Tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi ngày càng bị gạt ra bên lề thị trường 5G châu Âu

Tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi ngày càng bị gạt ra bên lề thị trường 5G châu Âu

July 13, 2020

\"\"

Theo tiết lộ của báo chí Anh vào hôm qua, 12/07/2020, tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi vừa xin được gặp khẩn cấp thủ tướng Anh Boris Johnson để bàn về một thỏa thuận theo đó Luân Đôn sẽ dời ngày loại bỏ Hoa Vi ra khỏi mạng 5G của Anh Quốc qua sau cuộc bầu cử Quốc Hội… vào tháng 6 năm 2025. 

Theo tuần báo Anh Sunday Times, Hoa Vi hy vọng là với một chính phủ mới hình thành sau cuộc bầu cử, Anh Quốc có thể đảo ngược quyết định chống tập đoàn Trung Quốc.

Cố gắng giờ chót trên đây của Hoa Vi được đưa ra hai hôm sau khi báo chí Anh ngày 10/07, tiết lộ là Luân Đôn sắp yêu cầu các doanh nghiệp loại bỏ hoàn toàn các thiết bị của Hoa Vi trong hệ thống mạng viễn thông 5G của Anh.

Trước đó, đã có tin là Hoa Vi có nguy cơ bị loại trong thực tế khỏi cuộc đua xây dựng mạng lưới 5G tại Pháp, cũng như việc tập đoàn Trung Quốc bị Telecom Italia (TIM), công ty viễn thông hàng đầu tại Ý, gạt ra khỏi cuộc đấu thầu cung cấp thiết bị cốt lõi cho mạng 5G mà TIM đang chuẩn bị xây dựng ở Ý và Brazil.

Luân Đôn sẽ cấm hoàn toàn các thiết bị của Hoa Vi?

Trong số các tin xấu dồn dập đổ ập lên đầu Hoa Vi, tệ hại nhất chính là thay đổi thái độ dứt khoát của Luân Đôn, sắp quyết định cấm hoàn toàn các thiết bị của Hoa Vi trong hệ thống 5G Anh Quốc.

Ấn bản Pháp của tờ báo Mỹ Forbes ngày 10/07/2020 đã tiết lộ nội dung một bản phúc trình được nhật báo Anh Telegraph tiết lộ, theo đó thì từ nay đến cuối năm, chính quyền Luân Đôn sẽ không chỉ không cho Hoa Vi tham gia vào mạng lưới 5G tại Vương Quốc Anh, mà còn cho dỡ bỏ toàn bộ các thiết bị Hoa Vi đã được cài đặt.

Đây là một thay đổi chính sách lớn của thủ tướng Anh Boris Johnson, sau khi cơ quan tình báo điện tử Anh Quốc GCHQ “điều chỉnh” đánh giá của họ trước đây vốn cho rằng nước Anh hoàn toàn có thể quản lý được mọi rủi ro về bảo mật liên quan đến các sản phẩm của Hoa Vi.

Theo một số nguồn tin được tờ Telegraph trích dẫn, thì báo cáo mới nhất của Trung Tâm An Ninh Mạng Quốc Gia NCSC, thuộc GCHQ đã kết luận rằng các lệnh trừng phạt của Washington cấm Hoa Vi sử dụng linh kiện do Mỹ sản xuất sẽ buộc tập đoàn Trung Quốc dùng đến những công nghệ thay thế “không đáng tin cậy”, khiến cho rủi ro mà Hoa Vi gây ra không thể quản lý được nữa.

Trong tình hình đó, chính quyền Anh đã chuẩn bị những đề nghị nhằm ngăn chặn việc cài đặt thêm thiết bị Hoa Vi trên mạng 5G ngay trong vòng sáu tháng tới đây, cũng như đề ra các kế hoạch tăng tốc việc loại bỏ thiết bị Hoa Vi đã được lắp đặt trên đất nước.

Các biện pháp dự kiến nói trên được cho là dứt khoát hơn hẳn so với quyết định hồi tháng 1/2020, chỉ giới hạn vai trò của Hoa Vi ở mức 35% hệ thống mạng 5G của Anh Quốc, và không sử dụng thiết bị Hoa Vi trong các bộ phận nhạy cảm nhất của hệ thống.

Pháp mặc nhiên loại Hoa Vi ra khỏi cuộc chơi

Không chỉ có Anh Quốc sẽ quyết định “tẩy chay” Hoa Vi, mà Pháp cũng đi theo chiều hướng này, trong một động thái rất được chú ý do vai trò quan trọng của Paris trong Liên Hiệp Châu Âu.

Trả lời phỏng vấn nhật báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 06/07, ông Guillaume Poupard, tổng giám đốc Cơ Quan An Ninh Quốc Gia về Các Hệ Thống Thông Tin Anssi, một mặt khẳng định Pháp “sẽ không cấm hoàn toàn” tập đoàn công nghệ Trung Quốc tham gia thị trường mạng 5G tại Pháp, nhưng một mặt khác lại nhấn mạnh là các nhà cung cấp viễn thông muốn dùng công nghệ Hoa Vi thì sẽ phải xin phép sử dụng với “thời hạn từ ba năm đến tám năm” tùy theo trường hợp.

