Giới tài phiệt Hoa kiều Đông Nam Á và quan hệ nhạy cảm với Trung Quốc
Nguồn: “South-East Asian tycoons’ high-wire act”, The Economist, 28/05/2020.
Biên dịch: Huỳnh Ngọc Lập
Các đế chế kinh doanh gốc Hoa đang gặp khó trước những đòi hỏi trái ngược đến từ một nơi họ đã xem là nhà và một nơi là quê hương của tổ tiên, một quốc gia ngày càng quyết đoán.
Năm 1919, Chia Ek Chor chuyển nhà đến Bangkok và mở một cửa hàng nhỏ nhập khẩu hạt giống từ quê nhà tỉnh Quảng Đông ở Trung Quốc. Hai thế hệ sau, doanh nghiệp này, Charoen Pokphand (CP), đã trở thành tập đoàn thống trị Thái Lan, kinh doanh mọi mặt hàng từ thịt gà, thịt heo, đến ô tô, điện thoại. Người ông sáng lập công ty, đã mất năm 1983, lấy họ Thái là Chearavanont. Nhưng ông vẫn có tình cảm sâu đậm đối với quê hương mình. Khi nói bằng tiếng Hoa, chữ đầu tiên trong tên của bốn con ông, Zhengmin (Chính Minh), Daimin (Đại Minh), Zhongmin (Trung Minh), Quốc Minh (Goumin), ghép lại sẽ thành “chính đại Trung Quốc”.
Sự gắn kết dòng tộc đối với Trung Quốc không chỉ là về mặt tình cảm. Bốn mươi phần trăm trong tổng doanh thu 68 tỉ USD hằng năm của CP đến từ hàng trăm công ty con ở Trung Quốc đang vận hành các nhà máy thức ăn gia súc, siêu thị và rất nhiều doanh nghiệp khác. CP nắm cổ phần lớn trong gã khổng lồ về công nghệ và bảo hiểm của Trung Quốc, Ping An. Họ cũng là đối tác được ưa thích của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Thái Lan, bao gồm SAIC, doanh nghiệp hợp tác với CP sản xuất ô tô thể thao MG và xe bán tải.
Hiện tại và quá khứ của gia tộc Chearavonont phản chiếu hình ảnh các gia đình gốc Hoa giàu có khác ở Đông Nam Á. Mặc dù chỉ chiếm 10% trong tổng số khoảng 650 triệu dân, các gia đình này thống trị phần lớn nền kinh tế 3 ngàn tỉ USD ở khu vực này. Nhiều gia đình phát tài nhờ vào các mối liên kết về dòng tộc với Trung Quốc. “Trung Quốc lợi dụng họ và, ngược lại, họ cũng lợi dụng Trung Quốc”, George Yeo, cựu ngoại trưởng Singapore đã nói như vậy.
Theo phân tích số liệu của The Economist từ tạp chí Forbes, năm ngoái, hơn ba phần tư trong tổng số 369 tỉ USD tài sản của các tỉ phú nằm trong tay người Hoa. Nhiều người trong số này đang sống ở Singapore, một thành quốc giàu có nơi người Hoa chiếm đa số. Tuy nhiên, các gia tộc giàu có cũng sống trải dài từ Đông Dương, Indonesia tới Phillippines (xem hình).
Robert Kouk, một người Malaysia, nắm giữ một đế chế bao trùm gần như tất cả mọi thứ, từ đường ăn đến chuỗi khách sạn Shangri-La. Tập đoàn Lippo của Indonesia, thuộc sở hữu của gia đình Riady, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và chăm sóc sức khoẻ. Trong danh sách năm ngoái, 15 trong tổng số 17 tỉ phú Phillipines là người Hoa; Tập đoàn SM, điều hành bởi gia tộc Sy, sử hữu các phố mua sắm xa xỉ trên khắp Trung Quốc. Mặc dù còn nghèo nên không có các tỉ phú, nhưng ở Myanmar, những doanh nhân thành đạt nhất cũng là người Miến gốc Hoa, như trường hợp Serge Pun của tập đoàn Yoma, một doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, hoặc Aik Htun của Tập đoàn Shwe Taung đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng và bất động sản.
Những doanh nghiệp này đã góp phần giúp khu vực Đông Nam Á trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vào năm nay, vượt qua EU. Xu hướng quốc tế hoá chậm lại và tâm lý bài Trung ở phương Tây – cộng thêm các sai sót trong việc đối phó với Covid-19 ở giai đoạn đầu và hoạt động siết chặt quyền lực đối với Hong Kong của Trung Quốc – đã tạo điều kiện cho Hoa kiều và Trung Quốc thắt chặt mối lương duyên.
Tuy nhiên, điều này không diễn ra một cách dễ dàng. ‘Giấc mộng Trung Hoa’ – dự án mơ hồ của Tập Cận Bình để giúp Trung Quốc vĩ đại trở lại cần nhiều hơn lòng ‘trung thành’ từ cộng đồng người Hoa hải ngoại. Cùng lúc đó, các chính sách đối với Hoa kiều của Chính phủ Trung Quốc đang làm cho các nước Đông Nam Á ngày càng cảm thấy nghi ngại đối với người hàng xóm khổng lồ phương Bắc. Việc tạo dựng các mối quan hệ thương mại mới ở đất mẹ mà không gây ra phản ứng gay gắt ở quê hương mới đòi hỏi kỹ năng ứng xử chính trị cực kỳ khéo léo của giới Hoa kiều.
Mặc dù người Hoa đã đến Đông Nam Á sinh sống từ thế kỷ 15, nhưng nhiều nhà sáng lập của các đế chế thương mại Hoa kiều ngày nay từng là người di tản xuống phương Nam để thoát cảnh nghèo túng và bạo lực từ đầu những năm 1900. Hầu hết đã đồng hoá văn hoá, đổi tên giống với người nước sở tại, chẳng hạn như gia đình nhà Chia. Đầu tiên, họ buôn may bán đắt, sau đó, có nhiều trường hợp lấn sân vào chính trị. Liem Sioe Liong của Salim Group, tập đoàn kinh doanh từ mì ăn liền đến tài chính, nổi tiếng có mối tâm giao với Suharto, nhà độc tài Indonesia từ năm 1967 đến 1998, đã thâu tóm các giấy phép béo bở và độc quyền trong nhiều lĩnh vực, từ nhà máy bột đến nhập khẩu hành tỏi.
Những mối quan hệ như vậy giúp giới tài phiệt Hoa kiều gây dựng nên các tập đoàn khổng lồ, được kết nối theo chiều dọc (vertically intergrated) khi châu Á tăng trưởng thần kỳ trong những năm 1990. Cùng với đó, các mối quan hệ này góp phần tạo ra thứ mà thỉnh thoảng người ta hay miêu tả là ‘hệ thống tre nứa’ của giới doanh nghiệp gốc Hoa, gắn chặt với nhau bởi các giá trị Nho giáo là cần cù và tiết kiệm. Kết quả hợp tác và cạnh tranh với nhau giúp giới chủ các doanh nghiệp này thống trị các ngành công nghiệp từ nông sản đến tài chính.
Giới doanh nhân Hoa kiều cũng được hưởng lợi lớn từ việc Trung Quốc mở cửa. Khi quá trình này bắt đầu từ những năm 1980, lãnh đạo ĐCSTQ đã tìm đến các tài phiệt gốc Hoa để thu hút vốn và chuyên gia. Nếu tư bản phương Tây góp một phần vào sự trỗi dậy của Trung Quốc, đầu tư từ người Hoa ở nước ngoài cũng quan trọng không kém. Năm 1979, CP trở thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên thành lập nhà máy ở đặc khu kinh tế Thâm Quyến, nơi hoạt động kinh doanh có thể tận hưởng lợi ích từ một thị trường tự do bậc nhất. Cùng với việc bán đường ăn, ông Kuok từ sớm đã mở chuỗi khách sạn Shangri-La ở Trung Quốc, cung cấp dịch vụ lưu trú thoải mái, thân quen đối với khách doanh nhân. Hiện nay, ông đang điều hành hàng tá khách sạn như vậy ở Trung Quốc. Genting Group, một tập đoàn Hoa kiều nữa ở Malaysia, đang xây dựng một khách sạn sang trọng phục vụ Olympics mùa đông sẽ được tổ chức ở Trung Quốc vào năm 2022. Cùng với đó, Trung Quốc cũng thu mua hàng hoá từ Đông Nam Á, như cao su và dầu cọ, và thường là từ các tập đoàn Hoa kiều. Sinar Mas của Indonesia, điều hành bởi gia tộc Widjaja, là một trong những nhà cung cấp giấy lớn nhất cho Trung Quốc (tập đoàn này cũng bán mì ăn liền và thanh protein).
Ngày nay, Trung Quốc đang muốn tiến xa hơn, không dừng lại ở các loại mặt hàng cơ bản này, John Riady, người có ông nội, Mochtar, nhà sáng lập của Lippo (tập đoàn có một phần năm doanh thu từ thị trường Trung Quốc) cho biết. Riady, người đứng đầu một công ty con của tập đoàn chuyên về bất động sản, nói về một chương mới trong quan hệ giữa Trung Quốc và giới doanh nghiệp Hoa kiều giống gia tộc ông. Trung Quốc thèm muốn mở rộng đầu tư, đặc biệt là từ các công ty có công nghệ hiện đại. Và các tập đoàn Hoa kiều xem các mối liên hệ với Trung Quốc như là một nguồn cung cấp những ý tưởng mới.
Xây tổ
Hãy nhìn vào CP. Họ đã xây dựng một nhà máy chế biến gia cầm tân tiến, khổng lồ ở ngoại ô Bắc Kinh, nơi hàng triệu con gà được xử lý bằng robot. Suphachai Chearavanont, giám đốc điều hành (thế hệ thứ 3) của tập đoàn Thái Lan này, cho biết họ sẽ bỏ ra 400 triệu USD đầu tư cho các start-up Trung Quốc trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, dữ liệu và logistics. Lippo cũng có một ít cổ phần ở Tencent, gã khổng lồ internet của Trung Quốc.
Khi Trung Quốc ngày một giàu có, Hoa kiều cũng cố gắng mang tiền đầu tư từ Trung Quốc về nước mình. CP đã chốt thoả thuận với những tên tuổi lớn như China Mobile, tập đoàn đã mua cổ phần thiểu số trong một mạng di động của CP. Doanh nhiệp chuyên về thanh toán điện tử của CP có cổ đông là Ant Financial, công ty con của Alibaba, một người khổng lồ công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Ant cũng hợp tác với Emtek, một tập đoàn truyền thông nằm trong tay Eddy Sariatamadja, một Hoa kiều khác, để đầu tư vào các doanh nghiệp thanh toán và thương mại điện tử.
Dòng tiền từ Trung Quốc cũng chảy vào túi của thế hệ Hoa kiều mới. Các tập đoàn Grab và Sea, hai kỳ lân công nghệ có trụ sở ở Singapore được thành lập bởi các doanh nhân gốc Hoa, được hỗ trợ lần lượt bởi Didi Chuxing, một công ty gọi xe, và Tencent. Alibaba đã đầu tư vào Tokopedia, một công ty công nghệ Indonesia với các nhà sáng lập là Hoa kiều.
Trung Quốc cũng đang đổ tiền vào hạ tầng Đông Nam Á trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Tập Cận Bình. Hầu hết các dự án BRI được xây dựng bởi các công ty quốc doanh Trung Quốc nhưng vẫn còn đó nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nào nhạy bén ở nước sở tại. Ở Indonesia, nhà Riady đang hợp tác với các đối tác Trung Quốc để xây dựng một khu đô thị trị giá 18 tỉ USD ở ngoại ô Jakarta, nằm cạnh một dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc đang được lên kế hoạch xây dựng. Ở Myanmar, ông Pun của Yoma đang giám sát việc xây dựng một thành phố mới nằm ở ngoại ô thủ đô tài chính Yangon, với sự giúp đỡ của Trung Quốc. CP sẽ sớm bắt đầu lắp đặt những tuyến đường sắp khổ lớn mới ở Thái Lan cùng với Tập đoàn China Railway Construction Corporation. Mặc dù các nhà băng tư nhân Trung Quốc, theo lời của một tài phiệt, rất “bủn xỉn” trong việc cấp tiền cho các công ty ngước ngoài không phải của người Hoa vay tiền, nhưng có nhiều quy định khác được cho là sẽ áp dụng đối với các dự án yêu thích của ông Tập. Một dự án “được gắn mác BRI thì rất dễ được vay tiền”, ông Pun cho biết.
Những sáng kiến như vậy, và rộng hơn là mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, hiện đang thu hút nhiều sự chú ý, và không phải tất cả trong số đó đều tích cực. Người Hoa ở Đông Nam Á từ lâu đã mang tiếng ăn ở hai lòng. Sau khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, khi một số tập đoàn nợ nần chồng chất ngừng hoạt động làm gia tăng thất nghiệp, sự giận dữ đối với giới chóp bu giàu sụ, chủ yếu là Hoa kiều, có lúc sục sôi trở thành bạo lực. Năm 1998, lời kêu gọi của “những người bản địa Indonesia’ yêu cầu dẹp bỏ KKN – viết tắt của “tham nhũng (corruption), câu kết (collusion), và gia đình trị (nepotism)” trong văn nói thường nhật, đã dẫn đến các cuộc bạo động nhắm vào doanh nghiệp gốc Hoa.
May thay, các sự cố xấu xí kiểu này không còn phổ biến nữa. Nhưng sự giàu có của Hoa kiều tiếp tục gieo rắc lòng oán hận. Hệ thống quota và trợ cấp dành cho bumiputera (người Malay bản địa) ở Malaysia vốn hỗ trợ người nghèo Malay đã không thể ngăn được việc số đông người Hồi giáo phát động chiến dịch “mua hàng Hồi giáo” chống lại các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Hoa kiều vào năm ngoái. Đâu đó cùng thời điểm này, lực lượng an ninh Indonesia đã ngăn chặn một âm mưu đánh bom các trung tâm thương mại của người Hoa ở Jakarta. Khi khu vực đang gồng mình với suy thoái sâu do Covid-19 gây ra, cộng đồng gốc Hoa một lần nữa có thể sẽ trở thành đối tượng để trút giận.
Bên cạnh việc tránh phản ứng mạnh từ chính người dân nước mình đang sinh sống, giới tài phiệt Hoa kiều làm ăn với Trung Quốc cũng không được làm phật ý Bắc Kinh. First Pacific, tập đoàn tài chính thuộc sở hữu một phần bởi Salim Group, đã phải trả giá đắt cho bài học này khi Albert Del Rosario, một nhà cựu ngoại giao của Phillippines, bay đến Hong Kong vào năm ngoái để tham dự cuộc họp hội đồng quản trị công ty này. Là một người chỉ trích hệ thống chính trị Trung Quốc, Del Rosario đã không được nhập cảnh tại sân bay Hong Kong. Sau đó, ông đã từ chức thành viên hội đồng quản trị.
Trong thời gian bất ổn chính trị do biểu tình phản đối chính quyền Hong Kong thân Trung Quốc vào năm ngoái, trưởng gia tộc CP hiện nay (cha của Suphachai), Dhanin Chearavanont, đã làm một việc bất thường là chạy quảng cáo trên trang nhất ba tờ báo Hong Kong, lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ “bạo lực và bất ổn” nhiều tuần liên tiếp do biểu tình đường phố gây ra. Nhiều nhà tài phiệt Hong Kong cũng bị tác động và đưa ra các tuyên bố tương tự. Tuy nhiên, việc một người bình thường rất kín tiếng như ông Dhanin làm như vậy, và bản thân ông cũng gần như đã nghỉ hưu, có thể được xem như một minh chứng cho thấy việc giao thiệp với Trung Quốc hiện nay đã trở nên nhạy cảm đến mức nào.
“Chúng tôi đều cần một dạng chính sách đối ngoại để ứng phó với các nước lớn như Trung Quốc”, Riady nói, ngầm chỉ những gia tộc lớn ở Đông Nam Á như gia đình ông. Việc giữ cân bằng hợp lý giữa đất nước họ đang sống và đất nước tổ tiên ngày một trở nên phức tạp bởi những đòi hỏi của Tập Cận Bình đối với người Hoa ở nước ngoài. Văn phòng Hoa kiều gần đây đã được sáp nhập vào một đơn vị tuyên truyền thuộc Mặt trận Thống nhất, một tổ chức nhiều mờ ám của ĐCSTQ. Nhiều người đồn đoán rằng Tập muốn tạo ra sự mập mờ giữa Hoa kiều và người Trung Quốc đang sống ở nước ngoài. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Hoa kiều đã được giao trọng trách ở các cơ quan nhà nước Trung Quốc, như Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp). Các chính trị gia Đông Nam Á cũng đang lo lắng về các hoạt động gây ảnh hưởng từ Bắc Kinh.
Thực tế, mối quan hệ giữa nhà nước Trung Quốc và giới doanh nghiệp hải ngoại hầu hết là ngẫu nhiên, không thuộc một kế hoạch tổng thể. Chẳng hạn, nhiều nhà tài phiệt có gốc gác ở tỉnh miền Nam Phúc Kiến. Là cái tổ ong giao thương và là ‘thái ấp’ xưa của Tập Cận Bình trong thời gian Tập làm lãnh đạo tỉnh này, đây là nơi không thể tốt hơn để vun đắp các mối quan hệ làm ăn với doanh nghiệp và các nhà môi giới quyền lực chính trị Trung Quốc. Và, với mỗi người giàu tình cảm với Trung Quốc như Chearavanont, thì cũng có một nhà tài phiệt lên tiếng chỉ trích Trung Quốc, những người có tổ tiên phải bỏ xứ ra đi vì bị ngược đãi hoặc vì cách mạng Trung Quốc.
Một số tài phiệt nghĩ rằng việc có quan hệ với Trung Quốc sẽ giúp mọi thứ dễ dàng hơn. “Dĩ nhiên là có lợi”, có người nói như vậy. “Nó giúp xây dựng niềm tin. Sau tất cả thì chúng tôi đều là người Hoa”. Ông Yeo, người đã làm cho Kerry Logistics thuộc đế chế Kuok, cho rằng “doanh nghiệp gốc Hoa ở hải ngoại được hưởng lợi lớn từ sự tăng trưởng của Trung Quốc”.
Số khác thì không cho rằng gốc gác Trung Quốc sẽ tạo lợi thế trong kinh doanh, và họ xem bản thân mình là người Indonesia hoặc người Malaysia. Yếu tố người Hoa hiếm khi là nguyên nhân chính để một công ty nước ngoài kiếm tiền thành công ở Trung Quốc còn công ty khác thì không, Marleen Dieleman, một học giả về các gia tộc kinh doanh tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết.
Bay rời tổ
Thực tế, hầu hết Hoa kiều là người rất thực tế, xem lịch sử gia đình gốc Hoa hữu dụng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Nhiều người đang nghĩ vượt ra ngoài Trung Quốc. Các tập đoàn Hoa kiều đã trở nên gắn kết chặt vào nền kinh tế thế giới. Ông Supachai cho biết CP đang thuê 325.000 công nhân ở 21 quốc gia, và đã không còn tuyển người điều hành chủ yếu từ khu Phố Tàu sầm uất ở Bangkok nữa mà từ các trường đại học danh giá của Mỹ và Trung Quốc. Ông khoe các mối quan hệ làm ăn với Nhật Bản và Anh. CP cũng đang mở rộng kinh doanh ở quê nhà. Vào tháng 3, CP mua Tesco của Thái Lan và các siêu thị ở Malaysia trị giá 10,6 tỉ USD. Còn Riady nói rằng Lippo ngày nay có thể được so sánh với các tập đoàn đa quốc gia như Ford hay Goldman Sachs, các tập đoàn ăn nên làm ra ở Trung Quốc mà không cần bất cứ gắn kết về văn hoá nào.
Quan trọng hơn trong lúc này là nhiều trưởng tộc sắp qua đời. Thế hệ trẻ hơn, chủ yếu được học ở Mỹ và nói bập bẹ tiếng Hoa phổ thông, có thể cảm thấy khó khăn hơn trong việc khéo léo cân bằng những đòi hỏi đến từ đất nước của tổ tiên họ và nơi họ đang sống. Tuy nhiên, hậu duệ của các đế chế Hoa kiều được thừa hưởng những mối quan hệ và thường là cả sự nhạy bén trong kinh doanh, cũng như sự thận trọng. Người sáng lập Salim Group, đã mất năm 2012, thích trích dẫn một câu ngạn ngữ Trung Quốc là “cây cao thì hứng gió”. Một khi ảnh hưởng của Trung Quốc như một cơn gió thổi mạnh khắp Đông Nam Á, các đế chế thương mại Hoa kiều càng cần chú ý hơn với đế chế kinh doanh của mình./.