Quyết định về Huawei của Anh cho thấy căng thẳng chiến lược với Trung Quốc

James LandalePhóng viên Ngoại giao

\"huawei
Image captionCăng thẳng về mạng 5G của Huawei là triệu chứng của áp lực rộng lớn hơn mà Trung Quốc đang phải đối mặt trên toàn cầu

Thế giới ngoại giao có hai thứ là lời nói và hành động. Hai bên có thể thường xuyên lời qua tiếng lại mà không dẫn đến trận chiến. Nhưng những quyết định khó khăn mang đến hậu quả quan trọng thường tạo ra những phản ứng cụ thể.

Vì vậy, có thể khi Anh công bố các kế hoạch được dự trù trước, nhằm hạn chế thêm sự tham gia của Huawei, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, vào mạng viễn thông di động 5G của nước này, thì đây là thời điểm mà sự căng thẳng âm ỉ Trung-Anh có thể đi đến tình trạng sôi sục.

Cho đến nay, Trung Quốc đã buông những lời đe dọa chung chung mà không cụ thể. Đại sứ của nước này tại London, Lưu Hiểu Minh, cảnh báo rằng Anh sẽ phải \”gánh chịu hậu quả\” nếu coi Trung Quốc là một quốc gia thù địch.

Cấm Huawei, ông Lưu nói, sẽ làm tổn hại danh tiếng của Anh như một quốc gia thương mại mở. Anh sẽ không còn được tin tưởng là sẽ giữ cam kết của mình. Thế giới sẽ biết Vương quốc Anh đã \”chịu thua áp lực nước ngoài\” – ý ông là Mỹ – và không còn có chính sách đối ngoại độc lập.

Nhưng khi bị hỏi dồn, cả về quyết định liên quan đến Huawei và việc Vương quốc Anh đưa ra con đường trở thành công dân cho tối đa 3 triệu cư dân Hong Kong, sau khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới hà khắc lên thành phố này – Đại sứ Lưu Hiểu Minh từ chối cho biết Bắc Kinh có thể sẽ phản ứng như thế nào. \”Hãy chờ xem,\” ông nói với ánh mắt không hoàn toàn vui vẻ.

Ngoại giao với tầm nhìn dài?

Một phản ứng chậm không có gì là bất thường. Trung Quốc nổi tiếng là có quan điểm lâu dài về ngoại giao. Trong khi nhiều chính trị gia phương Tây khó có thể nhìn thấy xa quá tuần tới, các chính khách Trung Quốc thường nhìn lịch sử trong nhiều thập niên, nếu không nói là hàng thế kỷ.

Bắc Kinh biết rằng sự thay đổi của Anh đối với Huawei là một phần của nỗ lực rộng rãi đánh giá lại mối quan hệ của họ với Trung Quốc mà hiện vẫn chưa có kết luận. Một động thái gọi là \”Đánh giá tích hợp\” về chính sách đối ngoại của Anh đang được tiến hành, trong đó sức mạnh đang lên của Trung Quốc sẽ đóng vai trò tâm điểm.

\"UK
Image captionAnh đang đánh giá lại những nguy cơ kinh tế với Trung Quốc trước các sự kiện gần đây

Do hậu quả của đại dịch Covid-19, chính phủ Anh đang xét lại nguy cơ kinh tế của Anh trong việc giao thương với Trung Quốc, không chỉ về mặt dược phẩm hay thiết bị y tế, mà cả các chuỗi cung ứng khác. Chính phủ Anh đã nắm thêm quyền hạn để ngăn chặn sự tiếp quản các công ty của Anh bởi các tập đoàn Trung Quốc, và đang soạn thêm luật dưới dạng Dự luật Đầu tư & An ninh Quốc gia.

Thúc giục chính phủ ở mọi chặng đường là một quốc hội đang muốn đẩy mạnh một đường lối cứng rắn hơn về Trung Quốc. Có một sự hợp tác của các nhóm mới trong đảng Bảo thủ Anh – Nhóm nghiên cứu Trung Quốc, Nhóm lợi ích Huawei, Liên minh Nghị viện về Trung Quốc. Đảng Lao động cũng đang vất vả vận động hành lang, với Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ đối lập, Lisa Nandy, kêu gọi kiềm chế sự đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, như năng lượng hạt nhân. Đảng Dân chủ cấp tiến muốn Vương quốc Anh cấp quyền định cư cho tất cả người dân Hong Kong, không chỉ những người có hộ chiếu Anh.

Vì vậy, phản ứng chính sách đối ngoại của Anh với Trung Quốc đang thay đổi. Bắc Kinh có thể đang chờ xem họ giải quyết như thế nào trước khi quyết định mức giá mà Anh phải trả cho sự quyết đoán mới của mình.

Bài Liên Quan

Leave a Comment