Hiện nay, trong số 4 tập đoàn viễn thông lớn tại Pháp, chỉ có hai tập đoàn SFR và Bouygues Telecom là dùng công nghệ Hoa Vi, trong lúc Free, và nhất là Orange, tập đoàn lớn nhất nước Pháp, thì chọn Nokia hay Ericsson, hai đối thủ châu Âu của Hoa Vi.

Về lý thuyết, thiết bị 5G của Hoa Vi không bị cấm, nhưng giấy phép có hiệu lực từ 3 đến 8 năm là một trở ngại cho các nhà cung cấp viễn thông Pháp, vì phải cần đến khoảng 8 năm để có thể khấu hao đầu tư trang thiết bị. Và như vậy, theo nhật báo Tây Ban Nha ABC, được tuần báo Pháp Courrier International ngày 10/07 trích dẫn, hạn chế về thời gian khai thác sẽ khiến các nhà cung cấp viễn thông Pháp chùn bước và chuyển sang Ericsson hoặc Nokia, hai đối thủ của tập đoàn Trung Quốc.

Nỗi lo ngại lớn nhất: Hoa Vi phục vụ chế độ Bắc Kinh làm gián điệp

Dĩ nhiên là công nghệ Hoa Vi rẻ hơn công nghệ của các tập đoàn châu Âu, nhưng những cáo buộc và nghi ngờ về khả năng Hoa Vi làm gián điệp cho chế độ Bắc Kinh không làm cho các nước khác an tâm.

Đối với tờ báo Tây Ban Nha, trong tư thế là nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực sử dụng đồng Euro, lại có một vị trí chiến lược ở trung tâm quyền lực châu Âu, quyết định của Pháp trên vấn đề Hoa Vi có khả năng khiến cho toàn bộ các nước châu Âu loại bỏ Hoa Vi trong việc lắp mạng lưới 5G trên lãnh thổ của mình.

Tập đoàn viễn thông số một của Ý tẩy chay Hoa Vi

Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hãng tin Anh Reuters ngày 09/07 đã trích dẫn hai nguồn thạo tin cho biết là tập đoàn viễn thông lớn nhất của Ý là Telecom Italia – tên tắt là TIM – đã quyết định loại bỏ tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi trong danh sách được quyền tham gia cuộc đấu thầu cung cấp thiết bị 5G cho phần mạng lõi mà họ đang chuẩn bị triển khai tại Ý và Brazil.

Hoa Vi hiện không tham gia vào việc xây dựng bộ phận cốt lõi trong mạng 5G của TIM ở Ý, nhưng việc bị loại có thể tác hại nặng đến công việc kinh doanh của Hoa Vi tại Brazil nơi mà tập đoàn TIM Participacoes chi nhánh của Telecom Italia đang dùng thiết bị Hoa Vi cho phần cốt lõi trong mạng 4G của họ.

Theo Reuters, tập đoàn viễn thông Ý đã có động thái như trên vào lúc chính quyền Rôma đang xem xét khả năng loại Hoa Vi ra khỏi danh sách các nhà thầu xây dựng mạng 5G tại Ý vì lo ngại thiết bị của tập đoàn Trung Quốc này có thể gián tiếp cho phép Trung Quốc do thám các cơ sở hạ tầng quan trọng của phương Tây.

Thái độ hù dọa các nước chống Hoa Vi của Bắc Kinh phản tác dụng

Theo giới quan sát, thái độ của chính quyền Trung Quốc trong những tháng gần đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các động thái “tẩy chay” Hoa Vi từ phía các quốc gia phương Tây.

Nguyên nhân chính của các quyết định không dùng thiết bị Hoa Vi trong việc xây dựng các hạ tầng cơ sở cho mạng 5G là mối lo ngại là tập đoàn Trung Quốc có thể giúp Bắc Kinh “làm gián điệp”.

Hoa Vi luôn luôn tự nhận mình là một công ty thương mại đơn thuần, độc lập với chính quyền, và khẳng định là họ sẵn sàng từ chối các yêu cầu từ phía chế độ Bắc Kinh khi bị buộc phải giao nộp thông tin.

Vấn đề là trước các trở ngại mà Hoa Vi gặp phải, chính quyền Trung Quốc đã không ngần ngại đứng ra bênh vực tập đoàn của mình, thậm chí còn đe dọa các nước dám làm khó Hoa Vi, cho thấy đây không phải là một tập đoàn bình thường.

Ví dụ gần đây nhất là việc ông Lưu Hiểu Minh, đại sứ Trung Quốc tại Anh, ngày 06/07, đã không ngần ngại cho rằng, việc cấm Hoa Vi tham gia vào việc phát triển mạng 5G của Anh sẽ gây tổn hại cho quan hệ song phương, và Luân Đôn sẽ phải “gánh chịu hậu quả”.

Cùng ngày, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng lên tiếng bày tỏ thái độ bất bình trước ý định của Pháp đối với Hoa Vi cho dù Paris chưa có thông báo chính thức.

Vào cuối năm ngoái, 2019, đại sứ Trung Quốc tại Berlin cũng đã đe dọa là Bắc Kinh sẽ có biện pháp trả đũa đánh vào ngành ô tô Đức nếu nước này cấm các thiết bị mạng 5G của tập đoàn công nghệ Hoa Vi.

Theo RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment