ quan, gắn một ụ súng quay được, hệ thống truyền tin )
Thủy thủ đoàn : 10 người
Soái đĩnh Commandement của một Giang đoàn xung phong HQVNCH (Ảnh của Naval History and Heritage Command).
- Monitor
LCM biến cải tại Xưởng SaiGon bọc thép; Cửa độ bộ gỡ bỏ; gắn pháo tháp lấy từ chiến xa Coventry (Anh cũ), trang bị hai đại bác 20 ly (một tại pháo tháp phía mũi và một tại phía sau ); 2 đại liên 12 ly 7..
(HQ HK cải biến các Monitors thành nhiều ‘phiên bản’ . Xem dưới)
- STCAN/FOM (Vedette FOM)
STCAN= Services Techniques des Construction et Armes Navales
FOM = France Outre Mer
Chiến đỉnh có 2 loại dài 8m hay 11m; ngang 3m; độ chìm 0.8m khung sườn hình chữ V, chống được mìn ngầm, nên cũng dùng làm giang đỉnh phá mìn . Vận tốc chậm : 8 knots. Dùng máy tàu Renault 70 mã lực Bọc thép và trang bị một đại liên 12.7, 3 đại liên Reibel 7.5 . Thủy thủ đoàn 8 người.
Loại FOM 11 mạnh hơn gắn 2 máy Renault, vận tốc có thể đến 10 knots.
Đây là loại chiến đỉnh được HQ Pháp sử dụng nhiều nhất tại Đông Dương.
Trong Hải sử tuyển tập trang 387, tác giả Phan Lạc Tiếp, mô tả tàu FOM như sau “.. một loại tàu được đóng để HQ Pháp hoạt động ngoài nước, đặc biệt cho Đông Dương, chiến đỉnh này dài 36 bộ, rộng độ 7 bộ, mũi nhọn, đáy tàu cũng nhọn, chạy nhanh xé nước tạo thành vùng trũng khiến toàn thân tàu gần như thấp hơn mặt nước, tránh được các loại súng lớn từ bờ muốn bắn vào phần thân tàu. Cũng vì mũi nhọn và đáy nhọn, khi bị thủy lôi, sức công phá của thủy lôi tạt qua một bên..đáy tàu không bị phá.. “
Tiểu giáp đỉnh FOM HQ5041 tuần tiểu trên sông (Ảnh của LIFE).
FOM của HQVNCH được trang bị : (HSTT) “.. một đại liên 12 ly 7 tại mũi, với dàn pháo tháp bằng thép bao quanh, đại liên này có tầm hoạt động mạnh, xa đến 5 cây số và vòng hoạt động 220 độ về phía trước và hai bên. Trên nóc tàu có 2 đại liên 30, sau lái 1 đại liên 30 nữa, chưa kể các loại súng nhỏ…”
HQVNCH còn gọi FOM là Tiểu giáp đỉnh
- LCU Landing Craft-Utility ) = Giang vận hạm
Tàu đổ bộ thời Thế chiến do Mỹ chế tạo. Trọng tải 180 tấn; 3 máy dầu với 3 chân vịt nên vận tốc đạt 10 knots; trang bị 2 đại bác 20.
- LCVP bọc thép (Pháp chế biến gọi là Engin d’Assault= EA)
Chiến đỉnh đổ bộ nhỏ thời Thế chiến 2, đáy bằng ; cải biến bằng bọc thép hai bên thành tàu, gắn thêm 1 đại bác 20 ly và 3 đại liên .30 (hai bên hông và một trên mui, yại phòng lái.; Thủy thủ đoàn 4 người Chở được 36 quân hay 3.3 tấn hàng..HQVN gọi là Tiểu vận đỉnh .GĐXP VN biến cải một số chiến đỉnh : cửa đổ bộ hàn kín, không còn chở quân nhưng tạm dùng làm tàu rà mìn
- RPC = River Patrol Craft (Tuần giang đỉnh) ( HSTT trang 421 gọi là Truy kích đỉnh ?)
Dài 11m , có 2 máy dầu. Vận tốc 14 knots, trang bị 2 dàn đôi đại liên .50 và 1 đại liên .30 (đơn) (Dự án Hải sử ghi là Vedettes ?)
HQ Pháp tại Đông Dương ghi loại chiến đỉnh này là Vedette de Port , tuy dùng ven biển nhưng HQ Pháp dùng trên sông : 21.9m x 4.65m x 1.8m ; vận tốc 12 knots; Thủy thủ đoàn 1 SQ+7 thủy thủ; Trang bị 2 Oerlikon 20ly; 2 đại liên 12.7
- LCM bọc thép= LCM blindé
Tàu đổ bộ LCM-6, cho đến 1950 đây là loại giang đỉnh chính của các Dinassault dùng chở quân (4 chiếc có thể chở được 1 Tiểu đoàn BB), chở chiến xa M8, xe vận tải hay 30 tấn hàng hóa. Vũ khí (Pháp) gồm 2 đại bác oerlikon 20 ly; 2 đại liên 12.7
Trung vận đỉnh tác chiên LCM-8 của một Giang Đoàn xung phong HQVNCH (Ảnh của The Brown Water Navy (Victor Croizat).
(Chiến đỉnh chính của các Giang đoàn HQVNCH), cải biến thêm bằng bọc thép hai bên hông, trang bị 3 đại bác 20 ly và 2 đại liên .50. Chở được 120 quân, hay 32 tấn hàng. HQVNCH gọi là Quân vận đỉnh hay Trung vận đỉnh
(Quân đội Pháp tại Đông Dương nhận các LCM từ quân cụ thặng dư của Mỹ vào năm 1951 và dùng làm tàu chuyển vận trong đó có LCM-3, LCM Mk1 (Anh) Họ còn chuyển biến một số xe lội nước M-29 Weasel (Crab), LVT (Landing Vehicle Craft = US Buffaloes), LVT(A) [A=Armored], gắn thêm đại liên các loại thành giang đỉnh đề hành quân..)
Các giang đoàn Việt Nam lúc còn thuộc Pháp = Groupe Autonome d’Escadrilles Fluviales = GAEF có sử dụng một loại giang đỉnh riêng, có tên là Vedette Vietnamienne
vỏ gỗ biến cải từ các LCP(L), gắn các súng như 12.7 , Oerlikon.. Các tàu này phế thải vào 1952-53.. (?)
2- Lục quân Hoa Kỳ tại Việt Nam :
Quân đội Mỹ đặt chân đến vùng châu thổ sông Mekong vào năm 1957 khi các Cố vấn Mỹ thay thế cho quân Pháp. Năm 1965 TĐ 13 Máy bay chiến đấu của Lục Quân Mỹ đã giúp Quân đội VNCH trong các cuộc hành quân. Năm 1966, kế hoạch hành quân trên sông được Lục quân HK phác họa dựa theo kinh nghiệm của Pháp để lại.. Tháng 7 năm 1966 , SĐ 9 BB HK đến tham chiến tại Vùng đồng bằng Sông Cửu Long.. Các kế hoạch ‘Hành quân Lưu động trên Sông ngòi (Mobile Riverine Campaign) được áp dụng phối hợp giữa Lục quân và Hải quân. HQ chịu trách nhiệm vận chuyển và đổ bộ cùng yểm trợ..Lưc quân lo các trực thăng và phi cơ trinh sát..Lục quân Hoa Kỳ có một số LCM và LCU dùng trong chuyển vận đường sông tại VN.
Trong khi chờ trang bị và các chiến đỉnh.. HQHK tạm mượn các chiến đỉnh của HQVN để.. tập dượt .
3 – Hải quân Hoa Kỳ :
Lực lượng Hành quân lưu động Sông của Hải Quân Hoa Kỳ từ những ngày đầu đã ‘mượn’ các Giang đỉnh của HQVNCH để sử dụng trong các cuộc hành quân.
Khi kiện toàn tổ chức : Riverine Assault Force (Giang lực Thủy-Bộ) hay TF-117 = Lực lượng Đặc Nhiệm 117 Hải Quân Hoa Kỳ có quân số 3717 người, số chiến đỉnh lên đến 161 giang đỉnh gồm 103 ATC, 31 ASPB, 6 CCB, 17 Monitors và 4 giang đỉnh chở dầu , với sự yểm trợ của một số tàu Tiếp vận riêng..Số chiến đỉnh sau đó do nhu cầu được tăng thành 182..
Hải quân HK đã cải biến các Giang đỉnh đồng thời cũng thiết kế và thử nghiệm vài loại Giang đỉnh mới để đáp ứng cho nhu cầu chiến thuật khi hành quân :
- Monitors : Tiền phong đỉnh
Đây là loại Giang đỉnh được biến cải quan trọng nhất . HQHK tái tổ chức ‘Lực lượng Chiến đấu Hành quân trên sông ngòi vào 18 tháng 12, 1965 khi QĐHK trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Các monitor đầu tiên được River Assault Flotilla One sử dụng là các chiến đỉnh ‘mượn tạm’ của các Hài đoàn Xung Phong VNCH..
Các monitor sau đó được BuShips đóng mới (dựa theo kiểu cũ ) và biến cải, lắp đặt thêm các hệ thống vũ khí khác nhau.. Việc cải biến các Vietnam Monitor chia thành 2 chương trình chính.
Cả hai đều dùng các LCM-6 ( kiểu Thế chiến 2), dài 56ft (17m) , cải thiện thành 60ft (18m), ngang 17ft (5.2m), độ chìm 3.5ft (1.1m), sức đẩy 220 mã lực do 2 động cơ Gray Marine 64HN9; vận tốc 8.5 knots (15.7 km/h). Thủy thủ đoàn 11 người
Tiền phong đĩnh Monitor của HQVNCH tuần tiểu trên sông (Ành của Jim Mesko).
- Chương trình biến cải số 4 (Program 4) (Monitor 40 ly)
Chương trình này dùng các monitor thế hệ 1 , khác nhau do vũ khí trang bị
-Monitor ‘thế hệ 1′ : 1 đại bác 40 ly ; 1 đại bác 20 ly ; 2 đại liên 0.50 ; 4 đại liên 7.62 ; 1 cối 81 ly ; 2 giàn phóng lựu Mk18..
– Chương trình biến cải số 5 (Program 5) (Monitor F và H)
Dùng các Monitor thế hệ 2 , gồm 2 loại F và H
-Monitor F (Flamethrower) : Monitor phun lửa : 2 đại bác 20 ly; 2 đại liên 0.50 ; hệ thống phun lửa tầm xa 2200m
-Monitor H (Howitzer) : Monitor chở đại bác 105 : 1 đại bác 105 ly howitzer; 2 đại bác 20 ly ; 2 đại liên 0.50 và 1 đại liên 7.62
HQVNCH nhận 22 Monitors (program 4) và 42 Monitors (program 5)
- ATC (Armored Troop Carrier) Chiến đỉnh Tango , Quân vận đỉnh
Khi HQHK tham chiến tại VN, họ phải mượn tạm các LCM bọc thép của HĐXP 22 để thực tập và dùng thử trong các cuộc Hành quân Thủy bộ,,.
ATC hay Tango là một LCM-6 biến cải và HQHK thay đổi thêm cấu trúc , thiết trí các loại vũ khí mới hầu đáp ứng cho nhu cầu chiến trường..
Một phân đội quân vận đỉnh Tango (ATC) của Lực lượng đặc nhiệm TF-117 HQHK ủi bãi trong một cuộc hành quân thủy bộ (ảnh của militaryimages.net).
Chiến đỉnh Tango dài 56ft (18m), ngang 17.5ft (5.3m), tầm nước 0.8 m ; trọng tải 60 tấn ; vận tốc 9.2 knots (15 km/h) , tuy nhiên do bọc thép cứng loại XAR-30 hai bên hông và gắn súng nặng nên vận tốc thực tế chỉ 6 knots (11km/h). động cơ đôi Gray Marine 225 mã lực;. Dạng tàu đổ bộ giữ nguyên, mở bửng để đổ quân. Các ATC đầu tiên có mui bằng vải bạt (rag tops), và sau đó thay bằng mái cứng có thể chịu nổi một trực thăng UH-1 đáp xuống.
Thủy thủ đoàn 7 người
Vũ khí trang bị căn bản gồm 1 đại bác 20 ly, 2 đại liên 0.50 và 4 đại liên .30; 2 giàn phóng lựu MK -18
ATC có thể chở 1 Trung đội 40 binh sĩ , một xe M-113 hoặc 1 đại bác 105
ATC có thêm các dạng biến cải :
- ATC (H) = (Helicopter) có sàn làm bãi đáp cho trực thăng. Chiến đỉnh loại này có thể dùng làm Trạm cứu thương dã chiến cấp Tiểu đoàn, có phòng mổ và tủ lạnh tồn trữ máu cần khi cấp cứu.
- ATC ‘Douche boat’ = Water Cannon boat
Loại chiến đỉnh này được gắn động cơ mạnh hơn GM 12V71 V-12; trang bị hệ thống bắn nước áp suất cao, hai vòi phun tia nước mạnh đến 3000psi phá hủy các hầm hố mà đạn 105 ly..không hữu hiệu.
– ATC ‘tiếp nhiên liệu’ (refueler) : Chiến đỉnh trang bị các túi đựng nhiên liệu
cho các chiến đỉnh (mogas=combat gasoline) và cho trực thăng (avgas)
Dạng biến cải đặc biệt nhất là ATC ‘Zippo’ .
* Chiến đỉnh ‘phun lửa’ Zippo
Trong giai đoạn đầu khi có nhu cầu ‘phun lửa’, HQHK dùng một LCM-6 chở theo một Thiết vận xa ‘M-113 phun lửa để phóng hỏa đốt các hầm trú ẩn CQ dọc ven sông rạch và đặt tên chiến đỉnh là Zippo.
Sau đó một chiếc ATC (T-111-7) được biến đổi hẳn thành tàu phun lửa bằng gắn 2 pháo tháp súng phun lửa M10-8 cùng các thiết bị ép hơi và dẫn xăng..
Một Monitor (M-92-2) được cải biến bằng gắn hệ thống phun lửa sau pháo tháp của đại bác 40, nơi cối 81. Chương trình ‘5′ cũng chuyển nhiều Monitors khác thành Chiến đỉnh Zippo.
HQVNCH nhận 6 Zippo , Phóng hỏa đỉnh, mang số HQ 6525; 6534 và 6535; 6541 và 6542 ; 6545.
- Command Control Boat (CCB) = Tiền phong đỉnh chỉ huy (Soái đỉnh)
Các CCB và các Monitor đầu tiên có thiết kế gần tương tự : điểm khác biệt là CCB có một ‘phòng’ trang bị hệ thống liên lạc viễn thông thay vì sàn cối 81; và gắn pháo tháp cho đại bác 20 nơi mũi (thay vì 40)
HQVNCH nhận được 9 Chiến đỉnh . mang số HQ 6100 đến HQ 6108
- Assault Support Patrol Boat (ASPB); Chiến đỉnh Alpha – Trợ chiến đỉnh
Các trợ chiến đỉnh Alpha (ASPB) của Lực lượng đặc nhiệm TF-117 HQHK vận chuyển trên sông rạch (Ảnh của bluejacket).
Đây là loại Chiến đỉnh duy nhất mà HQHK đã thiết kế từ đầu để sử dụng tại chiến trường sông rạch VN. ASPB có thể dùng để phá mìn; nhẹ và nhanh hơn các Monitor nên trang bị vũ khí và bọc thép’ giới hạn’ hơn. ASPB có hệ thống thoát hơi dưới nước nên hoạt động ‘êm’ hơn.. Tại VN , ASPB dùng làm giang đỉnh phục kích, tuần tiễu, trinh sát và hộ tống..
Chiến đỉnh dài 50ft, ngang 15ft, có 2 động cơ dầu cặn 12V71 , 2 chân vịt. Thân tàu bọc thép. Vận tốc 14 knots. Thủy thủ đoàn 5 người.
Trang bị 1 cối 81 trực xạ hay 2 đại liên 7.62 hay đại liên 0.50. Pháo tháp, nơi mũi tàu, được thiết kế để có thể lắp đặt các loại đại bác 20 ly, súng 0.50, súng 7.62 và hệ thống phóng lựu 40 ly tự hành.
Các ASPB được cải thiện và biến cải nhiều chi tiết về bọc thép và vũ khí trong suốt 1967-1971
Cuối 1969, nhiều chiếc ASPB được lắp 4 giàn đôi (4X2) phóng rocket Mk47 , rocket 40 ly, loại đầu nổ công phá HEAT hay WP (White phosphorus). Giàn phóng rocket được gắn chung trên pháo tháp Mk 48 Mod 2 với dàn đại bác đôi 20 ly.
Cải biến đáng chú ý nhất từ ASPB là MSR (Minesweeper, River) . Chiến đỉnh này dùng làm tàu Chỉ huy và Điều khiển loại MSD (Minesweeping Drone) không người lái : MSD dài 23ft điều khiển từ xa, vỏ không từ tính. MSR trang bị hệ thống phá mìn và các hệ thống điện tử; pháo tháp gắn 2 đại liên 7.62 (thay cho đại bác 20 ly). Các MSD không chuyển cho HQVNCH.
84 chiến đỉnh ASPB đươc chuyển giao cho HQVNCH trong khoảng 1969-70. mang số từ HQ 5100 trở lên.. và 8 chiếc MSR.
Các tài liệu sử dụng :
Để viết bài ngắn này chúng tôi đã dùng các tài liệu từ :
– VietNam Studies : Riverine Operations 1966-1969 (MG William Fulton)
– The Mobile Riverine Force in the Mekong Delta 1966-1969 (Regan Grau)
– Seven Firefights in VietNam : Fire along the Rach Ba rai (John Albright)
– VietNam :The Decisive Battles (John Pimlott)
– Battles and Campaigns in VietNam 1954-1984 (Tom Carhart)
– The Brown Water Navy (Victor Croizat)
– From the Rivers to the Sea : The US Navy in VietNam (R.L Schreadley)
– The Brown Water Navy in VietNam (Robert Stoner)
– Tạp chí quân sự Mỹ như VietNam, Modern Warfare, Jane’s Defense
Các chi tiết về Chiến đỉnh, chương trình cải biến của BuShips trong :
– US Small Combatants (Norman Friedman) có các kế hoạch Viện trợ và các số
liệu về các Giang đỉnh chế tạo và bàn giao cho HQVNCH..
– The Boats :French Riverine Craft (Pháp văn trong France/Indochine)
Các tài liệu Việt ngữ :
- Hải sử Tuyển tập (Tổng Hội Hải Quân & Hàng hải)
- Dự án Hải sử (Vũ Hữu San)
- Chiến tranh Việt Nam Toàn tập (Nguyễn Đức Phương)
- Các bài viết về HQ của nhiều tác giả do Anh TVQ chuyển..
Trần Lý 6-2020