13/07/1787: Quốc hội Hoa Kỳ ban hành Pháp lệnh Tây Bắc

13/07/1787: Quốc hội Hoa Kỳ ban hành Pháp lệnh Tây Bắc

\"\"

Nguồn: Congress enacts the Northwest OrdinanceHistory.com

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Vào ngày này năm 1787, Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành Pháp lệnh Tây Bắc để quy hoạch khu định cư của Lãnh thổ Tây Bắc và định hình chính sách cho việc sáp nhập các tiểu bang mới vào liên bang. Các thành viên Quốc hội biết rằng nếu liên bang Hoa Kỳ muốn tồn tại toàn vẹn, họ sẽ phải giải quyết tranh chấp của các tiểu bang đối với lãnh thổ phía tây.

Năm 1781, Virginia bắt đầu chuyển giao yêu sách lãnh thổ rộng lớn của mình cho Quốc hội, một động thái đã giúp các tiểu bang khác thoải mái hơn khi hành động tương tự. Năm 1784, Thomas Jefferson lần đầu đề xuất phương pháp sáp nhập các lãnh thổ phía tây này vào liên bang Hoa Kỳ. Kế hoạch của ông về cơ bản đã biến các lãnh thổ này trở thành thuộc địa của các bang hiện có.

Mười lãnh thổ tây bắc mới sẽ lựa chọn hiến pháp của một trong các bang này và chờ tới khi dân số đạt 20.000 người thì sẽ chính thức gia nhập liên bang với tư cách một tiểu bang đầy đủ. Tuy nhiên, Quốc hội sợ rằng các tiểu bang mới – với 10 bang ở Tây Bắc cùng Kentucky, Tennessee và Vermont – sẽ nhanh chóng lớn mạnh và áp đảo các bang cũ về số phiếu, và giải pháp này đã không bao giờ được thông qua.

Ba năm sau, Pháp lệnh Tây Bắc đã đề xuất thành lập ba đến năm bang mới từ Lãnh thổ Tây Bắc. Thay vì áp dụng cấu trúc pháp lý của một bang hiện có, mỗi lãnh thổ sẽ có một thống đốc và một hội đồng được chỉ định. Khi dân số đạt đến 5.000 người, cư dân có thể bầu ra hội đồng của riêng họ, song thống đốc vẫn sẽ giữ quyền phủ quyết tuyệt đối. Khi số người cư trú trong lãnh thổ đạt đến 60.000, họ sẽ được soạn thảo hiến pháp và làm đơn để chính thức trở thành một tiểu bang đầy đủ.

Pháp lệnh quy định các quyền tự do dân sự và giáo dục công lập bên trong các lãnh thổ mới, song cấm chế độ nô lệ. Những người miền Nam theo chế độ nô lệ đã chấp nhận chính sách này bởi họ hi vọng các tiểu bang mới sẽ được cư trú bởi người da trắng miền Nam. Họ cho rằng dù những người miền Nam ấy không sở hữu công nhân nô lệ của riêng mình, nhưng họ cũng sẽ không tham gia vào phong trào bãi nô đang ngày càng lớn mạnh ở miền Bắc. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment